Theo chuyên gia, cần làm rõ thông tin thầy giáo gạ tình nữ sinh có chính xác không. Tùy kết quả xác minh, người tung tin hoặc thầy giáo sẽ bị xử lý theo quy định.
Ngày 27/10, hình ảnh đoạn tin nhắn giữa hai người được cho là ông N.N.M. (giảng viên) và sinh viên Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp lan truyền trên mạng. Theo nội dung tin nhắn, H. là nữ sinh viên năm cuối, còn nợ một môn nên nhờ thầy tạo điều kiện cho thi lại. Trong cuộc trò chuyện, thầy M. gợi ý gặp nữ sinh tại khách sạn kèm cam kết không để lộ chuyện.
Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp sau đó đã yêu cầu ông M. giải trình, đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh vụ việc. Nếu kết quả xác minh cho thấy có sai phạm, những người liên quan trong vụ việc có thể bị xử lý ra sao?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp
Sự việc trên làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ thầy trò cũng như làm gia tăng nghi ngờ về những tiêu cực, khuất tất trong nền giáo dục. Cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương vào cuộc, xác minh và xử lý theo quy định nếu có vi phạm.
Nếu xác định ông M. có hành vi thiếu tư cách, có lối sống, hành vi ứng xử không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, người thầy cần bị kỷ luật nghiêm, thậm chí loại trừ khỏi môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự việc khách quan. Nếu thực tế người thầy không có hành vi như vậy, cơ quan chức năng cần xử phạt những cá nhân tung tin sai sự thật, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân.
Cuộc trao đổi được cho là giữa giảng viên và sinh viên Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp lan truyền trên mạng xã hội. |
Trong bản tường trình gửi lãnh đạo trường, ông M. khẳng định không có việc nhắn tin như vậy với nữ sinh và không sử dụng tài khoản Zalo như các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.
Do đó, cơ quan chức năng cần xác minh thông tin từ phía nào là chính xác. Quá trình xác minh, nếu có căn cứ cho thấy có người đã đăng tin sai sự thật nhằm câu like, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cá nhân thì người đăng tin sẽ bị xử phạt về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt áp dụng với hành vi này là 10-20 triệu đồng.
Nếu hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngược lại, nếu kết quả xác minh cho thấy sự việc có thật, thanh tra giáo dục sẽ vào cuộc và kết hợp với Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp có hình thức xử lý kỷ luật đối với giảng viên này theo quy định của pháp luật về kỷ luật viên chức.
Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có thể áp dụng là khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc.
Ngoài ra, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguồn: News.zing.vn