Nếu yêu thích “Aladdin và cây đèn thần” – câu chuyện thần thoại xứ Ba Tư, bạn có thể ghé thăm các nhà thờ, chợ thảm của Iran.
Theo Every Culture xứ sở Ba Tư hay Iran ngày nay là điểm đến du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nền văn hóa đa dạng và 23 di sản thế giới UNESCO. Là một quốc gia ở Tây Á, Iran sở hữu sa mạc rộng lớn, những bãi biển và cả dãy núi phủ tuyết trắng.
Phần lớn dân số ở Iran theo đạo Hồi Shi’ah và ngôn ngữ chính được sử dụng ở quốc gia này là tiếng Ba Tư. Trên ảnh là đền Hilal ibn Ali ở thành phố Aran va Bidgol, tỉnh Isfahan, Iran. Ảnh: Pinterest.
Thủ đô Tehran
Ôm vào sườn dốc của dãy núi tuyết phủ Alborz, Tehran là thành phố lâu năm và năng động nhất ở Iran. Khi được chọn là thủ đô hơn 200 năm trước, Tehran đã phát triển từ một thành phố nhỏ để trở thành một đô thị lớn. Địa hình thành phố phía bắc dẫn đến khu vực núi và phía nam tiếp giáp sa mạc. Khí hậu có hai nửa đối lập, một bên mát mẻ, khô ráo và một bên có thời tiết nóng, khô.
Tehran là sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại với các di tích lịch sử, đền thờ Hồi giáo và những kiến trúc tráng lệ. Đến thủ đô văn hóa của Iran, du khách có thể điểm tham quan tháp Tughrul, đền lửa Bahram, quảng trường Azadi, đền Bibi Shahr Banu và trượt tuyết ở núi Dizin. Ảnh: Travel Earth.
Thành phố Isfahan
Được coi là trung tâm của hàng thủ công mỹ nghệ dân gian, Isfahan là thành phố lớn thứ ba ở Iran với hơn 1,5 triệu dân. Thành phố cũng là nơi tập trung những nghệ nhân chuyên nghiệp nhất của quốc gia với hơn 167 ngành nghề như dệt thảm, rèn kim, làm gốm, sứ và thiết kế hoa văn. Trong thành phố có ít nhất 9.000 xưởng và doanh nghiệp thủ công, nghệ thuật dân gian, phần lớn đều nằm tại quảng trường Naqsh-e Jahan, di sản thế giới UNESCO năm 1979.
Hàng năm Isfahan vẫn thường tổ chức những sự kiện như Lễ hội Di sản văn hóa quốc tế để quảng bá hình ảnh của thành phố trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật. Trong ảnh là đền thờ hồi giáo Jameh Mosque ở thành phố Isfahan. Ảnh: Huffington Post.
Di tích Pasargadae
Được thành lập vào thế kỷ thứ 6 TCN ở vùng trung tâm của Ba Tư (tỉnh Fars, Tây Nam Iran ngày nay), Pasargadae là thủ đô đầu tiên của đế chế Achaemenid. Thành phố được thành lập bởi Cyrus đại đế cùng sự góp sức của các dân tộc khác nhau. Các di tích còn sót lại như cung điện, khu vườn cũng như lăng mộ vua Cyrus là bằng chứng nổi bật về giai đoạn phát triển nghệ thuật, kiến trúc hoàng gia Achaemenid. Ảnh: Gravity.
Thành phố Shiraz
Mệnh danh là trung tâm văn hóa Ba Tư trong suốt hơn 2.000 năm, Shiraz từng là một trong những thành phố Hồi giáo vĩ đại nhất thời trung cổ và là thủ đô của Iran dưới triều đại Zand (1747-1779). Nằm trong thung lũng với những vườn nho nổi tiếng, khí hậu của Shiraz dễ chịu. Tuy nhiên mùa hè ở thành phố ẩm ướt và mùa đông có tuyết rơi.
Trong ảnh là đền thờ hồi giáo Nasir al-Mulk hay còn gọi là đền thờ Hồi giáo màu hồng, đền thờ kính vạn hoa ở Shiraz. Kiến trúc của ngôi đền được thiết kế để chào đón bình minh. Khi ánh nắng xuyên qua những ô cửa kính và phản chiếu xuống nền đất, những bức tường, đền thờ trông giống một bức tranh cầu vồng đầy sắc màu. Ảnh: Dream One.
Di sản Persepolis
Là một trong ba di sản thế giới UNESCO đầu tiên của Iran vào năm 1979, Persepolis với tên địa phương Takhte Jamshid là thủ đô nghi lễ của đế chế Achaemenid cổ đại vào thế kỷ thứ 5 TCN, theo Culture Trip.
Persepolis được thành lập và xây dựng dưới thời Cyrus Đại đế, vua Darius I và vua Xerxes. Tàn tích còn sót lại của nền văn minh cổ đại Ba Tư này là những cung điện cũ, ngôi mộ đá, những chiếc cột và vô số bức phù điêu mô tả cuộc sống của các tộc người từng sinh sống ở đó. Leo lên những bậc thang và đi qua cánh cổng của các dân tộc, du khách sẽ hình dug được khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ của đế chế cổ. Ảnh: Odyssey Traveller.
Sa mạc Maranjab
Với những cồn cát khổng lồ, hồ muối và quang cảnh màn đêm ấn tượng, Maranjab là một trong những sa mạc nổi tiếng nhất của Iran. Cách thành phố Kashan khoảng 60 km về hướng đông bắc, sa mạc Maranjab nằm ở phía bắc thành phố Aran va Bidgol, tỉnh Isfahan. Mặc dù có môi trường khắc nghiệt, Maranjab vẫn là nơi ở của những loài rắn, thằn lằn, đại bàng và thực vật ưa muối.
Nằm giữa trung tâm sa mạc là hòn đảo được bao quanh bởi muối. Hòn đảo không hề cố định và liên tục di chuyển, vì vậy nó có tên là đảo lang thang. Khi ngắm nhìn như xa, hòn đảo trông giống như một con tàu khổng lồ giữa biển cát. Ảnh: CNN.
Bảo tàng thảm
Theo Apochi, nghề dệt thảm ở Iran có nguồn gốc từ thời đại đồ đồng, khoảng 5.000 năm TCN. Ở Iran có nhiều loại thảm khác nhau như Kilim, Ghaliche với nhiều hình dạng, màu sắc và chất liệu. Những hình ảnh trên các tấm thảm đều có ý nghĩa biểu tượng, đôi khi là những câu chuyện về huyền thoại Ba Tư, đặc trưng văn hóa của các nhóm dân tộc hay những khung cảnh tự nhiên của Iran. Ở đây, dệt thảm không phải là một công việc, mà là một nghệ thuật, loại thảm tốt nhất là loại được dệt thủ công.
Bảo tàng thảm Iran, thủ đô Tehran có hai hội trường chính, một nơi để trưng bày hơn 150 loại thảm Ba Tư và một để triển lãm theo mỗi mùa khác nhau. Bảo tàng thảm được khai trương vào ngày 11/2/1978 với mục đích phát triển nghệ thuật dệt thảm và lưu giữ những loại thảm khác nhau trên cả nước. Do đó, bảo tàng là nơi phù hợp dành cho du khách yêu thích khám phá văn hóa và nghệ thuật của quốc gia này. Ảnh: Irana Culture.
Ngọn núi cao nhất Iran
Nằm ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển, khu trượt tuyết Darbandar nằm ở ngọn núi cao nhất Iran, Damavand, dãy Alborz. Cách thủ đô Tehran khoảng một giờ lái xe, khu trượt tuyết là điểm đến yêu thích của người dân Iran và du khách nước ngoài. Từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm, Darbandar (cánh cổng của những ngọn núi trong tiếng Ba Tư) mở cửa cho du khách leo núi và trượt tuyết. Ảnh: Aljazeera.
Chợ Tabriz
Nằm ở vị trí quan trọng dọc theo con đường tơ lụa, Tabriz từ lâu đã là một trung tâm thương mại quan trọng của Iran. Tabriz là một trong những khu chợ lâu đời nhất ở Trung Đông, và trở thành di sản thế giới UNESCO năm 2010.
Ở Tabriz, các khu hàng liên kết với nhau bởi những con đường mê cung, khu nhà lát gạch đỏ. Tuy nhiên, phần nổi bật nhất ở Tabriz là chợ thảm, nơi những người bán hàng bận rộn may vá, sắp xếp hàng hóa và trò chuyện bên những tách trà. Ảnh: Culture Trip.
Lan Hương
Nguồn: Vnexpress.net