Xuôi dòng sông Son

0
Xuôi dòng sông Son

Khách du lịch đến Quảng Bình, hầu như ai cũng ngược dòng sông Son để thăm động Phong Nha. Chúng tôi thì ngược lại, thích xuôi về hạ nguồn để được tận hưởng cảm giác khoan khoái, trong lành dòng sông mang lại.

Sông Son trong sương sớm.

 

Sông Son tựa như dải lụa ôm lấy làng mạc, bãi bờ xanh ngút ngàn. Dòng sông ấy đang được “đánh thức” bằng một tua du lịch đường thủy đầu tiên tại Quảng Bình. Ðến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh nên thơ, yên bình của miền Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

 

Huyền tích về dòng sông đẹp

 

Sông Son khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy qua hệ thống hang động, hình thành nên nhiều dòng sông ngầm nhỏ rồi hợp lưu với sông Chày, uốn lượn quanh co qua những ngôi làng yên bình, những đồi ngô xanh mướt trước khi hòa vào sông mẹ là dòng sông Gianh. Nhiều lần ngược sông Son, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, sao dòng sông trong xanh, mềm mại này lại mang tên là Son, tên gọi sông Son có từ bao giờ? Hỏi nhiều người nhưng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cho đến một ngày trên bến Xuân Sơn, tôi được người lái thuyền già tên Tự kể cho nghe các huyền tích về dòng sông.

 

Xa xưa, trong một ngôi làng ven sông có đôi trai gái yêu nhau nhưng không được cha mẹ chấp thuận vì hai gia đình không môn đăng hộ đối. Thuyết phục mãi không được, họ cùng quyên sinh trên sông để được mãi mãi gần nhau, điều đó cũng như một sự phản kháng trước hủ tục. Tiếc thương và khâm phục sự thủy chung son sắt của đôi trẻ, dân làng đặt tên cho dòng sông là sông Son. Thêm một huyền tích khác. Năm xưa, tại nơi này diễn ra cuộc binh đao ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân của Nguyễn Ánh, khiến nước sông nhuốm đỏ. Cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ Tây Sơn, người làng đặt tên cho dòng sông là sông Son để tưởng nhớ sự kiện bi tráng ấy. Ông Tự cũng cho biết, có người không tin các huyền tích này mà cho rằng, do nước sông về mùa mưa lũ mang mầu đỏ đục nên người dân gọi là sông Son…

 

Sông Son thường chỉ đục ít hôm mưa lũ, còn lại quanh năm nước sông xanh ngăn ngắt, soi bóng những dãy núi đá vôi khổng lồ và chiếc cầu Xuân Sơn lừng lững. Do chảy ngầm từ sâu trong hệ thống hang động nên nước sông Son mát lạnh đến lạ kỳ. Càng về xuôi, sông Son càng rộng, thanh thoát, thoải mái, uốn lượn trước khi hòa vào dòng sông mẹ. Từ Phong Nha về xuôi chừng năm cây số, sông Son mang dòng nước ngọt tưới tắm cho xóm làng, bờ bãi tạo nên các làng quê trù phú, cánh đồng ngô, đậu tốt tươi. Càng gần cuối nguồn, nước bị nhiễm mặn, sông Son như thu mình lại, không còn khoáng đạt mà thâm u hơn, cung cấp môi sinh và phù du cho nhiều loại cá nước lợ sinh sống. Vì thế đoạn cuối trước khi hòa vào dòng Gianh, trên sông Son cơ man nào là rớ giàn (dụng cụ bắt cá kiểu như vó nhưng diện tích rộng hàng chục mét vuông, được điều khiển bằng tời sử dụng điện). Mỗi khi quay rớ, đoạn sông huyên náo hẳn lên, cá tươi lấp lánh trong sương sớm hoặc chiều tà tạo nên khung cảnh vui nhộn. Từ đây, các loại cá ngon được bà con xuôi thuyền đưa về chợ hoặc ngược dòng sông Son lên bán ở trung tâm du lịch Phong Nha.

 

Con thuyền đưa chúng tôi chạy dọc theo dòng sông, qua những xóm làng bình yên với những tháp chuông nhà thờ cao vút lẩn khuất trong sương sớm. Cuối xuân, sông Son đẹp như một bức tranh thủy mặc. Hoa vàng anh nở đỏ rực trên những ngọn núi đá vôi “ăn” sát ra bờ sông. Trước hiên những ngôi nhà nhỏ nơi bến sông quê, hoa xoan tím rơi như rây hạt. Hai bên triền sông là những bãi ngô cao quá đầu, xanh ngút tầm mắt. Hoa xuyến chi xao xuyến nở trắng bờ sông. Vài bạn trẻ dắt nhau giữa triền hoa nghiêng mình làm dáng chụp ảnh. Trên sông, ngoài thuyền du lịch ngược xuôi đưa khách tham quan động Phong Nha còn có những con thuyền nhỏ của người dân chài lưới. Nhiều hơn cả là thuyền vớt rong để làm thức ăn cho cá nuôi lồng. Bến sông về phía thượng nguồn là nơi vẫy vùng, vui đùa của lũ trẻ.

 

Ngắm sông, thăm làng nghề

 

Sông Son nên thơ là thế, đẹp là thế song vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, tựa như một “công chúa” ngủ lâu trong rừng chưa có “hoàng tử” nào đánh thức. Chuyến xuôi dòng sông Son để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc và kỳ vọng dòng sông này sớm trở thành một địa chỉ du lịch được đầu tư bài bản. Mang sự kỳ vọng này trao đổi với một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, chúng tôi nhận được sự tán thành cao. Tỉnh đang cân nhắc thời điểm mở tua và tìm đơn vị có kinh nghiệm trong phát triển du lịch để kêu gọi đầu tư. Bởi nếu đầu tư, thiếu tính toán sẽ gây lãng phí, thậm chí còn làm ô nhiễm dòng sông. Sự cân nhắc thận trọng này là rất cần thiết.

 

Với mong muốn mang lại những khám phá, trải nghiệm mới, giúp du khách có thêm sản phẩm du lịch mới khi đến với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định mở tua du lịch khám phá sông Son và thăm các làng nghề ven sông. Ðây là tuyến du lịch đường sông đầu tiên được khai thác tại Quảng Bình, hứa hẹn mang lại nhiều hấp dẫn cho du khách.

 

Công ty Oxalis với cách làm du lịch chuyên nghiệp trong việc thực hiện tua khám phá hang động lớn nhất thế giới – Sơn Ðoòng và nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu góp phần nâng tầm du lịch Quảng Bình, quyết định mở tua khám phá sông Son và trải nghiệm làng nghề. Tổng Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á chia sẻ: “Chúng ta có con sông rất đẹp với nhiều hoạt động trên sông sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Việc đưa ra một sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu của những du khách muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương là rất cần thiết. Chỉ một thời gian ngắn chuẩn bị, tua du lịch mới của Oxalis với cái tên ngồ ngộ “Ði đi thôi” gây ngạc nhiên cho nhiều người.

 

Lần đầu được trải nghiệm tua du lịch đường sông này, chúng tôi thấy rất thú vị. Cái hay là ở chỗ, khách vừa được ngắm dòng sông trong tinh mơ buổi sáng đến khi ánh chiều lọt qua mắt rớ giàn mới trở về, vừa được chứng kiến các hoạt động thường ngày của người dân, vừa thăm các ngôi làng bên sông trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang, thưởng thức đặc sản của các làng nghề. Chưa hết, trên hành trình trở về bến xuất phát, khách rời du thuyền để cùng đạp xe qua những con đường làng với những cánh đồng ngô thẳng tắp, non xanh đang trổ cờ. Du khách được tận hưởng không khí trong lành của dòng sông Son thơ mộng, của đồng quê lúc chiều tà để hòa mình vào khung cảnh nên thơ, yên bình của miền Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

 

Vợ chồng Kenvin đến từ Bỉ cho biết, sau chuyến khám phá hang Rục Làn ở Tân Hóa, họ tham gia tua du lịch đường sông. “Ðược đi trên sông và ngắm nhìn cảnh vật ở đây chúng tôi rất thích thú. Mọi thứ tuyệt đẹp, con người thân thiện” – Kenvin nói. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng đánh giá cao tiềm năng và cách khai thác tua du lịch khám phá này. Ðồng chí cho rằng, thời gian tới cần làm tốt việc kết nối với người dân – chủ thể các làng nghề – để tạo thêm thu nhập cho họ thông qua việc mua bán các sản vật địa phương và sản phẩm của làng nghề đối với doanh nghiệp làm du lịch và du khách.

 

Dòng Son mang trong mình nhiều huyền tích, từng là “tọa độ lửa” trong những năm chống đế quốc Mỹ nay đang được đánh thức để trở thành một điểm du lịch mới thu hút du khách khi đến với “vương quốc hang động” Quảng Bình. Ðồng thời, từ đó giúp người dân địa phương mở ra hướng phát triển kinh tế mới là nuôi cá đặc sản trên sông Son và làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn