(Dân trí) – Nghe danh “Venice phương Đông” đã lâu cùng ước nguyện “một lần được đến Lệ Giang” của bao đôi lứa yêu nhau… nhóm du khách Việt chúng tôi càng ngất ngây trước vẻ đẹp như thực như mơ của miền đất thấm đẫm chất hoài cổ này.
Thành phố bốn mùa xuân Côn Minh rực rỡ sắc hoa cùng những hàng cây ngô đồng xào xạc trong gió thu đã lùi xa, xe chở chúng tôi lên cao dần lướt qua những khung cảnh rộng lớn đậm sắc thu êm ả được viền quanh bởi núi tiếp núi trùng trùng điệp điệp.
Thành cổ Lệ Giang hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ đẹp cổ kính làm xiêu lòng du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù một phần ba Lệ Giang đã bị phá hủy bởi trận động đất cách đây hơn 20 năm (tháng 2/1996), đô thị cổ bao gồm ba khu vực Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa vốn đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ tháng 12/1997 này vẫn là điểm đến rất thu hút du khách.
Quả không hổ danh Đại nghiên cổ trấn xưa và Venice của phương Đông hôm nay, Lệ Giang trong gió sớm ngày cuối thu tháng 10 đẹp mơ màng như một thiên kim tiểu thư Trung Quốc đang bước ra từ những vở kịch hoặc bộ phim cổ trang về thời kỳ cuối đời Tống, đầu đời Nguyên.
Ai cũng muốn ghi lại khoảnh khắc đắm mình trong bầu không khí trong lành bên gốc liễu thả từng chùm lá thướt tha, bên những cây cầu gỗ cong cong bé xíu bắc qua dòng kênh hẹp nước trong vắt có thể nhìn thấy rõ làn rêu xanh dập dờn cùng sóng nước lăn tăn…
Trang phục của cư dân Lệ Giang cũng rất ấn tượng. Phục sức của người dân tộc Bạch (Bai), Nạp Tây (Naxi) hay Tạng cổ xưa hay có phần hiện đại hóa hơn một chút ngày nay đều rực rỡ với các loại phụ kiện độc đáo tạo nên sóng nhạc lúc thì rộn rã, lúc du dương theo mỗi bước chân các thiếu nữ yêu kiều, má ửng hồng màu táo chín…
Du khách ai cũng thích thú và muốn nhún nhảy theo những màn trình diễn các vũ điệu Naxi trước mỗi cửa hiệu, quán ăn hay trên quảng trường lát đá phiến nâu đen, bao quanh bởi những dãy tường đẹp như những bức họa.
Các trò chơi dân gian cũng như những nghề thủ công truyền thống xưa của người Naxi như thêu, dệt, đúc đồng, chạm bạc, thuộc da và lông thú, ta đều có thể tận mắt chứng kiến cách làm ngay trước cửa những quán hàng nho nhỏ.
Các món ăn địa phương thì hoặc là du khách có thể thưởng thức trong những quán hàng nằm sâu trong ngõ nhỏ yên tĩnh, hoặc cảm nhận vị nóng sốt ngay bên bếp lò rán bánh, luộc ngô, nướng khoai kiểu xưa, quầy lưu động bán kẹo kéo, kẹo lúa mạch trăng trắng, vàng vàng thơm phức, kẹo hồ lô đỏ chót trong veo…
Làm kẹo kéo trước cửa hàng trên phố cổ Lệ Giang
Người phụ nữ mặc trang phục Naxi truyền thống bán ngô luộc trong ngõ hẻm.
Đã đến Lệ Giang không ai có thể bỏ qua màn trình diễn “Tống thành: Lệ Giang thiên cổ tình” hoành tráng và ấn tượng của đạo diễn tài năng đang rất nổi tiếng Hoàng Khảo Linh.
Và để thả bộ qua hết được 354 cây cầu với mật độ trung bình 93 cầu/1 km² vắt qua dòng sông nhỏ thơ mộng Ngọc Hà e rằng chúng ta cần tới cả tuần mới thực hiện được, bởi mỗi cây cầu đều là một địa điểm lưu luyến bước chân như đưa du khách “xuyên không” về với dĩ vãng…
Xúc cảm hoài cổ với Lệ Giang cũng như với thành cổ Đại Lý – nơi từng là phim trường của rất nhiều bộ phim Trung Quốc, nổi tiếng nhất là Thiên Long Bát bộ. Đặc biệt là với điểm nhấn Tam Tháp Đại lý với ba tòa tháp tựa như ba thanh kiếm báu hướng lên bầu trời và chùa Sùng Thánh được xây dựng từ đời Đường hơn 1.200 năm trước.
Và tại thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam là Chùa Đồng Kim Điện – ngôi chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng xanh, nặng 250 tấn cùng quả chuông đồng nặng 14 tấn…
Chùa Đồng Kim Điện
Chặng về qua thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, du khách đừng quên thưởng thức món nhúng Bún Qua cầu rất ngon có xuất xứ từ một câu chuyện cảm động về tấm lòng người vợ nuôi chồng ăn học thành tài từ ngày xửa ngày xưa…
Bài: Thanh Nguyễn – Minh Nguyệt
Chùm ảnh: Hiền Rio, Phương Thảo, Châu Phạm, Thanh Vũ…
Nguồn: DANTRI.COM.VN