Từ những tiềm năng, thế mạnh tự nhiên cùng những giải pháp căn cơ, đồng bộ mà lĩnh vực du lịch của Yên Bái đã phát triển khả quan. Yên Bái giờ đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước với số lượng năm sau cao hơn năm trước.
Từ những tiềm năng, thế mạnh…..
Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây Bắc, với hệ thống giao thông tương đối đa dạng, đặc biệt khi tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa – xã hội không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế.
Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, Yên Bái còn là nơi có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Trong đó, phải kể đến danh thắng hồ Thác Bà – hồ nhân tạo có diện tích trên 19.000 ha với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ, được ví như “Hạ Long trên núi”.
Phía Tây của tỉnh (gồm các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ) không chỉ có cánh đồng Mường Lò – cánh đồng lớn thứ hai vùng Tây Bắc mà còn có những danh lam, thắng cảnh và những điểm du lịch độc đáo như: Suối Giàng, Phình Hồ… nơi có chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, khu vực này còn có ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Danh thắng quốc gia.
Ngoài ra, khu vực rộng lớn này còn có những điểm du lịch mạo hiểm độc đáo như đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải), một trong “tứ đại đèo của Tây Bắc”, nơi tổ chức bay dù lượn; hay đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu), cao gần 3.000 m so với mực nước biển, hấp dẫn ai thích phiêu lưu, mạo hiểm… Ngoài các điểm trên, Yên Bái còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên; đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải… là những nơi “sơn thủy hữu tình” thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh tự nhiên, là mảnh đất quần tụ sinh sống của 30 dân tộc anh em, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử lâu đời phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân, cũng như thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, trong đời sống văn hóa còn tồn tại nhiều văn hóa phi vật thể đặc sắc hiếm nơi nào có được như múa xòe Thái – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hạn Khuống, múa khèn Mông… Đặc biệt, trong đời sống người dân còn giữ nguyên văn hóa ẩm thực độc đáo, là yếu tố thu hút du khách trong và ngoài nước…
…. Đến những giải pháp đồng bộ
Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, để phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, ngày 18/5/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch.
Theo đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nhân lực, đặc biệt là tuyên truyền, quảng bá kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2005, theo sáng kiến đề xuất của Yên Bái, 3 tỉnh Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai đã liên kết hợp tác phát triển du lịch với Chương trình Du lịch về nguồn hết sức thành công.
Bên cạnh đó, cùng hợp tác về phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Yên Bái đã mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch quốc tế với các quốc gia, thành phố kết nghĩa với Yên Bái, như: Val de Marne (Pháp), Xay Nha Bu Ly (Lào), Massa-Carrara (Ý)…
Tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình du lịch ấn tượng như: Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò và Tuần Văn hóa – Du lịch Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với nhiều hoạt động hấp dẫn…, qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái.
Và những kết quả đáng phấn khởi!
Từ tiềm năng, lợi thế và những giải pháp đồng bộ đã thu hút sự tham gia nhiều nguồn lực phát triển du lịch; trong đó, nhiều nhà đầu tư có tên tuổi như: Tập đoàn Hoa Sen, Vingroup… đã đến đầu tư tại Yên Bái, làm bộ mặt du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đến nay, chúng ta đã bắt đầu hình thành một số khu du lịch như: Tân Hương (Yên Bình), Suối Giàng (Văn Chấn), Tổ hợp sân golf 27 lỗ và dịch vụ thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí tại đầm Hậu (Trấn Yên), Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đầm Vân Hội (Trấn Yên)… Cùng các khu du lịch trọng điểm, một số làng nghề du lịch như: làng nghề dệt thổ cẩm Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ); làng nghề tranh đá quý Tân Lĩnh (Lục Yên); làng nghề truyền thống La Pán Tẩn (Mù Cang Chải); làng văn hóa Ngòi Tu (Vũ Linh, Yên Bình)… được xây dựng đi vào hoạt động.
Sự hấp dẫn từ tự nhiên và nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà Yên Bái trở thành điểm đáng đến của du khách với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh mới đón 200.020 lượt du khách, doanh thu đạt 53 tỷ đồng thì đến năm 2016, sau gần 10 năm, số lượng đã tăng gấp 2,45 lần với 490.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 250 tỷ đồng (tăng gấp 4,7 lần), trong đó khách quốc tế đạt 22.400 lượt. Hoạt động dịch vụ, du lịch đã tạo việc làm cho 1.500 lao động trong ngành và một bộ phận lao động không thường xuyên với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Đưa du lịch ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, Yên Bái đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể trong tháng 5 và cả năm 2017, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Đó là Lễ khai mạc Năm du lịch Yên Bái 2017 – hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc với chủ đề nghệ thuật “Lung linh sắc màu Yên Bái” được tổ chức quy mô, hoành tráng vào ngày 12/5.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội thảo xúc tiến, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch diễn ra vào 12/5; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế diễn ra từ ngày 13 – 14/5; Festival dù lượn Khau Phạ diễn ra từ 13 – 14/5; Hoạt động du lịch cộng đồng từ ngày 11 – 20/5; Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải diễn ra trung tuần tháng 9/2017; Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà diễn ra đầu tháng 10/2017… sẽ góp phần tiếp tục quảng bá, đưa hình ảnh tươi đẹp về đất và người Yên Bái đến rộng rãi hơn với bạn bè trong và ngoài nước. Từ đó, đưa du lịch phát triển, góp phần để Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn