195 quốc gia trên thế giới mang đến rất nhiều những nét văn hóa, phong tục và quy tắc khác nhau. Hầu hết những điều này khá lạ lẫm, khiến bạn phải thốt lên “Vậy cũng được hả?”.
1. Vị trí nên ngồi của hành khách trên taxi ở Úc và Mỹ hoàn toàn ngược nhau
Ngồi không đúng chỗ là tài xế hỏi “Có chuyện gì vậy?” liền đó.
Khi bắt taxi ở Úc, tốt hơn là bạn nên ngồi ở ghế trước, tài xế sẽ cảm thấy bực bội nếu như bạn ngồi ghế sau. Còn ở Mỹ thì hoàn toàn ngược lại. Bạn nên ngồi ở ghế sau vì người Mỹ xem trọng không gian riêng tư.
2. Phong tục khóc trước ngày cưới của cô dâu người Thổ Gia (Trung Quốc)
Nếu như đa số các cô dâu thường chuẩn bị cho ngày cưới trọng đại bằng việc chọn váy cưới , chọn thợ chụp ảnh và nhà hàng thì những cô dâu người dân tộc Thổ Gia (Trung Quốc) lại có phong tục rất lạ lùng. Trong suốt 1 tháng trước ngày cưới, cô dâu thường khóc 1 giờ đồng hồ mỗi đêm. Mẹ, bà ngoại, chị gái và các dì của cô dâu cũng nên tham gia cùng. Trong khi khóc, họ sẽ sử dụng 1 bài hát đặc biệt: “Khóc cho hôn nhân”. Mặt khác, cô dâu cũng phải khóc ở đám cưới của mình, nếu không sẽ bị hàng xóm cười chê.
3. Phong tục Polterabend ở Đức
Trước lễ cưới, bạn bè người thân của cô dâu chú rể được mời tham dự Polterabend. Những người khách sẽ mang theo những vật dụng trong nhà được làm từ gốm, sứ và họ sẽ ném chúng xuống đất cho nó vỡ tan. Cô dâu, chú rể sẽ phải đi dọn đống đổ vỡ ấy. Phong tục này được tin là sẽ giúp cặp vợ chồng biết cách đoàn kết, chung sống cùng nhau.
4. Ăn mừng 2 ngày sinh nhật ở Tây Ban Nha
Ở Tây Ban Nha, ngoài ngày sinh nhật, người ta còn ăn mừng “ngày đặt tên”. Người Tây Ban Nha được đặt tên để vinh danh các vị thánh, do đó ngày này rất quan trọng đối với họ. Nhiều người coi ngày đặt tên là sinh nhật thứ hai của mình.
5. Lễ hội “lăn theo phô mai” ở Cooper’s Hill (Anh)
Lễ hội này diễn ra hàng năm tại Cooper’s Hill. Những người tham gia leo lên ngọn đồi và đợi cho đến khi một cuộn phô mai Double Gloucester bắt đầu lăn xuống. Mọi người vội vã lăn theo và cố gắng bắt lấy nó. Bất cứ ai đạt đến đích đầu tiên sẽ nhận được phần thưởng là miếng phô mai đó.
6. Đừng ra dấu OK ở Brazil
Không nên sử dụng dấu hiệu OK ở Brazil. Nó được coi là xúc phạm và thô tục, có ý nghĩa tương tự như việc giơ ngón giữa ở nhiều nước phương Tây.
7. Đừng yêu cầu cho thêm muối ở Ai Cập
Nếu bạn ăn tối ở Ai Cập, tốt hơn hết là đừng nên hỏi xin muối. Dù đó là khẩu vị riêng của bạn thì nó vẫn có thể làm chủ nhà bực mình.
8. Bị “đánh” vào người khi xông hơi ở Nga
Khi đến một banya (phòng tắm hơi) ở Nga, đừng sợ nếu họ đề nghị đánh bạn bằng lá cây bạch dương, bồ đề hay cây sồi. Họ không hề muốn làm tổn thương bạn, trái lại điều này sẽ có lợi cho cơ thể và sức khỏe. Hành động này cải thiện lưu thông máu và chức năng tim, mở lỗ chân lông da và giảm mệt mỏi căng thẳng.
9. Không đụng vào đầu tóc của người Thái
Đầu là bộ phận thiêng liêng đối với người Thái và họ không mong muốn có bất kỳ sự đụng chạm nào. Bạn thực sự nên xin lỗi nếu vô tình chạm vào đầu hoặc tóc của ai đó ở Thái Lan.
10. Phong tục Hongi ở New Zealand
Đây là cách chào hỏi của người Māori ở New Zealand. Hai người chạm mũi vào nhau và đôi khi họ còn chạm trán vào nhau nữa. Đây là phong tục để chia sẻ hơi thở của sự sống.
11. Ném bột quế vào người độc thân ở Đan Mạch
Ở Đan Mạch, khi bạn 25 tuổi và vẫn còn độc thân, bạn sẽ bị ném bột quế vào người. Nếu đến năm 30 tuổi vẫn “ế”, bạn sẽ bị ném bằng 1 thứ nâng cấp hơn chính là… bột tiêu. Theo một số người Đan Mạch, phong tục ném gia vị này bắt nguồn từ hàng trăm năm trước. Thời đó, những người buôn gia vị thường xuyên di chuyển vì tính chất công việc của mình. Họ thường là người độc thân vì chẳng bao giờ ở đủ lâu tại chỗ nào đó để bắt đầu 1 mối quan hệ.
(Theo Brightside)
Nguồn: KENH14.VN