Quản lý điểm đến là một trong những vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong bối cảnh ngành du lịch đang phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch.
Cuối tháng 10 tôi có chuyến công tác về Cao Bằng và thăm lại thác Bản Giốc. Vẫn là con đường gồ ghề dẫn vào bãi đậu xe tạm, chiếc cầu gỗ nhỏ bắc ngang con suối không thay đổi gì so với thời điểm hai năm trước.
Bên kia thác Bản Giốc, tàu thuyền của Trung Quốc đang tấp nập ra vào để phục vụ du khách. Bên này thác, vài chiếc bè cũ kỹ đìu hiu bên sông. Dưới gốc cây cổ thụ bên thác, người dân căng lên mấy tấm bạt để làm lán bán nước.
Du khách từ Hà Nội vượt gần 400 km lên Cao Bằng chỉ để chụp tấm ảnh kỷ niệm rồi về. Vài khách đoàn trước tôi thì thầm: “Nhìn tàu thuyền của họ trang hoàng thế kia, bè của mình ngồi xuống không khéo còn ướt quần”.
Thác Bản Giốc là một trong những thác nước nổi tiếng nhất thế giới nhưng không được đầu tư và khai thác xứng tầm. |
Chung đoàn với tôi là các travel blogger, những người thường xuyên đi du lịch. Nhiều người trong số họ không giấu được vẻ tiếc nuối khi chứng kiến cảnh đìu hiu bên dòng thác. “Thác Bản Giốc nhìn từ phía Việt Nam đẹp hơn Trung Quốc nhiều nhưng tiếc là chúng ta chưa đầu tư xứng đáng để biến nơi đây thành điểm du lịch tốt”, một travel blogger nhận xét.
Tuy nhiên, thác Bản Giốc không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh trên, trên khắp Việt Nam còn có hàng trăm điểm du lịch cũng đang loay hoay trong việc quản lý và khai thác hiệu quả.
“Du lịch ở Việt Nam vẫn mạnh ai nấy làm”
Ở Việt Nam, khái niệm “quản lý điểm đến” chưa được định hình rõ ràng. Trong lĩnh vực này, sự hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý còn hạn chế.
“Du lịch dường như vẫn mạnh ai nấy làm. Vì không có cơ quan quản lý điểm đến, thắng cảnh du lịch không được quảng bá rộng rãi, không được tổ chức các dịch vụ theo chuẩn, bảo đảm chất lượng”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB).
Theo ông Chính, điểm đến không an toàn và kém hấp dẫn vì chính quyền địa phương không kiểm soát được hoạt động và chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn không kết nối được với các ty tổ chức tour du lịch.
Đó còn là việc xây dựng khu du lịch, khách sạn không theo quy hoạch, không có sự kiểm soát về chất lượng, bảo đảm môi trường khiến cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ; sự kết nối khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng với giao thông (đường bộ, đường hàng không) chưa đồng bộ…
Hội An là một trong những điểm đến tốt của Việt Nam, tuy nhiên phố cổ dần trở thành một điểm nhỏ bé trong quy hoạch mở rộng diện tích Hội An. |
Điều này lý giải nhiều khu du lịch đang phát triển không bền vững, thậm chí có tình trạng khách chỉ đến một lần và không quay lại.
Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng là những ví dụ tiêu biểu về quản lý điểm đến tốt. “Mấu chốt nằm ở nhận thức của lãnh đạo địa phương. Quản lý điểm đến trước hết phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương, bởi chính quyền mới có đủ thẩm quyền, trách nhiệm cũng như khả năng kết nối các cấu thành làm thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Đồng thời, lãnh đạo địa phương phải thấy được tầm quan trọng của công tác tổ chức quản lý điểm đến”.
Theo Trưởng ban Thư ký TAB, thay đổi nhận thức về vấn đề này là việc đầu tiên cần làm khi một địa phương nào muốn phát triển mạnh về du lịch. Nhưng đây cũng là lĩnh vực biến chuyển còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Những bất cập trong quản lý điểm đến
Ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng khó khăn lớn nhất trong quản lý điểm đến của nước ta là không có một quy hoạch thống nhất, địa phương sẵn sàng phá bỏ quy hoạch để chiều lòng nhà đầu tư.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, quản lý điểm đến trước tiên phải quản lý từ quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, tránh phá vỡ hệ sinh thái mới đảm bảo phát triển du lịch bền vững. “Các điểm đến phải lấy du lịch làm trọng tâm. Mỗi điểm phải ưu tiên đầu tư các dịch vụ du lịch chứ không được đầu tư bất động sản du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho rằng đây là cái yếu nhất của quản lý điểm đến ở Việt Nam.
Sở dĩ du lịch Việt Nam đang phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch là do ban quản lý điểm đến hầu như không có tiếng nói trong việc quy hoạch sản phẩm du lịch theo địa phương và liên kết vùng.
“Quản lý điểm đến ở Việt Nam đang rất gay go. Thẩm quyền của ngành du lịch với hoạt động du lịch không rõ ràng. Rất khó để thúc đẩy ngành du lịch đi đến những bước phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Hướng đi nào cho du lịch Việt Nam
Sự cạnh tranh buộc các điểm du lịch phải được quản lý bởi một tổ chức. Để tồn tại trong một môi trường cạnh tranh bị ảnh hưởng lớn từ xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam phải tự giới thiệu mình bằng những sản phẩm du lịch sáng tạo và đa dạng, mang tính độc đáo và từ đó dẫn đến việc định vị hướng tới chất lượng.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel: Một điểm đến thu hút khách du lịch phải hội tụ đủ hai yếu tố là: Khung cảnh thiên nhiên đẹp, hạ tầng du lịch phát triển và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, nghiêm cấm tuyệt đối việc chèo kéo, chặt chém du khách.
Để làm được điều đó, phải có một cơ quan đủ sức mạnh để chịu trách nhiệm về quy hoạch điểm đến. “Chính phủ có thể tăng quyền lực tối đa để ngành du lịch tự chịu trách nhiệm về quy hoạch”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Ông Chính cho rằng quản lý điểm đến nên được tiến hành như mô hình một hình tam giác bền vững, hài hòa giữa ba yếu tố: môi trường sinh thái, kinh tế và các chỉ tiêu xã hội. Quản lý điểm đến cũng cần được thực hiện ở các cấp độ phân cấp khác nhau: Từ cấp độ địa phương, cộng đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ đến cấp độ vùng, tỉnh hoặc cấp độ quốc gia.
Du lịch càng phát triển càng cho thấy sự cần thiết của công tác quản lý điểm đến, đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ của ngành. Và không ai khác, chính quyền địa phương phải là đơn vị đứng ra tổ chức kết nối tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ du lịch, điều chỉnh hài hòa nhất giữa cung cầu, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch, điểm đến thực sự hấp dẫn mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
Quản lý điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững là nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF). Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net
Nguồn: Vnexpress.net