Dưới ánh nắng chói chang, người dân ở thành phố Valenzuela chuẩn bị dùng bữa trưa, mùi khét của nhựa nóng chảy bốc lên trong không khí. “Tôi có cảm giác như nghẹt thở. Buổi tối, chúng tôi phải đóng tất cả các cánh cửa bất chấp cái nóng hầm hập. Thậm chí, phải lấy chăn che mũi khi ngủ”, Rosalie Esplana, 40 tuổi nói.
“Bãi rác thải nhựa của thế giới”
Thành phố Valenzuela nằm ở khu vực ngoại ô Thủ đô Manila (Philippines) được mệnh danh là “thành phố nhựa”. Nằm cạnh con đường xiêu vẹo với ngôi nhà nhỏ là những nhà máy xử lý rác thải. Cuộc sống của người dân nơi đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi mà nhiều người cho rằng, chủ yếu xuất phát từ nhà máy tái chế rác STC Enterprises.
Theo người dân địa phương, ảnh hưởng của nhà máy tái chế khiến một số cư dân bị ho kéo dài, tuy nhiên, chủ sở hữu nhà máy phủ nhận điều này.
“Mùi hôi khó chịu đánh thức chúng tôi thức dậy lúc 2 giờ sáng. Tôi phải xịt nước hoa trong phòng”, anh Lopez 50 tuổi nói. Người dân tin rằng, mùi này là nguyên nhân khiến bé gái Chaial Marcaida, 5 tuổi mắc bệnh viêm phổi phải nhập viện.
Canumay West, thành phố Valenzuela – nơi có nhiều nhà máy tái chế xử lý chất thải nhựa có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Thành phố Valenzuela được coi là “bãi rác thải nhựa của thế giới”, một “mô hình thu nhỏ” mà nhiều nơi ở Đông Nam Á đang phải đối mặt. Vào tháng 5-2019, Philippines đã chuyển 1.500 tấn chất thải trở lại Canada sau khi phát hiện ra nước này gửi rác thải, trong đó có cả rác không thể tái chế như tã lót dành cho người lớn đến Philippines. Philippines cũng được cho là nhận rác thải có thể tái chế từ một số nơi khác như Hàn Quốc, Australia và Hồng Kông.
Theo các sĩ quan cảnh sát môi trường thành phố Valenzuela, họ thường xuyên tiến hành kiểm tra và nhận được nhiều khiếu nại của người dân về tình trạng ô nhiễm không khí do rác thải tái chế. “Chúng tôi thường xuyên tiến hành kiểm tra các nhà máy tái chế xem có tuân thủ luật môi trường hay không và đảm bảo rằng, các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí hoạt động tốt”, Rommel Pondevida, một sỹ quan cảnh sát môi trường của thành phố Valenzuela nói.
Dữ liệu từ lực lượng Hải quan Philippines cho thấy, từ năm 2018, hơn ba triệu kg chất thải nhựa có thể tái chế được nhập khẩu từ Mỹ về Philippines. “Một tỷ lệ đáng kể chất thải nhựa được tái chế trong các nhà máy đến từ các quốc gia khác. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có đủ rác thải trong nước để xử lý, tái sử dụng và tái chế. Chúng tôi không cần rác thải từ nước ngoài”, ông Rommel Pondevida nói tiếp.
Các nhà máy tái chế lo ngại phải đóng cửa
Trong khi người dân địa phương phàn nàn về chất lượng không khí, ngành công nghiệp nhựa địa phương cho biết, hàng hóa rác thải nhập khẩu, đặc biệt là việc Philippines chuyển trả rác thải lại Canada đe dọa gây khó khăn cho doanh nghiệp, ngay cả đối với các doanh nghiệp tái chế hợp pháp.
“Chúng tôi đang làm một điều gì đó tốt cho môi trường. Chúng tôi hiểu những vấn đề mà người dân phản ánh nhưng không ai kiểm tra tác động tích cực mà các công ty xử lý rác thải tái chế đóng góp cho xã hội”, ông Sherwin Koa, quản lý của Citipoly Industries nói.
Ông Sherwin Koa lo lắng rằng, đề xuất lệnh cấm hoàn toàn các loại vật liệu nhựa có thể tái chế sẽ buộc nhiều nhà máy tái chế phải đóng cửa. “Nếu không thể duy trì hoạt động, chúng tôi cũng không thể xử lý các vật liệu cho địa phương”, ông Sherwin Koa cho hay.
Trẻ em và rác thải nhựa ở Canumay West, TP Valenzuela.
Vào ngày 1-7 vừa qua, Mario San Andres, người đứng đầu Canumay West, thành phố Valenzuela yêu cầu Wilson Uy, chủ sở hữu của STC Enterprises phải dọn dẹp nhà sản xuất rác thải tái chế và tạm dừng hoạt động trong vòng hai tuần hoặc có nguy cơ mất giấy phép kinh doanh.
Trong cuộc họp công khai với người dân và nhân viên môi trường thành phố, Wilson Uy cho biết, STC Enterprises hoàn toàn không chịu trách nhiệm về mùi hôi và ô nhiễm không khí. Cư dân vẫn tiếp tục khiếu nại với các cơ quan chức năng ngay cả khi doanh nghiệp này tạm thời ngừng hoạt động.
Nguồn: 24H.COM.VN