Han Shuya (14 tuổi) đã tạm gác việc học để tham gia trại giảm béo The Biggest Loser vào mùa hè năm nay.
“Tôi đã từ bỏ mọi thứ để đến đây. Tất cả những gì tôi muốn là giảm cân”, Han nói với Gold Thread.
Lúc mới đến, cô nặng 108 kg và sau một tháng đã giảm được 10 kg.
The Biggest Loser, không liên quan đến chương trình truyền hình ăn khách cùng tên của Mỹ, là trại giảm béo lớn nhất Trung Quốc. Công ty thành lập cách đây 15 năm và hiện có 31 chi nhánh trên khắp đất nước.
Những cơ sở này hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào mùa hè, khi trẻ em được nghỉ học. Hiện tại, trại giảm béo này đang huấn luyện cho 200 trẻ em.
Han Shuya tham gia trại giảm béo ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Gold Thread. |
Một ngày huấn luyện
“Chúng tôi đảm bảo rằng các bé gái sẽ giảm ít nhất 7% trọng lượng cơ thể. Còn nam sẽ giảm ít nhất 8%. Mọi người thường ở lại đây 28 ngày. Một khóa học như vậy có giá khoảng 2.750 USD“, Ye Shengyu, người quản lý tại The Biggest Loser cho biết.
Trẻ em đến đây phải trải qua một chương trình huấn luyện nghiêm ngặt. “Gầy”, “Đáng tin cậy”, “An toàn”, “Tránh béo phì” là những dòng chữ được in lớn bên trong các dãy nhà nhằm truyền động lực giảm cân cho người tham gia.
“Chúng tôi thức dậy lúc 7h và phải kiểm tra cân nặng ngay khi xuống lầu”, Han Shuya kể.
Các bữa ăn trong ngày được thiết kế để giới hạn lượng calo nạp vào cơ thể nhưng vẫn đảm bảo cung cấp các chất cần thiết.
Han thực hiện các bài tập vận động ở The Biggest Loser. Ảnh: Gold Thread. |
Fan Yizi, học viên tại The Biggest Loser, nói: “Tôi đã chán ngấy thức ăn ở đây. Tôi chỉ muốn vứt hết đi. Nhưng mỗi ngày tôi đều phải nhìn vào cân nặng và chỉ hy vọng xuống được vài kg”.
Sau bữa sáng sẽ tới giờ vận động. Các học viên sẽ tham gia nhiều trò chơi, chạy, nhảy và học võ thuật.
Han cho biết ngày đầu đến đây cô đã rất mệt mỏi và nghĩ rằng sẽ không nhấc nổi chân cả tuần sau đó. “Tôi cũng không quen ở một nơi toàn người lạ như thế này, nên đã không ngủ được và liên tục nghĩ đến những bài tập vào hôm sau”.
Người tham gia trại huấn luyện chỉ được sử dụng điện thoại 1 giờ/ngày để gọi điện về cho gia đình.
“Nhiều trẻ em bị nghiện các thiết bị điện tử và hiếm khi vận động, chơi thể thao. Ngoài ra các bậc cha mẹ có thể chi tiền cho con ăn rất nhiều để bù đắp khoảng thời gian bận rộn không ở bên cạnh”, quản lý Ye Shengyu nói.
Cân nặng “lý tưởng”
Theo báo cáo về dinh dưỡng và bệnh mạn tính của Trung Quốc do Ủy ban Y tế Quốc gia công bố năm 2020, một nửa số người trưởng thành bị coi là thừa cân hoặc béo phì ở Trung Quốc, gấp 4 lần so với 20 năm trước.
19% trẻ em và thanh thiếu niên 6-17 tuổi và 10,4% trẻ mẫu giáo dưới 6 tuổi gặp vấn đề tương tự. Khảo sát ước tính, quốc gia tỷ dân hiện có hơn 600 triệu người bị thừa cân.
Trung Quốc có dân số thừa cân lớn nhất thế giới, nhưng quốc gia này phải đối mặt với thách thức “béo phì trước khi giàu có”, có nghĩa là các điều kiện kinh tế xã hội vẫn tụt hậu trong khi tốc độ gia tăng béo phì ngày càng nhanh.
Béo phì chắc chắn sẽ làm tăng chi tiêu cho y tế và tạo ra các vấn đề xã hội như sự gia tăng số lượng người khuyết tật thể chất, theo China Daily.
Trẻ em tập thể dục trong một trung tâm thể dục thuộc trại hè huấn luyện quân sự ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Imaginechina. |
Tuy nhiên, với những học sinh như Han Shuya, sức khỏe không phải lý do chính đưa cô đến với trại giảm béo. Bắt nạt học đường mới thực sự là nguyên nhân.
“Trước đây, tôi từng trải qua phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Tôi tăng cân sau 3 tháng nằm viện. Khi đi học trở lại, tôi bị đặt biệt danh. Bạn cùng lớp bắt đầu tẩy chay tôi”, Han kể.
Điều tồi tệ hơn là giáo viên đã phớt lờ mọi chuyện. Khi Han chuyển trường, tình trạng bắt nạt còn nghiêm trọng hơn.
“Ở trường học, bạn sẽ bị coi thường nếu ngoại hình không ổn hoặc gia đình không giàu có”, Han nói.
Cô gái 14 tuổi cho biết 45 kg là số cân nặng “lý tưởng” mà cô cần hướng đến. Ở mức đó, cô thấy mình phù hợp với “thang đo ngoại hình” phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc.
Nguồn: News.zing.vn