
Hầm bí mật giữa lòng thành phố
Tọa lạc tại số 113A Đặng Dung (quận 1, TPHCM), quán Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn gây ấn tượng với vẻ ngoài cổ kính của căn nhà gỗ hai tầng có từ thập niên 1940.
Trước hiên nhà, lá cờ đặc trưng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trong gió, như nhắc nhớ về một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
Quán Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn thu hút sự chú ý với lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước quán (Ảnh: Nam Anh).
Ít ai ngờ rằng, quán cơm này là một trong những căn cứ bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trước năm 1975.
Căn nhà này từng thuộc sở hữu của vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự – hai chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Họ mở quán không chỉ để sinh kế mà còn để làm vỏ bọc cho hoạt động cách mạng.
Với phương châm “muốn biết địch thì phải sống trong lòng địch”, các chiến sĩ đã chọn nơi đây làm điểm quan sát, giao liên và cất giấu tài liệu, vũ khí. Tên gọi Cơm tấm Đại Hàn không chỉ nhằm thu hút thực khách người Hàn Quốc sinh sống trong cao ốc đối diện thời đó, mà còn góp phần hoàn thiện lớp ngụy trang tinh vi cho căn cứ bí mật giữa lòng đô thị.
Dưới sự quản lý của chiến sĩ Trần Văn Lai (tức Năm Lai), căn nhà trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Bí ẩn bên trong tủ áo của quán ăn từng là bình phong của Biệt động Sài Gòn (Video: Cẩm Tiên).
Ẩn sau vẻ ngoài mộc mạc của căn nhà là cả hệ thống hầm bí mật được thiết kế khéo léo. Chính giữa vách tường nối liền hai căn nhà là một hầm nổi – nơi từng cất giấu thư từ, tài liệu quan trọng, thuốc men, tiền vàng…
Ở tầng trên, chiếc tủ quần áo bằng gỗ tưởng chừng bình thường lại chính là cánh cửa dẫn xuống hầm thoát hiểm. Dưới lớp ván gỗ là khoảng trống vừa đủ để một người chui lọt, giúp chiến sĩ nhanh chóng lẩn trốn khi có tình huống khẩn cấp. Từ chiếc tủ này, chiến sĩ có thể men theo lối bí mật phía sau nhà để thoát ra ngoài an toàn.
Ngay cả khu vực nhà vệ sinh trong quán cũng biến thành điểm giao nhận tài liệu mật. Ngày nay, phần lớn cấu trúc hầm vẫn còn giữ nguyên, giúp thực khách có thể cảm nhận chân thực không khí của thời kỳ kháng chiến hào hùng.
Độc đáo món cơm tấm ăn cùng kim chi
Không chỉ gây tò mò bởi những chi tiết lịch sử ẩn mình trong không gian quán, Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn còn hấp dẫn thực khách bởi sự kết hợp ẩm thực độc đáo.
Món cơm tấm ở đây giữ nguyên hương vị truyền thống miền Nam với sườn nướng, bì, chả, trứng, rau muống ngâm chua và nước mắm pha ngọt. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt lại nằm ở phần kim chi ăn kèm – món ăn tưởng chừng xa lạ với cơm tấm Việt.
Món cơm tấm ăn kèm đồ chua Việt Nam và kim chi Hàn Quốc (Ảnh: Mộc Khải).
Thời chiến, lính Hàn Quốc ở cao ốc đối diện thường xuyên ghé quán ăn. Ban đầu, họ chưa quen khẩu vị Việt nên đã nhờ bà Nguyễn Thị Sự làm thêm kim chi để dùng kèm.
Những mẻ kim chi đầu tiên được bà Sự muối bằng tỏi và ớt Việt Nam, nhưng lính Hàn ăn không hợp nên bà phải chuyển sang dùng nguyên liệu Hàn Quốc. Từ đó, món cơm tấm ăn kèm kim chi chính thức ra đời.
Sự kết hợp ấy, tuy tình cờ, lại trở thành dấu ấn đặc biệt cho quán, như một nét giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Anh Trần Trọng Nghĩa – cháu nội của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai – hiện là Giám đốc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định và hệ thống Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn.
Anh chia sẻ: “Những câu chuyện về ông nội và lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được ba tôi kể từ khi tôi còn nhỏ. Đó chính là nguồn cảm hứng để tôi phục dựng lại các căn cứ, không chỉ để lưu giữ ký ức hào hùng mà còn để người trẻ hôm nay có thể tiếp cận lịch sử một cách gần gũi hơn”.
Cùng với cha là ông Trần Vũ Bình, anh Nghĩa đã lần lượt phục dựng nhiều điểm di tích gắn với hoạt động của Biệt động Sài Gòn, trong đó quán Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn tại 113A Đặng Dung là quán đầu tiên.
Quán hiện mở cửa từ 7h đến 22h30 mỗi ngày, đông khách nhất vào thứ 5, 6 và cuối tuần. Khách đến quán ăn cơm, uống nước và tham quan, sẽ được nghe thuyết minh miễn phí về những căn hầm bí mật và những câu chuyện lịch sử của Biệt động Sài Gòn.
Anh Trọng Nghĩa giới thiệu về những di tích lịch sử tại quán (Ảnh: Mộc Khải).
Ngoài ra, đối với các khách đoàn, quán cũng cung cấp dịch vụ thuyết minh với mức giá từ 35.000 đồng/người, tùy theo số lượng và thời gian tham quan. Du khách có nhu cầu thuyết minh nên liên hệ trước để quán có sự chuẩn bị tốt nhất.
“Mỗi điểm di tích là một phần trong công cuộc phục dựng lịch sử Biệt động Sài Gòn. Tôi hy vọng qua những nơi này, du khách đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn, trân trọng hơn những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ ngày xưa để có được nền độc lập hôm nay”, anh Nghĩa cho hay.
Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn
Địa chỉ: 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TPHCM
Thời gian hoạt động: 7h-22h
Giá tham khảo: Từ 30.000 đồng
Nguồn: Dantri