Giáp Tết, nhiều hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề bún, bánh tráng, nem, chả trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng hết công suất để có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tất bật ở làng nghề bún, bánh tráng
Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, thời tiết không thuận lợi khi trời thường xuyên âm u, mưa rào, nhưng các hộ làm nghề sản xuất bún tươi, bánh tráng, bún song thằn, bún gạo dề ở làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) vẫn liên tục hoạt động để có đủ hàng cung ứng cho thị trường. Đặc biệt, từ đầu tháng Chạp, sản lượng bún, bánh tăng 1,5 – 2 lần so với bình thường.
Làng nghề bánh tráng Trường Cửu hối hả vào Tết. Ảnh: Trọng Lợi
Theo UBND xã Nhơn Phúc, thôn An Thái có 795 hộ, trong đó có 180 hộ lấy nghề làm bún, bánh là nghề chính, hơn 400 hộ khác có người tham gia làm nghề.
Thị trường tiêu thụ chính của Làng nghề bún, bánh An Thái là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; ngoài ra, một số thương lái ở miền Bắc và miền Nam cũng tìm đến địa phương để mua hàng. Thu nhập bình quân của một hộ làm nghề trong 2 năm gần đây (2023 – 2024) khoảng 300 triệu đồng/năm; còn thu nhập bình quân của người lao động tham gia làm nghề hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Lan, một người làm nghề bún khô ở thôn An Thái, cho hay: “Năm nay trời liên tục mưa, việc làm bánh tráng và bún khô gặp vất vả hơn do cần nhiều thời gian để phơi khô. Bù lại, sức tiêu thụ tăng và giá cả nhỉnh hơn so với năm trước nên các hộ làm nghề cũng vui, tăng hết công suất để có thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình”.
Tương tự, các hộ làm nghề tráng bánh tráng tại thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát); thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn); xã Mỹ Quang, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), sản xuất bún tươi tại thôn Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) cũng liên tục đỏ lửa, để có đủ sản phẩm giao cho thương lái.
Theo ông Lê Hữu Ý, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng máy Phúc Nhân, ở thôn Trường Cửu, trung bình mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất 100 kg bánh tráng thành phẩm. Tháng Chạp, ông phải thuê thêm người làm để tăng công suất làm bánh, đảm bảo có đủ hàng cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk. “Nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ nên sản phẩm của cơ sở tôi làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, riêng dịp Tết nhu cầu cao hơn rất nhiều. Nghề làm bánh tráng thu nhập không quá cao nhưng được cái ổn định, mỗi tháng vợ chồng tôi lời trên 10 triệu đồng. Dịp giáp Tết tiền lời sẽ cao hơn so với ngày thường nên dù vất vả tôi vẫn cố gắng làm hết công suất”, ông Ý chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Làng nghề bánh tráng Trường Cửu có 74 hộ đang hoạt động, trong đó 12 hộ đã đầu tư lắp đặt dây chuyền để khép kín sản xuất. Nghề này giúp các hộ có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
Nem chả đắt như tôm tươi
Theo thống kê, toàn huyện Tuy Phước có hơn 60 cơ sở sản xuất nem chả, nhưng nổi bật nhất là thương hiệu nem chả Chợ Huyện tại xã Phước Lộc. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất nem chả tại đây… Hiện nay Chợ Huyện có 5 cơ sở sản xuất nem chả với quy mô lớn và uy tín lâu năm cùng hàng chục điểm bán lẻ dọc QL 1A và QL 19 cũ qua các thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phong Tấn, Quảng Tín, Trung Thành… Những ngày giáp Tết, các cơ sở làm nem, chả truyền thống tại Phước Lộc tăng công suất tối đa để có đủ hàng cung ứng ra thị trường.
Bà Đào Thị Quyền (bên trái) tạo dựng thương hiệu nem chả Bảy Liêm có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trọng Lợi
Sản phẩm của Cơ sở nem chả Bảy Liêm, do bà Đào Thị Quyền làm chủ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kết hợp hương vị thơm ngon và mẫu mã đẹp; nhờ đó đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước… Nem ở đây được bán với giá 2.300 đồng/chiếc khi bán sỉ và 2.500 đồng khi bán lẻ. Với hơn 50 năm kinh nghiệm, bà Quyền khẳng định: “Ngày thường, cơ sở chúng tôi bán khoảng 3.000 – 4.000 chiếc nem, nhưng vào dịp Tết con số này tăng gấp đôi, chưa kể nem cây, chả và tré. Hàng làm ra bao nhiêu, khách lấy hết bấy nhiêu”. Để duy trì và phát triển nghề gia truyền, bà Quyền đã truyền lại công thức và kỹ thuật làm nem cho con trai và con dâu.
Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: “Các thương hiệu nem, chả nổi tiếng ở địa phương mỗi ngày cung cấp hàng nghìn chiếc nem và cả trăm kg chả các loại cho thị trường. Ngoài ra, tré Chợ Huyện cũng là món đặc sản rất được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Việc các cơ sở tăng công suất để cung ứng hàng dịp Tết cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Minh Nhân – An Nhiên
Nguồn: Dulichvn