Các lãnh đạo cấp cao có bao nhiêu trợ lý, thư ký?

0
68

Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý. Thường trực Ban Bí thư có không quá 3; các ủy viên Bộ Chính trị khác không quá 2 trợ lý.

Nội dung này được đề cập trong Quy định 30 về tiêu chuẩn, điều kiện nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký vừa được ban hành.

Quy định 30 nêu rõ các chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội.

4 lãnh đạo chủ chốt có không quá 4 trợ lý

Quy định nêu rõ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý. Thường trực Ban Bí thư được sử dụng không quá 3 và các ủy viên Bộ Chính trị khác có không quá 2 trợ lý.

Ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội được sử dụng 1 trợ lý. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng số lượng trợ lý nhiều hơn quy định, người giữ các chức danh này báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

tieu chuan ve thu ky,  tro ly cua lanh dao chu chot anh 1

4 chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 4 trợ lý. Ảnh: VGP.

Ngoài ra, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội được sử dụng không quá 2 thư ký.

Ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương được sử dụng 1 thư ký.

Chức danh trợ lý, thư ký đều phải đảm bảo tiêu chuẩn có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu về lĩnh vực được phân công; có năng lực nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin và tham mưu, có khả năng phối hợp công tác.

Thư ký của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội phải là người đang giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; giữ chức phó vụ trưởng hoặc tương đương, được quy hoạch vụ trưởng cấp bộ và tương đương trở lên.

Trợ lý phải là người giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương, hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm. Trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, các chức vụ lãnh đạo được sử dụng thư ký gồm ủy viên Trung ương; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Thư ký chức vụ lãnh đạo khác ở cơ quan Trung ương phải được quy hoạch và đủ điều kiện bổ nhiệm phó vụ trưởng hoặc tương đương; ở địa phương phải được quy hoạch và đủ điều kiện bổ nhiệm cấp phó sở, ngành hoặc tương đương.

Tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh trợ lý của chức vụ lãnh đạo cấp cao phải là người còn trong độ tuổi lao động. Tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh thư ký của chức vụ lãnh đạo phải còn đủ 5 năm công tác trở lên. Trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thời gian công tác của trợ lý ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, thó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội gắn với thời gian công tác của lãnh đạo và không quá 65 tuổi đối với nam, 63 tuổi đối với nữ.

Trợ lý lãnh đạo chủ chốt hưởng chế độ tương đương thứ trưởng

Về chính sách, chế độ, trợ lý của lãnh đạo chủ chốt, Quy định 30 cho thấy các chức danh này được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương thứ trưởng. Trợ lý của chức vụ lãnh đạo còn lại được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương tổng cục trưởng.

Thư ký của các chức danh từ phó chủ tịch Quốc hội trở lên được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương vụ trưởng của bộ, ngành Trung ương.

Thư ký của ủy viên Trung ương; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương phó vụ trưởng hoặc phó ban cấp ủy tỉnh.

Quy định 30 cũng nêu rõ quy trình bổ nhiệm trợ lý được thực hiện theo 4 bước.

Một là lãnh đạo trao đổi, thống nhất với tập thể lãnh đạo là Ban cán sự đảng, Đảng đoàn hoặc lãnh đạo cơ quan nơi không lập Ban cán sự đảng, Đảng đoàn (ở các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương); hoặc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương về dự kiến nhân sự bổ nhiệm trợ lý.

Hai là tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng để lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm trợ lý bằng hình thức bỏ phiếu kín và không công bố kết quả tại hội nghị.

Ba là lãnh đạo cơ quan xem xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm của hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự dự kiến bổ nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu của tập thể lãnh đạo.

Cuối cùng, lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm (tương tự hồ sơ bổ nhiệm cán bộ diện Trung ương quản lý), báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định).

Quy trình bổ nhiệm thư ký ngắn gọn hơn. Cụ thể, sau khi có ý kiến của lãnh đạo về nhân sự dự kiến bổ nhiệm thư ký, tập thể lãnh đạo cơ quan xem xét, giới thiệu (bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu tán thành).

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn