Theo Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, họ cũng có thể tham gia hỗ trợ điều trị F0 nhưng cần đảm bảo tốt 5K để hạn chế khả năng lây nhiễm.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 20.542.325 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, 2.881.553 người đã hoàn thành đủ 2 mũi vaccine.
Tại TP.HCM, điểm nóng lớn nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi một vaccine đã đạt hơn 82%. Bên cạnh đó, số người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 269.423 trường hợp, đạt gần 4% dân số trên địa bàn.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng ngành y tế cần sớm có những nghiên cứu về kháng thể, từ đó cho phép những người đã tiêm đủ vaccine đi lại, làm việc, thậm chí tham gia hỗ trợ tại cơ sở y tế điều trị Covid-19 miễn đảm bảo tốt 5K.
F0 khỏi bệnh và người đã tiêm đủ vaccine đều an toàn
Mới đây, TP.HCM và Bộ Y tế đã kêu gọi các F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ ngành y tế tại những cơ sở điều trị Covid-19, từ đó giảm tải cho y bác sĩ tuyến đầu. Theo Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, động thái này hoàn toàn hợp lý.
“Các F0 khỏi bệnh và người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là như nhau. Những người này an toàn trong môi trường có virus và có xác suất mắc bệnh rất thấp”, vị chuyên gia này giải thích.
Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nên được xem xét cho quay trở lại làm việc, đi lại. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Ông Nga cũng cho rằng tại các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, công ty, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoàn toàn có thể đến làm việc cùng nhau, từ đó tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế.
“Những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể lây cho người khác, do đó, họ vẫn phải thực hiện 5K. Tuy nhiên, trong môi trường với toàn bộ là người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, họ có thể tới làm việc và tiếp xúc với nhau. Điều này tương tự các nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Họ thậm chí làm việc với các F0 diễn biến nặng, tải lượng virus cao suốt thời gian qua”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
Đối với các trường hợp mới được tiêm một mũi vaccine, Phó giáo sư Nga nhấn mạnh khả năng bị nhiễm virus và diễn biến bệnh của nhóm này vẫn rất cao. Do đó, họ cần được nhanh chóng tiêm mũi thứ 2 trong thời gian quy định của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, ngành y tế cần có nghiên cứu cụ thể để đánh giá chính xác kháng thể của những người đã tiêm mũi một, qua đó đưa ra chính sách phù hợp.
Ngoài ra, ông Nga cũng đề xuất Việt Nam nên đưa ra khuyến cáo cho những người đã tiêm đủ 2 mũi thường xuyên test nhanh trong trường hợp nhóm này được trở lại làm việc, đi lại.
“Các đơn vị, cơ quan cũng có thể thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Những người này vẫn có thể mang virus trong người với tải lượng đủ để lây cho người khác nhưng không xuất hiện triệu chứng của bệnh”, Phó giáo sư Nga khuyến cáo.
Cần nghiên cứu để tạo cơ sở trước khi quyết định
Theo Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, đến nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu hay đánh giá cụ thể về tình hình kháng thể hay tỷ lệ bảo vệ ở những người đã được tiêm vaccine Covid-19.
“Chúng ta vẫn chỉ đang dựa vào lý luận và thông tin của quốc tế. Do đó, nếu nhanh chóng tổ chức nghiên cứu và đưa ra được kết quả cụ thể tại Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Y tế hoàn toàn có thể ban hành chính sách liên quan đến những trường hợp đã tiêm vaccine”, ông nói.
Việt Nam cần có thêm nghiên cứu, xét nghiệm kháng thể để đánh giá hiệu quả của vaccine trước khi đưa ra quyết định. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo Phó giáo sư Nga, việc những người đã khỏi Covid-19 hoặc được tiêm đủ 2 liều vaccine an toàn trong môi trường có nCoV chỉ là quan điểm khoa học. Chúng ta vẫn cần có những số liệu cụ thể hơn tại chính người Việt.
Ông nói: “Y học là ngành khoa học bằng chứng. Việt Nam có môi trường, khí hậu khác, quá trình tiêm chủng khác, điều kiện bảo quản khác với các nước trên thế giới. Do đó, chúng ta không thể chỉ dựa vào thông tin của quốc tế. Hiệu quả của vaccine ở Việt Nam hoàn toàn có thể không giống thế giới”.
Vị chuyên gia này cho rằng hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Điều kiện bảo quản, tỷ suất tiêm và đề kháng của bản thân người được tiêm.
“Đề kháng của mỗi người là khác nhau. Trong khi đó, hiệu lực của vaccine Covid-19 cũng có thể giảm khi chúng ta tổ chức tiêm chủng. Ví dụ, điều kiện bảo quản ở Việt Nam không đáp ứng được nhiệt độ âm sâu như thế giới do không đủ dây chuyền lạnh. Vaccine khi được chuyển tới địa phương cũng có thể bị thay đổi về điều kiện bảo quản”, Phó giáo sư Nga giải thích.
Do đó, ông Nga cho rằng Việt Nam cần sớm có các nghiên cứu, chiến dịch xét nghiệm kháng thể cho người đã tiêm chủng với quy trình cụ thể. Sau khi có kết quả, các đơn vị liên quan có thể tham mưu cho Bộ Y tế, từ đây đưa ra chính sách phù hợp nhất.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn