Một nhà thờ lớn ở ngoại ô Madrid của Tây Ban Nha cao hơn một toà nhà 10 tầng nhưng chỉ do một người xây dựng ròng rã trong suốt 40 năm qua. Đó là Justo Gallego, người đã hứa trước Chúa Jesus sẽ một mình xây công trình này.
Nhà thờ Justo xây 40 năm vẫn chưa xong. |
Ở khu Mejorada Del Campo, ngoại ô Madrid có một ngôi nhà thờ với diện tích mặt bằng 1.000 m2 đã xây gần xong phần thô. Nhưng không biết bao nhiêu năm nữa nó mới hoàn thành. Công trình này khởi công cách đây 40 năm, và từng ấy năm chỉ có một người thi công trên công trường, vừa là công nhân, vừa là chủ đầu tư và kiến trúc sư. Đó là ông Justo Gallego, người chưa từng học một lớp kiến trúc nào và xây một nhà thờ lớn mà không hề có bản vẽ nào trong tay. Nơi nào khó tính toán được thì ông đắp tường cho dày hẳn lên hoặc bồi nhiều xi măng, sắt thép vào cho chắc. Ông đi thu nhặt các vật liệu mà người ta bỏ đi để xây hoặc được các nhân vật hảo tâm quyên tặng, giàn giáo thì ghép từ ống kính kim loại mà các công nhân xây cống vứt đi, còn các ròng rọc để chở vật nặng lên cao đều do ông tự chế hoặc đi xin.
Vậy mà Norman Foster, một trong những kiến trúc sư hạng siêu sao và được mời đi thiết kế khắp thế giới, khi ngắm nhà thờ của Gallego, đã nói: “Đây là công trình tạo ấn tượng mạnh nhất mà tôi từng thấy”. Kiến trúc sư không ám chỉ vẻ bề ngoài mà ông khâm phục những gì diễn ra trên công trường này, nhất là con người với sức mạnh tinh thần hy hữu đang chạy đua với thời gian để giữ bằng được lời hứa với Chúa.
Ông Justo Gallego tự bạch: “Tôi là nông dân, chưa bao giờ học kiến trúc nhưng tôi xây nhà thờ vì có sự trợ giúp của Chúa trời”. Khi còn trẻ, ông học tại một trường dòng và sống 9 năm trong một tu viện. Do mắc chứng lao phổi, ông buộc phải rời tu viện để khỏi lây bệnh cho các đồng môn. Bên cạnh sự trợ giúp của thuốc thang, trước khi đi ngủ ông luôn cầu nguyện và bao giờ cũng kết thúc bằng một câu: “Nếu may mắn khỏi bệnh, con sẽ xây một nhà thờ để dâng Nữ thánh Pilar”.
Rồi ông cũng khỏi bệnh thật. Trên mảnh đất của bố mẹ để lại, Gallego bắt tay xây một nhà thờ mà ông lấy Nhà thờ lớn Thánh Peter ở Rome làm mẫu. Ngày ấy, Tây Ban Nha còn rối ren dưới thời độc tài Franco và không ai chú ý đến con người khá lập dị này. Gallego chưa bao giờ xin giấy phép xây dựng, cũng chẳng vẽ bản thiết kế nào. Ông chỉ dựa vào hình ảnh tưởng tượng trong đầu để xây dựng. Những gì chưa biết thì ông giở sách xem. Ngày tiếp nối ngày, từng viên gạch chồng lên nhau, chỉ khi phải đưa những xà thép nặng lên cao ông mới gọi 6 đứa cháu đến kéo ròng rọc giúp. Cứ như thế trong suốt 4 thập kỷ qua, bất kể nắng mưa và chỉ nghỉ vào chủ nhật.
Ở tuổi 76, ông Gallego không chỉ hụt dần về sức khoẻ mà còn thiếu cả tiền để hoàn thiện công trình. Ông đã viết xong di chúc, chọn cha xứ của Alcala làm người thừa kế. Trớ trêu là xứ đạo Alcala không hề muốn nhận lòng thành này vì ngân quỹ của họ không đủ để chi trả cho phần còn lại. Một nguyên nhân nữa do Thị trưởng Fernando Penaranda cho biết là: “Không một kiến trúc sư nào dám ký tên nhận trách nhiệm an toàn cho công trình này, không ai biết bản vẽ hoặc vật liệu nào được sử dụng”.
Ông Gallego vẫn tiếp tục mỗi ngày đạp chiếc xe đạp tòng tọc đến với vôi vữa và gạch ngói. Tuy sống chết với công trường nhưng ông cũng đã tìm thấy niềm vui mới là truyền hình. Trước đây, ông ghét truyền hình tới mức chỉ muốn gom tivi thành một đống và châm lửa đốt. Nhưng từ khi ký hợp đồng quảng cáo trị giá 40.000 euro với hãng Coca-Cola, con đường đến với giấc mơ của ông được rút ngắn. Coca-Cola còn giúp ông lập trang web để thu nhận tiền quyên góp. Nhờ cú quảng cáo thú vị này mà ông Gallego có tiền thuê vài công nhân và vào dịp cuối tuần, hàng nghìn du khách kéo đến đây chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ xây dở mà người ta gọi là Catedral De Justo (Nhà thờ Justo). Theo lệnh của thị trưởng, Gallego buộc phải chắn cầu thang không cho du khách trèo lên mái vòng để tránh tai nạn, nhưng ông cho rằng lo lắng quá đáng như vậy là vô căn cứ. Ông nói: “Chừng nào tôi ở cạnh thì không thể xảy ra chuyện gì được. Tôi ở đâu thì Chúa ở đó mà”.
(Theo Thể thao & Văn hoá)
Nguồn: Vnexpress.net