Chợ giữa đỉnh đèo Thung Khe

0
208

Dừng chân chỉ là một cái cớ, còn chợ tạo ra cũng chỉ vì nhiều người dừng chân. Tất nhiên là trên quốc lộ 6 đi Mộc Châu ấy, chúng tôi cũng dừng lại ở cái chợ trên đỉnh đèo Thung Khe.

Một du khách mua tỏi ở chợ. Ảnh: K.V.T

Người ta kể rằng nơi đây còn có tên là đèo Đá Trắng, bởi vì cả ngọn đèo cao 100m, chênh vênh tại vòng cua gấp, có một ngọn núi chắn giữ, mà nhiều bạn trẻ nghịch ngợm leo lên để ngắm nhìn lũng sâu bên dưới. Ngọn núi ấy trắng bởi là núi đá vôi, vách đá của ngọn đèo cũng một màu trắng, giống như ai đem sơn trắng tô lên vách núi vậy. Cách đèo không xa có một bản người Mường sinh sống gọi là bản Tằm, thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Hàng ngày người dân ở làng đi bẻ bắp, bẻ lan rừng, bẻ măng… tùy theo mùa, rồi nghỉ mệt nên bãi đất trống là chợ bây giờ. Khách dừng chân hỏi mua. Ngày hôm sau họ lại đợi khách mua, hôm sau nữa dựng lều, bắc nồi nước luộc bắp… Và cứ thế chợ đông, hàng hóa tăng thêm. Giờ thì bếp lửa reo lên, cái ấm đun nước đen nhẻm, bình trà pha liên tục cho khách uống, những ống thuốc lào cũng để sẵn cho những ai cần. “Sự tích” của chợ giữa đỉnh đèo Thung Khe là vậy.

Đèo Thung Khe nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nghĩa là muốn đến được đây phải đi 150km từ Hà Nội. Người dừng chân nơi nào thì nơi đó thành chợ, cho nên trên đoạn đường gần 2 cây số có tới bốn cái chợ như thế, nhưng chỉ có hai cái ngay đỉnh đèo là xe du lịch dừng chân, nên trù phú hơn cả. Những mái tranh che rất tạm bợ, trống phía sau để ai tò mò có thể ra đó mà ngắm nhìn. Quán này liền quán kia, ai có gì cứ bày ra mà bán. Xe đậu dày đặc cả lối đi, cả mấy trăm người đôi khi cùng tới một lúc, chen ngồi. Xuống xe, tôi chen cùng mọi người vào chợ. Vài tiếng mời chào, rồi hàng nào cũng có khách, lo buôn bán. Món bắp vỏ tím trồng ở đây được luộc chín, bốc khói vị ngọt và mềm dẻo. Cả những ống cơm lam đúng nghĩa để ăn với muối vừng. Chợ được dựng lên bằng những trụ gỗ, gian hàng này thông với gian hàng kia. Hàng ai có gì thì bày cái đó ra mà bán. Có cả bình nhựa ủ nóng bắp luộc, bắp còn sống thì trình bày bắt mắt ra bên ngoài, cả cơm lam, tỏi, mật ong, măng tươi, phong lan, ớt rừng ngâm giấm… Cơm lam Dốc Trắng làm từ ống tre non, gạo ngâm qua đêm rồi nhồi vào ống tre, dùng chính áo bắp để bịt ống, nướng với lửa than bên ngoài từ từ cho tới chín. Sau đó gọt lớp vỏ đen, nhìn ống cơm trắng nõn.

Theo một người bán hàng thì tất cả là “hàng nhà”, gặp thời tiết thuận hòa thì bán buôn kiếm sống vài triệu một tháng, gọi là cực khổ một tí nhưng có cái để dành. Món ăn liền ngoài cơm lam còn có thịt heo nướng xâu, trứng lộn và cả xôi nếp gói lá… Có gian hàng xẻ nguyên con heo bản bày bán, và có cả rau cải rừng cũng để khách chọn lựa. Riêng lan rừng thì bày la liệt, khách cứ mua xong về tự chăm bón, măng rừng còn nguyên vỏ ngoài và lấm lem đất cát. Nhiều du khách mua bắp, có người mua mật ong, mua tỏi… Nói chung là ai thích gì mua đó, đôi khi chỉ mua vì ham vui hơn là nhu cầu, làm vui trên đường du lịch, hoặc mang về làm quà. Nhiều du khách lại tò mò ra một bãi đất phía sau, nhìn xuống dưới bản Tằm mờ ảo, nơi đó có con đường mòn để người dân bản dùng xe đạp, dùng cả những chiếc cút kít và cả gùi bộ đem hàng lên chợ đợi khách du lịch tìm đến.

Chợ đèo Thung Khe cứ như thế có lúc đông khách, có lúc vắng tanh. Để rồi đêm xuống mọi người đậy hàng lại, xuống núi về nhà. Khi ấy sương phủ mờ cả một con đèo.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn