Yên Bái bảo tồn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

0
126

Tính đến nay, Yên Bái đã có 13 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 31 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh cùng nhiều thắng cảnh đẹp hoang sơ, đậm chất núi rừng Tây Bắc.

Mù Cang Chải Ecolodge – điểm du lịch sinh thái hấp dẫn tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. ( Ảnh: Thanh Miền)

Di sản văn hóa phi vật thể ở Yên Bái cũng rất phong phú, điển hình là các lễ hội của dân tộc thiểu số kéo dài trong suốt năm. Bên cạnh đó, các loại hình văn nghệ, các trò chơi dân gian cũng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể.

Với trên 30 dân tộc, Yên Bái có một nền văn hóa dân gian đa sắc màu. Vùng văn hóa sông Chảy gần huyện Yên Bình, Lục Yên có hồ Thác Bà với tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan hoang sơ, tươi đẹp. Bên cạnh đó, các bản làng người Cao Lan, người Tày, Dao, Nùng với những đặc trưng văn hóa riêng biệt còn lưu giữ được khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa cũng là một trong những tiềm năng quan trọng để khai thác du lịch.

Vùng văn hóa dọc sông Hồng từ huyện Văn Yên qua Trấn Yên về thành phố Yên Bái, gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và văn hóa người Việt cổ. Hệ thống đền chùa và Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là các lợi thế to lớn trong khai thác và phát triển du lịch. Vùng văn hóa du lịch phía Tây với đặc trưng của văn hóa Thái, Mông, Khơ Mú, Tày, Mường… Nơi đây có cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai khu vực Tây Bắc. Ở đây, hình thành nên các vùng văn hóa đậm đặc, rõ nét với đặc trưng riêng biệt. Các lễ hội mới như: lễ hội Quế (Văn Yên), lễ hội Cam (Văn Chấn), lễ hội Bưởi – Đại Minh (Yên Bình) đang là những lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển du lịch gắn với sinh thái và văn hóa của từng vùng, góp phần quan trọng làm đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch cho tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay.

Với sự đa dạng dân tộc, đa dạng văn hóa và việc gìn giữ, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang mở ra cho tỉnh những hướng đi mới, cách làm hay trong việc phát triển du lịch gắn với khai thác văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số; đồng thời, cũng mở ra cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở địa phương.

Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đã tạo nên những khởi sắc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Văn hóa truyền thống được khai thác triệt để theo hướng loại bỏ hạn chế, tiêu cực, phát huy mặt tốt đẹp, tích cực, phù hợp với nhu cầu văn hóa của người dân trong giai đoạn mới.

Để tạo động lực thúc đẩy góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM” giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát động Phong trào thi đua “Yên Bái chung sức XDNTM” giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, xác định rõ XDNTM tỉnh Yên Bái theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Vì vậy, trong quá trình XDNTM, mỗi địa phương cần nhận thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa, di tích lịch sử do ông cha ta để lại là tài sản vô cùng quý giá. Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thì sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi bản, làng xã có thể tập hợp được sự đoàn kết cộng đồng để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống, quảng bá hình ảnh của làng quê để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Phan Huy Cường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn