Đây là vấn đề nhiều học sinh, phụ huynh ở TP.HCM băn khoăn, lo lắng khi lộ trình mở cửa trường học đã đến gần nhưng dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Tối 26/11, chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức với chủ đề công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại và những lưu ý về tình hình dịch bệnh.
Tại chương trình, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế và ông Dương Trí Dũng – Phó giám đốc Sở GD&ĐT, đã trả lời những băn khoăn, thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan.
Học sinh trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ) đến trường trực tiếp. Ảnh: Chí Hùng. |
Học sinh chưa tiêm vaccine có được đến trường?
Nhiều người dân thắc mắc con, em họ thuộc đối tượng chưa đến tuổi tiêm vaccine Covid-19 hoặc không thể tiêm do có bệnh nền, sốc phản vệ đã được bác sĩ chống chỉ định tiêm, thì có được đi học trực tiếp hay không? Nếu đối tượng này được đi học, các trường có biện pháp đảm bảo an toàn cho các em không?
Ông Dương Trí Dũng cho hay TP.HCM đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đối với trẻ không nằm trong độ tuổi tiêm chủng hoặc không thể tiêm vaccine, sở GD&ĐT và sở Y tế đang xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các em khi đi học trở lại.
Theo ông, những học sinh không được tiêm vaccine Covid-19 vì nhiều lý do như chống chỉ định, chưa đủ tuổi, phụ huynh chưa đồng ý tiêm hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền như thừa cân, béo phì,… sẽ được đảm bảo quyền lợi tới trường bình thường như học sinh khác.
“Tuy nhiên, nhà trường, thầy cô sẽ coi các em là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt, ngoài quan tâm học tập thì cần quan tâm các yếu tố khác để đảm bảo an toàn cho học sinh. Bởi đây là những em dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Nói thêm về tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay qua theo dõi tiêm chủng, số trẻ có chống chỉ định tiêm vaccine rất thấp. Ông khuyên ngay cả trường hợp trẻ có vấn đề về sức khoẻ như bệnh nền, phụ huynh vẫn nên đưa đến điểm tiêm chủng khi được mời, các bác sĩ sẽ khám sàng lọc và có chỉ định cụ thể.
“Chỉ bác sĩ mới có thể khám, sàng lọc và quyết định trẻ có được tiêm vaccine hay không”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Dương Trí Dũng cho biết TP.HCM sẽ có lưu ý riêng với những học sinh chưa được tiêm vaccine khi tới trường. Ảnh: TTBC TP.HCM. |
Tình huống có F0 trong trường
Chất lượng học trực tuyến, kế hoạch kiểm tra, bổ sung kiến thức khi học sinh quay lại lớp cũng là điều nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi trong chương trình.
Ông Dương Trí Dũng cho rằng để đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh và truyền đạt của giáo viên khi dạy học trực tuyến phải chờ đến lúc học sinh quay lại trường.
“Khi học sinh đi học lại, ưu tiên hàng đầu là đánh giá khả năng tiếp thu của các em sau một thời gian dài học trực tuyến vừa qua để có kế hoạch bù đắp kiến thức, đưa học sinh trở lại đúng tiến độ chương trình học”, ông Dũng nói.
Liên quan đến chủ đề tổ chức dạy học trực tiếp, phụ huynh Văn Nguyên (TP.HCM) hỏi một số tỉnh, thành khi cho trẻ đi học lại thì phát hiện F0 trong trường học, TP.HCM đã lường trước tình huống này chưa?
Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết việc đi học trực tiếp được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, TP.HCM cũng có bộ tiêu chí rõ ràng, khi có kế hoạch cho học sinh quay lại học tập trung, nhiệm vụ đầu tiên của các trường phải xây dựng được phương án xử lý khi có F0 trong nhà trường.
“Phương án này phải được các cơ quan, ban ngành thẩm định. Cần Giờ, Củ Chi hay mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, các trường phải căn cứ vào những đặc thù này để xây dựng phương án xử lý phù hợp. Đây là những tình huống phải được lường trước, không có chuyện mở cửa rồi lại đóng cửa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông nói thêm, học sinh là F0, F1, đang trong thời gian điều trị, theo dõi, sẽ không tới trường mà được chuyển sang học online. Sau khi hoàn thành thời gian điều trị, cách ly, các em sẽ được quay lại trường.
Trả lời một trường hợp gia đình ở khu trọ có nhiều người mắc Covid-19, con em trong nhà có nên/được đi học, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết người dân không sống trong khu vực phong tỏa thì vẫn được tham gia các hoạt động xã hội một cách bình thường, học sinh vẫn được đi học.
Tuy nhiên, nếu ở khu vực có nhiều F0 đang điều trị, cách ly tại nhà, người dân cũng nên lưu ý trong việc đi lại, sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Nguồn: News.zing.vn