Cocktail – một nét văn hoá Mỹ

0
277

Nước Mỹ có Viện bảo tàng Cocktail, đủ thấy vị trí của loại đồ uống trong nền văn hoá quốc gia này. Bảo tàng còn phát hành một cuốn tạp chí chuyên đề, có một thư viện và hằng tháng tổ chức hội thảo cho “bartender” – những người phục vụ món cocktail ở các quầy bar.

a

Những ly cocktail hấp dẫn.

Dale DeGroff, tác giả cuốn sách Những ngón nghề pha chế cocktail xuất bản năm 2002, nói: “Chúng ta đã nhiều năm đề cập đến vấn đề này, nhất là những người say mê món cocktail và muốn tìm hiểu vị trí của cocktail trong nền văn hoá Mỹ suốt 200 năm qua”. Trong bảo tàng, có trưng bày các loại dụng cụ pha chế, bảng minh hoạ lịch sử của cocktail từ đầu thế kỷ 19 đến thời kỳ cực thịnh (thập kỷ 1930) và cuộc phục hưng cocktail đầu những năm 1990. Những người xây dựng bảo tàng muốn làm sống lại những loại đồ uống từng bị quên lãng như “whiskey swizzle” (gồm whiskey làm từ lúa mạch đen, soda, nước chanh, đường và bia đắng có hương thơm) hay “sherry twist” (vang Tây Ban Nha, nước cam, rượu Bourbon và nước chanh).

Văn hoá Mỹ

Mọi việc bắt đầu từ năm 1806, khi lần đầu tiên từ “cocktail” xuất hiện trên báo The Balance and Columbian Repository (New York). Trước sự thắc mắc của độc giả, một biên tập viên đã giải thích: “cocktail” là “loại nước uống lên men được lắc đều, bao gồm bất cứ loại rượu nào cũng được, đường, nước và bia đắng”.

Một nét văn hoá của nước Mỹ được đặt tên như thế. Nguồn gốc của nó là các loại nước uống của châu Âu như rượu punches và toddies (hai loại rượu pha chế từ rượu mạnh, chanh, gia vị và nước nóng). Rượu dùng để pha cocktail thường là scotch, rum hoặc gin. Rượu mơ, vang Madeira, Port hay rượu vàng của Tây Ban Nha cũng được dùng để pha chế.

Dale DeGroff nói: “Những người châu Âu mang đến Mỹ những đồ uống truyền thống mà họ yêu thích nhất. Chúng ta chỉ việc đổ chúng vào với nhau, lắc lên và gọi đó là cocktail”.

Sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật giữa thế kỷ 19 khiến cocktail càng trở nên phổ biến. Giá máy làm đá rẻ hơn khiến giá cocktail cũng giảm. Người ta còn phát minh ra máy tạo gas nhỏ, tiện dụng và để vừa sau các quầy bar để trộn đồ uống.

Năm 1862, Jerry Thomas, một người phục vụ ở quầy bar phát hành cuốn sách đầu tiên về công thức pha chế cocktail. Khi đó chỉ mới có 10 công thức. Barman Harry Johnson phát hành sách hướng dẫn đầu tiên cho người pha chế vào năm 1882, trong đó, ông khuyên họ nên “đối xử lịch sự và quan tâm tối đa với khách hàng”.

“Thưởng thức loại đồ uống đặc biệt”

Bảo tàng không chỉ muốn du khách say tuý luý vì cocktail. Những người sành điệu vừa thưởng thức đồ uống, vừa xem xét rượu và tầm quan trọng của nó trong lịch sử với đôi mắt hoàn toàn tỉnh táo. Họ muốn người pha chế nhớ lại những cách làm cocktail từ 200 năm trước. Sự nghiêm túc của họ thể hiện trong cuốn tạp chí chuyên đề đầu tiên có tên Người pha chế: Tập san về Cocktail của người Mỹ. Trong đó có bài nói về lịch sử của rượu martini, giải thích ý nghĩa hoá học của siro, nước ngải đắng – loại nước uống phổ biến của thế kỷ 19 nhưng bị cấm sử dụng từ thập kỷ 1910.

Bobby Oakes, một người pha chế cocktail ở nhà hàng Arnaud’s (New Orleans), nói: “Một cốc cocktail ngon phải có nguyên liệu tốt, sử dụng đúng công thức đã được thử nghiệm là hiệu quả. Cocktail không thể thưởng thức theo kiểu ào ào, uống cho xong chuyện. Hãy nhớ rằng, bạn đang thưởng thức thứ đồ uống đặc biệt”.

H.T. (theo AP)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn