Đại biểu Trần Công Phàn, Nguyễn Thị Huế đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD&ĐT về một số vấn đề liên quan sách giáo khoa.
-
Nhiều học sinh không có thiết bị học online
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) hỏi nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, việc học tập của những em này như thế nào? Bộ GD&ĐT đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời việc dạy học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm học trước nhưng bước vào năm học này, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức.
Thầy trò chuyển sang học trực tuyến trong điều kiện khó khăn. Thực tế, 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học.
Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất.Có điều đáng mừng là ở những địa phương khó khăn, trong đó có các địa phương phía Bắc, thời gian qua, học sinh được học trực tiếp.
Việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT theo dõi các đơn vị thường xuyên. Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập. Để đánh giá mức độ đạt được của dạy học trực tuyến, chúng ta đang thực hiện, mọi việc còn ở phía trước. -
Chuẩn bị cho chuyển đổi số trong giáo dục
Trước câu hỏi của của đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) về việc xây dựng, phát triển giáo dục qua mạng ở trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng GD&ĐT cho hay điều này đã được triển khai từ trước. Mô hình trên thế giới cũng đặt ra các loại hình trường đại học ảo, đây là phán đoán tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Những công việc cần chuẩn bị là cơ sở pháp lý, nền tảng và mô hình thí điểm.
Ở vấn đề thứ hai, đại biểu Phạm Thúy Chinh băn khoăn về việc thiếu giáo viên Ngoại ngữ và Tin học ở miền núi. Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra thực tế nhiều giáo viên có cơ hội việc làm nên ngại công tác tại vùng sâu, vùng xa, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi. Đây là vấn đề khó khăn, đặt ra giải pháp tăng chỉ tiêu của khu vực này, thu hút đào tạo tại chỗ, chuyển đổi số.
-
Bộc lộ bất cập trong đội ngũ quản lý, điều hành của địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) nhìn nhận trong điều kiện dịch bệnh, ngành giáo dục đã đảm bảo được những nhiệm vụ trọng tâm và được xã hội đánh giá cao. Đội ngũ nhà giáo vượt khó trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý, điều hành của địa phương còn bộc lộ những bất cập, cần khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay điều kiện dịch bệnh là dịp ngành củng cố niềm tin từ sự nhiệt thành, tận tâm và hy sinh của hơn một triệu giáo viên. Trong đó, phần lớn giáo viên không kêu ca, phàn nàn trên các diễn đàn. Thầy cô sáng tạo trong điều kiện dạy học trực tuyến, đó là điều tích cực.
Tuy nhiên, điều kiện dịch bệnh cũng là dịp Bộ GD&ĐT nhìn thấy một số điều cần điều chỉnh tốt hơn trong thời gian tới. Những chế độ, chính sách còn hạn chế sẽ được rà lại. Việc ban hành chính sách cần đa dạng và mang tính đặc thù của vùng miền, phù hợp thực tế.
-
Điều chỉnh nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) đề nghị bộ trưởng đưa ra ý kiến, cũng như giải pháp khắc phục cho tình trạng sách giáo khoa Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên của NXB Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục. Đại biểu Nàng Xô Vi cũng nêu tình trạng 3 giáo viên cùng đứng lớp dạy môn tích hợp ở cấp THCS do việc đào tạo giáo viên theo từng chuyên môn khác nhau.
Bộ trưởng cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận về vấn đề SGK, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh.
Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.Với 3 giáo viên cùng đứng lớp dạy môn tích hợp ở cấp THCS, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong quá trình thiết kế, bộ đã hướng dẫn các trường sắp xếp để 3 giáo viên thuộc 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung.
Đơn vị sắp xếp đúng, việc triển khai thuận lợi. Đơn vị sắp xếp cả 3 giáo viên cùng dạy sẽ lúng túng. Trong quá trình triển khai, bộ cũng tập huấn cho hơn 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tăng cường hơn trong thời gian sắp tới. -
Giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học trực tuyến
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học trực tuyến. Trong khi đó, với yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và xử lý tình huống.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay trong giáo dục phổ thông với yêu cầu đổi mới, các yêu cầu về năng lực và kỹ năng rất quan trọng, cần tăng cường. Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến ảnh hưởng các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan. Việc này chưa thể cải thiện qua học trực tuyến.
Thời gian tới, học sinh quay lại trường sẽ cần tăng cường, củng cố, trang bị kỹ năng.
Bộ trưởng GD&ĐT thông tin, dịch bệnh kéo dài cần giải pháp tổng thể, bài giảng truyền hình sẽ đổi mới, đồng thời có thanh tra, kiểm tra. -
Chấm dứt dạy học theo văn mẫu
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đặt câu hỏi về việc bộ trưởng đã chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, sắp tới sẽ chỉ đạo như thế nào để thúc đẩy chất lượng hơn.
Trả lời chất vấn từ đại biểu này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người.
Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt.
Trong các cuộc họp, chỉ đạo trước, bộ trưởng đã nêu cần phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc.Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh.
Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai.
Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm. -
Đại biểu kiến nghị Bộ GD&ĐT thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến
Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Ông đặt vấn đề dù bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Cử tri bức xúc kiến nghị bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời giáo viên không được dạy thêm, học thêm. Khi học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, việc này càng cần nghiêm cấm. Bộ đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này.
-
Ngành giáo dục ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết gần 2 năm qua, đại dịch tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra.
Toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng. Bộ GD&ĐT đã động viên giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh.
Dịch bệnh đang dần kiểm soát, kinh tế và hoạt động xã hội dần phục hồi nhưng ngành giáo dục bắt đầu chặng đường mới. Hậu quả do dịch gây ra và việc khắc phục nó không phải một sớm một chiều với những ảnh hưởng lâu dài chưa thể đo đếm được như lỗ hổng về kiến thức, tác động lâu dài đến học sinh.
Nguồn: News.zing.vn