Mỹ thử nghiệm Vòm Sắt ở đảo Guam để đối phó Trung Quốc

0
Mỹ thử nghiệm Vòm Sắt ở đảo Guam để đối phó Trung Quốc

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel đang được các nhà hoạch địch quân sự Mỹ thử nghiệm ở Guam trong bối cảnh nước này lo ngại những hành động từ Trung Quốc.

Israel từng sử dụng Vòm Sắt để đánh chặn hàng nghìn quả rocket và súng cối của Palestine. Tuy nhiên, loại này chỉ có thể bảo vệ và chống lại một số loại tên lửa nhất định. Do đó, Mỹ đang theo đuổi các kế hoạch riêng để tăng cường khả năng phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc phóng từ không gian, Wall Street Journal nhận định.

Cuộc thử nghiệm Vòm Sắt đã cho thấy nhiều loại vũ khí mà Mỹ đang xây dựng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Lầu Năm Góc giải quyết “thách thức số một” đến từ Trung Quốc.

“Nếu chúng ta không thể bảo vệ Guam – căn cứ không quân và nhiều thứ khác – thì thật khó để phô trương sức mạnh ở Thái Bình Dương”, Tom Karako – Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington – nói.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Guam là lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đồng thời cũng là nơi sinh sống của khoảng 190.000 dân thường và lính Mỹ. Căn cứ của lực lượng không quân, hải quân và thủy quân lục chiến cách Trung Quốc khoảng hơn 2.800 km, khiến đây trở thành căn cứ Mỹ gần Trung Quốc nhất.

Hồi tháng 8, Bắc Kinh đã thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm, có đường bay khó dự đoán hơn để né tránh hệ thống phòng thủ sau khi hạ cánh từ không gian, bao gồm cả hệ thống ở đảo Guam.

Trung Quốc cũng tự hào về một đội máy bay ném bom với quy mô ngày càng mở rộng có thể phóng tên lửa hành trình lướt trên biển, vươn tới cả đảo Guam – nơi hệ thống Vòm Sắt thiết lập.

my thu nghiem vom sat cua israel anh 1

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza ngày 12/5. Ảnh: Reuters.

Vòm Sắt là sản phẩm kết hợp giữa công ty công nghệ quốc phòng của Israel và tập đoàn quốc phòng hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt tên lửa và pháo tầm ngắn cách xa tới 64 km – loại vũ khí mà người Palestine dùng để chống chọi với Israel.

Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt mua 2 hệ thống Vòm Sắt với giá khoảng 373 triệu USD.

Tên lửa hành trình là loại vũ khí khó nhắm mục tiêu hơn so với tên lửa của Palestine vì chúng bay trên đường thẳng, bằng phẳng mà radar phòng thủ khó nắm bắt. Một số loại còn di chuyển với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.

“Vòm Sắt chỉ là giải pháp tạm thời” và sẽ không hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa từ một số loại tên lửa hành trình, ông Karako nhận định.

Tuy nhiên, Vòm Sắt đã chứng minh một số khả năng đánh chặn tên lửa hành trình có tốc độ dưới âm, điển hình như tên lửa CJ-20 mà Lầu Năm Góc cho rằng có thể đe dọa đảo Guam nếu vũ khí này bắn từ máy bay ném bom của Trung Quốc.

Vào tháng 8, quân đội Mỹ cũng tiêu diệt 8 mục tiêu thay thế tên lửa hành trình trong cuộc thử nghiệm Vòm Sắt tại Bãi Tên lửa White Sands ở New Mexico.

Tập trung đầu tư quốc phòng

Một số quan chức do dự khi triển khai hệ thống này, với lý do khó tích hợp cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa khác. Một số nhà phân tích cho biết nếu Vòm Sắt được thử nghiệm, họ nên lựa chọn Hàn Quốc làm địa điểm bởi quốc gia này giống với Israel khi có Triều Tiên là mối đe dọa – ngay sát biên giới và có thể sử dụng vũ khí tương tự các chiến binh Palestine.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã quyết định đặt một hệ thống Vòm Sắt ở Guam vào tháng 10. Lực lượng trên đảo Guam sẽ được huấn luyện đến hết tháng 12 về cách vận hành và tích hợp mái vòm với các hệ thống phòng thủ khác.

Xung quanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia đang đầu tư vào công nghệ tên lửa. Năm nay, Mỹ đã loại bỏ giới hạn áp đặt với tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc. Seoul đã phê duyệt quỹ để phát triển hệ thống tương tự Vòm Sắt nhằm chống lại tên lửa và pháo của Triều Tiên. Kế hoạch dự kiến hoàn thành trong ít nhất 6 năm.

my thu nghiem vom sat cua israel anh 2

Hệ thống Thaad tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam. Ảnh: Reuters.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới hầm chứa tên lửa trên sa mạc. Trong khi đó, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn Tokyo tự phát triển tên lửa để nhắm mục tiêu và phá hủy căn cứ của đối phương.

Mỹ đã đặt một tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối, hay còn gọi là Thaad, dàn tên lửa đạn đạo ở Guam vào năm 2013 sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công hòn đảo này. Các máy bay ném bom tại Guam đã bay qua Bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ căng thẳng với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng triển khai một khẩu đội Thaad tới Hàn Quốc vào năm 2016.

Giới quân sự Mỹ đang tìm kiếm khoảng 200 triệu USD để bổ sung công nghệ nhằm bảo vệ đảo Guam khỏi tên lửa đạn đạo, chẳng hạn như phiên bản trên đất liền của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis thường sử dụng trên tàu.

Họ lập luận rằng căn cứ trên đảo là điểm quan trọng khi bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực diễn ra.

Quốc hội Mỹ cảm thấy lập luận ít thuyết phục và đã cắt giảm yêu cầu chi tiêu cho phòng thủ tên lửa Guam trong năm nay. Họ cho rằng cần có các bản kế hoạch rõ ràng về cách sử dụng số tiền này.

Nguồn: News.zing.vn