Tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6, mỗi ngày đội ngũ bác sĩ phải cấp cứu tại chỗ và chuyển viện cho hàng chục ca F0 trở nặng.
Chúng tôi là Huỳnh Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Đông Ninh, điều dưỡng khoa Tiết niệu – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Hiện nay, chúng tôi phụ trách điều trị, thăm khám, trực cấp cứu, kiểm tra sức khỏe và quản lý hồ sơ của những F0 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM). |
Quản lý một toà nhà hàng nghìn bệnh nhân không phải dễ dàng. Do đó công việc của chúng tôi được chia làm nhiều khâu. Các F0 ở tại tầng 3 đến tầng 24, đội ngũ y tế, dân quân sẽ ở tầng 1, tầng 2 là “tầng đệm”. Chúng tôi luân phiên trực tại tầng đệm để theo dõi sức khỏe, thăm khám F0 mỗi khi họ có yêu cầu. |
Hôm nay, ca trực của chúng tôi bắt đầu lúc 20h. Vừa vào ca không lâu, chúng tôi nhận được tin nhắn từ bác sĩ trực hotline có một người phụ nữ ngoài 60 tuổi ở tầng 10 đang có biểu hiện khó thở, chúng tôi lập tức lên thăm khám. |
Đánh giá tình hình khá nghiêm trọng khi người phụ nữ có bệnh lý nền, đang sốt và thở gấp, chúng tôi gọi bác sĩ trực ban lên để cân nhắc việc chuyển bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. |
Chúng tôi tiến hành đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) và huyết áp cho bệnh nhân. Chỉ số SpO2 bình thường, đây là một tín hiệu tốt. Sau vài phút được bác sĩ trấn an, động viên, bệnh nhân dần ổn định và tiếp tục ở lại phòng để nghỉ ngơi. |
Liên tục tiếp xúc bệnh nhân nên trong suốt thời gian trực chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ và chỉ được ở tầng đệm. Đây giống như một khoảng thời gian cách ly tạm thời. Nếu cần thuốc, thiết bị y tế hoặc bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ phải nhờ những người ở dưới buộc vào dây và kéo lên. |
Chúng tôi tiếp tục thăm khám, đưa thuốc dựa theo những vấn đề sức khỏe mà người bệnh thông báo đến hotline. Mỗi ca trực thường kéo dài gần 4 giờ. |
Trong mỗi ca trực, chúng tôi không được rời mắt khỏi điện thoại vì mọi thông tin sẽ được đội ngũ trực hotline tầng 1 thông báo bằng tin nhắn. |
Vừa nghỉ được 10 phút, chúng tôi tiếp tục lên tầng 3 để hỗ trợ một người phụ nữ bị sốt và khó thở. Những bệnh nhân cùng phòng cho biết bà đã gặp tình trạng này từ tối và càng lúc càng nghiêm trọng. |
Sau khi đo, chỉ số SpO2 của bệnh nhân là 32%. Nhận thấy chỉ số quá thấp, chúng tôi biết tình trạng khẩn cấp đã đến. Người phụ nữ bị hạ oxy máu và cần được cấp cứu ngay lập tức. |
Chúng tôi lập tức chuyển bệnh nhân xuống phòng cấp cứu của bệnh viện. Một người đi lấy xe lăn, một người dìu bà đến thang máy. Vừa đi, chúng tôi vừa trấn an và nhắc nhở bệnh nhân hít sâu, thở đều. |
Người phụ nữ vẫn tỉnh táo nhưng hơi thở khò khè, đi không vững, tức ngực… Đây là những biểu hiện đặc trưng của người bị suy hô hấp do SARS-CoV-2. |
Sau khoảng 3 phút, chúng tôi đưa được bệnh nhân xuống phòng cấp cứu. Các bác sĩ cho bà thở oxy. Với tình trạng hiện tại, bệnh viện bắt buộc phải chuyển bà lên tuyến điều trị cao hơn để đảm bảo xử trí kịp thời. Bác sĩ Phan Thanh Toàn, trưởng kíp trực cấp cứu liên hệ với phòng trực ban để làm thủ tục chuyển viện. |
Hiện tại, nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 quá tải khiến việc chuyển bệnh nhân diễn ra khá lâu. Chúng tôi phải liên hệ với nhiều bệnh viện khác nhau để xin chuyển bệnh sớm nhất có thể. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi thường xuyên hỏi thăm và động viên bệnh nhân. |
Chúng tôi lấy thêm bình oxy, bóng ambu để chuẩn bị quá trình chuyển bệnh. Với nguy cơ diễn biến nặng, bệnh viện dã chiến vẫn phải chuẩn bị cơ bản đầy đủ thiết bị hỗ trợ cho việc cấp cứu bệnh nhân Covid-19. |
Chúng tôi cho bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ và gọng kính để xác định phương pháp thích hợp. Sau khoảng 30 phút chờ đợi, bệnh nhân cũng được Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tiếp nhận. Chúng tôi nhanh chóng làm hồ sơ, chuẩn bị đồ đạc cho bà. |
Do bà không thể ngồi dậy, chúng tôi bắt buộc phải dùng băng ca cứu thương để đưa ra xe cấp cứu. |
Hai điều dưỡng chuyển bệnh nhân lên xe và đi cùng để làm thủ tục chuyển bệnh với Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Sau hơn 30 phút, kết thúc ca cấp cứu, ai cũng thở phào vì bệnh nhân đã kịp thời được đưa lên điều trị tuyến trên. |
Gần 0h, ca trực kết thúc, chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi trên những chiếc giường dã chiến đặt ngay tại phòng trực. Những ngày qua, chúng tôi và các đồng nghiệp luôn khẩn trương làm việc để đảm bảo việc cách ly, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. |
Nguồn: News.zing.vn