Một tuần giãn cách toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 cũng là 7 ngày chạy đua của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để tìm mọi cách cung ứng hàng hóa, đảm bảo mua sắm an toàn.
Vết xước trải đều từ khuỷu tay xuống tận đầu các ngón tay của chị Hoàng Anh – Giám đốc siêu thị Co.opmart Tân An, Long An – chưa kịp kéo da non thì lại có thêm những vết xước mới đè lên do bưng bê, kéo đẩy, chất xếp đủ loại hàng hóa.
“Em thử hình dung cả tháng trời mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng em có chịu nổi không?”, chị Hoàng Anh kể. “Tụi chị giờ là mình đồng da sắt hết rồi”.
Thực tế, một tuần qua ở các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, các nhân viên phải căng mình mỗi ngày để giải tỏa “cơn khát” thực phẩm của người dân khi 80% chợ truyền thống đóng cửa. Những kệ hàng rau củ chỉ vừa lấp đầy đã trống trơn nhanh chóng.
Ba chợ đầu mối, 186/234 chợ truyền thống đóng cửa, áp lực bỗng dồn hết sang kênh bán lẻ hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, vốn chỉ đủ sức đáp ứng 30% nhu cầu lương thực, thực phẩm của TP.HCM.
Mọi nhân lực từ bảo vệ, thu ngân, kho thực phẩm đến cả những nhân viên giao hàng phải tăng tốc gấp 2-3 thậm chí 10 lần vì lượng khách hàng tăng vọt, đồng thời siêu thị và cửa hàng cũng phải đảm bảo quy định về giãn cách, giới hạn số khách.
Nhân viên siêu thị liên tục cập nhật kệ hàng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Căng mình phục vụ ngày đêm
Saigon Co.op phải huy động một bộ phận nhân viên từ Co.op Smile, Cheers… sang xử lý đơn hàng cho Co.opmart, Co.opFood, cũng như đưa một số nhân sự khối văn phòng xuống hỗ trợ Trung tâm phân phối Thực phẩm tươi sống Bình Dương.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh tận dụng nhân viên từ các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, song song với việc tuyển thêm nhân sự mới.
Một tuần qua có lẽ là một tuần khó quên của Nguyễn Chi, nhân viên siêu thị Co.opmart Phan Văn Hớn (quận 12) và rất nhiều đồng nghiệp khác. Suốt 7 ngày chị Chi cùng các đồng nghiệp ăn mì gói để kịp tiến độ công việc.
“Chị Hà tổ trưởng thường xuyên bảo chúng tôi phải chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống bồi bổ bởi nhân viên siêu thị mà gục thì khách hàng sẽ khó khăn, ai sẽ cung cấp lương thực cho họ, hàng trăm đơn hàng ai giải quyết. Một người gục thì cả tổ lại phải gánh vác công việc cho nhau, sẽ càng vất vả hơn”, chị nói.
Tâm sự với Zing, một nhân viên tại siêu thị Bách Hóa Xanh cũng cho biết những ngày qua là những ngày không có bữa sáng, nói đúng hơn là không kịp để ăn. “Ra khỏi nhà lúc hơn 5h và lúc đặt lưng lên giường là thời điểm trời đã về khuya”, anh chia sẻ.
Một tuần các siêu thị tăng hết công suất, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của người dân. Ảnh: Quỳnh Danh. |
12h trưa, dù lưng ướt đẫm mồ hôi và da rát đỏ, nhân viên trẻ này vẫn miệt mài nhắc nhở, sắp xếp lượt khách ra vào cửa hàng. “Mong mọi người cùng nhau cố gắng để nhanh chóng vượt qua, nhân viên chúng tôi đuối sức lắm rồi”, anh nói.
Chưa kể, lượng nhân sự giảm sút, các siêu thị nhận nhiều đơn hàng nhưng phải hẹn 2-3 ngày mới có thể giao tới.
“Nhân sự của chúng tôi hiện không đủ để phục vụ. Do một số vẫn đang cách ly, chỉ 1/3 nhân viên còn làm việc tại các siêu thị. Khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết hết lượng đơn hàng lớn như vậy”, một đại diện siêu thị giãi bày khi đơn hàng online liên tục quá tải.
Nhiều cách thức lạ, hiệu quả
Để giảm tải tắc nghẽn và tránh lây lan, nhiều biện pháp gấp rút, kịp thời đã được áp dụng. Tất cả siêu thị đều yêu cầu khách xếp hàng, giãn cách 1-2 m, đẩy mạnh giao hàng online. Thậm chí, họ tăng thời gian hoạt động thêm 3-4 giờ/ngày, tức mở cửa từ 6h đến 22- 23h nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.
Saigon Co.op phát phiếu hẹn giờ, yêu cầu khách xếp hàng 3 vòng và hạn chế thời gian mua sắm chỉ trong 10,30 phút. Đồng thời, siêu thị triển khai bán hàng theo combo, tăng lượng thực phẩm chế biến sẵn.
Thậm chí, một cửa hàng Co.op Food còn áp dụng cách ngăn khách vào bên trong. Cửa hàng có ghi danh sách các loại thịt còn hàng. Khách muốn mua gì phải tự ghi vào phiếu, sau đó đặt vào trong rổ, nhân viên sẽ lấy giúp.
Với Bách Hóa Xanh, ngoài những biện pháp chống dịch như yêu cầu xếp hàng, giãn cách đúng quy định, siêu thị này còn quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1-3 vỉ trứng, 2 kg rau.
Thay vì mở cửa từ 6h đến 21h, hệ thống MM Mega Market cũng phục vụ đến 23h hàng ngày. Sắp xếp lượng khách hàng vào mua sắm để đảm bảo giữ khoảng cách. Lượt khách kế tiếp được bố trí xếp hàng ở khu vực bãi đỗ xe hoặc cổng.
Siêu thị phát phiếu hẹn giờ để giảm tải lượng người mua sắm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thậm chí, tại MM Mega Market khi lượng khách quá đông, siêu thị phải rào lại cổng không cho khách hàng vào trong.
MM Mega Market đưa ra 3 hình thức đặt hàng trực tuyến thông qua website, Zalo OA và hotline của từng siêu thị, với khoảng 7.000 sản phẩm được cam kết giao trong vòng 4 tiếng (nếu đặt trước 17h) và miễn phí vận chuyển trong bán kính 10 km.
Từ ngày 16/7, siêu thị này cũng triển khai bán hàng theo combo rau củ, thịt cá cho người dân khu vực phong tỏa.
Tại Aeon, siêu thị này cũng tích cực mở thêm nhiều điểm bán lưu động và đẩy mạnh bán online để giảm áp lực cung ứng cho toàn hệ thống, song song với việc tăng nguồn cung đồ chế biến sẵn.
Còn nhiều rối rắm ở chuỗi cung ứng
Một tuần qua cũng là quãng thời gian chưa từng có trong tiền lệ đối với chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM.
Với MM Mega Market, đại diện siêu thị này khẳng định đến nay vẫn đảm bảo hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định. Tuy nhiên, đơn vị này thừa nhận đang gặp khó khăn về chuỗi cung ứng hàng hóa vào TP.HCM.
“Nhiều tài xế phải chờ xét nghiệm hay đang trong khu vực phong tỏa nên không đủ tài xế để giao hàng. Khi đi giao hàng cho các tỉnh Đà Nẳng, Cần Thơ, Bạc Liêu đều không cho xe vào giao hàng mặc dù tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của siêu thị”, vị đại diện này cho hay.
Còn Central Retail cũng thừa nhận đang gặp khó khăn do đối tác cung cấp tài xế giao hàng bị hạn chế, ít hơn ngày thường 70% nên chưa thể giao hàng nhanh như bình thường.
Siêu thị quá tải đơn hàng online. Ảnh: Phương Lâm. |
Bách Hóa Xanh cũng cho biết dù toàn bộ xe hàng của nhà cung cấp của siêu thị này ghi rõ “xe hàng thiết yếu”, có đơn hàng hoặc QR thông hành nhưng vẫn gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa về kho Thốt Nốt – Cần Thơ.
“Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao”, đại diện siêu thị này cho biết.
Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP.HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị giữ lại các chốt kiểm dịch.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam.
Trong sáng 15/7, kệ rau xanh của siêu thị Bách Hóa Xanh (quận Bình Thạnh) trống trơn vì một xe hàng chở rau, củ gặp trục trặc trong quá trình vận chuyển.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cũng thừa nhận khâu chuyển hàng từ nguồn cung ở các tỉnh về TP.HCM cũng như từ kho tổng đến các siêu thị là khó khăn lớn nhất hiện nay.
“Giấy chứng nhận xét nghiệm của tài xế có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian là nguyên nhân gây khó khăn chính cho lưu thông hàng hoá. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP.HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị giữ lại các chốt kiểm dịch”, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh chia sẻ.
Một tuần trôi qua, còn một tuần nữa các siêu thị đồng hành cùng người dân TP.HCM trải qua chuỗi 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cơ quan chức năng, các bộ ngành cần chung sức tìm cách để góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở siêu thị và ngăn chặn việc tăng giá, tích trữ thực phẩm…
Nguồn: News.zing.vn