Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Chiêm ngưỡng “đảo thiên đường” đẹp nhất thế giới

(Dân trí) – Các độc giả của tạp chí “Travel and Leisure” tiếp tục bầu chọn quần đảo Palawan (Philippines) là hòn đảo tốt nhất thế giới. Theo đó, Palawan được vinh dự nhận được danh hiệu này trong 2 năm liên tiếp.

Tận hưởng vẻ đẹp bất tận của hòn đảo thiên đường Palawan, Philippines

Theo lời giới thiệu, Palawan được coi là “thiên đường kỳ lạ ở Đông Nam Á” với lần bình chọn thứ 2 liên tiếp do độc giả của tạp chí du lịch “Travel and Leisure” bình bầu. Điều này không khiến người ta ngạc nhiên khi một quần đảo bình dị ở Philippines tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong các giải thưởng của nhiều tạp chí du lịch trên thế giới.

Trước đó, hai tạp chí “Conde Nast Traveler” và “National Geographic Traveler” cũng từng trao giải thưởng tương tự cho Palawan. Trong khi đó, số người bỏ phiếu bình chọn quần đảo đều nhất trí cho rằng đây là “điểm đến đầy mơ ước với bất cứ cặp đôi nào yêu biển”.

Palawan trở thành thiên đường khá quen mắt với các bộ phim của Hollywood với một số tác phẩm điển hình như “Mật mã Bourne”, “The Beach” hay “Thế giới không đủ” của James Bond. Nhà sản xuất “Mật mã Bourne” Frank Marshall từng chia sẻ, Palawan là “nơi đẹp nhất” anh từng có dịp ghé thăm.

Trong khi đó, người dân địa phương gọi Palawan là “biên giới cuối cùng” bởi vị trí địa lý nằm ở mũi phía nam của Philippines, phía Bắc của Malaysia. Với chiều dài 430 km, chiều rộng gần 40 km, đây là hòn đảo lớn thứ 5 ở Philippines với 3 sân bay. Được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái phong phú cùng những khu vườn nhiệt đới xanh mướt, Palawan xứng đáng với danh hiệu “Hòn đảo thiên đường”.

Vườn quốc gia Puerto Princesa Subterranean River là nơi sở hữu hệ thống hang động ấn tượng trên thế giới, với rừng nguyên sinh, động vật hoang dã, hang động với nhũ đá và măng đá. Lối vào của địa danh sông ngầm Princesa Subterranean từng được UNESCO công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới.

Khám phá Palawan trong những hình ảnh mới nhất để hiểu vì sao nơi này được mệnh danh “hòn đảo thiên đường”.

Palawan nổi bật với nước biển trong xanh cùng dãy núi đá vôi hùng vỹ

Palawan nổi bật với nước biển trong xanh cùng dãy núi đá vôi hùng vỹ

Palawan nhìn từ trên cao. Đây cũng là nơi bảo tồn thiên nhiên cả vùng đất liền và biển.

Palawan nhìn từ trên cao. Đây cũng là nơi bảo tồn thiên nhiên cả vùng đất liền và biển.

Lối vào của địa danh sông ngầm Puerto Princesa, nơi đây được UNESCO công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới.

Lối vào của địa danh sông ngầm Puerto Princesa, nơi đây được UNESCO công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới.

Palawan từng xuất hiện khá nhiều lần trong những bộ phim bom tấn của Hollywood.

Palawan từng xuất hiện khá nhiều lần trong những bộ phim bom tấn của Hollywood.

Du khách đi thuyền vào khám phá hang động

Du khách đi thuyền vào khám phá hang động

Việt Hà

Theo DM

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Khám phá thiên nhiên hoang sơ ở rạn Nam Ô

(Dân trí) – Cách trung tâm thành phố khoảng 17km về phía tây bắc, rạn Nam Ô với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ là một trong những điểm đến mới ở ngoại ô Đà Nẵng hấp dẫn du khách.

Rạn Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố không xa và đường đi rất dễ tìm. Từ bãi tắm Xuân Thiều, ta có thể nhìn thấy bãi đá nhấp nhô, lớp lớp đá xếp chồng lên nhau.

Rạn Nam Ô quyến rũ du khách bởi vẻ hoang dại và đơn độc. Có thể xem rạn Nam Ô là điểm mút đầu tiên của vịnh Đà Nẵng, tính từ bắc vào, địa hình đá xếp chồng khá thử thách bước chân người tìm đến để thưởng ngoạn toàn bộ vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nơi đây. Rạn Nam Ô ngày ngày hất tung những con sóng vỗ bờ tạo thành lớp lớp bọt biển trắng xóa. Những rạn đá như những người canh gác thầm lặng cho bãi bờ bình yên.

Một góc chụp từ rạn Cả, từ đây ta có thể nhìn thấy thấp thoáng thành phố.

Một góc chụp từ rạn Cả, từ đây ta có thể nhìn thấy thấp thoáng thành phố.

Chếch về hướng Bắc, có thể thấy đèo Hải Vân hùng vĩ

Chếch về hướng Bắc, có thể thấy đèo Hải Vân hùng vĩ

Rạn Nam Ô có tổng diện tích khoảng 2 ha, gồm rạn Cả và rạn Con, giữa chúng được ngăn cách bởi một con lạch nhỏ được người dân địa phương gọi là thòng long. Rạn Cả chạy theo hướng tây bắc- đông nam, chiều dài khoảng 300m chiều rộng khoảng 50m. Rạn Cả địa hình khá nguy hiểm, đá chồng lên đá dày đặc, tầng tầng đá lớn đá bé xen kẽ có chỗ tạo thành hố sâu vài mét, nhiều tảng đá lớn nhô lên mặt nước hơn sải tay. Rạn Con thì có diện tích nhỏ hơn, ước chừng bằng nửa rạn Cả và nằm song song với rạn Cả.

Những lớp đá chồng lên nhau ở rạn Cả

Những lớp đá chồng lên nhau ở rạn Cả

Ngoài những tầng đá sát bờ thì ở dưới nước cũng có rất nhiều đá ngầm.

Ngoài những tầng đá sát bờ thì ở dưới nước cũng có rất nhiều đá ngầm.

Nam Ô nghĩa là phía nam của ô Châu ngày xưa, biển Nam Ô là nơi đánh bắt quen thuộc của ngư dân địa phương. Với địa hình đá chồng đá, lại thêm rong rêu mọc nhiều nên rạn Nam Ô là nơi trú ẩn lý tưởng của các loài cá nhỏ theo mùa như: cá ve, cá cơm, cá dò,… Đến rạn, nhìn xuống dưới chân đá ta dễ dàng tìm được các đàn cá nhỏ bơi tung tăng.

Ngoài những tầng đá sát bờ thì ở dưới nước cũng có rất nhiều đá ngầm.

Ngoài những tầng đá sát bờ thì ở dưới nước cũng có rất nhiều đá ngầm.

Nếu bạn là người yêu thích câu cá hay trải nghiệm đánh bắt thủy hải sản như những ngư dân, thì đây là một điểm đến lý tưởng. Vào những ngày cuối tuần, nhiều người thích câu cá tìm đến đây thư giãn với thú vui này. Dù vào thời điểm nào trong ngày, ta cũng dễ dàng bắt gặp những người dân đi đánh bắt hải sản, người dân ở đây rất thân thiện và nhiệt tình bạn có thể xin đi theo để có những trải nghiệm mới.

Đá to, đá nhỏ chen chúc chồng lấn lên nhau, một địa điểm lý tưởng để chụp ảnh ngoại cảnh.

Đá to, đá nhỏ chen chúc chồng lấn lên nhau, một địa điểm lý tưởng để chụp ảnh ngoại cảnh.

Thời điểm thích hợp nhất để thưởng ngoạn trọn vẹn nhất vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỹ vĩ ở rạn Nam Ô là bình minh, hay lúc hoàng hôn. Từ Nam Ô, du khách còn có thể đi đến làng Vân bằng đường thủy hoặc bộ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mở rộng hành trình khám phá đèo Hải Vân, suối Voi, hay bản làng của người Cơ Tu ở các xã vùng sâu, vùng xa của Đà Nẵng…

Yến Nhi

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Hấp dẫn chợ đêm Lý Sơn

Chợ đêm Lý Sơn là nơi thu hút được đông đảo du khách với những sản vật đặc trưng của vùng đảo.

Màn đêm buông xuống, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở nên lung linh, huyền ảo giữa mênh mông sóng nước. Kể từ ngày điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Lý Sơn đổi thay từng ngày. Ngày càng nhiều du khách gần xa điền tên Lý Sơn vào hành trình khám phá của mình. Sau một ngày dài nếm vị của nắng gió nơi đất đảo để khám phá các điểm di tích, thắng cảnh hùng vĩ đẹp đến mê hoặc lòng người, đêm về du khách sẽ được một phen “ngất ngây” hấp dẫn với những sản vật đặc trưng của đất đảo tại “chợ đêm” Lý Sơn. Chợ đêm là cái tên được du khách gần xa ví von cho khu vực cổng chào huyện, nơi đông vui nhất đảo về đêm, ở đó du khách sẽ được tận hưởng những móm ngon, vật lạ mang đậm hương vị Lý Sơn.

Khu vực cổng chào huyện Lý Sơn, nơi có cầu cảng được xem là trung tâm của huyện đảo. Ở đây tập trung nhiều nhà nghỉ, khách sạn nên tối đến du khách thường tìm đến “chợ đêm” để thưởng thức hải sản. Cái tên chợ đêm Lý Sơn có kể từ ngày đảo có điện.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Những trải nghiệm tuyệt vời ở miền nam nước Pháp

(Dân trí) – Provence như một cô gái đẹp đầy quyến rũ, khi gặp nạn không thể không gây cảm giác xót thương. Ngày hôm sau, khi một người bạn hỏi “ Giờ có ai hỏi có muốn bay tới Nice, quay trở lại Provence không?”, – “Có” bởi tôi tin tưởng rằng trước sau gì cái đẹp, cái tốt cũng sẽ chiến thắng và được trân trọng.

9 giờ sáng, những quán cafe đêm giờ mới vươn mình tỉnh giấc, mở toang cánh cửa chớp mầu xanh dưới tán lá của giàn hoa bìm bìm tím. Bàn ghế kê ra ngoài trời gần đường đến mức có thể bắt tay người lái xe ngang qua. Bụng hơi đoi đói, tôi vòng qua mấy con phố vắng người chật hẹp vạt tối vạt sáng lên lên xuống xuống quay về khách sạn.

Do ấn tượng bởi những bức tranh cảnh đồng quê với cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy típ tắp đến đường chân trời, những toà lâu đài trên vách núi cao và những ngôi làng cổ xây bằng đá với giàn hoa đỏ phủ kín tường,… tôi ấp ủ ước mong đến vùng Provence miền nam nước Pháp từ nhiều năm nay. Vậy nên khi máy bay hạ dần độ cao bay men theo bờ biển hạ cánh xuống Nice vào lúc giáng chiều, khi những tia nắng cuối cùng chỉ còn len loỉ loé sáng trên đỉnh ngọn núi phía xa và cả thành phố đã lên đèn lộng lẫy uốn lượn theo đường cong của đại lộ chính, tôi không thể không cảm thấy hồi hộp.


Những bức tranh cảnh đồng quê với cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy típ tắp đến đường chân trời,...

Những bức tranh cảnh đồng quê với cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy típ tắp đến đường chân trời,…

Nice vào ban đêm lộng gió nhưng không lạnh, không khí biến thoáng mát, nhẹ bẫng như chẳng bị chút tạp chất ô nhiễm nào. Từ Nice chúng tôi còn phải lái xe khoảng hơn hai tiếng mới tới thành phố đặt chỗ ở: Arles- một thành phố trung tâm của vùng Provence. Ngoài nhược điểm duy nhất là cứ đi một đoạn lại phải trả phí đường khá đắt, đường cao tốc của Pháp thiết kế rất hợp lý, dễ hiểu và êm mịn như nuốt chửng từng km. Khách sạn mini của chúng tôi nằm trong khu phố cổ, đường phố chật hẹp như các ngõ ngách ở Hội An, có chỗ đến một xe cũng không lách nổi. Tiếp đón chúng tôi là một “ bô lão” khoảng 80 tuổi, tóc đã bạc phơ nhưng cao to, dáng điệu khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Nhà không có thang máy còn thang bộ bằng đá lại khá chật và xoắn ốc. Sau khi hì hục khuân được va li lên tới phòng mà may mắn khá to , đẹp, tiện nghi, ai cũng mệt phờ lăn đùng ra ngủ như không biết trời đất gì nữa…

Lang thang phố cổ

Sáng sớm, đang lơ mơ bỗng giật thót mình bởi cảm giác như có tiếng động cơ gì đó to lắm ngay sát giường mình nằm. Hoá ra do tại quên không đóng cửa sổ, tiếng của chiếc xe dọn đường chạy qua con phố nhỏ lát đá phát ra những âm thanh vang dội. Tôi bèn tỉnh dậy, ngó qua cửa sổ thấy bầu trời xanh ngắt và những cánh én bay lượn chao đảo. Có lẽ do cảm hứng bay nhẩy của đàn chim mà tôi quyết định thôi không ngủ tiếp nữa, vác máy ảnh đi dạo lang thang trong thành phố một chút. Thực ra thành phố Arles có nguồn gốc rất lâu đời từ Hy lạp, sau bị thể chế La mã chiêu hồi và có thời đã có chế độ vua chúa riêng, cố đô của vùng Provence. Bởi thế nên thành phố nhỏ xinh đẹp nằm bên cạnh bờ sông Rhone này chứa đựng rất nhiều các kiến trúc cổ từ bao nhiêu thế kỷ. Dựa theo trường đấu Colosseum ở Roma, Arles Amphitheatre xây dựng khoảng 20 năm sau đó vẫn còn giữ được vẻ đẹp hùng dũng, ít bị phá huỷ, được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới và vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, lễ hội lớn của Provence. Không quá ồn ào náo nhiệt bởi hàng đoàn người du lịch xếp hàng rồng rắn như ở Roma, ở đây bạn có thể thư giãn đi bộ một vòng quanh khu vực trường đấu, nhìn sâu vào những đường hầm và cầu thang dẫn lên đấu trường, hít thở không khí trong lành của buổi sáng và nhìn những cánh chim bay lượn ríu rít qua những vòm đá chia bầu trời xanh thành những đường cong tuyệt hảo. Khâm phục biết bao sức lực của con người từ hàng nghìn năm trước sao lại có thể xây nên những công trình để bao đời sau còn biết đến.


Từng góc phố, từng con đường ở đây đều có dấu ấn rất riêng,...

Từng góc phố, từng con đường ở đây đều có dấu ấn rất riêng,…

9 giờ sáng, những quán cafe đêm giờ mới vươn mình tỉnh giấc, mở toang cánh cửa chớp mầu xanh dưới tán lá của giàn hoa bìm bìm tím. Bàn ghế kê ra ngoài trời gần đường đến mức có thể bắt tay người lái xe ngang qua. Bụng hơi đoi đói, tôi vòng qua mấy con phố vắng người chật hẹp vạt tối vạt sáng lên lên xuống xuống quay về khách sạn. Cũng đã có nhiều người lục tục xuống ăn, người ngồi trong nhà, người bê ra ngoài hiên nhâm nhi cốc cafe cạnh chậu hoa hotenzia đỏ, để nắng sớm chiếu thẳng vào mặt. Vừa bước chân vào cửa, tôi suýt đâm sầm vào một bà cụ ôm 5-7 cái bánh baguett. Bà ấy cười, mặc dù chỉ đi mua bánh mì buổi sáng thôi mà cũng tô son khá đậm và tươi. Sau khi ngồi xuống cắn vào miếng bánh croissant giòn gian thơm phức mùi bơ nướng, tôi mới hiểu ra được cơ chế làm việc của cái khách sạn nhỏ bé này. Thực ra có thể nói nó vận hành đúng theo kiểu “ công ty gia đình”. Ông tiếp khách ban đêm, bà chuẩn bị bữa sáng, bố chỉ dẫn chỗ đỗ xe và các dịch vụ, mẹ thu tiền ở quầy và cô con gái giúp thu dọn bát đĩa. Có lẽ họ đã làm cha truyền con nối từ lâu đời nên khách sạn có rất nhiều khách quen thường xuyên quay trở lại. Bà mẹ luôn nở một nụ cười duyên dáng còn ông bố hồ hởi bắt tay hỏi han đủ loại người: hai vợ chồng già từ Paris xuống muốn đi thăm lễ hội , hai ông bạn từ Hà lan sang nghỉ ngơi sau một đợt chèo thuyền, một nhóm các bà đi từ Chicago nơi bị chủ nhà chê là gió và lạnh lắm, vùng Provence của ông ta ấm áp hơn… Khi biết bọn tôi người Việt nam, ông ta bảo cũng muốn đi, nhưng chắc chỉ mùa đông thôi vì mùa hè đông khách, phải làm việc cái đã. Cô con gái con ông chủ nhà có mái tóc dài mầu vàng sẫm, nước da trắng và khuôn mặt bầu bĩnh. Cô ta khoảng 25 tuổi, dáng người thon đẹp và nói tiếng anh khá tốt. Nhìn cô ta đi đi lại lại tôi cứ thấy quen quen dường như đã gặp ở đâu đó, thật là vô lý và nghĩ mãi không ra!

Lễ hội

Phải hai ba hôm sau tôi mới dám hỏi có phải chính cô ta là người chụp ảnh trong những tờ áp phích quảng cáo của lễ hội cuối tuần thành phố Arles. Cô ấy gật đầu đầy hãnh diện. Còn tôi mừng rỡ quá lại quyết tâm hôm sau dậy sớm để xem cuộc diễu hành trong trang phục cổ của người dân thành phố này. Với dân số chỉ trên 50 nghìn người, năm nào vào đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 7 ở đây cũng diễn ra các lễ hội về văn hoá truyền thống như lễ hội của các chàng trai chăn cừu, lễ hội đua ngựa, lễ hội đèn lồng, lễ hội trang phục …thu hút đông đảo khách du lịch từ mọi miền nước Pháp và trên thế giới tới. Mới 8 giờ sáng mà quảng trường trước toà nhà thị chính với nhà thờ cổ Saint- Trophime đã chật cứng người. Từ người già đến trẻ em còn nằm nôi, tất cả đều trong những bộ trang phục lộng lẫy của từng giòng họ . Nếu không cầm máy ảnh trong tay, tôi nghĩ có lẽ mình đang lạc vào một thế giới khác, thế giới chuyện tranh cổ tích với những ông bà cao tuổi đầu trùm mũ vải, tay chống gậy, những đấng mày râu trong những đôi ủng da bóng loáng trên lưng ngựa , những cô gái cao sang trong chiếc áo dài vải satin các mầu , vai đeo cổ rèm trắng, tóc búi cao gài kim đính trang trí dải nơ trên đầu, trẻ con mặc đồ trắng từ đầu tới chân, lăng xăng cầm băng rôn quảng cáo hay đánh trống thổi kèn gây sự chú ý.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là nét mặt của mọi người dân trong lễ hội. Tôi chẳng thấy ai buồn hay căng thẳng nhăn nhó. Ai cũng vui vẻ, chào hỏi ôm hôn nhau. Họ hãnh diện vì được tham gia một lễ hội truyền thống nơi mình ở, họ đứng cùng bên nhau cười vui vẻ khi những ống kính tò mò của giới truyền thông hay khách du lịch chĩa vào. Các ông già nhấc mũ nghiêng đầu chào người quen, các bà mẹ sửa từng nếp nhăn trên vạt áo con gái, các chàng trai đỡ các cô nàng xinh đẹp lên lưng ngựa, những cô bé tuổi 14-15 má ửng hồng ngượng ngịu. Sau khi tất cả đã tập trung đông đủ, họ lần lượt xếp hàng nối đuôi nhau đi về khu nhà hát cổ ngoài trời. Tôi cũng đi lẫn vào đoàn nguời hai bên đường, tay bấm máy liên tục mà vẫn có cảm giác khéo mình không ghi nhận được hết những gì đang tận mắt nhìn thấy.

Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ mình không thuộc loại người hay ghen tỵ. Nhưng vào buổi sáng hôm đó tôi bỗng cảm thấy thực ra trên thế giới chẳng có sự công bằng: những cô gái đẹp đang ngồi trên lưng ngựa kia khi sinh ra đã ở trong một môi trường quá đẹp, quá nhiều truyền thống đáng tự hào. Họ hẳn có một tuổi thơ êm đềm cạnh bố mẹ, anh chị em họ hàng, bạn bè xung quanh. Họ sinh ra và lớn lên, gắn bó với mảnh đất này trong thanh bình, chẳng biết tới bom đạn thiếu thốn và cũng chẳng có ý định phải đi đâu thích nghi với một môi trường khác lạ. Con cháu họ sẽ tiếp nối xây dựng những tinh hoa đó như hàng ngàn đời nay cha ông họ đã làm. Tôi không xem được màn trình diễn của lễ hội ở nhà hát bởi đã có hẹn với gia đình họ hàng đi thăm một nơi khác trong ngày, nhưng thầm hứa sẽ quay lại nơi đây khi có thể với thời gian nhiều hơn.

Ấn tượng về mầu

Có lẽ khi nói đến đồng quê vùng Provence, con người ta nghĩ đến ngay mầu sắc: mầu xanh thẳm của bầu trời biển , mầu xanh sẫm của những rặng phi lao, xanh ánh bạc của lá cây ô liu, xanh mướt của những giàn nho. Vàng sẫm của nhứng cánh đồng lúa chín hay vàng tươi của những cánh hoa hướng dương dưới nắng chiều. Rặng hoa trúc đào hai bên đường lúc đỏ rực, lúc hồng nhạt, lúc trắng tinh. Và tất nhiên không thể bỏ qua mầu tím: mầu tím điểm vàng của hoa irisz mùa xuân và tím cả chân trời của những cánh đồng Oải hương bát ngát. Thật là một thiên đường lý tưởng cho các hoạ sỹ thiên tài mà điển hình là Van Gogh. Sau khi khám phá ra nỗi đam mê với trường phái ấn tượng impressionist, ông đã chuyển về sống tại Arles và chỉ trong vòng hơn một năm cuối đời trước khi lâm bệnh, phong cảnh của vùng quê Provence xung quanh Arles đã là nguồn cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm bất hủ, có sức hấp dẫn hiếm thấy trong lịch sử hội hoạ. Những ai đã một lần chứng kiến tận mắt mầu sắc nơi này chắc chắn sẽ mãi mãi là fan hâm mộ các bức tranh: hoa hướng dương, hoa iris, hoa anh đào hay những cánh đồng của Van Gogh.


Đến đây, bạn đừng quên thưởng thức các loại bánh và chocolat.

Đến đây, bạn đừng quên thưởng thức các loại bánh và chocolat.

Buổi tối hôm đội Pháp đá với Iceland, tôi ngồi cổ vũ cho đội chủ nhà trong quán ăn được Van Gogh vẽ lại trong bức tranh “ Quán cà phê đêm” . Tất nhiên quán giờ mở rộng ra hơn với bức tường sơn gam mầu mới, đông nghịt khách du lịch tứ phương chứ chẳng tĩnh mịch trong bầu trời đêm lấp lánh các vì sao như Van Gogh miêu tả. Món ăn Tây ba nha: cơm Paella nấu trong chảo với nước thịt gà và hải sản lại hơp với rượu vang nhẹ Rose ướp lạnh của Pháp. Tối hôm đó mỗi bàn ăn là người của mỗi quốc gia khác nhau từ Nhật tới Nga, Tây ba nha tới Mỹ, Pháp lai châu Mỹ la tinh hay lai da đen…. chẳng thể phân biệt được đâu là dân bản sứ. Có một điểm chung duy nhất là cùng vui cùng hò hét sau mỗi bàn thắng của các cầu thủ Pháp, cùng nâng cốc và cảm động trước hình ảnh Payet hôn giầy của đồng đội . Nếu Van Gogh mà còn, chắc ông sẽ vẽ nhiều hơn về mầu da của những con người ở đây!

Một tuần ở Provence trôi qua nhanh chóng bởi cả ngày rong ruổi đi thăm các thành phố lâu đài, leo núi , tắm biển , ngắm sông ngắm hồ, thưởng thức rượu nho của các cha cố nấu và hải sản biển tươi ngon . Phải công nhận Provence có thể chiều lòng tất cả các du khách từ già đến trẻ, lớn đến bé . Do bệnh ham chụp ảnh và ngắm ngía lâu, chúng tôi cũng chỉ đi được một nửa những nơi muốn tới như trong lịch trình đã định.

Quốc khánh Pháp vừa qua, nghe tin vụ thảm sát ở Nice mà cảm thấy rụng rời. Chợt nhớ đến lời bài hát Linh hồn tượng đá : “ Em ơi , em ơi thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau, đừng cho hình bóng , đừng nhìn nhau lâu …. ” Provence như một cô gái đẹp đầy quyến rũ, khi gặp nạn không thể không gây cảm giác xót thương đối với những ai đã từng biết đến. Ngày hôm sau, khi một người bạn hỏi “ Giờ có ai hỏi có muốn bay tới Nice, quay trở lại Provence không ? “ . Câu trả lời của tôi vẫn là “ Có” bởi tôi tin tưởng rằng trước sau gì cái đẹp, cái tốt cũng sẽ chiến thắng và được trân trọng.

Budapest 2016. 07. 16

Đặng Phương Lan

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Bên trong quán cafe cao và cô đơn nhất thế giới

(Dân trí) – Nằm ở độ cao 4860m so với mực nước biển, bốn bề xung quanh phủ kín trong tuyết trắng, quán café thuộc Công viên Quốc gia Dagu ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, được mệnh danh là “quán café có vị trí cao và cô đơn nhất thế giới”.

Ngắm vẻ thanh bình của Công viên Quốc gia Đạt Cổ, Tứ Xuyên, Trung Quốc

Nếu đã chán ngán với những quán café đông đúc và ồn ào, muốn tìm tới một nơi tĩnh lặng bình yên để thư thái tâm hồn, có lẽ quán café thuộc Công viên quốc gia Đạt Cổ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sẽ là địa điểm thích hợp.

Quán café nằm chênh vênh trên đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng

Quán café nằm chênh vênh trên đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng

Nơi này là thế giới của băng tuyết

Nơi này là thế giới của băng tuyết

Nằm ở độ cao 4860m so với mực nước biển, bốn bề xung quanh luôn bao phủ bởi lớp băng tuyết trắng xóa, quán café dường như “lọt thỏm” giữa một thế giới băng lạnh giá. Sau khi những hình ảnh về quán café nằm trên đỉnh núi được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, cộng đồng mạng gọi nơi này với cái tên “quán café có vị trí cao nhất và cô đơn nhất thế giới”.

Với vị trí đắc địa, quán café được mệnh danh là nơi cao và cô đơn nhất thế giới

Với vị trí đắc địa, quán café được mệnh danh là “nơi cao và cô đơn nhất thế giới”

Hành trình tới được đây không hề dễ dàng. Du khách không thể đi bộ hay leo núi mà phải sử dụng cáp treo. Chính bởi vị trí nằm ở nơi yên tĩnh tách biệt, khiến người ta có cảm giác quán café lọt giữa chốn bồng lai tiên cảnh, nằm cách hẳn cuộc sống hiện đại.

Quán café là địa điểm thú vị giúp du khách thoải mái ngắm nhìn khung cảnh hùng vỹ của núi non xung quanh

Quán café là địa điểm thú vị giúp du khách thoải mái ngắm nhìn khung cảnh hùng vỹ của núi non xung quanh

Bất cứ thời điểm nào trong năm, quán café luôn mở cửa đón khách. Ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới -20 độ C, bên trong quán vẫn ấm áp nhờ hệ thống sưởi ấm chạy quanh năm. Đặc biệt, với du khách bị say độ cao cũng có thể sử dụng thiết bị dưỡng khí oxy do nhà hàng phục vụ.

Quán cũng phục vụ cả các thiết bị dưỡng khí dành cho du khách bị say độ cao

Quán cũng phục vụ cả các thiết bị dưỡng khí dành cho du khách bị say độ cao

Xung quanh quán là hệ thống cửa kính dày trong suốt. Qua đó, thực khách vừa có thể nhâm nhi tách café, vừa “thả hồn” ngắm cảnh núi non tuyết trắng phủ khắp nơi. Người ta xây quán từ tháng 1/2015 và mở cửa khai trương vào tháng 6/2015. Tới nay, đây là địa điểm dừng chân thú vị của du khách khi tới tham quan Công viên Quốc gia Đạt Cổ. Tại đây, hàng ngày đều có tuyến cáp treo đưa khách lên xuống.

Tuyến cáp treo lên xuống hàng ngày

Tuyến cáp treo lên xuống hàng ngày

Quang cảnh hùng vỹ xung quanh

Quang cảnh hùng vỹ xung quanh

Hoàng Hà

Theo SH

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Thiên Hương – điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)

Đồng Văn là vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây hấp dẫn du khách thập phương bởi nhiều điểm đến thú vị như: Dinh thự nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng, Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú… Nhưng có một điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn mà ít nhiều du khách “lãng quên” đó là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn) với nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vẻ đẹp nên thơ, bình dị với những ngôi nhà trình tường cổ kính của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km về phía Đông bắc. Thôn là nơi cư trú của 43 hộ dân tộc Tày, Nùng, Giấy; trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với trên 200 khẩu. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Lương Đình Ninh, thì cộng đồng người Tày, Nùng đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Hiện nay, các gia đình vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình, thể hiện trong các Lễ hội, trang phục, ẩm thực cũng như tập quán sinh hoạt hàng ngày.

Đến Thiên Hương, du khách sẽ có ấn tượng bởi một không gian xanh giữa bốn bề núi đá, mà nổi bật trong đó là quần thể cây đa cổ thụ có niên đại trên 100 tuổi nằm ngay đầu thôn. Tháng 5.2015, 4 cây đa trong quần thể được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 700 – 750 năm tuổi. Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng khi vừa đặt chân đến nơi đây không khí bỗng dịu mát hẳn, những bon chen, xô bồ của cuộc sống ngoài kia dường như đã được bỏ lại phía sau. Ẩn mình giữa quần thể cây đa là Miếu thờ thần Lâm của người dân địa phương. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, khi những cây ngô, cây lúa đã lên xanh ngoài đồng ruộng, bà con dân bản trong làng lại nô nức chuẩn bị để cúng thần Lâm. Lễ vật cúng bao gồm nhiều sản vật địa phương và những món ăn truyền thống như thịt lợn đen, thịt gà địa phương, xôi nếp nương và các loại bánh do bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Tày, Nùng làm ra.

Vào ngày chính lễ, gái, trai, người già, người trẻ ai nấy đều dậy từ rất sớm, sửa soạn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, trên tay mang theo lễ vật đến khu vực miếu thờ. Lễ cúng Thần Lâm được diễn ra hết sức trang trọng, mang đậm những nét nguyên bản của một Lễ hội tâm linh của đồng bào nơi đây nhằm cầu cho bản làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, người người mạnh khỏe. Sau khi thầy cúng hoàn thành phần nghi lễ, bà con dân dân bản sẽ thưởng thức ẩm thực ngay tại miếu thờ. Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân nơi đây, uống chén rượu ngô men lá Thiên Hương thơm lừng và hòa mình vào những làn điệu Then, Cọi, hát đối giao duyên mượt mà, sâu lắng.

Bước chân qua cửa ngõ Thiên Hương, đường vào các hộ nay đã được bê – tông sạch sẽ với những ngôi nhà trình tường ấm áp xen lẫn giữa màu xanh của ngô, lúa và khung cảnh núi rừng hùng vĩ, nên thơ. Nhà trình tường là một nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của Thiên Hương. Những ngôi nhà trình tường ở đây hầu hết đều là nhà cổ trên 100 năm, được dựng trên nền đất bằng phẳng, có thế tựa vào núi, tường nhà làm bằng đất nện, lợp mái ngói âm dương, các vì kèo và cửa được làm bằng gỗ. Nhà có 3 gian chính và 2 cửa ra vào. Xung quanh nhà có hàng rào đá chắc chắn và trồng nhiều cây như đào, mận, lê, tạo nên kiến trúc nhà ở độc đáo của đồng bào trên Cao nguyên đá. Thôn hiện có 11 hộ làm dịch vụ phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ của du khách ngay tại những ngôi nhà trình tường cổ kính của mình. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo do đội văn nghệ của thôn biểu diễn; cùng tham gia các trò chơi truyền thống và thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây như: Thịt treo gác bếp, thịt hun khói, cá suối nấu măng chua, xôi nếp nương, cơm lam, bánh “thảm bẻ”… Những món ăn đặc trưng cùng với mùi thơm của các loại gia vị, hòa quện trong khung cảnh hùng vĩ, nên thơ của  miền Cao nguyên đá chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Đến Thiên Hương để hòa mình vào nhịp sống thanh bình, yên ả của rẻo cao. Bước chân lên những ngôi nhà trình tường ấm áp nằm nép mình dưới chân núi Pố Lổ, bên bếp lửa ấm cúng cùng gia chủ thưởng thức những sản vật thôn quê bình dị và uống chén rượu ngô men lá thơm lừng, chắc chắn sẽ làm vương vấn bước chân du khách khi đã một lần đến với Thiên Hương… 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Cận cảnh “lâu đài búp bê” đắt nhất thế giới trị giá 187 tỷ đồng

(Dân trí) – Món đồ chơi lâu đài búp bê đắt nhất thế giới trị giá 8.5 triệu USD (khoảng 187 tỷ đồng) được làm thủ công trong suốt 13 năm, chinh phục người xem từ những chi tiết nhỏ tinh tế nhất.

Cận cảnh lâu đài búp bê trị giá 187 tỷ đồng

Lâu đài búp bê mang tên “Astolat Dollhouse Castle” không phải là món đồ chơi đơn thuần. Nó được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật thực thụ, được làm thủ công bởi những nghệ sỹ lành nghề trên khắp thế giới trong suốt 13 năm ròng rã.

Tác phẩm mô phỏng theo câu chuyện “Lady of the Lake” của nhà thơ Alfred Tennyso. Lâu đài gồm 29 phòng, nặng hơn 400 kg, được ghép bằng hơn 10.000 mảnh nhỏ với những món đồ nội thất xa hoa, được mô phỏng như thật. Người ta có thể thấy những vật dụng quen thuộc trong nhà như lò sưởi, bàn ghế, tranh sơn dầu, đồ trang sức nhỏ, thảm trải, kệ sách… Đặc biệt, chúng đều làm bằng thủ công tỷ mỷ từng chi tiết nhỏ.

Các căn phòng được thiết kế rất tinh xảo

Các căn phòng được thiết kế rất tinh xảo

Mọi chi tiết trong lâu đài đều làm thủ công tỷ mỉ

Mọi chi tiết trong lâu đài đều làm thủ công tỷ mỉ

Trong khoảng thời gian 13 năm từ 1974 tới 1987, nghệ nhân Elaine Diehl bắt tay vào việc thực hiện tác phẩm, dưới sự hỗ trợ của nhiều nghệ nhân lành nghề trên khắp thế giới. Với giá trị lên tới 8.5 triệu USD (khoảng 187 tỷ đồng), mức giá thật của những món đồ thu nhỏ trong lâu đài cũng khiến người ta ngạc nhiên. Một chiếc đàn piano thu nhỏ trong lâu đài có giá 7000 USD, bản Kinh Thánh năm 1811 giá 5000 USD, những bức thảm thêu hay tranh trang trí tường cũng có mức giá cao ở con số kỷ lục.

Cận cảnh một phòng ngủ

Cận cảnh một phòng ngủ

Lâu đài phân thành 7 tầng với hành lang và cầu thang. Tác phẩm có góc nhìn toàn cảnh 360 độ. Khu vực tầng hầm có cả hầm rượu, khu bếp nấu, kho vũ khí. Tầng chính có lối vào, cầu thang chính, khu vực chứa quần áo quản gia. Tiếp tới sẽ là phòng ăn chính, phòng âm nhạc, ban công, thư viện thu nhỏ, khu vực trưng bày các tác phẩm tranh sơn dầu. Tầng 5 là phòng ngủ. Tầng 6 có phòng khiêu vũ lớn, khu vực quầy bar. Tầng trên cùng là nơi đặt của kính thiên văn, đài quan sát.

Lâu đài búp bê Astolat Dollhouse ban đầu được trưng bày tại gian hàng của bảo tàng Diehl ở Sedona, Arizona, cho tới năm 1996. Sau đó, nó được nhà sưu tập L. Freeman mua lại và chuyển tới Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Nassau. Freeman tự nâng cấp thêm nhiều món đồ nội thất cho lâu đài búp bê của mình.

Có thể nói, lâu đài búp bê là tác phẩm nghệ thuật lớn hoàn hảo, với sự kết hợp tinh tế giữa các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật và kỹ thuật.

Một góc trong phòng đọc sách

Một góc trong phòng đọc sách

Lâu đài búp bê tại triển lãm New York

Lâu đài búp bê tại triển lãm New York

Huy Hoàng

Theo APt

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Ghềnh Đá Đĩa – kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho Phú Yên

(TITC) – Dọc ven biển miền Trung nước ta có rất nhiều ghềnh đá đẹp như ghềnh Bàng (Đà Nẵng), ghềnh Bàn Than (Quảng Nam), ghềnh Ráng (Bình Định)…, nhưng có lẽ ấn tượng phải kể đến ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa) thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành viên ngọc quý của du lịch Phú Yên. 

 

Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa.

 

Theo các nhà khoa học, đá ở ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) cách đây gần 200 triệu năm và cách vị trí ghềnh Đá Đĩa ngày nay khoảng 30km theo đường chim bay. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau. Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có hiện tượng này như là các ghềnh đá Giant”s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha) và Fingal (Scotland),…

 

 

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.

 

 

Không chỉ cuốn hút ngay ánh nhìn đầu tiên bởi những mỏm đá hình thù độc đáo, ghềnh Đá Đĩa còn khiến du khách ấn tượng bởi những gam màu thay đổi liên tục trong ngày theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, những khối đá đĩa đen tuyền được phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng đầu ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống, ráng đỏ của ánh chiều lại nhuộm hồng các khối đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ở ghềnh Đá Đĩa sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận khác nhau. Và sẽ thật tuyệt nếu du khách được đặt chân lên từng phiến đá và trải nghiệm cảm giác mát lạnh khi từng làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa vỗ về lên bàn chân.

 

 

Đi dọc theo ghềnh đá, du khách sẽ thấy một vũng nước trũng do lâu ngày nước mưa và nước biển đọng lại, lõm xuống mà tạo nên. Nơi đây như một thế giới thu nhỏ với những loài, tôm, cua, cá nhỏ sinh sống, thậm chí có cả những chú sứa, sao biển cũng theo thủy triều đi lên. Xung quanh vũng với tầng tầng lớp lớp đá dựng, du khách có thể tựa lưng vào đây, thả hồn ngắm nhìn biển rộng mênh mông giữa trời xanh gió lộng. Đâu đó, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những chiếc thuyền thúng nằm nghiêng mình trên những phiến đá. Xa xa, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên biển khơi như một nét chấm phá sinh động, tô điểm thêm cho sức sống bao đời nay của vùng đất quanh năm nắng gió này. Phóng tầm mắt ra xa hơn, du khách sẽ nhìn thấy bãi Bàng nằm gần ghềnh Đá Đĩa, với bãi cát trắng mịn ôm lấy bờ biển như vành trăng khuyết, nơi du khách có thể thỏa thích tắm biển và thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon.

 

Nhà thờ Mằng Lăng

 

Đến tham quan ghềnh Đá Đĩa, du khách hãy dành thời gian ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ngay đầu con đường rẽ vào ghềnh, đi chậm xuyên qua những làng mạc yên bình, ngắm nhìn những thửa ruộng xanh non chạy dài tới chân núi và đón những cơn gió lộng không ngừng thổi từ biển lên.

 

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ dẫn cụ thể, giúp du khách dễ dàng tìm đến danh thắng này. Với vẻ đẹp hoang sơ và tạo hình ấn tượng, ghềnh Đá Đĩa ngày càng được nhiều du khách biết đến, trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với mảnh đất Phú Yên.

 

Bài: Lam Phương; ảnh: Truyền Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

“Thành phố ma” với khung cảnh hoang tàn sau thảm họa hạt nhân

(Dân trí) – Hơn 5 năm trôi qua kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011, đến nay khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn là “vùng đất chết” với những khung cảnh tiêu điều, hoang tàn.

“Thành phố ma” với khung cảnh hoang tàn sau thảm họa hạt nhân

Keow Wee Loong, nhiếp ảnh gia 27 tuổi đến từ Malaysia, có hành trình khám phá những thị trấn thuộc vùng đất chết Fukushima – Tomioka, Okuma, Namie và Futaba cùng nhóm bạn mình vào tháng 6 vừa qua. Đeo mặt nạ khí nhưng không mặc quần áo bảo hộ, nhiếp ảnh gia tới khu vực này để ghi lại khung cảnh tiêu điều, hoang tàn kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011.

Nhiếp ảnh gia người Malaysia cùng nhóm bạn tới thăm 4 thị trấn bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân của Nhật Bản

Nhiếp ảnh gia người Malaysia cùng nhóm bạn tới thăm 4 thị trấn bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân của Nhật Bản

Hơn 5 năm trôi qua, đến nay, khu vực xung quanh bán kính 20km của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đều bị phong tỏa. Thảm họa sóng thần động đất đồng loạt xảy ra, gây ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, khiến một số khu vực thuộc vùng đông bắc bị bỏ hoang. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernoby . Người dân được sơ tán ngay sau đó, nhưng hình ảnh cũ của một thị trấn bình yên từng có người ở vẫn còn nguyên vẹn.

Hàng chục nghìn người đã sơ tán biến nơi đây thành thành phố chết

Hàng chục nghìn người đã sơ tán biến nơi đây thành thành phố chết

Thời gian như đóng băng khi tất cả vẫn còn nguyên vẹn ở thời điểm năm 2011

Thời gian như đóng băng khi tất cả vẫn còn nguyên vẹn ở thời điểm năm 2011

Chùm ảnh của nhiếp ảnh gia người Malaysia khiến người xem bị ám ảnh. Người ta thấy một thành phố đổ nát, như bị mắc kẹt lại cùng thời gian. Mọi thứ đã bị đóng băng vĩnh viễn. “Cư dân ở đây sơ tán rất khẩn cấp. Họ không kịp đóng gói hay mang theo những vật dụng có giá trị. Nếu bước vào những cửa hàng ở đây, bạn vẫn thấy những món đồ từ năm 2011. Không có gì thay đổi hoặc dịch chuyển”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Quang cảnh lộn xộn hàng hóa tại một trung tâm thương mại

Quang cảnh lộn xộn hàng hóa tại một trung tâm thương mại

Nhà cửa cũng trở thành đống đổ nát

Nhà cửa cũng trở thành đống đổ nát

“Thậm chí tôi còn tìm thấy những món tiền trong cửa tiệm chơi pachinko – một loại máy đánh bạc, đồ trang sức bằng vàng hay những vật dụng đắt tiền còn sót lại. Fukushima thực sự là thành phố ma”, Loong cho biết thêm.

Hệ thống đèn giao thông trên phố thậm chí vẫn còn hoạt động

Hệ thống đèn giao thông trên phố thậm chí vẫn còn hoạt động

Do mức độ phóng xạ cao nên chỉ một số lượng hạn chế các nhà khoa học, nghiên cứu mới được bước vào đây. Họ phải mang theo mặt nạ chống độc, bảo vệ mình khỏi bầu không khí ô nhiễm. “Mức độ phóng xạ trong khu vực màu đỏ có thể tăng cao từ 4,8 mSv – 6,5 mSv. Chỉ số này hiển thị trên bảng điện tử trên đường. Bước tới khu vực báo động màu đỏ, tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi hóa chất và cảm giác bỏng rát ở vùng mắt”, anh nói.

Những cuốn tạp chí từ năm 2011 trên kệ

Những cuốn tạp chí từ năm 2011 trên kệ

Tại khu vực báo động màu đỏ, cảnh sát liên tục bao vây. Bởi vậy nhóm nhiếp ảnh gia phải đột nhập vào thời điểm ban đêm để tránh sự chú ý từ lực lượng bảo vệ. “Khi bước vào trung tâm mua sắm, tôi cảm nhận sự im lặng đến rợn người. Thời gian như bị đóng băng. Bên trong đầy hàng hóa nhưng trống rỗng. Tôi có thể khám phá bất cứ nơi nào nếu muốn. Điều này khiến tôi quay lại giấc mơ thời thơ ấu, được bước vào trung tâm lớn đầy hàng hóa nhưng không có người. Trên kệ vẫn còn bày bán những cuốn sách hay đĩa DVD về phim ảnh của năm 2011”, nhiếp ảnh gia tiếp lời.

Xe cộ nằm chất đống trên phố

Xe cộ nằm chất đống trên phố

Đúng như tên gọi của “vùng đất chết”, trên đường phố Fukushima thậm chí vẫn còn hệ thống đèn giao thông đang hoạt động. Xe cộ xuất hiện nhiều trên đường phố, nhưng đương nhiên không chiếc nào hoạt động. Và tuyệt nhiên không có sự hiện diện của con người.

Việt Hà

Theo DM

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Làng nghề – sản phẩm du lịch độc đáo ở Lâm Đồng

Nếu ai đó nghĩ làng nghề và nghề truyền thống chỉ thuần túy là nơi sản xuất, mua bán, thì quả là quá sai. Giá trị đích thực của làng nghề truyền thống là giá trị của lao động sáng tạo, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo trong việc tạo tác sản phẩm của cả cộng đồng dân cư. Chính tình yêu lao động và óc sáng tạo cái đẹp đã làm nên một sản phẩm du lịch đang có sức hấp dẫn với du khách khi đến Lâm Đồng – Đà Lạt.

Nghề đan lát của đồng bào Churu ở Phú Hội – Đức Trọng đang thu hút nhiều du khách đến xem và mua bán

Đa dạng các ngành nghề truyền thống

Không chỉ thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà sức hút của du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng những năm qua còn là nét đẹp trong văn hoá đa sắc, trong đó có làng nghề và nghề truyền thống. Tham qua làng nghề, khách du lịch được tận mắt nhìn thấy sản phẩm được làm ra như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển làng nghề, được trải nghiệm, tự tay thử làm sản phẩm. Sẽ không thể nào quên những vườn hoa rực rỡ sắc màu ở Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành (Đà Lạt); ngỡ ngàng với tài năng của các nghệ nhân, nghệ sĩ với tranh bút lửa, cưa lọng, tranh thêu tay; ngạc nhiên vì quần áo lụa mà ta mặc lại có nguồn gốc từ một con vật nhỏ bé giống con sâu khi hiểu rõ quy trình trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Nam Ban (Lâm Hà); thú vị khi khám phá phương thức đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu ở thôn Ma Đanh (Tu Tra – Đơn Dương), nghề làm rượu cần, dệt thổ cẩm của người K’Ho ở Lạc Dương, nghề đan lát của người Churu ở Đức Trọng, nghề đan móc, dệt len truyền thống ở Đà Lạt… Sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân đã làm nên những sản phẩm mang hàm lượng nghê thuật cao, tạo sức hút với đông đảo du khách; đồng thời, để lại ấn tượng cho du khách về một vùng đất không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, mà con người cũng rất tài hoa.

Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 41.708 cơ sở ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho trên 200 ngàn lao động. Đặc biệt, hiện có 28 làng nghề tại các thôn, buôn, xã, phường, thị trấn thu hút trên 4.000 hộ với khoảng hơn 7.000 nghệ nhân, lao động tham gia. Đã có 18 làng nghề và nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống như các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thành tại Đà Lạt; các làng nghề dệt thổ cẩm: B’Nớ C (thị trấn Lạc Dương), Buôn Go (Phù Mỹ – Cát Tiên), thôn K’Long (xã Hiệp An – Đức Trọng), thôn 3 (Lộc Tân – Bảo Lâm), thôn Đam Pao (Đạ Đờn – Lâm Hà), thôn Đạ Nghịch (phường Lộc Châu – Bảo Lộc); các làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Đông Anh (Nam Ban – Lâm Hà), thôn 1 – 2 (Đạ Kho – Đạ Tẻh)… Có thể nói, các làng nghề là “chất liệu quý” để phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch làng nghề.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống 

Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 – 2016, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ “Tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch của địa phương với mục tiêu nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn”. Theo đó, 2 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 3,4 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức truyền nghề cho các thế hệ kế cận, đầu tư máy móc, trang thiết bị, công cụ, nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ giống, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, nghề truyền thống. Toàn tỉnh đã khôi phục được 28 làng nghề, tập trung hỗ trợ đầu tư 12 làng nghề gắn với du lịch. Từ đó, hình thành nên các tuyến, điểm du lịch gắn với 8 làng nghề (trồng hoa, cưa lọng chạm bút lửa, hoa khô, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa, làm tranh hoa trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc); đồng thời, phát triển 4 làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làm rượu cần, dệt thổ cẩm dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27, tỉnh lộ 722, 725. Sau 2 năm thực hiện Đề án, qua sự nỗ lực “tiếp sức” đã thực sự làm sống dậy những làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã được khôi phục tránh nguy cơ thất truyền, mai một như nghề đúc nhẫn bạc của người Churu, nghề rèn của người Mạ… 

Làng nghề truyền thống đã thực sự có sức hấp dẫn với du khách và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề được hỗ trợ đầu tư bài bản, nhưng vắng bóng du khách, bởi thiếu sự tương tác giữa nghệ nhân sản xuất và khách tham quan. Đặc biệt là những làng nghề dệt thổ cẩm đang thực sự thiếu sức sống khi sản phẩm khó tìm đầu ra, sản phẩm không còn giữ nguyên giá trị công dụng truyền thống. 

Du lịch làng nghề đang góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, cho du khách nhận diện đầy đủ rõ ràng về đất và người Lâm Đồng. Khách du lịch đang là chất xúc tác để các nghệ nhân làng nghề cảm thấy tự hào và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Hàng chục làng nghề đang chào đón du khách, ở đó chứa đựng bao giá trị văn hóa là một trong những thành tố làm nên vẻ đẹp của miền đất Nam Tây Nguyên đa sắc./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT