Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Ghềnh Đá Đĩa – kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho Phú Yên

(TITC) – Dọc ven biển miền Trung nước ta có rất nhiều ghềnh đá đẹp như ghềnh Bàng (Đà Nẵng), ghềnh Bàn Than (Quảng Nam), ghềnh Ráng (Bình Định)…, nhưng có lẽ ấn tượng phải kể đến ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa) thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành viên ngọc quý của du lịch Phú Yên. 

 

Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa.

 

Theo các nhà khoa học, đá ở ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) cách đây gần 200 triệu năm và cách vị trí ghềnh Đá Đĩa ngày nay khoảng 30km theo đường chim bay. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau. Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có hiện tượng này như là các ghềnh đá Giant”s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha) và Fingal (Scotland),…

 

 

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.

 

 

Không chỉ cuốn hút ngay ánh nhìn đầu tiên bởi những mỏm đá hình thù độc đáo, ghềnh Đá Đĩa còn khiến du khách ấn tượng bởi những gam màu thay đổi liên tục trong ngày theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, những khối đá đĩa đen tuyền được phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng đầu ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống, ráng đỏ của ánh chiều lại nhuộm hồng các khối đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ở ghềnh Đá Đĩa sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận khác nhau. Và sẽ thật tuyệt nếu du khách được đặt chân lên từng phiến đá và trải nghiệm cảm giác mát lạnh khi từng làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa vỗ về lên bàn chân.

 

 

Đi dọc theo ghềnh đá, du khách sẽ thấy một vũng nước trũng do lâu ngày nước mưa và nước biển đọng lại, lõm xuống mà tạo nên. Nơi đây như một thế giới thu nhỏ với những loài, tôm, cua, cá nhỏ sinh sống, thậm chí có cả những chú sứa, sao biển cũng theo thủy triều đi lên. Xung quanh vũng với tầng tầng lớp lớp đá dựng, du khách có thể tựa lưng vào đây, thả hồn ngắm nhìn biển rộng mênh mông giữa trời xanh gió lộng. Đâu đó, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những chiếc thuyền thúng nằm nghiêng mình trên những phiến đá. Xa xa, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên biển khơi như một nét chấm phá sinh động, tô điểm thêm cho sức sống bao đời nay của vùng đất quanh năm nắng gió này. Phóng tầm mắt ra xa hơn, du khách sẽ nhìn thấy bãi Bàng nằm gần ghềnh Đá Đĩa, với bãi cát trắng mịn ôm lấy bờ biển như vành trăng khuyết, nơi du khách có thể thỏa thích tắm biển và thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon.

 

Nhà thờ Mằng Lăng

 

Đến tham quan ghềnh Đá Đĩa, du khách hãy dành thời gian ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ngay đầu con đường rẽ vào ghềnh, đi chậm xuyên qua những làng mạc yên bình, ngắm nhìn những thửa ruộng xanh non chạy dài tới chân núi và đón những cơn gió lộng không ngừng thổi từ biển lên.

 

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ dẫn cụ thể, giúp du khách dễ dàng tìm đến danh thắng này. Với vẻ đẹp hoang sơ và tạo hình ấn tượng, ghềnh Đá Đĩa ngày càng được nhiều du khách biết đến, trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với mảnh đất Phú Yên.

 

Bài: Lam Phương; ảnh: Truyền Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

“Thành phố ma” với khung cảnh hoang tàn sau thảm họa hạt nhân

(Dân trí) – Hơn 5 năm trôi qua kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011, đến nay khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn là “vùng đất chết” với những khung cảnh tiêu điều, hoang tàn.

“Thành phố ma” với khung cảnh hoang tàn sau thảm họa hạt nhân

Keow Wee Loong, nhiếp ảnh gia 27 tuổi đến từ Malaysia, có hành trình khám phá những thị trấn thuộc vùng đất chết Fukushima – Tomioka, Okuma, Namie và Futaba cùng nhóm bạn mình vào tháng 6 vừa qua. Đeo mặt nạ khí nhưng không mặc quần áo bảo hộ, nhiếp ảnh gia tới khu vực này để ghi lại khung cảnh tiêu điều, hoang tàn kể từ sau thảm họa hạt nhân năm 2011.

Nhiếp ảnh gia người Malaysia cùng nhóm bạn tới thăm 4 thị trấn bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân của Nhật Bản

Nhiếp ảnh gia người Malaysia cùng nhóm bạn tới thăm 4 thị trấn bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân của Nhật Bản

Hơn 5 năm trôi qua, đến nay, khu vực xung quanh bán kính 20km của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đều bị phong tỏa. Thảm họa sóng thần động đất đồng loạt xảy ra, gây ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân, khiến một số khu vực thuộc vùng đông bắc bị bỏ hoang. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernoby . Người dân được sơ tán ngay sau đó, nhưng hình ảnh cũ của một thị trấn bình yên từng có người ở vẫn còn nguyên vẹn.

Hàng chục nghìn người đã sơ tán biến nơi đây thành thành phố chết

Hàng chục nghìn người đã sơ tán biến nơi đây thành thành phố chết

Thời gian như đóng băng khi tất cả vẫn còn nguyên vẹn ở thời điểm năm 2011

Thời gian như đóng băng khi tất cả vẫn còn nguyên vẹn ở thời điểm năm 2011

Chùm ảnh của nhiếp ảnh gia người Malaysia khiến người xem bị ám ảnh. Người ta thấy một thành phố đổ nát, như bị mắc kẹt lại cùng thời gian. Mọi thứ đã bị đóng băng vĩnh viễn. “Cư dân ở đây sơ tán rất khẩn cấp. Họ không kịp đóng gói hay mang theo những vật dụng có giá trị. Nếu bước vào những cửa hàng ở đây, bạn vẫn thấy những món đồ từ năm 2011. Không có gì thay đổi hoặc dịch chuyển”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Quang cảnh lộn xộn hàng hóa tại một trung tâm thương mại

Quang cảnh lộn xộn hàng hóa tại một trung tâm thương mại

Nhà cửa cũng trở thành đống đổ nát

Nhà cửa cũng trở thành đống đổ nát

“Thậm chí tôi còn tìm thấy những món tiền trong cửa tiệm chơi pachinko – một loại máy đánh bạc, đồ trang sức bằng vàng hay những vật dụng đắt tiền còn sót lại. Fukushima thực sự là thành phố ma”, Loong cho biết thêm.

Hệ thống đèn giao thông trên phố thậm chí vẫn còn hoạt động

Hệ thống đèn giao thông trên phố thậm chí vẫn còn hoạt động

Do mức độ phóng xạ cao nên chỉ một số lượng hạn chế các nhà khoa học, nghiên cứu mới được bước vào đây. Họ phải mang theo mặt nạ chống độc, bảo vệ mình khỏi bầu không khí ô nhiễm. “Mức độ phóng xạ trong khu vực màu đỏ có thể tăng cao từ 4,8 mSv – 6,5 mSv. Chỉ số này hiển thị trên bảng điện tử trên đường. Bước tới khu vực báo động màu đỏ, tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi hóa chất và cảm giác bỏng rát ở vùng mắt”, anh nói.

Những cuốn tạp chí từ năm 2011 trên kệ

Những cuốn tạp chí từ năm 2011 trên kệ

Tại khu vực báo động màu đỏ, cảnh sát liên tục bao vây. Bởi vậy nhóm nhiếp ảnh gia phải đột nhập vào thời điểm ban đêm để tránh sự chú ý từ lực lượng bảo vệ. “Khi bước vào trung tâm mua sắm, tôi cảm nhận sự im lặng đến rợn người. Thời gian như bị đóng băng. Bên trong đầy hàng hóa nhưng trống rỗng. Tôi có thể khám phá bất cứ nơi nào nếu muốn. Điều này khiến tôi quay lại giấc mơ thời thơ ấu, được bước vào trung tâm lớn đầy hàng hóa nhưng không có người. Trên kệ vẫn còn bày bán những cuốn sách hay đĩa DVD về phim ảnh của năm 2011”, nhiếp ảnh gia tiếp lời.

Xe cộ nằm chất đống trên phố

Xe cộ nằm chất đống trên phố

Đúng như tên gọi của “vùng đất chết”, trên đường phố Fukushima thậm chí vẫn còn hệ thống đèn giao thông đang hoạt động. Xe cộ xuất hiện nhiều trên đường phố, nhưng đương nhiên không chiếc nào hoạt động. Và tuyệt nhiên không có sự hiện diện của con người.

Việt Hà

Theo DM

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Làng nghề – sản phẩm du lịch độc đáo ở Lâm Đồng

Nếu ai đó nghĩ làng nghề và nghề truyền thống chỉ thuần túy là nơi sản xuất, mua bán, thì quả là quá sai. Giá trị đích thực của làng nghề truyền thống là giá trị của lao động sáng tạo, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo trong việc tạo tác sản phẩm của cả cộng đồng dân cư. Chính tình yêu lao động và óc sáng tạo cái đẹp đã làm nên một sản phẩm du lịch đang có sức hấp dẫn với du khách khi đến Lâm Đồng – Đà Lạt.

Nghề đan lát của đồng bào Churu ở Phú Hội – Đức Trọng đang thu hút nhiều du khách đến xem và mua bán

Đa dạng các ngành nghề truyền thống

Không chỉ thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà sức hút của du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng những năm qua còn là nét đẹp trong văn hoá đa sắc, trong đó có làng nghề và nghề truyền thống. Tham qua làng nghề, khách du lịch được tận mắt nhìn thấy sản phẩm được làm ra như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển làng nghề, được trải nghiệm, tự tay thử làm sản phẩm. Sẽ không thể nào quên những vườn hoa rực rỡ sắc màu ở Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành (Đà Lạt); ngỡ ngàng với tài năng của các nghệ nhân, nghệ sĩ với tranh bút lửa, cưa lọng, tranh thêu tay; ngạc nhiên vì quần áo lụa mà ta mặc lại có nguồn gốc từ một con vật nhỏ bé giống con sâu khi hiểu rõ quy trình trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Nam Ban (Lâm Hà); thú vị khi khám phá phương thức đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu ở thôn Ma Đanh (Tu Tra – Đơn Dương), nghề làm rượu cần, dệt thổ cẩm của người K’Ho ở Lạc Dương, nghề đan lát của người Churu ở Đức Trọng, nghề đan móc, dệt len truyền thống ở Đà Lạt… Sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân đã làm nên những sản phẩm mang hàm lượng nghê thuật cao, tạo sức hút với đông đảo du khách; đồng thời, để lại ấn tượng cho du khách về một vùng đất không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, mà con người cũng rất tài hoa.

Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 41.708 cơ sở ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho trên 200 ngàn lao động. Đặc biệt, hiện có 28 làng nghề tại các thôn, buôn, xã, phường, thị trấn thu hút trên 4.000 hộ với khoảng hơn 7.000 nghệ nhân, lao động tham gia. Đã có 18 làng nghề và nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống như các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thành tại Đà Lạt; các làng nghề dệt thổ cẩm: B’Nớ C (thị trấn Lạc Dương), Buôn Go (Phù Mỹ – Cát Tiên), thôn K’Long (xã Hiệp An – Đức Trọng), thôn 3 (Lộc Tân – Bảo Lâm), thôn Đam Pao (Đạ Đờn – Lâm Hà), thôn Đạ Nghịch (phường Lộc Châu – Bảo Lộc); các làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Đông Anh (Nam Ban – Lâm Hà), thôn 1 – 2 (Đạ Kho – Đạ Tẻh)… Có thể nói, các làng nghề là “chất liệu quý” để phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch làng nghề.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống 

Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 – 2016, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ “Tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch của địa phương với mục tiêu nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn”. Theo đó, 2 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 3,4 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức truyền nghề cho các thế hệ kế cận, đầu tư máy móc, trang thiết bị, công cụ, nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ giống, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, nghề truyền thống. Toàn tỉnh đã khôi phục được 28 làng nghề, tập trung hỗ trợ đầu tư 12 làng nghề gắn với du lịch. Từ đó, hình thành nên các tuyến, điểm du lịch gắn với 8 làng nghề (trồng hoa, cưa lọng chạm bút lửa, hoa khô, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa, làm tranh hoa trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc); đồng thời, phát triển 4 làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làm rượu cần, dệt thổ cẩm dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27, tỉnh lộ 722, 725. Sau 2 năm thực hiện Đề án, qua sự nỗ lực “tiếp sức” đã thực sự làm sống dậy những làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã được khôi phục tránh nguy cơ thất truyền, mai một như nghề đúc nhẫn bạc của người Churu, nghề rèn của người Mạ… 

Làng nghề truyền thống đã thực sự có sức hấp dẫn với du khách và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề được hỗ trợ đầu tư bài bản, nhưng vắng bóng du khách, bởi thiếu sự tương tác giữa nghệ nhân sản xuất và khách tham quan. Đặc biệt là những làng nghề dệt thổ cẩm đang thực sự thiếu sức sống khi sản phẩm khó tìm đầu ra, sản phẩm không còn giữ nguyên giá trị công dụng truyền thống. 

Du lịch làng nghề đang góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, cho du khách nhận diện đầy đủ rõ ràng về đất và người Lâm Đồng. Khách du lịch đang là chất xúc tác để các nghệ nhân làng nghề cảm thấy tự hào và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Hàng chục làng nghề đang chào đón du khách, ở đó chứa đựng bao giá trị văn hóa là một trong những thành tố làm nên vẻ đẹp của miền đất Nam Tây Nguyên đa sắc./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá hòn đảo đầy màu sắc ở Italia

(Dân trí) – Nằm gần Venice và Murano, Burano xinh đẹp đầy màu sắc. quyến rũ bất kì du khách nào đặt chân đến nơi này.

Hòn đảo tuyệt đẹp này thực chất là một quần đảo với 4 hòn đảo nhỏ trong đó Burano nổi tiếng nhất với những ngôi nhà rực rỡ sắc màu của nó. Các khách du lịch khi đến Venice chỉ mất 45 phút đi bằng thuyền là đến được đây.

Hòn đảo duyên dáng này là nhà của 3.000 cư dân, ngành công nghiệp chính nơi đây là đánh bắt cá và ren. Những người phụ nữ trên đảo đã làm ren từ những năm 1400 và các món hàng thủ công xinh đẹp của họ được cả thế giới yêu thích.

Vì vậy, nếu bạn đến Burano, hãy đến thăm Bảo tàng ren ở đây. Các quầy hàng địa phương ngoài sản phẩm ren truyền thống còn có bán cả các sản phẩm nổi tiếng ở vùng lân cận như thủy tinh của vùng Murano và mặt nạ của Venice.

Truyền thuyết kể rằng các ngôi nhà được sơn màu sặc sỡ để những ngư dân có thể nhận ra nhà mình khi họ ở trên biển. Ngày nay, nếu một cư dân địa phương muốn sơn nhà, họ phải nộp mẫu thiết kế lên cho chính quyền địa phương. Chính quyền sẽ đưa cho họ một số mẫu màu để chọn lấy một màu trong đó trang trí nhà của mình

Bạn cũng có thể nếm thử món cá độc đáo của thị trấn hoặc một chiếc bánh Bussola nướng, một dạng bánh donut có hình chữ S rất nổi tiếng ở đây.

H. Nguyễn

Theo B-M

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Du lịch trải nghiệm cộng đồng và nghỉ dưỡng trên đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh)

(TITC) – Đảo Vĩnh Thực (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nằm trải rộng trên địa phận 2 xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung với tổng diện tích tự nhiên gần 5.000ha, cách đất liền khoảng 10km. Đây là nơi cư trú của hơn 700 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và trồng trọt.

 

Đảo Vĩnh Thực có nhiều bãi tắm trải dài tuyệt đẹp, tiêu biểu là bãi Đầu Đông (xã Vĩnh Thực) và bãi Bến Hèn (xã Vĩnh Trung). Hai bãi tắm này có dải cát vàng thoai thoải, rất mịn trải dài bên hàng phi lao chạy dài tít tắp… Đặc biệt, bãi Đầu Đông còn có nhiều ghềnh đá rất đẹp, nằm kế tiếp nhau.

 

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, đảo Vĩnh Thực còn có di tích hải đăng Vĩnh Thực được xây dựng vào năm 1962. Hải đăng Vĩnh Thực có chiều cao 28m, nằm ở độ cao 86m so với mặt nước biển. Tháp đèn hình trụ, được thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Từ trên đỉnh ngọn hải đăng, du khách có thể ngắm toàn cảnh đảo Vĩnh Thực.

 

Những năm gần đây, nhằm phát triển kinh tế và du lịch, đảo Vĩnh Thực đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó có con đường kéo dài từ bến tàu Vạn Gia (xã Vĩnh Thực) đến cuối đảo với hai bên là rừng cây xanh mát. Đây là tuyến đường chính kết nối các thôn, xã trên đảo với nhau. Người dân trên đảo cũng đầu tư các phương tiện vận chuyển khách du lịch như xe điện, tàu, thuyền, phát triển dịch vụ homestay (nghỉ tại nhà dân)… Đầu tháng 5/2016, TP. Móng Cái đã chính thức đưa vào khai thác loại hình du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng tại đảo Vĩnh Thực.

 

Đến với đảo Vĩnh Thực, ngoài dịp tắm biển, nghỉ dưỡng, khám phá khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, tìm hiểu lịch sử ngọn hải đăng, du khách còn có thể cùng dân đảo đi đánh cá, câu mực, soi còng trên biển…

 

Từ bến thuyền Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc, TP. Móng Cái), đi xuồng máy khoảng 10 phút, du khách sẽ đến đảo Vĩnh Thực.

 

Thanh Hải

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Hành hương ngắm cảnh đường lên thác Vàng Yên Tử (Quảng Ninh)

(TITC) – Khu di tích danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bên cạnh hệ thống chùa, am, tháp mang ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh, còn có khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, ấn tượng nhất là cảnh hai bên tuyến đường dẫn lên thác Vàng.

 

Từ ga cáp treo 2 ở phía tây chùa Hoa Yên, đi men theo con đường lát đá, du khách sẽ thấy biển chỉ dẫn đường đến thác Vàng Yên Tử. Điểm dừng chân khám phá đầu tiên trên tuyến đường này là thác Ngự Dội. Tương truyền, đây là nơi xưa kia Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thường tắm gội.

 

Thác cao 18m, bắt nguồn từ dòng suối Long Khê (Khe Rồng) trên núi Yên Tử. Tiếp theo, du khách sẽ đến am Thiền Định (hiện chỉ còn nền am), tương truyền là nơi tọa thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngài tắm ở thác Ngự Dội. Từ đây, du khách đi đến cuối con đường sẽ thấy thác Vàng cao 14,5m, được tạo nên bởi nhánh thứ hai của dòng suối Long Khê. Xung quanh thác có nhiều cây gỗ lớn. Nằm về phía đông thác Vàng là thác Bạc bắt nguồn từ dòng suối Bạc. Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm), cả hai thác đều có nhiều nước chảy xối xả xuống phía nam, ôm lấy thung lũng Giải Oan, tạo thành một minh đường tụ thủy lưu giữ khí thiêng vùng núi Yên Tử.

 

Một điều ấn tượng khi du khách hành hương lên thác Vàng Yên Tử là có dịp chiêm ngưỡng cánh rừng nguyên sinh ở 2 bên đường đi. Cánh rừng này có nhiều cây dây leo, cây dại mọc đan xen rừng trúc, rừng tùng cổ trải rộng từ chân núi lên đỉnh núi. Đặc biệt, khu rừng này còn có những cây mai còn gọi là “Đại lão mai vàng Yên Tử” cao hơn 10m, có đường kính từ 40 – 50cm. Tương truyền rằng, vào thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông sau khi lên núi Yên Tử tu hành đã cùng các phật tử trồng mai vàng trên khắp vùng núi Yên Tử, nhiều nhất là tại khu vực chùa Đồng, chùa Một Mái, thác Vàng, thác Bạc…

 

Có dịp đến khu di tích danh thắng Yên Tử, đặc biệt là vào khoảng giữa tháng 4 âm lịch hàng năm, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hoa mai vàng nở rộ thành chùm lớn, từng bông xoè rộng 5 cánh vàng rực, lộc xanh biếc, tỏa hương thơm dịu mát. Với những đặc tính vốn có, mai vàng Yên Tử được các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một nguồn gen quý của Việt Nam và được đề xuất nhân giống để bảo tồn và phát triển.

 

Thanh Hải

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Ðộng Đá Bạc – thắng cảnh đẹp của Hòa Bình

(TITC) – Tọa lạc trong lòng núi Cóc (xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), động Ðá Bạc mang vẻ đẹp kì thú, thu hút đông đảo du khách tham quan.

 

Từ trung tâm TP. Hà Nội, theo quốc lộ 6 khoảng 33km về phía tây đến thị trấn Xuân Mai (huyện Quốc Oai) rồi đi theo quốc lộ 21 khoảng 5km về phía nam, du khách sẽ đến núi Cóc.

 

Ðộng Đá Bạc do một người dân địa phương phát hiện vào năm 1990. Với chiều dài gần 70m, nơi rộng nhất 22m, nơi cao nhất 15m, động Đá Bạc gồm 3 động nhỏ là động Cô Tiên, Long Tiên và động Mẫu. Qua cửa động chính (rộng chừng 1m, cao 2m), du khách bước lên vài bậc thang bằng đá sẽ tới động Cô Tiên. Nơi đây có các khối đá được tạo hình kỳ thú như hình con cóc, con rùa, thửa ruộng bậc thang… và những dải thạch nhũ rủ xuống từ trần động như tấm rèm đá. Khi dùng tay gõ nhẹ, những dải thạch nhũ sẽ phát ra tiếng kêu nghe như tiếng cồng, chiêng. Đặc biệt, ở đây có một hồ nước nhỏ do nước ngấm và chảy xuống từ trần động qua nhiều năm tạo thành. Gần hồ nước có ban thờ tượng Cóc.

 

Qua động Cô Tiên, du khách sẽ đến động Long Tiên – nơi có quần thể nhũ đá được kiến tạo trông như tòa lâu đài. Ánh sáng mặt trời có thể chiếu vào động Long Tiên nhờ một khe hở nhỏ ở phía trên trần động. Động Mẫu nằm trong cùng có những khối thạch nhũ hình nàng tiên, bên cạnh là chàng Thạch Sanh ngồi dưới gốc cây đa, đối diện là Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, tay cầm cây tre ngà bay lên trời… Tại đây có tháp cất giữ 7 cổ vật được người dân cúng tiến.

 

Một nét độc đáo của động Đá Bạc là những bông hoa ưu đàm với những cánh hoa như sợi cước trắng nhỏ li ti đã từng nở trên thành động. Ở mỗi đầu bông hoa như có một hạt ngọc nhỏ phát sáng. Đây được coi là loài hoa linh thiêng mang điềm lành.

 

Với vẻ đẹp độc đáo, động Đá Bạc đã góp phần làm phong phú hệ thống điểm du lịch ở Hòa Bình.

 

Thanh Hải

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá chôm chôm Long Khánh ngày mùa

(Dân trí) – Những vườn chôm chôm chín đỏ au, trĩu quả, hương sầu riêng thơm ngát hay những chuyến xe nhộn nhịp ngày đêm khi đến mùa thu hoạch là những hình ảnh ấn tượng cho những ai ghé thăm xã Bình Lộc, thuộc thị xã Long Khánh, Đồng Nai vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch.

Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 90km, bạn có thể đi bằng xe máy theo tuyến Quốc lộ 1A, hoặc xe khách đi đường cao tốc. Nếu đi xe máy thì có thể thưởng ngoạn không gian trên cung đường với nhiều rừng cao su bạt ngàn khi đến gần thị xã Long Khánh, nhưng mất tầm 2,5 giờ. Tuyến cao tốc thời gian rút ngắn chỉ còn 1h mà thôi.

Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách từ Sài Gòn về Long Khánh hơn 1 giờ

Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách từ Sài Gòn về Long Khánh hơn 1 giờ

Long Khánh là vùng trái cây nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai, được xem là vựa trái cây của Đông Nam Bộ, do đặc trưng thổ nhưỡng đất đai khá màu mỡ ở nên có rất nhiều loại cây trái trên vùng đất này rất sum suê.

Long Khánh là vùng trái cây nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai, được xem là vựa trái cây của Đông Nam Bộ, do đặc trưng thổ nhưỡng đất đai khá màu mỡ ở nên có rất nhiều loại cây trái trên vùng đất này rất sum suê.

Tầm cuối tháng 5 đến tháng 7, đến Long Khánh du khách không chỉ được tha hồ nhìn ngắm và thưởng thức những vườn trái cây chín bạt ngàn mà sẽ bất ngờ bởi sự nhộn nhịp và rộn ràng khi nào mùa vụ.

Ngay từ các cung đường dẫn vào xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh bạn cũng sẽ được trông thấy những hàng cây chín đỏ kéo dài như thế này

Ngay từ các cung đường dẫn vào xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh bạn cũng sẽ được trông thấy những hàng cây chín đỏ kéo dài như thế này

Với đặc điểm của thổ nhưỡng nên trái cây tại vùng đất Long Khánh đặc biệt ngon ngọt, giòn với rất nhiều chủng loại khác nhau

Với đặc điểm của thổ nhưỡng nên trái cây tại vùng đất Long Khánh đặc biệt ngon ngọt, giòn với rất nhiều chủng loại khác nhau

Đây là chôm chôm tróc, trái to, gai mềm, nhiều thịt là loại chôm chôm thông thường được trồng và bán phổ biến nên giá khá mềm, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng

Đây là chôm chôm tróc, trái to, gai mềm, nhiều thịt là loại chôm chôm thông thường được trồng và bán phổ biến nên giá khá mềm, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng

Chôm chôm nhãn thuộc loại cao cấp hơn, giá thường gấp 3 lần chôm chôm tróc vì vị cũng ngon hơn, cơm giòn, vị ngọt đậm đà hơn.

Chôm chôm nhãn thuộc loại cao cấp hơn, giá thường gấp 3 lần chôm chôm tróc vì vị cũng ngon hơn, cơm giòn, vị ngọt đậm đà hơn.

Gần đây, người dân Long Khánh còn trồng thêm chôm chôm Thái. Đặc trung là râu dài, xanh, cơm cũng giòn và ngọt nhưng không gắt như chôm chôm nhãn nên cũng được ưa chuộng hơn. Giá cao tầm gấp 4 lần chôm chôm tróc, cao hơn cả loại nhãn

Gần đây, người dân Long Khánh còn trồng thêm chôm chôm Thái. Đặc trung là râu dài, xanh, cơm cũng giòn và ngọt nhưng không gắt như chôm chôm nhãn nên cũng được ưa chuộng hơn. Giá cao tầm gấp 4 lần chôm chôm tróc, cao hơn cả loại nhãn

Chôm chôm thái hiện đang là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Long Khánh

Chôm chôm thái hiện đang là loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Long Khánh

Măng cụt cũng được trồng khá nhiều tại Long Khánh, luôn bán được giá cao hơn hẳn các loại cây trái khác. Măng cụt cũng vào mùa vụ cùng thời điểm với chôm chôm

Măng cụt cũng được trồng khá nhiều tại Long Khánh, luôn bán được giá cao hơn hẳn các loại cây trái khác. Măng cụt cũng vào mùa vụ cùng thời điểm với chôm chôm

Những điểm thu mua luôn rộn ràng vào ngày mùa vụ

Những điểm thu mua luôn rộn ràng vào ngày mùa vụ

Quanh năm tưới tắm, vun trồng đây là thời điểm thu hoạch nên dù khá vất vả nhưng niềm vui đều hiện diện trên gương mặt của mỗi người.

Nụ cười của những người dân lao động nơi đây vào ngày mùa luôn rộn ràng nhất

Nụ cười của những người dân lao động nơi đây vào ngày mùa luôn rộn ràng nhất

Những trái chôm chôm được chọn lựa khá kỹ trước khi được các buôn lái đến thu mua

Những trái chôm chôm được chọn lựa khá kỹ trước khi được các buôn lái đến thu mua

Hàng trăm chiếc xe tải hạng nặng sẽ đậu suốt dọc tuyến đường để chờ đêm đến vận chuyển trái cây tỏa đi khắp các tỉnh trong cả nước.

Hàng trăm chiếc xe tải hạng nặng sẽ đậu suốt dọc tuyến đường để chờ đêm đến vận chuyển trái cây tỏa đi khắp các tỉnh trong cả nước.

Những ngày mùa Long Khánh được xem như ngày hội của người dân nơi đây. Có những quán ăn chỉ được mở ra để phục vụ cho những ngày mùa bởi lượng người từ khắp nơi đổ về khá đông, hoặc bà con nơi đây cũng có nhu cầu cao hơn bởi việc thu hoạch trái cây sẽ cần rất nhiều nhân công.

Những ngày này cũng có khá nhiều khách du lịch tìm đến Long Khánh để thưởng thức trái cây ngày mùa khiến không khí yên bình của vùng quê ngày thêm nhộn nhịp.

Bài & ảnh: Băng Châu

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Lý do khiến bạn muốn du lịch Iran ngay lập tức

(Dân trí) – Khi nhắc tới Iran, nhiều du khách vẫn có tâm lý e ngại vì những lý do an ninh. Nhưng những năm gần đây, quốc gia lớn thứ 2 vùng Trung Đông đang khởi sắc để trở thành điểm đến thu hút du lịch thế giới.

Lý do khiến bạn muốn du lịch Iran ngay lập tức

Iran là quốc gia lớn thứ 2 ở Trung Đông có vị trí phía tây nam của châu Á, được bao quanh bởi sa mạc cùng các dãy núi lởm chởm chia tách lưu vực và cao nguyên. Khi nhắc tới Iran, nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại, bởi nơi này từng là điểm nóng của chiến tranh và bị cấm vận.

Tuy nhiên, kể từ khi đạt được thỏa thuận về hạt nhân với các cường quốc kể từ tháng 7 năm ngoái, mối quan hệ giữa Iran với phương Tây được cải thiện. Cùng lúc với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế vào tháng 1/2016, ngành du lịch quốc gia Hồi giáo chính thức rộng cửa, đưa du khách đến với xứ sở “nghìn lẻ một đêm”.

Lăng mộ Cyrus Đại Đế tại cố đô Pasargadae

Lăng mộ Cyrus Đại Đế tại cố đô Pasargadae

Với vị trí thuộc khu vực của nền văn minh Lưỡng Hà, lại là chặng quan trọng trên con đường tơ lụa huyền thoại từ phương Đông, bởi vậy, quốc gia lớn thứ 2 khu vực Trung Đông này sở hữu nhiều di sản văn hóa. Một trong những di tích nổi tiếng có thể kể tới như lăng mộ Cyrus Đại Đế tại cố đô Pasargadae, thành phố cổ linh thiêng với nhiều di tích ấn tượng bao gồm Shiraz, Isfahan và Yazd.

Những công trình kiến trúc đậm chất Hồi giáo

Những công trình kiến trúc đậm chất Hồi giáo

Khi đến bất cứ vùng đất nào, một trong những điểm hấp dẫn nhất chính là ẩm thực địa phương. Do vị trí địa lý nằm ở khu vực Trung Đông và Tây Á, nên phong cách ẩm thực của Iran có sự pha trộn nhiều nền ẩm thực như Azerbaijan,Thổ Nhĩ Kỳ, Kavkaz, khu vực Lưỡng Hà, Levantine hay ẩm thực Hy Lạp… Các món ăn ở đây thường trộn lẫn nhiều loại nguyên liệu. Món ăn tiêu biểu là sự kết hợp giữa cơm và thịt cùng các loại hạt. Để tạo độ cân bằng hương vị, món ăn Iran đặc trưng mùi nghệ tây, chanh khô, quế mùi… được hòa quyện tinh tế.

Ẩm thực Iran là sự pha trộn nhiều nền ẩm thực

Ẩm thực Iran là sự pha trộn nhiều nền ẩm thực

Mới đây, trong một clip ngắn, nhà làm phim Benjamin Martinie mang tới cho người xem những góc quay đặc biệt về quốc gia vùng Trung Đông kèm thêm lời đề tựa không kém phần lạ tai “Đừng đến Iran”. Nhưng trái ngược với những mâu thuẫn nêu ra trong clip, người xem cảm nhận được khung cảnh tuyệt đẹp, công trình mang nét kiến trúc tinh tế đặc trưng Hồi giáo, các nền văn hóa nhiều màu sắc, quốc gia với bề dày về lịch sử văn hóa và nền ẩm thực độc đáo.

Khám phá những khu chợ truyền thống

Khám phá những khu chợ truyền thống

Gạt vấn đề chính trị và lý do an ninh sang một bên, du khách nhận thấy sự chân thành và thân thiện của người dân Iran xuyên suốt cả đoạn phim, để rồi, biến chuyến đi tới “xứ sở nghìn lẻ một đêm” thành hiện thực.

Hoàng Hà

Theo RG, TG

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Về Cần Thơ, đừng quên “đặc sản” chợ nổi Cái Răng

(Dân trí) – Chợ thường họp rất sớm vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, khi mặt trời vừa mới mọc và đến khoảng 8-9 giờ thì tan tầm. Tiếng máy dầm của mấy chiếc xuồng nhỏ khua nhau, tiếng thuyền bè, tàu ghe xuôi nước, tiếng cười nói xôn xao của những người buôn bán trên sông Cái Răng nghe thật giòn giã và vui tai đến lạ.

Truyền thuyết về chợ Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút khi chúng ta đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều. Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Sở dĩ nơi đây gọi là chợ nổi vì nó trôi nổi trên sông. Từ xa xa, chúng ta có thể thấy những chiếc ghe bồng bềnh và đó cũng là gia đình thương hồ sinh sống với nhiều thế hệ. Nó mang đậm chất Nam Bộ ngay trong lòng Tây Đô – thủ phủ của miền Tây sông nước.


Chợ nổi Cái Răng có đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chợ nổi Cái Răng có đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo Sở VHTT&DL Cần Thơ, những ngày này số lượng du khách đổ về tham quan chợ nổi đông hơn nên Ban quản lý bến tàu khách và du lịch Cần Thơ đã huy động nhiều tàu để hướng dẫn, đưa đón khách ngay từ sáng sớm cho đến trưa mỗi ngày.

Chợ nổi Cái Răng đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ xa xa, khi thuyền chúng tôi chưa đến gần các chiếc thuyền thương hồ là đã thấy một cây cao cao tựa như cây sào cắm xuống nước trước mỗi ghe. Đó là cây bẹo. Nếu như ghe này bán dưa hấu thì trên cây bẹo sẽ treo vài quả dưa hấu, nếu ghe kia bán xoài, cam, ổi thì trên ghe bán toàn xoài, cam, ổi mà thôi. Đặc biệt là thế.


Cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng

Cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng

Thuyền bồng bềnh theo con nước, chẳng cần chú lái thuyền cất công đề máy mà cũng trôi đi theo làn gió nhè nhẹ, miên man. Chúng ta có thể tận mắt thấy một màu xanh của quả dưa hấu đang căng tròn mọng nước, màu đo đỏ của chiếc ghe chôm chôm, vàng ruộm của nhãn, dâu xiêm, màu đỏ đỏ nâu nâu của trái măng cụt ngọt ngọt chua chua đậm đà trong từng múi nhỏ, những quả bí đỏ to tròn nằm trật tự trên ghe theo hàng theo lối,… Trái cây, nông sản nơi đây là thế. Nó luôn mang trong mình vị ngọt ngào của dòng sông hiền lành quanh năm có phù sa dồi dào bồi đắp. Nó mang trong lòng vị đậm đà, chân chất của người thương hồ quanh năm sinh sống trên sông. Tuy lời to, tiếng lớn nhưng thật thà, chân quê đậm nét Nam Bộ.

Mặc dù, ngày nay mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và ngày càng sầm uất hơn. Nơi đây đã trở thành chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây và nông sản của vùng. Bên cạnh những chiếc ghe của người thương hồ, những chiếc xuồng trái cây, nông sản còn có thuyền của các bà, các chị bán thức ăn nấu sẵn trên sông như bánh mì, bánh bao, phở, hủ tiếu, cà phê và các loại nước giải khát khác nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn uống trên sông.

Nói đến Cần Thơ là nhắc đến chợ nổi Cái Răng

Nhiều người từ vùng miền xa xôi tò mò vì chưa được nhìn thấy cái chợ nổi của vùng sông nước này mà đã nghe nhắc đến bấy lâu nay, đã chưa được đi thì thôi còn khi ghé Cần Thơ rồi thì phải đi chợ nổi cho bằng được. Mặc dù nguyên một đêm thức khuya đi dạo phố Tây Đô, ngắm bến Ninh Kiều, ăn Lẩu mắm, Vịt nấu chao nhưng vẫn cố gắng thức dậy sớm để đi chợ nổi Cái Răng cho biết.


Chợ nổi Cái Răng được xem là địa du lịch hấp dẫn ở vùng ĐBSCL

Chợ nổi Cái Răng được xem là địa du lịch hấp dẫn ở vùng ĐBSCL

Anh Nguyễn Trung Tín, Phòng quản lý Du lịch, Sở VHTT và DL Cần Thơ, cho biết: “Để chợ nổi Cái Răng phát triển theo hướng văn minh, an toàn thì cần có các dự án đầu tư tôn tạo cụ thể như: Không can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán tại chợ nổi, đầu tư tôn tạo nhưng không phá vỡ hiện trạng của chợ nổi; Dự án sẽ tính đến đảm bảo an toàn giao thông tại chợ nổi, đề xuất giới hạn khu vực neo đậu các tàu thuyền, tránh trường hợp các tàu thuyền neo đậu tràn lan, chiếm gần hết mặt sông ; địa phương cần quan tâm đến xây dựng các WC nổi để phục vụ người mua bán vá khách du lịch; Do đặc thù của chợ nổi là khách tham quan tự do không phải mua vé. Vì vậy, có thể đề xuất tính từ giá vé tàu du lịch (tương tự như giá vé tham quan)”.

Chợ nổi là nơi giữ gìn, phát huy những nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon, đẹp mắt của hàng hóa nơi đây. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng được xem là một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm. Có được nét đặc trưng riêng, chợ nổi Cái Răng đã đi vào lòng người của cả nước và cả trên thế giới và giờ đây chợ nổi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia vào ngày 8/7/2016.

Phạm Tâm – Trần Tuyên

Nguồn: DANTRI.COM.VN

TIN MỚI NHẤT