Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Hang Mê Cung – Nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hoá

Hang Mê Cung nằm trong khu vực bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long. Hang ở độ cao 25m so với mực nước biển, trên đảo Lờm Bò, cách đảo Ti Tốp khoảng 2km về phía tây – nam.

Hang Mê Cung có cấu trúc địa hình rất phức tạp, bao gồm nhiều cấp, nhiều ngăn, ngách trải trong phạm vi mái đá với một hành lang dài hơn 100m, cao dần về phía tây.

Vỏ ốc suối Melania tại cửa hang Mê Cung được cho là dấu tích thức ăn của người Hạ Long thời tiền sử

Cửa hang Mê Cung quay về hướng đông, có một khoảng rộng 40m2, được san rất bằng phẳng. Nhìn từ xa, cửa động như một mái nhà ăn sâu vào sườn đảo, thoáng mát, khô ráo, phía sau của nó là hệ thống các hang động nhỏ, zíc zắc và rất kín đáo.

 

Hang Mê Cung được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc Văn hoá Hạ Long sớm – tức cách ngày nay từ 10.000-7.000 năm. Dấu tích còn lại nhiều nhất tìm thấy ngay cửa động là vỏ ốc Melania – là loài ốc chỉ sống ở suối. Vạt đất bên phải con đường lên hang vẫn chứa đầy các loại vỏ nhuyễn thể này. Hiện nay, 2 phía cửa lên mái đá, những tảng trầm tích vỏ ốc xi măng hoá còn nguyên vẹn gồm cả ốc suối lẫn ốc núi. Các tảng trầm tích này cho thấy lúc đầu, tầng văn hoá ở đây dày từ 60-150cm. Ngoài vỏ ốc suối, vỏ ốc núi, hang Mê Cung cũng có một vài mảnh vỏ trai, vỏ sò.  Được biết, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thu thập và vẫn còn giữ được một tập hợp các xương thú đã hoá thạch hoặc bán hoá thạch từ hang Mê Cung.

 

Trong tương lai, việc nghiên cứu kỹ lưỡng những sưu tập này sẽ đưa ra những câu trả lời hữu ích về môi trường sống, đối tượng khai thác, cách thức ăn uống và có thể là cả nghi lễ cúng tế của người Việt cổ, vì bộ xương được tìm thấy ở một ngách rất sâu và kín đáo của hang Mê Cung, nơi chứa đầy trầm tích đất vàng Pleistoncen của người tiền sử. Và chắc chắn nó sẽ góp phần làm rõ thêm niên đại của loại di tích khảo cổ học tương đương với giai đoạn Hoà Bình, Bắc Sơn của khu vực Vịnh Hạ Long này.

 

Nếu như bên trong hang Mê Cung chứa đựng những trầm tích lịch sử văn hoá, thì ra khỏi phía cửa hang ăn thông lên đỉnh núi là một cảnh sắc thiên nhiên vô cùng đặc sắc. Đó là một cái hồ nước nhỏ trong xanh, tuyệt đẹp lọt giữa các bức tường thành núi đá, dường như độc lập với biển khơi. Đây thực chất là một áng được tạo nên bởi địa hình karst đặc trưng của Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, trong lòng hồ Mê Cung, các loài san hô, hải sâm đen và nhiều loài động thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long đang sinh sôi rất tốt. Đây là một khu sinh thái địa chất có giá trị nghiên cứu, khai thác và nó cũng là một tiểu cảnh rất thơ mộng và đẹp của khu vực hang Mê Cung…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đến với du lịch sinh thái vườn Hàm Luông

Từ thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), qua phà Tân Phú, theo tỉnh lộ 884 rẽ phải là con đường làng tráng xi-măng uốn mình trong những hàng cây xanh tươi mát.

Đi hơn 2 km là bạn đã đặt chân vào điểm du lịch sinh thái vườn Hàm Luông (ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre) trên 2 ha.

Thả bộ trên con lộ tráng xi-măng để đi vào vườn Hàm Luông, bạn sẽ qua nhiều cây trái miệt vườn chính hiệu với những trái măng cụt hấp dẫn, những chùm chôm chôm đỏ rực đánh đu trên cành, những trái dừa ngọt lịm cổ họng, những trái vú sữa ngọt ngập chân răng, giống trái bưởi da xanh nổi tiếng đất cù lao cũng khiến bạn trào dâng khoái cảm. Đặc biệt, nếu đến đây vào dịp Tết Đoan Ngọ (mồng năm tháng Năm âm lịch), bạn còn có dịp tham dự lễ hội trái cây cùng các hoạt động khám phá, trải nghiệm những phong tục tập quán, các di tích lịch sử, văn hoá của cư dân địa phương.

 

Nằm sát bờ sông là dãy nhà sàn, lợp lá xé với không gian im mát, rợp bóng cây và những bãi cỏ xanh mướt mắt. Tại đây, bạn thưởng thức những đặc sản dân dã đặc trưng sông nước địa phương nổi tiếng như: cá tai tượng chiên xù, bánh xèo nhân hến, bánh canh, gỏi ốc đắng, cháo gà ta thả vườn, những món ăn từ bò. Đặc biệt nhất là chủ vườn đã cố công tìm mua được chiếc xe cổ Citrogen 3 chỗ ngồi, xe của viên toàn quyền Pháp khi xưa sử dụng để làm phương tiện đưa du khách đi tham quan khu vườn..

 

Vườn Hàm Luông có 2 tàu du lịch khoảng 20 người/chiếc đưa khách du ngoạn trên sông để khám phá những ngành nghề thủ công truyền thống ở Chợ Lách: dệt chiếu, dệt thảm xơ dừa, hoa kiểng, hoà mình vào âm thanh trầm bổng trong tiếng hát ngọt mùi của buổi đờn ca tài tử.

 

Điểm thú vị nhất là tham quan những hàng bần bạt ngàn mọc dài hai bên bờ sông Hàm Luông. Về đêm, bạn sẽ đê mê say đắm nhìn những ánh lân tinh như những chòm sao sa của bầy đom đóm trên những nhánh bần. Bạn có thể bắt chúng bằng những lồng lưới làm sẵn.

 

Vườn Hàm Luông còn là một vườn thú nho nhỏ với những đàn gà, đàn trĩ, đàn dê, chim cảnh, số nuôi chuồng, số thả rông, tạo cho bạn cảm giác nhà vườn Nam Bộ. Phong cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình, vườn Hàm Luông đón nhiều khách nước ngoài cũng như trong nước đến thư giãn./..

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Cô Tô – điểm đến hấp dẫn

Huyện đảo Cô Tô được đánh giá giàu tiềm năng phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp. Với nhiều lợi thế, Cô Tô đang là một điểm đến hấp dẫn.

Huyện đảo Cô Tô bao gồm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ khác nhau có diện tích tự nhiên gần 4.000 km2, trong đó có 3 đảo lớn là: Cô Tô lớn, Thanh Lân và đảo Trần, nằm cách bến cảng Cái Rồng chừng 60km về phía đông bắc. Dân số ở đây còn thưa thớt, chủ yếu là những người đi làm kinh tế mới từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ di cư ra. Huyện đảo Cô Tô hiện có 1.500 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu.

 

 

Cô Tô được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà ít nơi có được. Nơi đây có những bãi tắm đẹp, dài hàng chục km, cát trắng mịn, còn hoang sơ hoà vào làn nước biển xanh trong như:Bãi Vàn Chải nằm ở phía tây đảo, hoang vu với bờ biển uốn cong, bãi cát mịn, sạch sẽ và trắng tinh; Bãi Hồng Vàn nằm ở phía đông, nước lặng êm ả, lăn tăn như nước hồ do có đảo Thanh Lân trải dài nằm chắn gió từ ngoài biển thổi vào, bờ cát mềm mại với những thảm hoa muống biển tím ngắt; Bãi Hồng Vàn còn có một tên gọi khác là Hom Trinh Sát; khu Cầu Mỵ với những dải đá chạy dài hướng ra biển lớn tạo nên khung cảnh vô cùng thích thú cho du khách mỗi khi đến nơi đây…

 

Đặc biệt, do quá trình kiến tạo địa chất đã tạo ra cho Cô Tô những cảnh quan hết sức ngoạn mục. Cô Tô có đồi, núi, biển, hồ, cánh đồng. Đứng từ Hải Đăng Cô Tô – nơi có vị trí cao nhất trên đảo có thể nhìn bao quát tổng thể quần đảo Cô Tô là: cầu cảng, là cánh đồng, hồ và làng mạc. Vào mùa lúa cảnh quan của Cô Tô sẽ càng trở nên hấp dẫn khi thảm lúa xen kẽ với rừng phi lao.

 

Với những cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Cô Tô, trong những năm gần đây, Cô Tô ngày càng trở thành một địa chỉ quen thuộc của du khách mỗi khi đến với Quảng Ninh. Chỉ tính riêng năm 2013, Cô Tô đã đón 6 vạn lượt khách tăng gấp 1,7 lần so với năm 2012. Ngay từ khi có điện lưới quốc gia, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được người dân đầu tư xây mới, nâng tổng số phòng nghỉ đủ điều kiện đón khách lên 600 phòng. Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, hoạt động kinh doanh du lịch ở Cô Tô đang có nhiều cách làm hay, sáng tạo và phát triển xứng tầm với tiềm năng.

 

Để làm được điều này, trong năm qua huyện Cô Tô đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch. Năm 2010, tàu cao tốc chất lượng được đưa vào sử dụng, giao thông đến đảo Cô Tô không còn gặp khó khăn như trước. Nếu đi tàu cao tốc, du khách chỉ mất khoảng 1,5 giờ là đã được đặt chân lên đảo. Cuộc sống trên đảo so với ngày trước đã sung túc hơn nhiều, đảo đã có điện, có nhà xây, có xe ô tô, có đường rải nhựa ngang dọc, giao thương khá phát triển. Hệ thống thông tin trên đảo cũng được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc của du khách. Sau khi Viettel phủ sóng internet 3G năm 2010, vào tháng 2/2012, Cô Tô chính thức hoàn thành phủ sóng wifi toàn huyện và trở thành huyện đảo đầu tiên trong cả nước phủ sóng wifi toàn huyện. Điều này càng làm cho Cô Tô gần với đất liền hơn.

 

Với lợi thế của mình, những năm tới Cô Tô sẽ còn có những bước khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, để tận dụng được hết những lợi thế của mình, Cô Tô cần có những bước quản lý đầu tiên nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững như: đầu tư vào cảnh quan môi trường; kết hợp giữa chính quyền và các công ty khai thác du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện huyện đảo.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Tuyệt mỹ danh thắng Hòn Chồng

Trải qua hàng triệu năm, thiên nhiên đã kiến tạo nên một danh thắng với những bãi đá xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, nhiều tảng đá có hình tượng thiên tạo trông rất kỳ thú.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, xưa có một người khổng lồ đến đây vãn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông nhìn ngắm say sưa và vô tình trượt chân ngã, tay bám vào núi khiến sườn núi sụp đổ, để lại rất nhiều khối đá và vết lõm hình năm ngón tay in trên tảng đá, tên gọi Hòn Chồng có từ đó. Còn Hòn Vợ như một hòn vọng phu trên biển kể lại câu chuyện tình đầy bi ai nhưng rất đỗi thủy chung của đôi vợ chồng ngư phủ chờ nhau đến hóa đá…


Đến tham quan danh thắng Hòn Chồng – Nha Trang du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác của thiên nhiên, thỏa sức tưởng tượng để cho tâm hồn bay bổng, cảm xúc thăng hoa giữa màu xanh mênh mang của đất trời, hòa cùng nắng gió biển khơi mang đến những giây phút trải nghiệm thú vị.

 

Danh thắng Hòn Chồng

 

Dấu bàn tay người khổng lồ

 

Hình tượng hai vợ chồng ngư phủ đang say giấc nồng

 

Bàn tay người khổng lồ bám đá

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu: Điểm du lịch đặc biệt của Bạc Liêu

Không chỉ vinh dự là một trong những “cái nôi” của đờn ca tài tử (ĐCTT), Bạc Liêu hôm nay còn tự hào khi có hẳn một Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này với tên gọi: Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu (gọi tắt là Khu lưu niệm).

Đặt chân đến Khu lưu niệm, du khách sẽ ấn tượng với công trình bản chuẩn Dạ cổ hoài lang – “bản nhạc lòng” đã thăng hoa trở thành bản vọng cổ – được lộng khung với chữ khắc bằng vàng. Bản chuẩn Dạ cổ hoài lang cùng với bức tượng bán thân của người nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra nó, được đặt một cách trang trọng trong một khu vực đặc biệt trưng bày về ĐCTT, cải lương như một món quà thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với bác Sáu Lầu.

 

 

Bên cạnh đó, Khu lưu niệm còn có những hạng mục, công trình giúp người thưởng lãm có cái nhìn khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của nghệ nhân Cao Văn Lầu, về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, như: Nhà sân khấu biểu diễn ĐCTT; Nhà trưng bày các tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự phát triển của “bài ca vua”; Biểu tượng cây đờn kìm; tượng nghệ nhân Cao Văn Lầu; Vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc…

 

Trong khuôn viên Khu lưu niệm, tại biểu tượng đài ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực có biểu tượng cây đờn kìm và hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cây đờn kìm được cách điệu từ đốt tre và xung quanh phần đài ống tre khắc họa 20 bản Tổ: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán và 7 bản lớn. Đặc biệt, các bậc thang trên đài ống tre dẫn lên khu đặt lư hương (để mọi người hành lễ, tưởng niệm) được bố trí theo các bậc số: 2, 4, 6, 8, 16, 32 và 64 – tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi. Quả là một không gian đậm chất tài tử!

 

Còn nhiều nét hấp dẫn khác mà chỉ khi được đặt chân vào Khu lưu niệm mọi người mới có thể cảm nhận hết “hơi thở” của ĐCTT. Thật đúng với chủ đề mà Festival ĐCTT quốc gia lần I – Bạc Liêu 2014 đã chọn, Bạc Liêu không chỉ có những con người nghĩa tình, hiếu khách, lịch thiệp, mà còn có cả những công trình văn hóa – nghệ thuật đậm chất “Tình người, tình đất phương Nam”. Với tổng diện tích xây dựng trên 12.500m2, tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng, Khu lưu niệm này là điểm du lịch đặc biệt của Bạc Liêu. Đây là một công trình “để đời” mà Bạc Liêu đã làm được với mong muốn hành trình “đi lên từ văn hóa” đạt những kết quả tốt đẹp!

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Cửa Lò, vẻ đẹp quyến rũ

Nét quyến rũ của Thị xã biển Cửa Lò nay không chỉ bởi có bãi tắm sạch, đẹp bậc nhất Bắc Trung bộ mà còn ở trong một không gian đô thị du lịch không ngừng được hoàn thiện, phát triển…

Đêm rực rỡ ánh sáng, biển Cửa Lò luôn là điểm đến thú vị cho du khách mỗi khi hè về. Ấn tượng mở của một đô thị du lịch Cửa Lò Nghệ An còn là ở những khu chung cư, biệt thự, các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp nhỏ nhưng hiện đại, Trường Đại học tư thục Vạn Xuân… điểm xuyết trong một tổng thể không gian xanh của các khu dân cư và hệ thống cơ sở lưu trú ngày càng cho thấy sự hợp lý trong quy hoạch, kiến trúc xây dựng của thị xã với tầm nhìn xa của chiến lược phát triển. 

 

 

Sân golf Cửa Lò kể như là một công trình phục vụ giải trí độc đáo cho nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách trong những ngày nghỉ dưỡng, tắm biển. Biển biếc xanh và có dải cát trắng mịn màng đã góp phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ của những bãi tắm Lan Châu, Xuân Hương, Cửa Hội… Các khách sạn ở Cửa Lò  cũng rất gần biển, tiện nghi và sạch đẹp giúp du khách khi nghỉ ngơi và tắm biển.

 

Qua một “mùa biển” thì ấn tượng của du khách về một Cửa Lò mang vẻ đẹp hấp dẫn, quyến rũ lại được nhân lên. Điều này xuất phát từ tiềm năng du lịch to lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này và từ việc người dân ở đây biết bảo tồn và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch. Ngoài việc để cung cấp các đặc sản biển cho dịch vụ du lịch còn là để phục vụ nhu cầu khám phá Cửa Lò của du khách, bởi một chuyến đánh bắt trên biển bằng thuyền thúng là một nét độc đáo đối với du khách. Ngoài kinh tế biển, Cửa Lò còn dành quỹ đất để sản xuất nông nghiệp với các làng mạc mang nét trù phú riêng của dân cư vành đai đô thị du lịch, là tiếp nối cho một tour tham quan các danh thắng, di tích của xứ Nghệ để từ đó cùng với các bước đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng và các khu vui chơi giải trí, có thể góp phần định hình cho một chiến lược du lịch bốn mùa của thị xã. 

 

Thân thiện, mến khách từ những ấn tượng mở, mùa du lịch biển Cửa Lò năm 2014 còn khẳng định Cửa Lò là một đô thị luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Cù Lao Chàm – Điểm du lịch xanh không túi nilon

Những ai lần đầu đến với Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam) chắc chắn sẽ bị hòn đảo này quyến rũ. Một màu biếc xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng và màu trời xanh thẳm…

Không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà con người nơi đây mới thực sự là “món quà quý” đảo dành tặng du khách. Sự chân tình, hồn hậu và mến khách sẽ khiến bước chân những ai trót lãng du tới đây quyến luyến lúc phải rời xa.

 

Quyến rũ biển đảo xanh
 
Mùa hè dẫu có nóng bỏng thì vẫn khó lòng chạm tới Cù Lao Chàm. Cù Lao lúc nào cũng mướt mắt và sóng sánh xanh. Cơn mưa giông, gió giật bất chợt từ đâu kéo về làm bầu trời biến sắc, vần vũ ngay đó nhưng sẽ chỉ ào ạt một lúc thôi, rồi sẽ lại nắng bừng lên để hong khô dải cát mịn màng, để rồi màu biển sẽ lại tiệp với màu trời, một màu xanh bất tận.

Những hàng dừa cũng điệu đàng khoe dáng, soi bóng xuống lòng biển xanh. Dọc các bãi cát trải dài, đôi ba chiếc cầu gỗ như bến đỗ dành cho những “mình hạc sương mai” thả dáng. Các nhiếp ảnh gia thường hay chọn góc này, nơi mà dường như trời đất nối liền nhau qua cây cầu lãng mạn, nơi đã xuất hiện trong không ít những bộ ảnh cưới của các cặp yêu đương…

Điểm xuyết với bức tranh thiên nhiên trong trẻo ấy là sự hiện diện của những chiếc thuyền thúng dập dềnh theo con sóng vỗ ì oạp, nơi sự sống con người theo đó mà duy trì, sinh sôi… Cù Lao Chàm ban ngày hấp dẫn bởi những gam màu nguyên sơ và mãnh liệt như thế.

Đêm cù lao lại mang đến cho du khách một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với dịch vụ “homestay”. Đây là loại hình dịch vụ do người dân đảo chiều lòng khách muốn nghỉ lại qua đêm trong những căn lều di động ở bãi Chồng, bãi Hương… Tiếng gió và tiếng sóng vỗ dạt dào vào các ghềnh đá sẽ ru êm một giấc ngủ bình yên giữa đất trời.

Nếu muốn một trải nghiệm thú vị khác, du khách có thể hưởng thụ biển đêm bằng cách thả bộ thư giãn dọc bãi cát, ngắm nhìn sự sống lấp lánh trong ánh đèn của những chiếc thuyền câu mực, đánh cá giữa biển đêm đen quánh.

Đảo nói không với túi nilon

Một sự thay đổi đáng ngạc nhiên khi trở lại Cù Lao Chàm thời gian gần đây khi không còn thấy đâu bóng dáng của rác thải hay túi nilon nữa. Người dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị của thành phố Hội An (từ giữa năm 2009) về việc không sử dụng túi nilon trên đảo cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hơn 600  hộ dân nơi đây đồng lòng tẩy chay những chất gây hại không chỉ môi trường mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới các thế hệ con cháu của họ sau này. “Loa phóng thanh xã đảo ngày nào cũng nhắc điều đó nên không thấy phiền chi hết. Chúng tôi làm vậy còn là để giữ sạch cho mình. Chẳng ai dám xả rác bừa bãi nữa, ai thấy người ta lại nói thì kỳ lắm,” chị Thành ở xóm trong bãi Làng nói.

Thậm chí ở chợ còn có tấm bảng với khẩu hiệu “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và hình minh họa nói không với túi nilon, đủ thấy quyết tâm của những người dân Cù Lao xanh thế nào. Bà con dân đảo được thành phố và một số doanh nghiệp hỗ trợ trong việc tăng cường sử dụng túi giấy nên ngày nào cũng có cán bộ tới phát túi miễn phí.

Du khách không mang túi nilon ra đảo và được khuyến khích dùng túi giấy. “Cù Lao Chàm xứng đáng là hòn đảo xanh và sạch nhất mà tôi từng đến. Giá như người dân ở các điểm du lịch khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường như ở đây!” anh Trần Văn Hải ở Mê Linh, Vĩnh Phúc khi tới đảo đã vô cùng ngạc nhiên, vừa giơ mấy chiếc túi giấy được phát khi tới đảo vừa nói.

Còn lý do để hai vợ chồng chị Quỳnh Hương ở Kim Liên, Hà Nội quyết định quay trở lại điểm du lịch này là vì “không chỉ bởi vẻ đẹp nguyên sơ, xanh biếc của đảo mà những người dân ở đây hồn hậu, chất phác lắm. Họ thật thà chứ không làm ăn kiểu chộp giật như nhiều điểm du lịch tôi từng đến. Hy vọng rằng người dân Cù Lao Chàm sau này vẫn sẽ giữ được phẩm chất đáng quý ấy.”

Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2009. Cũng từ thời điểm đó điểm du lịch này mới bắt đầu thực sự có danh trên bản đồ du lịch thế giới. Và mong sao, bất chấp mọi đổi thay của cơ chế thị trường, của thời gian Cù Lao Chàm vẫn sẽ vẹn nguyên vẻ đẹp của cả tình lẫn cảnh, vẹn nguyên hồn cốt như nhận xét của chị Hương, anh Hải.

Và, giá như ở các khu du lịch khác trên đất nước hình chữ S cũng xanh, sạch, đẹp và người dân có ý thức cao trong việc gìn giữ môi trường sống như ở đảo Cù Lao Chàm!./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đầu năm du xuân miền quan họ

(TITC) – Những ngày đầu năm, tiết trời se lạnh kèm theo những hạt mưa bụi phảng phất không là trở ngại cản bước du khách thập phương tìm về miền quê Bắc Ninh – Kinh Bắc, nơi không chỉ nổi tiếng bởi những làn điệu quan họ và tranh Đông Hồ mà còn quy tụ rất nhiều di tích lịch sử đặc sắc như lăng Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu (huyện Thuận Thành); chùa Phật Tích (huyện Tiên Du); đền Đô (thị xã Từ Sơn)… Chính vì vậy, Bắc Ninh là điểm đến của rất nhiều du khách trong chuyến hành hương về nguồn.

Khuôn viên lăng Kinh Dương Vương

 

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của du khách là huyện Thuận Thành với cụm di tích đền thờ và lăng Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành) cách thành phố Bắc Ninh khoảng 20km về phía nam. Theo truyền thuyết và các thư tịch lịch sử, Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt, thân phụ của Quốc tổ Lạc Long Quân.

 

Khu vực đền thờ Kinh Dương Vương có diện tích khoảng hơn 2.000m² gồm 5 gian tiền tế và 3 gian thờ được xây theo kiểu chữ công, gian giữa có long ngai sơn son thếp vàng thờ Kinh Dương Vương, gian bên trái thờ Âu Cơ và gian bên phải thờ Lạc Long Quân. Trong đền có hệ thống nghi trượng bằng đồng, gỗ, sứ khá phong phú như: mâm đồng, đỉnh, lư hương, ống hoa, thau rước nước, chiêng… Tọa lạc trên bãi bồi rộng 4.200m² sát bờ nam sông Đuống, lăng Kinh Dương Vương có kiến trúc 2 tầng 8 mái, được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ um tùm, mát mẻ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, cụm di tích đền thờ và lăng Kinh Dương Vương vẫn gìn giữ nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội…

 

Một trong những tháp cổ tại chùa Bút Tháp

 

Rời thôn Á Lữ, xuôi theo bờ đê sông Đuống, du khách tiếp tục đến với chùa Bút Tháp (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ). Chùa có tên chữ là “Ninh Phúc Thiền Tự” được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17) theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm: Tam quan, gác chuông, Tiền đường và Thượng điện. Bên trong Thượng điện có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân, trong đó nổi bật nhất là tượng Phật Bà Quan Âm “nghìn mắt nghìn tay” cao 3,7m, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ, mỗi bàn tay có một mắt; tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Quan Âm Thị Kính. Đây được coi là bộ ba tác phẩm nghệ thuật tạc tượng danh bất hư truyền tại chùa Bút Tháp. Từ Thượng điện, đi qua chiếc cầu đá có 3 nhịp uốn cong, du khách sẽ thấy tòa “Cửu phẩm Liên Hoa” 9 tầng được làm bằng gỗ, có khắc tượng Phật xung quanh. Ngoài ra, trong chùa còn có hơn 70 pho tượng gỗ như pho tượng Kim Đồng – Ngọc Nữ, tượng La Hán… ; nhiều tòa tháp cổ như tháp Bảo Nghiêm, Tôn Đức… là nơi đặt xá lị của các vị thiền sư trụ trì chùa trước đây.

 

Chùa Dâu

 

Sau khi tham quan chùa Bút Tháp, du khách tiếp tục đến với chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương). Được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 3, chùa Dâu được xếp vào bậc danh lam cổ tự xứ Kinh Bắc và là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo lớn là Ấn Độ (gắn với nhà sư Khâu-đà-la) và Trung Quốc (gắn với nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi). Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân gắn liền với huyền tích Tứ pháp của người Việt (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện). Chùa  được bố cục theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhất bao quanh ba ngôi nhà chính là Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường của chùa đặt tượng Hộ pháp, 8 vị Kim cương; Thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi; Thượng Điện đặt tượng bà Dâu (Pháp Vân), bà Đậu (Pháp Vũ), Kim Đồng, Ngọc Nữ. Các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính. Ngoài ra, trong chùa còn có tượng tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi, 18 vị La Hán,… Hiện ở sân chùa Dâu có tháp Hòa Phong 3 tầng cao khoảng 17m; trong tháp có chuông lớn đúc dưới triều Cảnh Thịnh (1793), khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng 18 (1837).

 

Các sản phẩm làng tranh Đông Hồ

 

Điểm đến tiếp theo của du khách khi đến với huyện Thuận Thành là làng tranh Đông Hồ, xưa còn gọi là làng Mái (xã Song Hồ). Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại câu ca rằng:

       Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về làng Mái với anh thì về.
Làng Mái có lịch có lề,
 Có ao tắm mát có nghề làm tranh.

 

Ðông Hồ, một ngôi làng xinh xắn nằm bên bờ sông Ðuống, từ lâu đã đi vào đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ có người Hà Nội và các tỉnh thành trong nước yêu thích tranh dân gian Ðông Hồ về tham quan tìm hiểu và chọn mua, mà không ít du khách, những người trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật của nước ngoài cũng đến để nghiên cứu về nghệ thuật tranh dân gian đặc sắc của làng Hồ.

 

Các bảo tháp tại chùa Phật Tích

 

Kết thúc chuyến tham quan tại huyện Thuận Thành, du khách có thể đến huyện Tiên Du để vãn cảnh chùa Phật Tích (thôn Phượng Hoàng, xã Phật Tích) được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ  4 (1057). Khởi nguyên của chùa Phật Tích gắn liền với trung tâm Phật giáo Luy Lâu và sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ. Đây là nơi có 5 cặp tượng linh thú (sư tử, voi, trâu, ngựa và tê giác) bằng đá lớn nhất Việt Nam, được đặt trên bệ sen trước cửa chùa. Ở Thượng điện của chùa có pho tượng đức Phật A Di Đà ngồi thiền trên tòa sen cao 1,85m (kể cả bệ là 2,8m) – một kiệt tác điêu khắc bằng đá thời Lý. Phía sau Chính điện của chùa còn lưu giữ một số đấu kê chân tảng, trong đó đặc sắc nhất là một chân tảng chạm khắc hình các nghệ sĩ đang biểu diễn dàn nhạc bát âm gồm sáo dọc, sáo ngang, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, trống phách. Ngoài ra, tại vườn sau chùa có 32  bảo tháp của chư Tổ, chư Tăng đã viên tịch từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.

 

Hát quan họ 

 

Nếu đến huyện Tiên Du vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, du khách sẽ có dịp tham gia hội Lim được tổ chức trên đồi Lim (thị trấn Lim). Đây là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, được coi là nét kết tinh độc đáo của văn hóa vùng Kinh Bắc. Ngày hội thu hút nhiều người dân từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó phần đông là nam thanh nữ tú. Họ đến để hát quan họ, kết bạn, tìm duyên. Đặc biệt, từ khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009, ngày hội càng trở nên rộn ràng và thu hút hơn. Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát quan họ trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ) với những câu ca mượt mà, tha thiết:

Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.

 

Du khách trẩy hội Lim còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương hay các trò chơi dân gian như đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm…

 

Thủy đình tại đền Đô

 

Từ huyện Tiên Du ngược về thị xã Từ Sơn, du khách sẽ đến với một di tích gắn liền với vương triều nhà Lý đó là đền Đô (xóm Thượng, phường Đình Bảng). Đền được xây dựng vào thế kỷ 11, trên khu đất phía đông nam làng Đình Bảng xưa mà theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý là: Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175), Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224). Trung tâm của đền là Chính điện, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, phía bên trái điện treo tấm bảng ghi lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với 214 chữ ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, phía bên phải treo tấm bảng ghi bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Đền Đô còn có nhiều hạng mục công trình lớn nhỏ khác như: nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ, nhà bia, thủy đình, nhà chủ tế, nhà văn chỉ (thờ các quan văn), nhà võ chỉ (thờ quan võ)… Lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày Vua Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1009). Đây là ngày hội lớn thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vị vua nhà Lý.

 

Chỉ một lần đến Bắc Ninh, chắc hẳn trong tâm trí mỗi du khách sẽ còn đọng lại mãi hình ảnh của những tháp chùa cổ kính, những làng nghề truyền thống và lễ hội dân gian độc đáo, đặc biệt là những “liền anh, liền chị” với những câu hát quan họ như một lời mời gọi tha thiết và đầy níu kéo: “Người ơi, người ở đừng về…”

 

Bài: Phạm Phương; ảnh: TITC

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thưởng ngoạn thắng cảnh Chà Bang – Ninh Thuận

Ngọn núi Chà Bang có chiều cao hơn 430m thuộc địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Ít ai ngờ ngọn núi đá tưởng chừng khô khốc ấy lưu giữ trong lòng nhiều huyền thoại gắn liền với đời sống tâm linh đồng bào dân tộc Chăm.

Và ngôi chùa cổ Trà Cang với lịch sử hình thành gần 200 năm tuổi trở thành điểm đến của du khách gần xa thưởng ngoạn vẻ đẹp riêng của một vùng non xanh cỏ biếc.

 

 

Trên đường thiên lý Bắc Nam, đến km 1.572 du khách rẽ về hướng Đông khoảng ba cây số là đến chân núi Chà Bang. Ấn tượng đầu tiên khi dừng chân dưới chân núi là cổng tam quan của ngôi chùa cổ Trà Cang có cấu trúc uy nghi tựa lưng vào núi đá. Trước mặt cổng tam quan là rừng neem tỏa bóng xanh mát rộng trên một mẫu tây tạo cảnh quan thêm tươi đẹp cho ngôi chùa. Theo những bậc tam cấp đá được xây lắp công phu, du khách đi dưới bóng cây rừng nguyên sinh đặc trưng sinh thái vùng khô hạn. Đại đức Thích Tánh Hạnh, Trưởng Ban đại diện Phật giáo huyện Thuận Nam, trụ trì chùa Trà Cang cho biết đây là một trong những cơ sở thờ tự lâu đời nhất tỉnh Ninh Thuận. Năm 1835, tổ Bảo Tạng từ đàng ngoài vân du vào Ninh Thuận chọn núi Chà Bang làm nơi tu hành. Buổi đầu, ngài dựa vào các hang đá xây dựng thành chánh điện và bái đường. Đến các vị trụ trì kế thừa tiếp tục đầu tư phát triển tạo nên cơ sở Phật tự khang trang như ngày nay.

 

Đứng lưng chừng núi Chà Bang, du khách nghe tiếng chim rừng vui hót giữa không gian cây rừng xanh biếc với nhiều loài kỳ hương dị thảo. Nhìn về hướng Bắc, du khách thu toàn cảnh thành phố Phan Rang – tháp Chàm trong tầm mắt. Vào dịp tế lễ hoặc dịp tết nguyên đán, khách thập phương trong và ngoài tỉnh tìm về chùa Trà Cang cúng Phật và tận hưởng không gian xanh mát, trong lành của ngôi cổ tự gần 200 năm tuổi.

 

Trên đỉnh núi Chà Bang (tiếng Chăm gọi là Chơk Chabbang – núi hai nhánh), đồng bào Chăm thờ nữ thần Pô Nai. Vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch hàng năm, dân chúng từ các làng Chăm thuộc huyện Ninh Phước và Thuận Nam lên đỉnh núi cúng Pô Nai cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Các vị chức sắc Bà ni và Bà la môn làm lễ cầu mong quốc thái dân an. Các nghệ nhân dân gian hát múa tỏ lòng biết ơn nữ thần Pô Nai làm cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, cuộc sống ấm no.

 

Thắng cảnh núi Chà Bang mời gọi du khách gần xa về thưởng ngoạn nét đẹp thiên nhiên thơ mộng riêng có của vùng đất huyện Thuận Nam sơn thủy hữu tình.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ – điểm đến mới ở Kon Tum

(TITC) – Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ nằm trên địa phận làng Kon Tu Rằng của người Rơ Mâm, xã Măng Cành, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm huyện Kon Plong 6km về phía tây bắc. Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ mang một vẻ đẹp hoang sơ với những cánh rừng thông nguyên sinh và hệ thống thác, hồ. Khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ quanh năm. 

Nằm ở trung tâm khu du lịch là thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.

Khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ có tổng diện tích 25ha và đã được đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: hệ thống đường đi, nhà rông văn hóa, xưởng sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhà trưng bày văn hóa của người dân tộc Rơ Mâm, trang trại trồng rau và hoa…

Đến với khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, du khách còn được thưởng lãm hàng nghìn tượng gỗ do các nghệ nhân thuộc nhiều tộc người trên địa bàn tỉnh Kon Tum chế tác, hay tham gia những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Rơ Mâm như: Tết gieo mạ và mừng lúa mới, cúng chuồng trâu, tục táng….

Bắt đầu đi vào hoạt động từ Tết nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan. Hy vọng trong tương lai không xa, khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ sẽ trở thành điểm đến yêu thích, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi đến với Kon Tum. 

Khánh Hòa

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT