Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Thú vị du lịch tâm linh ở Bến Tre

Cụm từ “du lịch tâm linh” chỉ mới xuất hiện rải rác trong thời gian gần đây trên mặt báo của giới nghiên cứu văn hóa, của những người làm công tác quản lý du lịch.

 

Tuy nhiên, nó đã “có mặt” từ lâu, khi con người có nhu cầu nội tại nhằm thỏa mãn thế giới nội tâm, bởi đời sống văn hóa tâm linh thúc giục họ.

 

Ở Bến Tre, suốt chiều dài lịch sử cho thấy người dân ở đây có một đời sống tinh thần, đời sống tâm linh rất phong phú. Nên có rất nhiều đình, chùa, nhà thờ… tạo điểm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh cho những ai đến đó để thực hành các lễ nghi, tu tập, không thiếu không gian thoáng đãng, yên tĩnh cho con người giao hòa với thiên nhiên.

 

Khách du lịch khi qua cầu Rạch Miễu tới địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre) muốn đi thăm đình làng sẽ có đến hai ngôi đình cổ được công nhận Di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia. Đó là đình Tân Thạch và đình Tiên Thủy có lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng của đình làng Nam Bộ nhất ở Bến Tre. Ta đi đường bộ đến đó rất thuận tiện. Ngay ở trung tâm TP. Bến Tre cũng có nhiều điểm cho khách dừng lại thăm thú, hay thắp nén hương vọng tưởng thần linh, như Tòa thánh Cao đài Bến Tre, chùa Bạch Vân, chùa Giác Viên hay đình An Hội…

 

Nếu khách từ TP. Bến Tre xuôi theo đường tỉnh 885 về huyện biển Ba Tri điểm trước tiên là ghé qua đình Phú Tự. Ngoài vãng cảnh đình, khách sẽ thưởng ngoạn cây bạch mai hơn 300 năm tuổi, vừa mới được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Và đi thêm chừng vài km nữa sẽ tới đình làng thờ Lãng binh Nguyễn Ngọc Thăng ở xã Mỹ Thạnh, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, cách đó cũng không xa. Nơi đây rộng chừng 10.000m2, trưng bày rất nhiều hiện vật của vị Nữ tướng lừng danh này.

 

Đến trung tâm huyện Giồng Trôm có ngôi đình Bình Hòa. Ngôi đình cổ này được phong sắc thần năm Tự Đức ngũ niên (1852). Đình đã được khởi công xây dựng từ năm 1812 đến năm 1825 mới hoàn thành. Đình cũng được cấp bằng chứng nhận Di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Gần đây Giồng Trôm có thêm Khu nhà thờ Trung tướng Đồng Văn Cống ở xã Tân Hào. Mỗi ngày càng đông thêm những người ngưỡng mộ đến thắp hương, viếng ngôi đền vị tướng tài ba này. Giồng Trôm còn có nhà thờ họ Trương. Ngôi từ đường này ban đầu do vua Minh Mạng cho người xây cất để thờ phụng Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu. Vị tướng lừng danh này từng dẹp giặc Tàu ô ở biển Quảng Yên (Quảng Ninh) đến những ba mươi sáu lần. Và ông cũng từng được giao nhiệm vụ cùng với Chánh tướng Lê Văn Duyệt cai quản cả miền Nam (từ Bình Thuận xuống tới Hà Tiên).

 

Nếu du khách đến Ba Tri thì càng thỏa mãn hơn với gần mười điểm du lịch tâm linh. Từ viếng lăng mộ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, rồi đến viếng ngôi từ đường của dòng họ Thái Hữu. Nơi đây thờ cụ Thái Hữu Kiểm, tức “ông già Ba Tri”, với huyền tích đi bộ ra tận triều đình Huế để kiện tụng. Ngôi từ đường nằm bên đường mang tên Thái Hữu Kiểm. Ở thị trấn Ba Tri có ngôi chùa Ông đường bệ, trầm mặc bên đường lớn, luôn luôn như thể muốn mời khách ghé qua. Nếu khách xuôi ra hướng biển đến xã Bảo Thạnh viếng mộ đại học sĩ Phan Thanh Giản cũng không xa lắm. Gần phần mộ cụ Phan có phần mộ của Nhà giáo lớn của đất Nam bộ Võ Trường Toản. Nơi đây có một không gian rất yên bình, rất đặc trưng của làng quê Việt Nam, từ con đường làng đến bờ tre, giồng cát. Và Ba Tri cũng là nơi sản xuất ra loại rượu đế Phú Lễ nổi tiếng. Ở xã Phú Lễ có ngôi đình cổ nổi tiếng với nhiều giai thoại về lịch sử đấu tranh giữ nước. Xứ Ba Tri còn có ngôi chùa Kim Cang Cổ Tự ở xã Tân Thủy, cách trung tâm huyện chừng non 10km, dân gian gọi nôm na là chùa Đất Sét hay chùa Mục Đồng, rất đặc biệt, độc đáo, vì ngôi chùa này có hơn 20 tượng Phật đều được các nghệ nhân dân gian sáng tác từ đất sét và các loại gỗ quý, có tuổi đời gần 300 năm.

 

Dải cù lao Minh của Bến Tre có ba huyện giáp với Vĩnh Long, Trà Vinh bởi con sông Cổ Chiên, cũng là nơi để du khách tìm đến. Phía Bắc dải cù lao này có Khu nhà bia lưu niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Nơi con người thiên tài này được sinh ra đời nằm bên rạch Cái Tắc thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Và cũng ở nơi này có ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng từ năm 1730. Qua nhiều lần xây dựng lại rồi trùng tu đến nay nhà thờ thuộc loại lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hay về Mỏ Cày Nam thăm ngôi chùa Tuyên Linh, xưa kia là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm 1927 – 1929 trên bước đường bôn ba vì vận nước đã từng ở ngôi chùa này. Bên cạnh đó, Mỏ Cày Nam còn có ngôi chùa cổ Trà Nồng, sách địa chí Bến Tre từng có hình ảnh và ghi chép, giới thiệu. Gần chùa Trà Nồng có ngôi chùa Soi Ếch (Sãi Ếch). Hai ngôi chùa này có nhiều huyền thoại, du khách đến đây sẽ tìm hiểu thêm.

Cũng tuyến đường này, khách đến huyện biển Thạnh Phong trù phú. Nơi đón con tàu không số đầu tiên chở vũ khí từ Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường thời chống Mỹ. Và nơi này đang tồn tại tượng đài lưu niệm sừng sững ở Cồn Tra, minh chứng cho tinh thần bất khuất của người dân Bến Tre nói riêng của nhân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại. Và còn, còn rất nhiều di tích cho du khách khi cần tìm đến để chiêm bái, tịnh tâm, thư giãn trong chuyến về xứ dừa với những con người giàu lòng hiếu khách và chân thành luôn mở rộng vòng tay thân ái.

 

Quyển sách nổi tiếng “Tay buông ráng hồng” của Thượng tọa Thích Thái Hòa, viết rằng: “Du lịch tâm linh cho ta cả hai, du lịch và tâm linh”. Không những ông khuyên mỗi người nên đầu tư thời gian vào loại hình du lịch này mà thiết nghĩ ngành chức năng và các cơ quan liên đới trách nhiệm ở Bến Tre cũng nên sớm định hướng và tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển. Suy cho cùng, du lịch tâm linh là con người có lòng hướng thiện, tìm đến đình làng, chùa chiềng sau những ngày bề bộn với cuộc mưu sinh để cầu nguyện, nương tựa, trú ngụ cho đời sống tinh thần. Ấy là xuất phát từ mạch nguồn của nhân văn rất đáng được cộng đồng ủng hộ, khuyến khích./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Độc đáo yếm trắng của người Dao Họ

Nét nổi bật và độc đáo nhất trên trang phục nữ cổ truyền của người Dao Họ chính là chiếc yếm ngực. Đó cũng là điểm khác biệt trong trang phục của phụ nữ Dao Họ với phụ nữ các ngành Dao khác.

Yếm được thiết kế trang trí và làm đẹp bảo vệ phần trước ngực, thêu các hình hoa văn bằng chỉ màu trên nền vải trắng. Các họa tiết cầu kỳ, với hàng chục mẫu hoa văn như: Hoa văn hình học, hình vuông, hình chữ nhật, hình quả núi, hình cây, hình hoa…

 

 

Yếm được cắt may từ hai miếng vải riêng biệt, miếng vải hình vuông với kích thước 20 x 20cm dùng để làm thân yếm, một miếng vải khác nhỏ hơn cắt giống hình tam giác có cạnh dài 20cm, góc nhọn của miếng vải đem gập lại và khâu mép. Sau khi thêu xong các họa tiết hoa văn trên vải mới đem khâu ghép hai miếng vải này lại thành cái yếm hoàn chỉnh.

 

Người Dao Họ thường thêu hoa văn phần trên của yếm trước sau đó mới tiến hành thêu đến thân yếm. Hàng trên cùng có đính 3 hạt bạc giống hình đầu mũi tên, bên trong chạm nhiều hình tròn nhỏ. Dưới hàng bạc đính thêm 3 bông hoa tám cánh bằng bạc, giữa bông hoa chạm nổi một hình tròn tượng trưng là nhụy hoa. Tiếp theo bên dưới thêu một hình ngôi sao 8 cánh là điểm nhấn và là họa tiết chủ đạo trên miếng vải. Bên trong các cánh ngôi sao thêu hình bông hoa bốn cánh cách đều nhau.

 

Chỉ dùng để thêu là loại chỉ sợi nhỏ màu xanh và màu tím. Phía bên trái và bên phải của hình ngôi sao là những đường thêu hình dích dắc lồng ghép vào nhau. Khi thực hiện người ta sẽ thêu những đường dích dắc màu đen trước sau đó mới dùng chỉ màu tím thêu xen kẽ vào các đường thêu màu đen tạo thành những đường thêu trông rất đẹp mắt.

 

Miếng vải thứ hai để thêu yếm hình chữ nhật có kích thước 30 x 40cm. Ở chính giữa miếng vải thêu trang trí một hình nhỏ hơn (10 x 25cm) dọc theo chiều vải. Bên trong hình chữ nhật ở hai cạnh dài thêu đường sóng với hai đường chỉ nhỏ thêu màu khác nhau thường là màu đen và màu xanh. Bên trong đường sóng lại thêu 26 hoa văn hình răng cưa sắp xếp đối xứng nhau. Trên nền vải trắng thường sử dụng chỉ len to màu đen để làm nổi bật các đường hoa văn và khi thêu hoàn tất sẽ thấy một mảng màu đen và những chỗ trống có màu trắng là nền màu của vải sẽ thành hình hoa văn mà người thêu muốn thể hiện ra.

 

Trên nền vải trắng, bên cạnh mẫu hoa văn hình chữ nhật, người Dao Họ còn thêu ở mỗi bên hình chữ nhật một ngôi sao 8 cánh, các cánh ngôi sao thêu màu chỉ là màu xanh dương và màu tím. Tiếp theo bên dưới cạnh đường mép của yếm cũng được trang trí thêm một số hoa 8 cánh. Thêu xong mảnh thứ hai, người ta dùng chỉ trắng cùng màu với màu vải để khâu ghép nối hai mảnh của yếm lại với nhau.

 

Người Dao Họ thường mặc yếm thay áo lót và khoác áo vải đen chàm ở bên ngoài nhưng không cài cúc nhằm để lộ những hoa văn trên yếm ra ngoài. Nếu như trang phục phụ nữ Dao Đỏ thu hút ánh nhìn bằng màu đỏ rực rỡ thì trang phục phụ nữ Dao Họ lại riêng biệt và đặc sắc ở chiếc yếm trắng, nổi bật trên nền trang phục chàm. Chỉ duy nhất chiếc yếm của họ là bộ phận được thêu, kết hợp hoa văn, đường chỉ màu cầu kỳ tạo điểm nhấn khác biệt đồng thời là nơi hội tụ sự sáng tạo về nghệ thuật trang trí trang phục của người phụ nữ Dao Họ ở Lào Cai./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Vịnh Vĩnh Hy – điểm du lịch hấp dẫn

Vịnh Vĩnh Hy thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Nằm cách Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 42km theo hướng Đông Bắc.

Vịnh Vĩnh Hy được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam cùng với vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh ở Khánh Hòa.

Vịnh Vĩnh Hy là trung tâm kết nối hệ sinh thái cảnh vườn quốc gia Núi Chúa, bao gồm nhiều nhánh sông, suối đổ ra biển, những bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, cùng với các điểm tham quan như suối Lồ Ồ, bãi Bà Điên, Cà Tiên, bãi Cốc, bãi Hời, bãi Thùng, bãi Lớn, mũi Đá Vách… rất thích hợp cho du khách nghĩ dưỡng biển.

Ven biển Thái An và vịnh Vĩnh Hy có nhiều loài san hô quý hiếm và rùa biển đang được bảo tồn. Bao bọc quanh vịnh là quần thể Núi Chúa có cao độ 1.040 m so mực nước biển, là rừng độc đáo duy nhất và đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á.

Với những giá trị nổi bật về địa hình, địa thế, khí hậu và tính đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái động thực vật hết sức phong phú…vịnh Vĩnh Hy là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thích khám phá dưới lòng đại dương và thiên nhiên mênh mông.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Tây Thiên – một quần thể du lịch tâm linh

Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, xã Đại Đình (Vĩnh Phúc). Theo các tư liệu lịch sử và huyền sử dân gian, đây là một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo tại Việt Nam từ xa xưa.
 

Nhiều nhà nghiên cứu và các vị sư tu hành tại Tây Thiên cho rằng, tên gọi vùng đất này ghi dấu sự kiện những nhà sư đến từ phía tây (Ấn Độ) đã dừng chân nơi đây để tu hành và truyền bá đạo Phật vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Cũng còn có một cách giải thích khác khi cho rằng, Tây Thiên là vùng đất phía chính tây của kinh đô Thăng Long thuở trước.

 

 

Trong khoảng chiều dài 11 km, chiều ngang 1 km, quần thể di tích Tây Thiên tập trung mật độ lớn các di tích, đền, chùa, thảo am thờ Mẫu và thờ Phật cùng phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp, hệ sinh thái phong phú, phân bố trên ngọn Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo. Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Phạm Quang Nguyên cho biết: Tây Thiên không những hấp dẫn du khách mà còn là một điểm đến hành hương trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong quần thể di tích khu danh thắng có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, tương truyền đã có công giúp Vua Hùng thứ bảy mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, dệt vải, giữ lửa. Sau khi mất, bà tiếp tục hiển linh giúp các triều đại đánh giặc, giữ nước nên được suy tôn Quốc Mẫu. Bên cạnh những chùa cổ, du khách lên Tây Thiên còn có thể dừng chân thăm viếng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trên một ngọn đồi cao 300m so với mực nước biển và rộng 4,5 ha, được khánh thành năm 2005. Cùng với kiến trúc mang đậm phong cách Phật giáo, Thiền viện còn có một pho tượng Phật nổi tiếng bằng đá hoa cương cao 49m.

 

Theo giám đốc công ty CP Lạc Hồng Tây Thiên Vũ Đức Bình, đơn vị quản lý hệ thống cáp treo khu danh thắng, lễ hội Tây Thiên hàng năm được tổ chức vào trung tuần tháng hai âm lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách, người hành hương. Lễ hội có nhiều nghi thức tâm linh mang đậm bản sắc truyền thống của cư dân Bắc Bộ cùng các hoạt động thể thao, trò vui dân gian và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc dưới chân dãy Tam Đảo.

 

Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, giữ gìn môi trường, tu bổ, tôn tạo di tích, quy hoạch khu dịch vụ khang trang, sạch đẹp, trong đó phải kể đến việc đưa vào hoạt động hệ thống cáp treo Tây Thiên và xe điện hiện đại vừa qua, khiến số lượng khách đến Tây Thiên ngày càng tăng. Dự kiến năm nay, khu danh thắng Tây Thiên sẽ đón khoảng hai triệu lượt khách.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Vịnh Lăng Cô_ Viên ngọc miền Trung

Vịnh Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế là 1 trong 10 vịnh đẹp của Việt Nam, thu hút rất nhiều du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng nhiệt đới rộng lớn và biển cả trong xanh bao la.

Làng chài An Cư nằm ở phía Nam đầm Lập An, khi người Pháp đến chọn làm chỗ nghỉ dưỡng đọc “L’Anco”  thành “Lăng Cô”. Cũng có người cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên được gọi là Làng Cò, sau đó được dân địa phương đọc lại là Lăng Cô. Tương truyền vua Khải Định trong chuyến du ngoạn đến Lăng Cô đã phải thốt lên rằng: “Quả là chốn bồng lai tiên cảnh!”. Tại thôn An Cư Đông hiện nay vẫn còn một bia đá khắc bài văn ca tụng cảnh sắc Lăng Cô của vua Khải Định. Năm 2009, Lăng Cô được vinh dự nhận danh hiệu “Lăng Cô – vịnh đẹp thế giới” do Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn.

 

 

Nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn đâm ra biển, một đầu là đèo Hải Vân, đầu kia là đèo Phú Gia, Lăng Cô được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho bãi cát dài trắng thoai thoải tuyệt đẹp chìm dần vào làn nước biếc màu ngọc lam khiến cho du khách có cảm giác chìm sâu vào vẻ đẹp huyền bí của biển xanh. Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, khi những vùng xung quanh đang chịu ảnh hưởng của cái nắng nóng rát của gió phơn Tây Nam, thì nơi này ngập tràn bầu không khí dịu mát trong lành với nhiệt độ trung bình 25ºC, 158 giờ có nắng mỗi tháng. Vào những ngày cuối thu, Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo, chiều chiều, từng đàn cò trắng phau bay rợp trời về vùng đầm Lập An tìm chỗ ngủ tạo nên một khung cảnh làng quê vùng đầm phá – ven biển đặc trưng của miền Trung Việt Nam.

 

Vịnh Lăng Cô hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng biển, lặn biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao, leo núi, sân golf, thám hiểm rừng nhiệt đới… Nằm gần khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi kết hợp được khung cảnh hoang sơ bí ẩn, yên tĩnh của rừng núi và sự đặc trưng, phóng khoáng của vùng biển. Khách du lịch đến với Lăng Cô vừa sảng khoái với các thú vui như câu cá, lặn biển và leo núi, xuyên rừng, vừa thưởng thức món ăn đặc biệt do người dân bản địa chế biến như: ghẹ luộc, tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, hàu… Mặt khác, Lăng Cô nằm giữa 3 trung tâm di sản văn hóa thế giới là: quần thể di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn với bán kính 70km, nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú sẽ tạo ra một thương hiệu du lịch biển đầy triển vọng cùng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn làm hài lòng nhu cầu du ngoạn của khách thập phương. Nằm trên con đường di sản miền Trung, Lăng Cô là một trong những trọng điểm đã được xác định trong kế hoạch tổng thể của du lịch Việt Nam, đạt được những tiêu chuẩn phát triển du lịch hiện đại, có quy mô và tầm vóc quốc tế.

 

Hiện nay, hoạt động du lịch, dịch vụ ở Lăng Cô khá nhộn nhịp, một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động có hiệu quả như khu nghỉ mát Lăng Cô Hương Giang, khu du lịch Lăng Cô – Cố Đô, Thanh Tâm, Nirvana Spa & Resort… với 6 khu du lịch tổng hợp, 40 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 850 phòng cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Từ khi Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới, lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 25%, doanh thu tăng bình quân 12%/năm. Nhiều dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư tại đây, trong đó khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư hơn 875 triệu USD đã mang lại diện mạo của một trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, ngoài ra còn có 20 dự án du lịch được cấp phép với vốn đăng ký hơn 10 ngàn tỷ đồng.

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá cảnh sắc tuyệt đẹp vụng Vòi Voi

Mất khoảng hơn 1h đồng hồ đi xuồng từ bến cột 5 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) là đến địa phận vịnh Bái Tử Long, bắt đầu hành trình khám phá vẻ đẹp của vụng Vòi Voi.

Nằm sâu trong vịnh Bái Tử Long, vụng Vòi Vòi là một vụng kín, với từng ngọn núi có nhiều dáng vẻ độc đáo, in hình lên mặt nước biển trong xanh.

Chắc hẳn rằng du khách nào lần đầu tới vụng này sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên độc đáo “sơn thủy hữu tình”, cây cỏ, dáng núi của vụng.

Cảnh quan phía ngoài vụng Vòi Voi trong một ngày nắng đẹp

Trong sắc xanh của nước biển in dáng núi, mây trời

Những ngọn núi tạc dáng với thời gian in bóng trong màu xanh của nước, của trời

Tạo nên cảnh quan “non xanh, nước biếc” vụng Vòi Voi

Và các loại hoa lan, thực vật đặc hữu trên các sườn núi

Những cánh Khổ cử đại tím đua nở trên các vách núi đã tô điểm thêm cho sự lung linh của vụng

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), chốn non nước hữu tình

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được bao bọc bởi hồ Truồi, ngự trên ngọn núi Linh Sơn, thuộc địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 10km, cách thành phố Huế khoảng 35km và TP Đà Nẵng 65Km nên rất thuận tiện. Nơi đây được biết đến là một điểm du lịch non nước hữu tình thu hút đông đảo du khách tham quan thưởng ngoạn.

Tại đập hồ Truồi, để đến được Thiền viện, du khách mất khoảng 15 phút đi đò qua hồ Truồi. Phóng tầm mắt nhìn xung quanh sẽ thấy những áng mây trắng bồng bềnh trôi dưới đáy hồ nước trong xanh; chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên ngọn đồi ở trước chùa giữa hồ cao 24 mét, nặng 1.500 tấn bằng đá. Bên kia hồ là các công trình xây dựng của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói của ngọn Linh Sơn nằm trong dãy Bạch Mã quanh năm mây mù lãng đãng.

Du khách thích thú khi được trụ trì Thiền viện-Đại đức Thích Tâm Hạnh hướng dẫn thăm cảnh chùa

Vừa bước lên khỏi 172 bậc tam cấp, cổng tam quan của Thiền viện hiện ra cao vút, uy nghi trong nền trời xanh, mây trắng. Lúc này, du khách chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc của Thiền viện được xây dựng hài hoà trong một quần thể với tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi… quần tụ trên khu rừng nguyên sinh tươi tốt. Xen kẻ trong những khu vườn, khu rừng là những loài cây quý, hoa lạ đẹp đến mê hồn do chính bàn tay của những tăng, ni, phật tử ở đây sưu tầm và chăm sóc.

Sau khi tham quan cảnh chùa, thắp một nén nhang cầu nguyện, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan sơn thủy hữu tình, mái chùa cổ kính; những hoa văn họa tiết tôn lên vẻ cổ kính, thanh tịnh, trang nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát. Du khách còn được Đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì Thiền viện mời thưởng trà và đàm đạo. Đến với Thiền viện, du khách được hiểu thêm về dòng thiền Trúc lâm và nếu có duyên căn, du khách sẽ được hưỡng dẫn thực tập cách thiền và chánh tâm cầu nguyện, chúc phúc an lành. Theo Đại đức Thích Tâm Hạnh, Thiền viện được khởi công từ tháng 3/2006 và hoàn thành sau hai năm thi công trong điều kiện khá khó khăn vì cách trở đường vận chuyển với kinh phí từ nguồn đóng góp của Giáo hội và Phật tử.

Dưới đây là một số hình ảnh về phong cảnh hữu tình của Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã:

Quần thể kiến trúc của Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã được xây dựng dưới tán rừng nguyên sinh rất thơ mộng

Để đến được Thiền viện, phương tiện chính là đò

Ngồi trên đò, du khách chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình và cả tượng phật áng trước chùa cao 24m

Du khách phải qua 172 bậc thang để đến với Thiền Viện

Bỏ lại sau lưng 172 bậc cấp, cổng Thiền viện sừng sững, uy nghi giữa non nước trời mây

Quần thể kiến thúc của Thiền viện được bao bọc xung quanh bởi cỏ cây hoa lá

Với hoa Lạc tiên đẹp đến ngỡ ngàng 

Ngoài hoa đỗ quyên màu đỏ, màu vàng còn có sự hiện diện của Đỗ quyên trắng

Và hoa mua tím Malaysia

Phía trọng chính điện của Đại Hùng Bảo Điện

Phóng tầm mắt xung quanh sẽ cảm nhận được những kiến trúc được xây dựng chen lẫn giữa cánh rừng nguyên sinh

Lối vào nội viện tăng

Được đàm đạo cùng trụ trì Thiền viện-Đại đức Thích Tâm Hạnh

Cảnh vật ở đây níu chân người khi chia tay

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Sủng Là (Hà Giang) – mùa hoa nở

Sau tết, những cơn mưa phùn rả rích, mang hơi ẩm cho vùng cao nguyên đá, đây cũng là thời điểm Cao nguyên đá Đồng Văn được khoác lên mình một chiếc áo mới từ những loại hoa.

Đến với xã Sủng Là, huyện Đồng Văn thời điểm này, du khách không chỉ ngỡ ngàng với vẻ đẹp nên thơ của thung lũng Sủng Là B, mà còn những loại hoa đua nhau khoe sắc, đó là những cây đào phai nở muộn; màu trắng tinh khôi của hoa Lê bên các ngôi nhà trình tường, bờ rào đá của người Mông … Tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Thung lũng Sủng Là – Đồng Văn

Hoa Lê nở trắng hai bên đường vào bản.

Là thời điểm dừng chân lý thú của du khách để chụp ảnh

 

 

 

Những cây đào nở muộn

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Vịnh Lan Hạ – vẻ đẹp tinh khôi trong sương sớm

(TITC) – Vịnh Lan Hạ nằm ở phía nam của Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và phía đông của đảo Cát Bà (Hải Phòng), có diện tích rộng hơn 7,000ha, trong đó 5,400ha thuộc sự quản lí của Vườn Quốc gia Cát Bà.

Vịnh Lan Hạ thu hút du khách ngay cả khi họ chưa một lần đặt chân đến nơi đây bởi cái tên nhẹ nhàng đến tinh tế “Lan Hạ”, tên gọi đó gợi liên tưởng tới hình ảnh của một đóa hoa lan hạ xuống trần thế. Vẻ đẹp mong manh, quyến rũ từ tên gọi đã khơi dậy sự tò mò đối với du khách.

Và khi đến nơi đây, ngoài những bãi tắm đẹp và khá nguyên sơ, Vịnh Lan Hạ còn thu hút du khách bởi những dãy núi đá vôi kì vĩ trên mặt biển. Những chiếc thuyền du lịch sẽ đưa du khách cảm nhận vẻ đẹp của vịnh khi đi qua những dãy núi đá vôi nhiều hình thù khác nhau nhưng hoàn toàn tự nhiên. Nếu không muốn đi tham quan vịnh bằng thuyền du lịch, du khách ưa mạo hiểm có thể đi trên những con thuyền kayak đầy màu sắc để khám phá vịnh. Vẻ đẹp Lan Hạ lúc này sẽ hiện ra thật gần và sống động.

Nếu đến Vịnh Lan Hạ trong những tháng hè, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp rực rỡ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng thì khi đến với Lan Hạ trong tiết trời tháng 2, tháng 3, nơi đây lại khoác lên mình một vẻ đẹp rất khác. Với tiết trời se se lạnh cùng những cơn mưa xuân dịu nhẹ sẽ tạo cho Lan Hạ một vẻ đẹp bồng bềnh trong sương. Điều này sẽ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng đến thích thú như được lạc vào chốn “bồng lai, tiên cảnh” với những núi đá vôi lúc ẩn, lúc hiện. Quả thật, thiên nhiên đã dành thật nhiều ưu đãi cho nơi đây, để tạo nên một Lan Hạ lúc thật nhẹ nhàng, đằm thắm, lúc lại thật sống động, rực rỡ.

Ngoài ra, Vịnh Lan Hạ còn có làng chài Vạn Giá trên 100 tuổi với hàng trăm hộ gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản phục vụ khách du lịch. Chắc hẳn với không khí biển dịu dàng, thủy hải sản tươi ngon cùng những con người vùng biển mạnh mẽ, phóng khoáng, Lan Hạ sẽ níu chân du khách khi đã đặt chân đến nơi đây.

Thu Thủy

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Độc đáo lễ cưới của người Dao đỏ Văn Bàn (Lào Cai)

Đối với người Dao đỏ ở Nậm Miện, Thẳm Dương (Văn Bàn), lễ cưới là một nghi thức cực kỳ quan trọng, linh thiêng, trong đó chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc rất riêng, nét đẹp tinh tế trong văn hoá ứng xử mang đậm tính nhân văn mà tộc người này gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Theo tục lệ của người Dao đỏ xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, trai gái đến tuổi trưởng thành có quyền tự do tìm hiểu để lấy người mình yêu.

Khi trai gái quen nhau, mến nhau, họ đi đến quyết định xây dựng hạnh phúc lứa đôi thì gia đình nhà trai sang nhà gái tiến hành thủ tục hỏi vợ cho chàng trai và tổ chức lễ cưới.

Lễ cưới của người Dao đỏ ở Nậm Miện diễn ra chủ yếu ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức 1 bữa cỗ vui vẻ để đưa cô dâu về nhà chồng.

Người Dao đỏ quan niệm, khi người đi lấy chồng không để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này.

Khi đoàn đưa dâu đến nhà trai sẽ phải nghỉ chân ở đầu ngõ, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra đón.Sau đó, đội kèn sẽ đón cô dâu vào nhà để thầy mo cúng trình báo tổ tiên nhà trai. Khi vào nhà chú rể, cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau bái lạy tổ tiên và thần bếp, sau đó cô dâu được đưa vào buồng cưới.Ngay sau khi nghi lễ cúng kết thức, nhà trai dọn cỗ mời nhà gái và họ hàng cùng uống rượu./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT