Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Sủng Là, thung lũng mùa xuân

Nằm cách thị trấn Yên Minh khoảng 25km, thung lũng Sủng Là nép mình bên những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ. Vào mùa xuân nơi đây như một vườn hoa đa sắc màu.

Sủng Là với địa thế tuyệt đẹp cùng khung cảnh như trong cổ tích đã làm say lòng biết bao lữ khách. Thật ít ai có thể ngờ ở vùng đất địa đầu chỉ toàn là núi đá sắc lạnh lại có một thung lũng đầy hoa rực rỡ đến như vậy. Chính vì thế nơi đây được ví là thung lũng mùa xuân của Hà Giang.

 

 

Ngay từ đầu con đèo vào Sủng Là, bạn đã có thể dừng chân để ngắm toàn cảnh thung lũng với những mái nhà nằm giữa những ruộng hoa cải, xen lẫn những cây lê, cây đào đang bung nở đón xuân. Con đường đi qua thung lũng như một dải lụa mềm vắt vẻo bên sườn núi.

 

 

Nơi đây cũng nổi tiếng với “ngôi nhà của Pao” với những mái ngói cổ kính, những cô gái ngồi dệt vải bên hiên nhà tạo nên một mùa xuân yên bình tuyệt đẹp. Mùa xuân về làm cả thung lũng bừng lên sức sống ấm áp xua đi cái lạnh giá của cao nguyên đá.

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Ngoạn cảnh rừng Phong Nha – Kẻ Bàng

Cảnh sắc vùng này rất đỗi hữu tình: cây xanh, nước mát trong vắt. Phía sau làm phông là những dãy vách vá vôi xám dựng đứng cao vút với những đàn voọc Hà Tĩnh, voọc vá chân nâu đang đu mình trên cây hay men vách đá cất tiếng gọi đàn. Bạn có thể bắt gặp những chú khỉ vàng xuống sát bờ suối để bắt cá ăn.

 

Từ bến phà Xuân Sơn (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chúng ta theo một chiếc du thuyền qua dòng sông Chày để ngược vào rừng sâu. Càng vào sâu dòng chảy càng khúc khuỷu, lắm thác nhiều ghềnh dẫn đến vùng rừng Trộ Mợng.

 

Tại đây có thác Chày cao khoảng vài chục mét, có bãi Ràn Bò. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi Ràn Bò vì trước kia bò tót kéo nhau về đẻ nơi đây. Và có nhiều địa danh được gọi theo đặc điểm của rừng như Nước Ngang: một dòng suối chảy vắt ngang chiều chảy của các dòng sông suối khác trong vùng; Ðá Nằm: một hòn đá lớn nằm ngay giữa dòng thác chảy; Chân Thớt: một hòn đá trông không khác gì một chiếc thớt thái thịt. Ðặc biệt là Nước Trôi: bạn không khỏi thích thú khi thấy một dòng nước cứ chảy trồi lên khỏi mặt nước.

 

Cảnh sắc vùng này rất đỗi hữu tình: cây xanh, nước mát trong vắt. Phía sau làm phông là những dãy vách vá vôi xám dựng đứng cao vút với những đàn voọc Hà Tĩnh, voọc vá chân nâu đang đu mình trên cây hay men vách đá cất tiếng gọi đàn. Bạn có thể bắt gặp những chú khỉ vàng xuống sát bờ suối để bắt cá ăn.

Ði xa hơn nữa theo đường Hồ Chí Minh tới Eo Gió: giữa rừng, núi đá vôi có một chỗ eo nhỏ đủ cho xe qua lại luôn tràn đầy gió. Nhưng trước khi đến với Eo Gió, bạn hãy nán lại Trợ Mơng để thăm hang Vòm nổi tiếng.

 

Qua khỏi Eo Gió bạn sẽ mục kích những vực núi đá vôi sâu đến hút mắt, rồi đến những cánh rừng nguyên sơ. Cuối xuân, sang hè nơi đây tràn ngập thảm hoa bồng bồng, hoa mỏ quạ dọc hai bên thượng nguồn sông Chày hay tím ngát hoa bằng lăng trên cao. Từ đây bạn có thể ngồi ôtô đi suốt rừng. Ði bộ 5-7km, ta đến Cổ Khu, khu rừng nguyên sinh lý tưởng nhất của khu bảo tồn Phong Nha-Kẻ Bàng. Ði dưới tán cây bạn cứ ngỡ như đang đi trong rừng vùng ôn đới. Rừng chỉ có cây cao, hoàn toàn không có cây bụi, dây leo. Nhiều cây to 5-7 người ôm. Chính từ đây là cái nôi của thú rừng sinh sống như hươu, nai, chim, bò tót, hổ… Rừng bằng phẳng và sạch.

 

Nếu trở lại đường Hồ Chí Minh, rẽ sang phía đông bắc, đi bộ chừng 2km ta sẽ qua vùng sinh thái khác là vùng hạng E, Thung Tre. Ðây là vương quốc của các loài chim, một vùng bằng phẳng rộng khoảng 2.000 ha, mọc đầy cỏ tranh và tre nứa, xung quanh được bao bọc bằng các dãy núi đá vôi dựng đứng.

 

Theo tuyến du lịch sinh thái, bạn sẽ ở lại vùng hang E một đêm, sáng sớm lên xe ra đường 20 Quyết Thắng, thăm các di tích lịch sử cách mạng trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từ đây bạn có thể theo đường 20 về lại bến phà Xuân Sơn để đến thăm động Phong Nha, Tiên Sơn hoặc vào Nam, ra Bắc./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch Yên Bái những ngày Xuân

(TITC) – Những ngày đầu Xuân nếu có dịp lên Tây Bắc, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá mảnh đất Yên Bái, nơi có những danh lam thắng cảnh làm say lòng người. Vào thời điểm này, trẩy hội đền chùa hay tham quan những điểm du lịch nổi tiếng ở đây, du khách sẽ đều cảm nhận được sự hấp dẫn mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này.

Vãn cảnh đền Đông Cuông

Dừng chân tại thành phố Yên Bái, du khách có thể ghé thăm chùa Ngọc Am, chùa Vạn Thắng, đền Tuần Quán, nhà tưởng niệm chí sỹ Nguyễn Thái Học… để vãn cảnh và thắp một nén hương thơm nơi cửa Phật, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, bình an hơn. Và sẽ là thiếu sót nếu trong hành trình này, du khách không đến đền Đông Cuông – ngôi đền nổi tiếng linh thiêng thuộc địa phận huyện Văn Yên, cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 50km về phía tây bắc. Được xây dựng ở nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, núi sông hòa hợp, đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì ngoài thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ một số tướng người dân tộc ở địa phương đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông (thế kỷ 13). Hàng  năm, vào ngày Mão đầu tiên sau Rằm tháng Giêng, du khách thập phương lại nô nức đổ về huyện Văn Yên để tham dự lễ hội đền Đông Cuông, để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co… Đây thực sự là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn dành cho du khách trong chuyến hành hương về nguồn.  

Du thuyền tham quan hồ Thác Bà

Nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam (23.400ha), được hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Với 1.300 đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà được ví như một “Hạ Long trên núi”. Du thuyền qua các đảo, du khách có cơ hội tận hưởng không khí mát lành của thiên nhiên, ngắm những vạt rừng xanh thăm thẳm, xen kẽ là những hòn đảo thơ mộng tạo nên bức tranh lung linh huyền ảo của một vùng non nước hữu tình. Cuộc hành trình còn đưa du khách tham quan nhiều hang động đẹp như động Thủy Tiên, động Xuân Long, động thác Bà, thác Ông… hay những di tích lịch sử xung quanh hồ như đền Thác Bà, chùa São, dãy núi Cao Biền Linh Sơn…

Không chỉ có cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, hồ Thác Bà còn là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em với sắc màu văn hoá đa dạng cùng những lễ hội truyền thống độc đáo được tổ chức vào những ngày đầu năm mới như hội Lồng Tồng của người Tày, hội Cúng mùa của người Dao… Đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc với hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà đồi nấu lá chanh, lợn mán quay hay gỏi cá, tôm…

Đắm say cùng điệu xòe Thái

Từ thành phố Yên Bái, theo quốc lộ 32 khoảng 80km về phía tây, du khách sẽ tới thung lũng Mường Lò thuộc thị xã Nghĩa Lộ. Thung lũng được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn này là một trong những cái nôi văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Mường Lò gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Không chỉ có gạo trắng, nước trong, Mường Lò còn níu chân du khách bằng những điệu xòe nồng say, quyến rũ của người Thái đen sinh sống nơi đây. Trong những buổi tiếp khách phương xa, giữa tiếng khèn bay bổng, tiếng trống, tiếng chiêng sâu lắng mà rộn rã, những bước xòe uyển chuyển làm cho con người gần gũi nhau hơn. Người Thái ở Mường Lò còn tạo nên một nền ẩm thực đặc sắc với bánh chưng đen, thịt trâu sấy, thịt hun khói, cơm nhuộm, xôi cá…, đặc biệt nhất là các món ăn chế biến từ côn trùng, rêu đá. Nếu đã một lần đến với Mường Lò để tận hưởng ngọn gió xuân mơn man khắp những nẻo đường xanh ngợp lá hoa, đắm chìm trong vũ khúc xòe Thái và thưởng thức những món ăn độc đáo của bà con dân tộc nơi đây thì chắc hẳn du khách sẽ còn lưu luyến mãi.

Chè Tuyết Shan – đặc sản suối Giàng

Xuôi theo thị xã Nghĩa Lộ khoảng 20km về phía tây là địa bàn huyện Văn Chấn, nơi có dòng suối Giàng nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển. Suối Giàng được biết đến là nơi có nhiều loại đá cảnh vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú, lạ mắt. Ngoài những sản vật của miền sơn cước như: rau cải mèo, su su, các loại củ, quả, ngũ cốc hay những hàng sa mộc, pơ mu thẳng tắp, thì điều hấp dẫn thu hút du khách tìm đến với suối Giàng chính là văn hóa trà của người Mông. Vùng chè cổ thụ suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp…  Đến đây, du khách không chỉ được ngắm những cây chè có tuổi đời hàng trăm tuổi mà còn được thưởng thức hương vị thơm nồng từ chén chè Tuyết Shan ấm nóng do chính bàn tay của những người phụ nữ Mông cần mẫn làm ra và tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.

Ngất ngây với vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Từ huyện Văn Chấn, tiếp tục theo quốc lộ 32 khoảng 80km, du khách sẽ đến với huyện Mù Cang Chải, nơi có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn. Người dân Yên Bái vẫn gọi xứ Mù bằng cái tên thân thương là “biển mây Khau Phạ” bởi muốn lên được đến Mù Cang Chải, du khách phải đi qua đèo Khau Phạ cao 2.100m –  một trong “Tứ đại đèo” của Việt Nam.

Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải thuộc địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Dưới bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của đồng bào Mông nơi đây, những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc khắp các sườn núi. Đến Mù Cang Chải vào mùa Xuân, từ trên cao nhìn xuống, du khách sẽ thấy nơi đây khoác lên mình màu áo xanh của lúa mới, của những chồi non xanh biếc giữa chân mây điểm xuyết những bông hoa đào, hoa mận rực rỡ. Nhưng thời điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng nhất là vào tháng 9, 10 dương lịch – mùa lúa chín. Lúc này, du khách sẽ vô cùng ấn tượng khi trước mắt hiện ra những “mâm xôi vàng” của lúa, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận.

Du  khách hãy một lần đến Yên Bái vào những ngày đầu Xuân để được hòa mình với thiên nhiên trời đất, được đắm mình trong bầu không khí lễ hội hay đơn giản chỉ là để cảm nhận sự nồng ấm, mến khách trong những bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc địa phương. Đây chính là điểm đến ấn tượng đang chờ đón du khách thưởng ngoạn và khám phá.

Phạm Phương

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá du lịch miền quê sông nước

Đã từ lâu, miền Tây Nam bộ được mệnh danh là quê hương sông nước, có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì Bến Tre được hình thành từ ba dải cù lao nên còn giữ được nét hoang sơ, hữu tình, thơ mộng, khí hậu mát mẻ quanh năm, cây trái bốn mùa trĩu quả. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian sông nước, trải nghiệm cuộc sống của người dân sở tại với biết bao điều thú vị, nghiên cứu về văn hóa – lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống, tham quan những công trình kiến trúc cổ có từ 100 năm đến 300 trăm năm tuổi như: nhà cổ, đình, chùa, miếu,… đặc biệt du khách còn được trải nghiệm một loại hình du lịch homestay đầy hấp dẫn.

Bến Tre, một tỉnh nằm cuối nguồn đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, văn hóa Bến Tre độc đáo, lịch sử Bến Tre hào hùng, ẩm thực đa dạng, con người Bến Tre thì hiền hòa, nên vùng đất Bến Tre luôn giàu tài nguyên du lịch, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Ngày nay, Bến Tre đã được nối liền đôi bờ sông Tiền sau khi xây dựng cầu Rạch Miễu, chấm dứt cảnh “đò giang cách trở”, kinh tế – xã hội của Bến Tre đã có bước phát triển đáng kể, tỉnh Bến Tre ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân ngày được nâng cao, lượng khách du lịch về với Bến Tre tăng bình quân mỗi năm 20%.

Bến Tre vùng đất được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam”, diện tích trồng dừa toàn tỉnh chiếm hơn 60.000 ha, sản lượng dừa hàng năm khoảng 500 triệu trái, không những cung ứng cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản,… chủ yếu phục vụ cho các ngành sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa như: kẹo dừa, sữa dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, thạch dừa, than hoạt tính, đất sạch,…; cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, đô thị hóa,… ngày càng được hoàn thiện. Ngành công nghiệp không khói nầy có cơ hội phát triển; và đây cũng là cơ hội để đón nhận các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư du lịch tại Bến tre.

Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 47 điểm du lịch đón khách hàng ngày, tập trung ở các xã thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Ba Tri; các dự án phát triển du lịch biển trong một tương lai gần tại ba huyện vùng biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; ba huyện này được xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, hiện chưa có nhà đầu tư để đầu tư những khu du lịch nơi đây, nhưng với quang cảnh hoang sơ của biển, thủy hải sản tươi sống và giá cả hợp lý,… nên du khách đã về chiêm ngưỡng và thưởng thức khá đông.

Đến huyện cửa ngõ của tỉnh là huyện Châu Thành, du khách sẽ tham quan Cồn Phụng để tìm hiểu về Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, nơi đây còn lưu giữ công trình kiến trúc như: Tòa Bảo tháp, Sân Rồng với chín con rồng tượng trưng cho chín dòng sông Cửu Long, Cửu Trùng đài, tham quan nhà trưng bày lịch sử và hình ảnh của ông Đạo Dừa trong những năm hành đạo; tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa truyền thống trên cồn, với một hương thơm rất đặc trưng, mùi thơm của kẹo dừa thoang thoảng trong làn gió mát; cơ sở làm bánh tráng với những chiếc bánh được nướng ngay tại lò, với hương thơm lừng của gạo nếp và nước cốt dừa; cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa với hơn 500 sản phẩm các loại đẹp, đa dạng về mẫu mã như: vỏ bình, muỗng, hình các con thú, bình trà, ly, túi xách,… thưởng thức các món ăn đặc sản của sông nước miệt vườn. Đến cồn Quy, tham quan những vườn trái cây chủ yếu là những vườn nhãn. Đến mùa nhãn cồn Quy rợp vàng bông nhãn, du khách có thể hóa trang thành những người nông dân “chân lấm tay bùn” để tát mương bắt cá và tự tay mình chế biến thành những món ăn mang nhiều nét dân dã đồng quê.

Tại đây du khách sẽ được thưởng thức trái cây nhà vườn, uống những tách trà mật ong thơm lừng, nghe những bài ca cổ ngọt ngào sâu lắng giữa một không gian thoáng mát, hay đi xe ngựa trên con đường làng nông thôn xứ dừa, chèo xuồng trong những con rạch nhỏ ngoằn ngoèo hai bên là những rặng dừa nước đan xen với những cây bần, mắm, đước nghiêng mình đong đưa trong gió, để thưởng ngoạn cảnh sông nước hít những làn gió biển mát rượi, sẽ làm cho du khách cảm nhận được sự yên bình nơi sông nước xứ dừa.

Ngược trở về xã Phú Túc – huyện Châu Thành, du khách sẽ tham quan khu Forever Green Resort với phong cách sang trọng và hiện đại, vừa mang dáng vóc của lối kiến trúc phương Đông xen lẫn với kiến trúc phương Tây, với nhiều hạng mục chính trong khu resort như: khu khách sạn – nhà hàng đạt chẩn 4 sao, khu nhà truyền thống ba gian, khu biệt thự sinh thái theo phong cách Nhật Bản, khu massage, khu trồng cây nha đam (cây lô hội), khu spa, khu vườn trái cây chuyên canh. Đây sẽ là địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn cho du khách.

Xuôi về vùng đất đầu nguồn nước ngọt huyện Chợ Lách, du khách sẽ tham quan những vườn cây ăn trái chuyên cây bốn mùa sai quả như chôm chôm, bòn bon, măng cụt, sầu riêng,… và thưởng thức những món ăn đặc sản tại đây như bánh xèo hến, ốc gạo Phú Đa, cháo gà ta thả vườn,…

Cuộc sống hàng ngày với biết bao bề bộn và lo toan, du khách hãy dành cho mình một khoảng thời gian để làm một cuộc hành trình về với quê hương xứ dừa, trải nghiệm, khám phá những địa danh nổi tiếng và hấp dẫn mà du khách chưa đặt chân đến, để được thư giãn với một khoảng không gian riêng hoài nhớ cho mình.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch Hạ Long với những cảnh đẹp

Hạ Long với những cảnh đẹp từ trên cao nhìn xuống trông như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động, đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ tài hoa của tạo hóa.

Khi đến du lịch Hạ Long bạn sẽ được tận hưởng những điều đó, thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng trở thành những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khỏe khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động đó là những hòn đảo đá đẹp trên vịnh Hạ Long.

 

Khi đến du lịch Hạ Long bạn sẽ được thưởng thức những bãi tắm đẹp nổi tiếng như bãi tắm Ba Trái Đào. Đây là một bãi tắm tuyệt đẹp, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, sơn thủy hữu tình. Sở dĩ bãi tắm có tên gọi Ba Trái Đào là vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung trắng mịn, ôm trọn lấy những quả núi có hình trái đào…Bãi tắm Ba Trái Đào tuyệt đẹp, cát trắng mịn, nước biển trong xanh vào những ngày nắng đẹp du khách có thể nhìn đến tận đáy nước. So với các bãi tắm khác trên Vịnh Hạ Long, bãi tắm nước nông hơn, có chỗ chỉ lội đến đầu gối. Vì xung quanh là đảo đá, bãi tắm khá kín gió và an toàn, những vách đá phía trên bãi tắm tạo ra những hình thù kỳ lạ khiến cho du khách vô cùng thích thu khi đến đây để một lần được chụp những tấm hình gắn với cảnh đẹp đầy ấn tượng này.

 

Đặc biệt ở phía trên núi đá bạn có thể nhìn thấy các loại thực vật phong phú, trong đó có các loài hoa dại với màu sắc rực rỡ tạo nên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên sống động. Nhưng không phải lúc nào đến đây du khách cũng có thể chiêm ngưỡng và được đắm mình ở bãi tắm tuyệt đẹp này. Vì khi thủy triều lên cao sẽ nhấn chìm toàn bộ khu vực bãi cát, thường một ngày trung bình bãi tắm này chỉ tắm được khoảng 2 – 3 giờ. Chính vì thế muốn tắm biển trước khi đến khu vực này du khách nhớ tìm hiểu kỹ lịch có nước…/.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Vườn quốc gia U Minh Thượng – Vườn di sản ASEAN

Vườn quốc gia U Minh Thượng cách TP. Rạch Giá khoảng 65km về hướng Tây – Nam có diện tích 21.122ha; là một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Thảm thực vật U Minh thể hiện sinh cảnh những nét đặc trưng của rừng đầm lầy ngập nước, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về quá trình hình thành và diễn biến của hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long.

 

Đây cũng là nơi còn duy nhất hệ thực vật rừng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh, đó là các ưu hợp hỗn giao của rừng tràm trên đất than bùn.

 

Vườn quốc gia U Minh Thượng còn là khu căn cứ địa cách mạng vững chắc trải qua hai thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

 

Do đặc điểm riêng về đất, nước, khí hậu ở khu vực U Minh Thượng và vùng ven từ lâu đã hình thành những nét văn hóa trong sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng này với những nét đặt trưng riêng biêt. Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu vực có các hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất than bùn mà còn được xem như khu di tích lịch sử của tỉnh Kiên Giang; đông thơì, ASEAN công nhận là Vườn di sản Đông Nam Á.

 

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị “xanh”, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã đạt 5/9 tiêu chí của Công ước Ramsar; tỉnh Kiên Giang  lập hồ sơ đề cử Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar để đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đồng thời bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thiên Đường – “Hoàng cung trong lòng đất”

Ai đó đã từng nói, động Thiên Đường ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (xã Sơn Dương, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) giống như một “Hoàng cung trong lòng đất”; điều đó quả không sai. Có đến đây ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp lung linh, kỳ vĩ, hoành tráng của hang động, khiến những người khám phá liên tưởng về một thiên đường nơi trần thế…

Được phát hiện năm 2005 và đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan du lịch vào năm 2010, động Thiên Đường nằm ẩn mình trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nếu so với động Phong Nha là động nước, du khách chỉ cần ngồi trên thuyền và người chèo đò sẽ đưa bạn vào đến tận hang tham quan, thì động Thiên Đường là hang động khô trên núi và đường đến với hang cũng vất vả hơn.

 

Thạch nhũ trong động Thiên Đường

 

Từ cổng bãi đỗ xe vào đến chân động khoảng hơn 1km, du khách có thể đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện loại 4 chỗ hoặc 8 chỗ. Sau đó thì leo núi theo con đường được xây dựng rất dễ đi, thuận tiện cho du khách khám phá. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh, không khí trong lành, mát dịu, càng lên cao càng dốc. Khi du khách đã thấm mệt thì cửa hang hiện ra trước mắt. Điều đáng nói, cửa động Thiên Đường rất nhỏ, chỉ đủ cho từng người một lần lượt bước xuống. Càng đi vào trong, vòm hang càng rộng ra, và dần dần hiện lên những tác phẩm vĩ đại của tạo hoá lung linh đầy hình dạng, màu sắc dưới ánh đèn và toả ra hơi nước mát dịu. Nhiệt độ trong động Thiên Đường thường chỉ dao động trên dưới 20 độ C khiến bao mệt mỏi của du khách trước đoạn đường vừa đi dường như tan biến.

 

Đi sâu vào bên trong, không khí càng mát lạnh. Theo chị Đinh Thị Thơm, một hướng dẫn viên du lịch cho biết, động Thiên Đường có chiều dài chừng 31,4km nhưng hiện nay mới đưa vào khai thác phục vụ du lịch chỉ khoảng 1km. Tuy nhiên, nếu ai có nhu cầu khám phá thì hướng dẫn viên của động sẽ tổ chức tour theo yêu cầu của nhóm. Song dạng tour này không phổ biến lắm vì đường vào sâu trong hang rất khó đi. Để phục vụ du khách thưởng ngoạn, đơn vị khai thác đã lắp đặt một hệ thống cầu thang gỗ dài khoảng chừng 1km xuyên qua giữa lòng động. Hệ thống cầu thang này tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ của động. Những chiếc ghế gỗ được bố trí rất hợp lý, cách đều trên cầu thang để khách ngồi nghỉ ngơi, thư giãn, chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong hang động. Mặc dù đã được đi khám phá khá nhiều hang động trên Vịnh Hạ Long và một số hang động khác nhưng khi vào đây, tôi vẫn thật sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp tự nhiên kỳ vĩ, tráng lệ của động Thiên Đường. Trần động cao vợi, rộng thênh thang. Trong động có nhiều nhũ đá rất độc đáo tạo thành những hoa văn với hình thù vô cùng thú vị. Mỗi khối thạch nhũ tạo hình những con vật, thoả mãn trí tưởng tượng của du khách như: Đại bàng tung cánh, đàn voi ma mút, thỏ ngọc, nhà rông Tây Nguyên, thác nước… Càng đi sâu vào bên trong càng đẹp, khiến cho du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi tự hỏi không biết trải qua bao nhiêu năm động Thiên Đường mới hình thành được những khối thạch nhũ và măng đá đẹp và khổng lồ như thế này.

 

Một điều rất khác biệt nữa so với các hang động khác thường sử dụng hệ thống ánh sáng nhiều màu sắc tạo nên vẻ hư ảo, hệ thống ánh sáng soi đường trong lòng động Thiên Đường không sử dụng ánh sáng màu để chiếu sáng các khối thạch nhũ mà hoàn toàn sử dụng ánh sáng trắng, do đó lột tả được toàn bộ nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của động.

 

Mặc dù mới đưa vào khai thác du lịch được hơn 3 năm nhưng động Thiên Đường là địa chỉ hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Bình. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hang động này còn đẹp và tráng lệ hơn cả động Phong Nha. Vì vậy mới được đặt tên động là Thiên Đường. Theo đánh giá của Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh, Thiên Đường là hang động khô dài nhất châu Á…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thiên đường cát Mũi Né

Mũi Né – cái tên ấn tượng như chính vùng đất này, nơi mà có người đã đặt cho tên gọi là “thiên đường cát”.

Những đồi cát lộng lẫy, nước biển xanh trong và hải sản tuyệt hảo là các lợi thế ít nơi nào sánh kịp.

 

 

Vẻ đẹp của cát

 

Nằm cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) 22km về hướng Đông Bắc, bãi biển Mũi Né được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á với nước biển trong xanh và đồi cát rộng. Với thời tiết nắng nhiều của miền Trung, khoảng thời gian thích hợp nhất cho du khách khi đi tham quan đồi cát là từ 7 – 8 giờ sáng khi nhiệt độ chỉ từ 25 – 27 độ C.

 

Đồi Cát Trắng thì miên man màu trắng, đồi Cát Vàng thì rực rỡ hơn, vàng tươi trong nắng và mỗi khi trời mưa lại chuyển màu đỏ sẫm- một gam màu độc đáo chỉ có người họa sĩ đại tài là thiên nhiên mới pha chế nổi. Người ta đã tìm ra đến 18 sắc độ của cát màu ở Mũi Né, đủ để cho các họa sĩ tranh cát sáng tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp với màu sắc độc đáo không bị trộn lẫn với bất cứ bảng màu nhân tạo nào.

 

 

Trượt cát trên đồi cát Mũi Né

 

Ngắm cát, chiêm ngưỡng cái bao la kỳ vĩ của thiên nhiên xong, du khách có thể lựa chọn một trong rất nhiều trò chơi cát như trượt cát hoặc tìm cảm giác mạnh với những chiếc xe trượt cát 4 bánh. Những tấm nhựa được cho thuê với giá khá bình dân, 10.000 đồng/tấm cho suốt buổi trượt sẽ khiến cho bạn thực sự được thư dãn với đường trượt từ trên đỉnh đồi.

 

Sau khi tham gia các trò chơi ở đồi cát Mũi Né, bạn có thể thăm thú rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Thuận như bãi tắm danh tiếng Gành Son, núi Tà Cú, Suối Tiên, hồ Bàu Trắng… Bãi tắm Gành Sơn nằm ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong nổi tiếng bởi nhìn từ trên cao, bãi tựa như bức tranh sơn thủy được khắc họa dưới nét bút tuyệt vời của thiên nhiên.

 

Một bên là những đồi cát đỏ thẫm nhô cao như bị đẽo gọt bởi thời gian, một bên là màu biển xanh ngắt. Bên cạnh đó, một thắng cảnh khác không thể bỏ qua là tháp Poshanư, nằm về hướng Đông Bắc cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7km. Cụm tháp tọa lạc trên đồi Ông Hoàng, do người Chăm xây dựng cuối thế kỷ VIII, thờ thần Shiva- vị thần được người Chăm tôn sùng.

 

Những ai muốn chơi trò trượt cát cần lưu ý, trước khi tham gia trượt, bạn nên gửi những vật dụng nhỏ như điện thoại, ví tiền, chìa khóa cho người thân giữ hộ. Nếu mang theo bên người khi trượt cát, bạn sẽ rất dễ làm rơi và khá phiền toái khi phải tìm lại chúng.

 

Tận hưởng món ngon

 

Mũi Né được biết đến không chỉ với bãi biển đẹp, đồi cát thơ mộng mà còn thu hút du khách nhờ vào các loại hải sản tươi ngon.

 

Đến đây, có rất nhiều quán bình dân cung cấp cho bạn các món hải sản ngon như bánh canh chả cá, gỏi cá được chế biến từ những loài cá có sẵn như cá mai, cá suốt hay cá đục, cá lồi xối mỡ, răng mực nướng, bánh tráng nướng mắm ruốc…

   

Trước đây, du khách thường ra bờ biển vào buổi sáng sớm để tự tay chọn những loại hải sản ưa thích do ngư dân vừa đánh lưới, sau đó nhờ đầu bếp của các khu nghỉ dưỡng chế biến giúp.

 

Tuy nhiên, giờ đây, một số khu nghỉ dưỡng tại Mũi Né đã có sáng kiến tổ chức “Chợ hải sản” ngay trong khuôn viên. Tôm, cua, mực, ghẹ, cá đổng, cá ngừ, sò điệp, sò lông… được những ngư dân làng chài chuyển đến resort vào buổi sáng. Theo đó, những nguyên liệu tươi ngon nhất sẽ được chọn lọc, sơ chế và phục vụ thực khách vào 6 giờ chiều mỗi ngày.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Kiệt tác xứ Thanh

Là nơi vật lộn với thiên tai và chiến tranh tàn phá, thế nhưng Thanh Hóa lại mang trong mình nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã trở thành di sản thế giới, xứng danh đi vào lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Non nước xứ Thanh

Người dân Thanh hóa rất tự hào vì quê hương mình với rất nhiều danh lam thắng cảnh mà bất cứ du khách khi một lần đặt chân đến cũng phải ngưỡng mộ.

 

Đầu tiên không thể không nhắc đến địa danh Hàm Rồng – Sông Mã, nơi đây là trọng điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã chứng kiến hàng trăm máy bay Mỹ bị bắn rơi, hàng ngàn lính Mỹ phải bỏ mạng.

 

Dù trải trải qua bao cuộc chiến tranh ác liệt, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, đứng vững tựa vào sườn núi bên bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí, quật cường dân tộc.

Đến với Thanh Hóa cũng không thể bỏ qua bãi biển thơ mộng Sầm Sơn. Với dải bờ biển cát vàng thoai thoải, Sầm Sơn có dòng nước trong xanh soi bóng núi Trường Lệ với những di tích được xếp hạng cấp quốc gia như hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên… Bãi biển Sầm Sơn ngày nay được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Ở Thanh Hóa hiện nay còn lưu truyền câu chuyện về suối cá thần tại bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 90km theo hướng quốc lộ 217 về hướng Tây. Suối cá có hàng ngàn năm nằm bên dưới chân núi Trường Sinh gồm hàng trăm con cá vẩy bạc, mỗi con nặng từ 7-8kg, có con lên tới 10kg.

 

Theo người dân địa phương, những đàn cá quây quần tại đây chính là để hầu hạ chàng Rắn – người đã vì nhân dân bản Ngọc mà chiến đấu với thủy quái, dù giữ được bản nhưng chàng phải để lại xác mình. Cá rất thân thiện với con người, du khách có thể vuốt ve thân hình của chúng, làm chúng thích thú nhưng không được bắt lên khỏi mặt nước bởi “cá Thần là vật linh thiêng, ai mạo phạm sẽ bị trừng phạt.

Trên chiếc cầu treo hiện đại bắc qua sông Mã, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên đường vào suối cá thần. Từ những dãy núi đá cao vút nằm bên bờ sông, mỗi dãy núi có độ cao, hình hài khác nhau, với danh tính rất mực gần gũi như núi Thằn lằn, núi con Cò cho đến dòng nước trong vắt, mát lành thấm trên đầu ngón tay của ai đó lãng mạn khỏa tay xuống nước khi đi trên những con đò của người dân bản xứ. Bên trên suối cá là một hang động phủ đầy những nhũ đá nhô ra theo những hình dạng, màu sắc khác nhau, nơi đó du khách có thể thắp hương để “cầu” “thần” cá phù hộ điềm tốt lành.

 

Những khu di tích trở thành niềm tự hào

Nếu tính từ khi nước Nam ta có Nhà nước đầu tiên cho tới khi kết thúc triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn thì hầu hết các dòng họ vua chúa đa phần đều xuất phát từ đất Thanh Hóa (xưa gọi là Ái Châu). Chính vì nơi có nhiều vua chúa nên Thanh Hóa cũng gắn nhiều với địa danh lịch sử đáng tự hào.

Điển hình là thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc do Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 bằng những khối đá xanh rất lớn và kiên cố. Thành có 4 cửa, xung quanh thành có hào sâu, phía trong là cung điện uy nghi lộng lẫy. Sau khi xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời triều từ Thăng Long về Tây Ðô. Trải qua hơn 6 thế kỷ đến nay thành còn lại cửa phía Nam với 3 cổng vòm cuốn bằng đá xanh. Khung tường thành còn lại là những bức tường bằng đất.

Trong khi đó, Thành Lam Kinh (còn gọi Tây Kinh) thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, được xây dựng bởi vua Lê Thái Tổ. Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn.

Ngoài ra, du khách có thể tìm đến các di tích Đền thờ bà Triệu, Vườn Quốc gia Bến En, khu Di tích Đông Sơn, Đền Đồng Cổ, biệt thự vua Bảo Đại ở Sầm Sơn…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Một làng cổ Thổ Hà nghiêng nghiêng bên dòng sông Cầu

Nằm bên con sông Cầu, Thổ Hà là một trong những làng cổ hiếm hoi còn giữ được trong mình những nét văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc, bao gồm nếp sinh hoạt, kiến trúc, tâm linh và sản xuất.

Nằm bên con sông Cầu, có thể giao thương rộng khắp trên đồng bằng Bắc Bộ, lại có nghề làm gốm cổ truyền, làng Thổ Hà (xã Tiên Sơn, Việt Yên – Bắc Giang) trở thành một địa danh nổi tiếng nhiều người biết tới. Đây là một trong những làng cổ hiếm hoi còn giữ được trong mình những nét văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc, bao gồm nếp sinh hoạt, kiến trúc, tâm linh và sản xuất. 

 

 

Thổ Hà từng được coi một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt. Gốm Thổ Hà mang những nét đặc sắc hiếm có như: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm có độ bền vĩnh cửu dù được chôn trong đất, ngâm trong nước. Đến đây bạn sẽ ngạc nhiên về những sáng tạo của người xưa khi đưa những chất liệu sành vào trong kiến trúc làng. Tuy nhiên, hiện nay làng chuyển sang làm nghề bánh đa và mỳ gạo.

 

Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt, nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế – một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

 

Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp và cổ kính, được làm từ đôi bàn tay của những nghệ nhân dân gian của làng, thể hiện sự thịnh vượng của nghề gốm xưa kia. Đây là một trong những chiếc cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu.

 

Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi, đây là những nét rất đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cùng với những vòm cổng, những khu miếu thờ, từ chỉ, đình, chùa…

 

Ngoài ra, trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

 

Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ cùng với những nghề thủ công truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà là một sức hấp dẫn lớn đối với du khách, đặc biệt làng chỉ cách Hà Nội có 50km – một khoảng cách không quá xa để đi về trong ngày.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT