Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Ngày Xuân đến hồ nước thiêng, thăm tháp cổ

Chiều dần buông trên những con đường mòn lối cỏ, nhưng với mỗi du khách thập phương, dù đến từ các quốc gia khác nhau, tất cả đều tập trung về đây để cùng chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ, tĩnh mịch của khu tháp cổ.

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 70 km về phía Nam là vùng tháp cổ Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có từ hơn 16 thế kỷ qua. Đây từng là nơi cúng tế vương triều Chămpa, cũng như lăng mộ các vị vua Chămpa, các hoàng thân, quốc thích. Vào năm 1999, Tháp cổ Mỹ Sơn đã trở thành di sản văn hóa thế giới thứ hai tại Quảng Nam, sau phố cổ Hội An.

 

Đầu xuân đến thăm tháp cổ, toàn bộ kiến trúc tháp được xây dựng bởi những viên gạch nung, mà qua hàng ngàn năm vẫn giữ màu đỏ tươi, in đậm nhiều dấu hoa văn, thể hiện sự khéo léo của cộng đồng người Chămpa.

 

Điều đầu tiên hút hồn du khách lần đầu đến đây là khu tháp cổ hiện lên trầm mặc, kiêu hãnh như một nàng công chúa ngủ quên, hàng ngàn năm trong những câu chuyện cổ tích. Mà qua thời gian, nàng công chúa ấy vẫn gieo vào lòng người những suy nghĩ, những điều băn khoăn khi đến với vùng tháp cổ này.

Tháp cổ Mỹ Sơn được nhiều người ví như một thung lũng đá, là “thế giới” của các loại đá với muôn hình vạn trạng, nhưng trên mỗi hòn đá,có các hình hoa văn vẽ rất đẹp, thể hiện sự khéo léo của người xưa. Và ở nơi được mệnh danh là thung lũng đá đó, chứa nhiều yếu tố tâm linh huyền bí. Nơi có dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, có núi Chúa, Hòn Đền, đỉnh núi thiêng theo tín ngưỡng của người Champa.

 

Và Hòn Đền là nơi lưu giữ dấu ấn của ngôi đền xưa, cón đỉnh núi Chúa ngàn năm vẫn nhô ra như cánh chim thần Garuda huyền bí, khổng lồ. Nhiều người còn ví thánh địa Mỹ Sơn giống công viên lịch sử Agutthây của Thái Lan. Bởi toàn bộ kết cấu của công viên này cũng làm từ những laoị gạch nung hàng nghìn năm trước.

 

Điều thú vị nhất khi đến thăm quan khu tháp cổ hàng nghìn năm tuổi này, có lẽ đó là điệu múa Apsara đầy quyến rũ, mê hoặc. Những nàng vũ nữ ngực căng tròn, đầu đội từng chiếc bình cổ uốn éo theo điệu khèn, và uyển chuyển múa theo tiếng trống Paranưng và tiếng khèn Sarani của người Chăm.

 

Chiều muộn, từng chiếc lá vàng rơi trên phiến đá cổ, điệu nhạc, tiếng khèn như đưa ta vào xứ sở của người Chăm xưa, cách đây hàng mấy nghìn năm. Ánh hoàng hôn đỏ quạch, in từng bóng người trên vách đá, làm cho chiều Mỹ Sơn thêm phần linh thiêng, huyền bí.

Bất chợt câu hát “mưa bay tháp cổ” hiện lên làm ta thêm phần lưu luyến khi rời xa mảnh đất này: “Mưa bay tháp cố/ mưa bay trên đá/ trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa… Như dắt nẻo ta về hàng nghìn năm trước, nơi ghi lại dấu ấn của vua chúa, của cộng đồng người Chăm xưa.

 

Chiều muộn, từng chiếc lá vàng rơi trên phiến đá cổ, điệu nhạc, tiếng khèn như đưa ta vào xứ sở của người Chăm xưa, cách đây hàng mấy nghìn năm. Ánh hoàng hôn đỏ quạch, in từng bóng người trên vách đá, làm cho chiều Mỹ Sơn thêm phần linh thiêng, huyền bí.

Bất chợt câu hát “mưa bay tháp cổ” hiện lên làm ta thêm phần lưu luyến khi rời xa mảnh đất này: “Mưa bay tháp cố/ mưa bay trên đá/ trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa… Như dắt nẻo ta về hàng nghìn năm trước, nơi ghi lại dấu ấn của vua chúa, của cộng đồng người Chăm xưa.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Động Thủy Tiên (Yên Bái) – Điểm đến thú vị

Lênh đênh trên hồ Thác Bà chừng hơn 1 giờ đồng hồ, ngắm những hòn đảo lớn nhỏ như những chiếc bát úp, tạo nên một phong cảnh hữu tình mê đắm lòng người là tới động Thủy Tiên – một trong những động đẹp trong vùng hồ Thác Bà.

Và cũng chính tại đây câu chuyện truyền thuyết về tình yêu của chàng hoàng tử Trọng Hải và nàng công chúa Thủy Tiên đã và đang tiếp tục được kể trên nhũ đá. Những bí ẩn của câu chuyện truyền thuyết và vẻ đẹp hoang sơ của động Thủy Tiên đã thu hút gần 2000 du khách đến thăm quan mỗi năm.


Chuyện xưa kể rằng hoàng tử Trọng Hải con trai vua Thủy Tề trong một lần dạo chơi trên dòng sông Chảy đã thấy một ngọn núi cao mát lạnh, như có một sức hút kì lạ Hoàng Tử Trọng Hải đã lên núi ngắm cảnh và thưởng thức không khí mát lạnh. Tại đây, chàng đã gặp công chúa Thủy Tiên một trong 9 nàng công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng – vì mê say với cảnh sắc của vùng Thác Bà sông Chảy mà thường trốn vua cha xuống trần gian ngắm cảnh. Sau nhiều lần hẹn hò tình yêu của họ bắt đầu nảy nở, không thể rời xa nhau. Vua Thủy Tề và Ngọc Hoàng đã làm nên hang động ngay tại đây để hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên chung sống. Vì vậy mà tất cả những cảnh quan trong hang động đều gắn liền với câu chuyện tình của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên. Và cũng chính vì lẽ đó mà hang động này có tên là Thủy Tiên Sơn Động.

 

Trung tâm của hang động và cũng chính là trung tâm của cung điện trong câu chuyện truyền thuyết ấy. Ở đây có 3 cây cột đá nằm trong tổng số 9 cây cột đá của hang động. Dưới gốc của cây cột đồng có hình người quay ngược, đầu cắm xuống đất, chân ngược lên trời, chuyện kể rằng đây là một vị quan được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản cung điện cho công chúa Thủy Tiên, nhưng trong một lần phạm lỗi, vị quan này đã bị Ngọc Hoàng phạt treo chân ngược lên…

Gần phía cửa thông gió là hình một con đại bàng được tạo nên từ nhũ đá. Truyền thuyết kể rằng đó là con chim đại bàng của Ngọc Hoàng thường xuyên túc trực để đưa công chúa Thủy Tiên về trời khi Ngọc Hoàng có việc cần sai bảo.

 

Đây là cung điện của Hoàng Tử Trọng Hải. Tại đây có cột đá thứ 4 của hang động. Và điều đặc biệt là khi gõ vào cây cột đá thứ 4 này có một âm thanh giống như tiếng cồng chiêng.

 

Theo truyền thuyết thì đó là hiệu lệnh để Hoàng tử tập hợp văn võ bá quan họp bàn việc triều chính. Nhũ đá trong hang tạo thành những hình thù khác nhau mà theo truyền thuyết nó có những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong cung điện của hoàng tử hai dải nhũ đá chảy thẳng xuống đất và bên cạnh là nhũ đá hình trái tim. Hai dải nhũ đá đó là lời căn dặn của vua cha là “Làm việc gì cũng phải thẳng thắn nghiêm mình”; còn hình trái tim đó là lời dặn dò của thân mẫu: “Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có cái tâm”.

 

Nổi bật trong cung điện của công chúa Thủy Tiên là nhũ đá rủ xuống thành hình cánh tay. Truyền thuyết kể rằng đó chính là cánh tay của chàng hoàng tử. Vì mối tình của công chúa Thủy Tiên và hoàng tử Trọng Hải là mối tình người trên trời, kẻ dưới nước cho nên Ngọc Hoàng cho rằng đó chỉ là mối tình ‘’trăng gió’’ nên đã nghiêm cấm không cho hoàng tử gặp công chúa. Khẳng định tình yêu của mình, hoàng tử đã chặt đứt một cánh tay của mình để chứng minh. Cảm động trước mối tình của công chúa Thủy Tiên và hoàng tử Trọng Hải, Ngọc Hoàng đã cùng vua Thủy Tề làm nên cung điện này để cho hai người chung sống.

 

Tiếp vào bên trong là giếng tiên. Đây chính là nơi khi Ngọc Hoàng và vua Thủy Tề nghiêm cấm mối tình của công chúa và hoàng tử thì hàng năm công chúa thường xuống tắm ở giếng và úp mặt vào khóc. Còn hình trái tim là biểu tượng trái tim của chàng hoàng tử đau đớn giằng xé giữa tình yêu và tiếng gọi của vua cha nên có rất nhiều nếp nhăn. Trái tim đó như nhắn nhủ mọi người rằng “sống ở trên đời phải có tình yêu”./.

 

Tại cung điện của hoàng tử và công chúa đều có lối đi lên tầng thứ 2 của hang động, đi ngược theo vách đá vào sâu 100m sẽ có một lối lên tầng hang động thứ 3. Đó sẽ là những đoạn truyền thuyết đang chờ được khám phá trên những nhũ đá ở đó./

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đảo Phú Quý – Thiên đường cho môn lướt ván diều

“Với nước biển trong xanh và gió lộng, người dân thân thiện cùng những món ăn đặc trưng đất Việt, Phú Quý hứa hẹn sẽ trở thành một thiên đường của lướt ván diều (kitesurfing).”

Du khách Nga Anatoly Goryanov và Kostya Eshov đã bày tỏ cảm xúc của mình như vậy về tiềm năng du lịch nơi đây khi vừa tận hưởng cảm giác thích thú, hưng phấn được lướt trên đầu những ngọn sóng, bay bổng trên không và thả hồn theo những cánh diều no gió.

Cùng với một nhóm bạn Nga, các anh đã đến đây để hòa mình vào thiên nhiên, vào biển đảo còn nguyên nét hoang sơ, tận hưởng sự tinh khiết của đất trời và không khí trong lành của biển cả.

Kostya Eshov cho biết năm ngoái anh ở Phú Quý tới ba tháng và năm nay anh cùng các bạn sẽ lưu lại đây hai tháng. Say mê với khí hậu đầy nắng và gió, anh dự định sang năm sẽ quay trở lại để nhào lộn cùng cánh diều, lướt mình trên bọt biển trắng xoá.

Ở thiên đường Phú Quý anh đã làm quen, kết bạn với không ít du khách đến từ Australia, Thuỵ Sĩ, Italy… có cùng sở thích.
 

Đảo Phú Quý – Cù lao Thu xinh đẹp nằm giữa Biển Đông, được bao bọc bởi chín đảo nhỏ xung quanh, tạo thành huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) với diện tích tự nhiên gần 18km2 và dân số trên 27.000 người.

Nằm cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Nam và gần với các tỉnh ven biển đang bùng nổ du lịch, Phú Quý có đủ điều kiện để phát triển các tour biển đảo, đặc biệt là các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá và mạo hiểm…

Chẳng những được ưu đãi về tài nguyên với những ngư trường có trữ lượng cá rất lớn, Phú Quý còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng của vùng Nam Trung bộ, môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thơ mộng mà hoang sơ, mặn mà vị biển, xứng đáng là một trong chín điểm du lịch cấp quốc gia.

Để đánh thức tiềm năng to lớn đó, những năm qua huyện đảo đã đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thông di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông đến các điểm sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm như Hòn Tranh, vịnh Triều Dương, ghềnh Hang, mộ Thầy, chùa Linh Sơn, Hải Đăng…

Phú Quý đã xây dựng kế hoạch hoạch phát triển du lịch từ nay đến 2015, tầm nhìn 2020, nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra hàng nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho xã hội.

Theo lộ trình này, huyện sẽ tăng cường và kêu gọi đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các đội tàu cao tốc và trung tốc để rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa biển đảo với đất liền, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng từ một đến hai khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng làm tiền đề cho việc quảng bá phát triển và mở rộng các loại hình du lịch…

Và những ai yêu thích lướt ván diều sẽ có một thiên đường nơi hạ giới, tràn trề nắng vàng và gió lộng quanh năm!/.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá phố chợ Đồng Văn – Hà Giang

Du ngoạn Hà Giang, mọi người thường nói nhiều về Cao nguyên đá Đồng Văn, mùa hoa tam giác mạch, cột cờ Lũng Cú và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…

Sau chuyến đi dài hơn 400km từ Hà Nội, đến tối mịt xe mới tới thị trấn Yên Minh. Sáng hôm sau, từ Yên Minh nhìn lên hướng Đồng Văn, bình minh ửng hồng trên chập chùng dãy núi đá cao ngất, hệt như một bức tranh sơn thủy cực kỳ hùng vĩ. Từ đây mới bắt đầu chuyến hành trình đường núi lạ lùng, hấp dẫn và nhiều đoạn không kém phần mạo hiểm.

 

Bạn chắc đã quen với những đoạn đường đèo Tây Nguyên, những dãy núi miền Trung ven biển hoặc đường lên Sa Pa nhiều lúc mây giăng ngang đường. Cũng núi cũng đèo, nhưng chỉ ở cung đường lên Đồng Văn này, du khách mới thực sự choáng ngợp giữa vô vàn núi đá sừng sững, vô vàn đỉnh núi nhọn hoắt tiếp nối nhau. Đường xe chạy nhỏ xíu, len lỏi giữa vách đá và bờ vực có chỗ sâu hút cả ngàn mét.

Thật khó quên tiếng máy xe rù rù chạy chậm lên cao suốt cung đường, nhiều đoạn ngoằn ngoèo khó đi, cả giờ chưa được 20km.

 

Bao nỗi căng thẳng dọc đường chợt lắng xuống khi du khách đặt chân đến Đồng Văn. Lặng lẽ như nhiều phố nhỏ vùng cao phía Bắc, nhưng trung tâm thị trấn Đồng Văn có khu phố chợ xưa cũ, nhà lồng chợ, những ngôi nhà trong phố với mái ngói rêu phong có từ cả trăm năm nay.

 

Từ trên cao nhìn xuống, phố chợ Đồng Văn gợi nhớ bóng dáng phố cổ Hội An hoặc khu phố xưa Hà Nội. Nhưng điểm độc đáo là bóng dáng đó lại được thấy ở đây, một thị trấn vùng cao xa xôi tách biệt, vào những năm tháng ở thế kỷ trước càng heo hút, từ các thị trấn dưới xuôi phải đi cả tháng trời mới đến được đây.

Ba khu nhà lồng chợ bố trí hình chữ U ôm lấy sân chợ, dưới mái ngói âm dương là hàng chục cột đá vững chắc. Hai đầu hồi mỗi nhà lồng là cửa cuốn vòng cũng bằng đá ám khói đen bóng. Khói của không biết bao nhiêu bếp nấu những chảo thắng cố sôi sục trong các phiên chợ xưa. Người Tày, người Mông từ các bản xa trên núi đá xuống chợ phiên mua bán, tụ hội. Quanh chợ, hai dãy phố cổ chạy vào sát chân núi. Dưới vách đá thẳng đứng, mái phố âm dương cao thấp những ngôi nhà hai tầng, ngày phiên chợ, ngày lễ thấy treo đèn lồng đỏ. Được biết từ cuối thế kỷ 19 khi chiếm đóng vùng này, người Pháp đã quy hoạch toàn bộ thị trấn trong đó có khu phố cổ còn lại đến nay.

 

Cuối phố chợ có một căn nhà kiểu dinh thự cũ của người Mông, ba vòm cửa nổi bật trên màu gạch trần nâu đỏ nhạt, nay là quán Café Phố Cổ. Đi vào khoảng sân vuông bên trong chính giữa nhà, lên tầng gác ra hàng hiên trước, du khách thư thả ngồi xuống sàn gỗ bên ly café nóng giữa tiếng nói cười của đám bạn trẻ dã ngoại, ngắm nhìn toàn cảnh phố chợ. Chen giữa nhiều ngôi nhà đã xây mới, vẫn còn những ngôi nhà xưa, cửa gỗ, tường đất nện dày, mặt trước tầng trên có hàng lan can, cùng kiểu nhà người Hoa vùng Quảng Tây, Vân Nam bên kia biên giới.

 

Ẩm thực phố chợ Đồng Văn khá độc đáo. Du khách dễ dàng thưởng thức đặc sản vùng cao Hà Giang trong những quán ăn bình dân: gà đen H’Mông, trám kho cá suối, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu. Một bữa cơm bình thường trong quán cũng có cách trình bày ngon mắt: canh măng chua, thịt heo quay chấm mắc mật, trái bí non luộc xắt ra như trái cam, xá xíu, đậu luộc, và thịt kho tàu xếp lớp như những múi bưởi. Du khách nâng ly rượu ngô khai vị để nhớ một lần gặp mặt trên thị trấn cao nguyên đá vùng cực Bắc.

 

Đồng Văn luôn là điểm dừng chân để du khách từ đây đi thăm Cột cờ Lũng Cú hoặc cùng vượt lên đỉnh Mã Pí Lèng cheo leo trên đèo cao 1800m, cảnh quan hết sức hùng vĩ của Con đường Hạnh Phúc sang Mèo Vạc.

 

Giữa phố chợ Đồng Văn, bạn có thể bắt gặp các cô gái dân tộc tươi cười, hồn nhiên mến khách, giúp du khách giữ lại kỷ niệm đẹp nơi phố chợ vùng cao xa xôi./.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Độc đáo chùa Hang

Kiến trúc độc đáo của chùa Hang không phải do bàn tay con người xây dựng thành mà bởi sự kỳ diệu của tạo hóa. Không được dựng lên bởi bằng gỗ, gạch vôi vữa, chùa Hang chỉ đơn thuần là một hang đá ăn sâu vào chân núi Thới Lới (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ngôi chùa có một không hai

Chùa Hang là hang đá thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống hang đá ở Lý Sơn, hình thành do nước biển ăn vào chân núi Thới Lới trong thời kỳ biển tiến, cách đây chừng 4.500 năm. Từ những vệt ngấn sóng quanh chân núi Thới Lới, nhô cao lên hẳn so với mực thủy triều hiện nay, đặc biệt là đá trước cửa chùa Hang là minh chứng sống động của hiện tượng sóng biển ăn mòn vào các lớp trầm tích hạt mịn, đá và bùn carbonat. Sự phát lộ các lớp trầm tích hạt mịn ở chân núi Thới Lới cũng cho thấy vận động tạo sơn theo dạng xếp nếp đã diễn ra tại khu vực đảo Lý Sơn trước khi các ngọn núi lửa phun trào nham thạch, dẫn tới việc hình thành diện mạo cơ bản của cù lao Ré hiện nay.

 

 

Những ghi chép của nhà khảo cổ học người Pháp, H.Parmentier, lời khẩu truyền trong dân gian và một vài dấu tích ít ỏi còn lại cho thấy chùa Hang vốn đã là một hang đá mà người Chăm sử dụng làm nơi cư trú hoặc thờ tự trước khi người Việt đặt chân lên đảo Lý Sơn. Gia phả và di huấn của các dòng họ đầu tiên khai phá làng An Hải cho biết, cách nay chừng 4 thế kỷ, thời vua Lê Kính Tông, ông Trần Công Thành cùng các vị tiền hiền làng An Hải là những người khởi xướng việc sửa sang, mở rộng hang đá, biến nơi đây thành ngôi chùa thờ Phật. Về sau, hậu duệ họ Trần đưa thêm linh vị của các bậc thiền hiền làng Lý Hải vào chùa để phụng thờ.

 

Theo gia phả của họ Trần, dòng họ trông coi chùa Hang, ngôi chùa này khoảng 300 năm tuổi. Quãng thời gian bị cướp biển (giặc Tàu Ô) quấy nhiễu, chùa Hang là nơi ẩn nấp an toàn của người dân.

 

Bên trong chùa là một hang sâu 24m, rộng 20m, cao 3,2m, ngoài ra còn nhiều ngóc ngách. Tương truyền, xưa kia đây là đường xuống âm phủ. Theo quan niệm thiện – ác song hành, gian chính của chùa Hang là dành cho cái thiện, những người biết ăn năn hối lỗi. Ngược lại, người mắc tội nếu không chịu quay đầu sẽ bị đày xuống âm phủ theo hang nhỏ hơn bên cạnh. Trước khi có con đường bê tông chạy đến đầu dốc xuống chùa, muốn đến chùa phải men theo sườn núi đầy trắc trở. Đoạn sườn núi ăn ra phía biển người ta gọi là cái meo, là nơi nhiều người không may trượt chân rơi xuống bãi đá biển và bị thương, thậm chí là mất mạng.

 

Vì đường đi khó như thế nên người lớn thường “vin” vào những chuyện huyền bí xung quanh “đường xuống âm phủ” và thêu dệt nên chuyện “tàu ma” chuyên bắt trẻ con để ăn thịt nhằm làm nhụt chí lũ trẻ muốn đi chơi ở chùa Hang. Chuyện thêu dệt này, có “điểm tựa” hẳn hoi và nó liên quan đến giặc Tàu Ô, khi bọn cướp biển này bắt phụ nữ và trẻ em mang lên tàu mỗi lần chúng đổ bộ lên đảo cướp bóc.

 

Điểm nhấn của “bức tranh” Lý Sơn

 

Tuy nhiên, ngày nay, với cảnh đẹp như chốn bồng lai, chùa Hang đã trở thành điểm thưởng ngoạn mà bất cứ người nào đặt chân lên Lý Sơn cũng không thể bỏ qua.

 

Từ chân núi Thới Lới phía Đông Nam, vòng qua sườn núi phía Tây Bắc, rồi theo các bậc cấp bằng đá đi dần xuống thấp hơn, gần với mặt nước biển, du khách sẽ nhìn thấy sừng sững trước sân chùa hàng cây bản biển (cây bàng vuông) có hàng trăm năm tuổi. Ngẩng mặt trông ra là trùng khơi lộng gió, quay đầu nhìn lại là “hang đá trời sinh”, thấp thoáng xa xa là cù lao Bờ Bãi. Trước thạch tự tôn nghiêm là bức tượng toàn thân đức Quan thế âm Bồ Tát với đôi mắt nhân từ hướng ra biển cả như chứa cả sự đồng cảm với chúng sinh.

 

Nhẹ chân bước lần vào trong chùa, cũng chính là hang đá, giữa thoang thoảng mùi trầm hương, tỏ mờ ngọn nến rọi vào khoảng sáng tối u linh, phải mất một thoáng để định thần, mắt làm quen với bóng tối, để nhận ra bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh và các vị bồ tát, tổ sư, các vị tiền hiền có công khai phá làng An Hải và huyện Lý Sơn.

 

Như mọi ngôi chùa thờ Phật khác, số người đến hành lễ, cầu Phật đông nhất ở chùa Hang là vào dịp Tết Nguyên Đán, Nguyên tiêu, Phật đản, Vu Lan và các ngày sóc, vọng, vía Phật, Bồ Tát… Đặc biệt, bà con ngư dân Lý Sơn dù có là tín đồ nhà Phật hay không cũng đến đây hành lễ rất long trọng, nghiêm cẩn vào các ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm hoặc trước khi bước vào mùa đánh cá (mở cửa biển).

 

Ngồi trước chùa, dưới những tán bàng, tán phong ba, phóng tầm nhìn ra mênh mông, biển xanh thăm thẳm sóng vỗ, thấy lòng thanh tịnh vô cùng, thấy mọi phồn hoa, bon chen kiếp người chỉ là phù du.

 

Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự) còn có tên dân gian là “Chùa không sư” nằm về hướng Đông Bắc cù lao Ré (đảo Lớn) thuộc địa phận xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Cái tên của chùa nói lên tất cả, đây là ngôi chùa không có sư trụ trì, cũng là chùa không được xây dựng, không có bàn tay con người tác động. Từ một hang đá, chùa Hang đã trở thành nơi thờ tự, chốn tâm linh của cư dân huyện đảo Lý Sơn và là địa chỉ mà bất cứ người nào đặt chân lên Lý Sơn cũng không thể bỏ qua. 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Kỳ thú hồ Ba Hầm

Hồ Ba Hầm – thực chất là áng hay một “phễu” – một dạng địa hình, địa mạo kasrt đá vôi đặc trưng của Vịnh Hạ Long. Hồ Ba Hầm thuộc dãy đảo Đầu Bê, giáp với Cát Bà.

Đây là một trong ba đỉnh tam giác thuộc khu bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hồ Ba Hầm gồm có 3 hồ nước lớn thông với nhau bằng 3 cửa hang (hầm), vì thế mà có tên gọi là Hồ Ba Hầm.

 

Hồ Ba Hầm giống như một “thế giới riêng” trong lòng Vịnh Hạ Long

 

Hồ Ba Hầm đến nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ là do không có sự tác động của con người hay hiện hữu của công trình xây dựng nào. So với các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, du khách muốn khám phá vẻ đẹp của Hồ Ba Hầm chỉ có thể dùng thuyền nan hay kayak và phải lựa khi nước triều xuống mới chèo qua hang để vào được trong hồ. Đường vào hồ thứ nhất là một hang đá dài khoảng 150m, rộng 10m, trần hang nơi cao nhất khoảng 1,5-2m. Đường sang hồ thứ hai bên phải theo chiều đi vào, dài khoảng 60m. Hồ thứ hai có diện tích lớn nhất trong ba hồ, với diện tích khoảng 1.000m2. Cũng từ hồ thứ nhất, qua hang ngầm bên trái dài khoảng 60m là đường sang hồ thứ ba, diện tích khoảng 600m2.

 

Trong Hồ Ba Hầm, bốn bề vách núi vây quanh, không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim hót hoà quyện với mây trời, non nước Hạ Long; tiếng mái chèo khua nước vỗ nhè nhẹ mạn thuyền. Qua các hang mờ mờ tối, từng chùm nhũ đá rủ xuống với nhiều hình thù kỳ lạ. Dọc đường đi, có lúc tưởng như phía trước là một bức tường đá chắn lối bởi không gian bao phủ màu đen sẫm, song nếu khua tiếp mái chèo thì những luồng ánh sáng nhỏ lại bắt đầu le lói hiện ra, một khung cảnh mới lại xuất hiện. Có những chỗ thật rộng, có chỗ lại thắt hẹp, có đoạn nghe rào rào, có đoạn lại tĩnh lặng, phong cảnh thật sơn thuỷ hữu tình.

 

Với hệ sinh thái tùng, áng – một trong các hệ sinh thái đặc trưng của Vịnh Hạ Long – Hồ Ba Hầm là điều kiện thuận lợi cho các loài động, thực vật cư trú và phát triển. Trên các vách đá vôi xung quanh hồ, du khách có thể thấy một màu xanh ngát của thảm thực vật nhiệt đới, phong phú về giống loài. Đáng chú ý, Hồ Ba Hầm là nơi sinh trưởng của ba loài thực vật đặc hữu của Vịnh Hạ Long, đó là Hài vệ nữ hoa vàng, Cọ Hạ Long và Thiên tuế Hạ Long. Ngoài ra, đảo Đầu Bê còn là một trong các dãy đảo có khỉ lông vàng sinh sống. Vì vậy, du khách cũng đừng ngạc nhiên khi bất chợt nhìn thấy một vài chú khỉ ẩn hiện trên vách đá xung quanh. Ngoài khỉ, xung quanh Hồ Ba Hầm còn có chồn, sóc, một số loài chim…

 

Hiện nay, Hồ Ba Hầm đang là một trong các tuyến điểm tham quan của du khách khi đến với Hạ Long. Hồ Ba Hầm – Đảo Đầu Bê còn là một trong các điểm đỗ nghỉ đêm lý tưởng cho các tàu nghỉ đêm; là tour du lịch sinh thái hấp dẫn được nhiều công ty, hãng du lịch lữ hành khai thác, giới thiệu với du khách khắp nơi trên thế giới.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Tháp Bà Ponagar – Giá trị đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật Chăm Pa

Khu di tích Tháp Bà Ponagar toạ lạc trên đỉnh một ngọn đồi đá hoa cương sát cửa sông Cái tại phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang (Khánh Hoà). Đây là một trong những quần thể kiến trúc tiêu biểu của nền văn hoá Chăm Pa và gần như còn nguyên vẹn qua thời gian…

Tổng thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar bao gồm 3 cấp, trong đó, cấp thấp nhất nằm ngang bằng mặt đất là ngôi tháp cổng. Cấp thứ 2 có mặt bằng rộng là 2 hàng 10 cột lớn, cùng hai bên là 2 hàng 12 cột nhỏ xung quanh. Chính giữa đặt một bàn thờ, nơi từng diễn ra các hoạt động múa hát của người Chăm cổ vào mỗi dịp hội hè, lễ, Tết.

 

Vũ điệu Chăm bên tháp cổ Ponagar

 

Đây cũng là nơi được gọi là Mandapa với ý nghĩa là nhà khách, dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật và sửa soạn trang phục trước khi làm lễ chính thức ở trên tháp. Cấp trên cùng gồm 4 tháp: Tháp chính (còn gọi là dinh Bà, thờ nữ thần Ponagar, tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ xứ sở), tháp giữa (dinh Ông), tháp đông (dinh Cố), tháp Tây Bắc (dinh Cô, dinh Cậu). Ở đây, nổi bật nhất là Tháp Bà Ponagar với bốn tầng, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo, bên trong có tượng nữ thần cao 2,6 mét, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.

 

Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử – văn hoá, là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm trên đất Việt. (Tên gọi Tháp Ponagar được dùng để chỉ chung cho cả công trình kiến trúc này nhưng thực chất nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao gần 23m). Các tháp ở đây đều được xây bằng gạch, trang trí nghệ thuật bằng chất liệu đá – gốm, nội dung thể hiện gắn liền với các vị thần được thờ.

 

Đặc biệt nhất là những viên gạch xây chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một loại chất kết dính nào, đây là bí ẩn mà cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá ra được người Chăm đã làm thế nào để được như vậy.

 

Hàng năm, cứ vào ngày lễ vía Bà (từ 20 đến 23-3 âm lịch), Khu di tích Tháp Bà Ponagar lại đón hàng vạn du khách tới hành hương. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được coi là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Các nghi lễ chính của lễ hội gồm lễ mục dục (tắm tượng), lễ tế gia quan (lễ thay y) diễn ra vào giờ Ngọ ngày 20-3 (âm lịch), tiếp đến là lễ tế sanh, dâng cúng đồ tế, múa bóng mời Thiên y Thánh mẫu và các bậc thần linh về dự lễ. Theo nghi thức, lễ cúng Thánh mẫu thường mở đầu bằng lễ khai kinh cầu quốc thái dân an.

 

Lễ tế sanh bắt đầu vào giờ Tý đêm 22-3 (âm lịch) do những người cao tuổi thực hiện, sau đó lễ cầu cúng chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau. Việc hành lễ do chánh lễ, bồi tế, đông hiến, tây hiến và đội học trò thực hiện, lần lượt dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế rất cung kính, tôn nghiêm. Sau cùng, từng đoàn người đại diện cho các palei, thôn, xóm đến hành lễ… Một trong những di sản văn hoá phi vật thể độc đáo nhất trong lễ hội vía Bà ở Tháp Bà Ponagar là múa bóng ca ngợi công đức, bày tỏ lòng biết ơn “Mẹ xứ sở”. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá nhận định, khoảng từ giữa thế kỷ XVII đến nay, nghi lễ thờ cúng Mẹ xứ sở được người Chăm và người Kinh tổ chức chu đáo tại Tháp Bà Ponagar. Khoảng năm 1653, những lưu dân Việt từ ngoài Bắc, theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, đã dừng chân bên cửa sông Cái (Nha Trang), tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Và chính họ đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Kinh ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ vào đây. Theo thời gian và xu thế phát triển của xã hội, nghi thức lễ hội hiện nay đã có nhiều thay đổi; nhưng dù thế nào, trong ngày lễ trọng, người Kinh vẫn náo nức tổ chức hàng trăm đoàn múa bóng, dâng hoa quả, múa quạt và người Chăm thì tưng bừng vỗ trống ghinăng, paranưng, thổi kèn saranai, say sưa kéo đàn kanhi và hát dân ca… Cả những bữa ăn chung của hàng trăm người, hoan hỉ nói cười, chan hoà niềm vui thái bình, no ấm…

 

Lễ hội Tháp bà Ponagar đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị cũng như giới thiệu rộng rãi những nét văn hoá độc đáo của người Chăm đến với du khách, Ban Quản lý Khu di tích Tháp Bà Ponagar đã tổ chức một số vũ công, nhạc công, nghệ nhân của dân tộc Chăm đến đây hàng ngày biểu diễn dệt thổ cẩm, các vũ điệu Chăm v.v.. Hiện nay, mỗi ngày Tháp Bà Ponagar thu hút hàng ngàn du khách tới tham quan.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Chinh phục 4 đỉnh đèo hình ngựa năm Ngọ

Mã Pì Lèng, Mã Phục, Mã Quỷnh và Cổ Mã là những đỉnh đèo tuyệt vời bạn nên chinh phục trong năm Giáp Ngọ.

Hùng vĩ Mã Pì Lèn

 

Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’Mông làm. Ban đầu chỉ là những con đường nhỏ cheo leo dành cho xe thồ và người đi bộ. Để đục đá mở đường, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng đá tai mèo mà thi công trong suốt 11 tháng.

 

 

Đèo dài khoảng 20 km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh. Đứng từ mặt bên này thấy con đường dài phía bên như một con rắn trườn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Một tấm bia lớn được dựng nơi đỉnh đèo khắc ghi những hi sinh thầm lặng của những người đã làm nên con đường Hạnh Phúc, nơi mà người ta sống chung với đá, lớn lên cùng đá và chết cũng vùi mình trong đá.

 

Ngày nay, đèo Mã Pì Lèng đã trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều kẻ thích chinh phục những vùng đất xa xôi.

 

Quanh co Mã Phục

 

Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ qua Cao Bằng có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đèo cao 620 m, vượt qua bảy vòng dốc để đến được đỉnh, nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách. Núi vôi ở Cao Bằng không cao, cảnh sắc không hùng vĩ như các đèo khác, đường đèo cũng không quá nguy hiểm.

 

 

Từ Mã Phục tỏa đến các nhánh chính của toàn tỉnh Cao Bằng. Ngay từ chân đèo rẽ trái đến với làng Tổng Cọt, nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật, làng cổ Nà Ngắn và cửa khẩu Trà Lĩnh. Vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, xuyên qua những rừng cây dẻ rì rào, chạy tới thác Bản Giốc kỳ vỹ và cuối cùng là đường tới Hạ Lang, điểm kỳ cùng của tỉnh.

 

Con đèo rộng và đẹp. Những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới. Bóng chiều đang dần buông, nắng đã ngả trên những ngọn núi nhấp nhô.

 

Hấp dẫn Cổ Mã Đèo

 

Cổ Mã nằm gần núi Đại Lãnh trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Được gọi là Cổ Mã vì hình núi ở đây giống như cổ con ngựa, đi ghe từ ngoài biển vào mới trông thấy, còn nếu đi trên đèo hay đi tàu qua thì không nhìn thấy được.

 

 

Dưới chân đèo là bãi biển vắng không bóng người, một địa chỉ an toàn và đẹp cho những ai có dịp ghé qua. Nhưng vì đây là bãi tắm không nằm trong vịnh nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng và dòng thủy triều lên tạo ra vài hõm xoáy nguy hiểm.

 

Đèo Cổ Mã không quá dài nhưng hiểm trở trùng trùng với một bên là núi, một bên là biển mênh mông. Đã có không ít những tai nạn xảy ra vì những khúc cua ngoặt của cánh lái xe đường trường. Từ trên đèo nhìn xuống là toàn cảnh núi non trùng điệp và eo biển cong vòng của mảnh đất Khánh Hòa. Cách đó không xa là vịnh Vũng Rô nổi tiếng. Hiện đã có dự án xây hầm đường bộ thông qua đèo, cùng với tuyến đường thông qua đèo Cả.

 

Vượt qua Mã Quỷnh

 

Nằm tiếp nối với đèo Mã Phục trên địa phận tỉnh Cao Bằng, đèo Mã Quỷnh hay Khuỷu tay ngựa là đoạn đèo ngắn dẫn đến Trùng Khánh. Con đường đèo quanh co, uốn cong theo sườn núi, một bên vách núi, một bên vực sâu với lác đác vài ba ngôi nhà dân sàn của bà con dân tộc Tày thấp thoáng sau những ruộng ngô và những thửa ruộng bậc thang. Con đường xuyên núi, tít tắp không điểm dừng. Ruộng ở đây nhỏ và ít bậc. Tương tự Tây Bắc, cũng là núi đồi, nhưng ở đây nhiều núi, nhiều đồi nhỏ, nhiều cây, người dân chỉ tận dụng, cải tạo được khoảng đất rất nhỏ để trồng lúa quanh nhà.

 

 

Từ trên cao nhìn xuống, đèo Mã Quỷnh tựa hình trái tim ôm trọn núi sông Cao Bằng./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Hành trình về cao nguyên Dào San

Dào San là xã vùng biên giới cách trung tâm TX. Lai Châu khoảng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú của 5 dân tộc Mông, Dao, Thái, La Hủ, Hà Nhì. Đây cũng là nơi ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, khiến cho du khách đã từng đặt chân tới đều hết sức ngỡ ngàng…

Về với cao nguyên Dào San, du khách không chỉ được chìm đắm trong phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống của người Mông, mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cảm nhận cái chân chất, mộc mạc của những con người sống nơi vùng cao biên cương.

 

cao nguyên Dào San

 

Dào San là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Quan Hỏa, theo ngôn ngữ của người Mông nơi đây: “Dào” có nghĩa là làng, “San” gọi theo tên vùng nơi đây. Có thể hiểu Dào San là một vùng đất không cao không thấp với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.

 

Trên chuyến hành trình về cao nguyên Dào San du khách đi qua địa phận xã Mường So, huyện Phong Thổ. Du khách có thể dừng chân để tham quan hang Thẳm Tạo, miếu Nàng Han và bản văn hóa du lịch Vàng Pheo để trải nghiệm cuộc sống qua cách sinh hoạt bình dị của người dân nơi đây; thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Thái như: cá bống vùi tro, sâu đá, rêu đá, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp lá vả, canh rau đắng và giao lưu văn nghệ cùng bà con dân bản.

 

Tạm biệt Mường So, tiếp tục cuộc hành trình qua những cung đường uốn lượn, thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương sớm là những ngôi nhà truyền thống thanh bình dưới thung sâu, vất vưởng trên những chiền núi, thấp thoáng đâu đó ta thấy những bộ trang phục sặc sỡ của những cô gái Mông đang làm nương… Ấn tượng khi về với  Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận với những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng bồng bềnh, với những dòng suối róc rách chảy, với vùng đất có những em bé đĩu nước tất tả dọc đường. Tất cả đều từ từ hiện lên như những thước phim quay chậm về thiên nhiên tươi đẹp của mảnh đất này.

 

Ghé thăm “Đồi Nghiêng” cách trung tâm xã Dào San khoảng 1km về phía Tây Nam, với độ cao 1.800m so với mặt nước biển để trải nghiệm những điều thú vị xen lẫn mạo hiểm khi lần qua những vách đá tới cổng trời, phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh phía xa xa với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi.

 

Tiếp tục cuộc hành trình đến với phiên chợ Dào San trên đỉnh Chùng Sủa Dằn. Nơi đây mang nét văn hóa chung của vùng cao Tây Bắc, nơi giao thoa những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống Việt. Bà con đến chợ với những đặc sản giản đơn của núi rừng, từ gùi ngô, chút gạo thơm lựng, chút mộc nhĩ, cả những mớ rau rừng, nhiều nhất vẫn là các sản phẩm thủ công được bày bán khắp nơi trên sạp hàng của người Mông, Dao, Kinh…

 

Đến Dào San vào dịp mùa xuân, du khách có dịp tham gia các lễ hội cùng người dân bản địa như lễ hội Gầu Tào được tổ chức vào ngày mùng 4 – 6 âm lịch hàng năm, được tham gia các trò chơi dân gian cùng bà con dân bản như tù lu, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy và tục “kéo vợ” rất thú vị.

 

Dào San không chỉ đẹp trong màu xanh của núi đồi, màu vàng của đất, của lúa mới, màu đục của sương sớm mà ta còn thấy được cái đẹp nơi tâm hồn đồng bào vùng cao bởi sự thân thiện đón khách. Nơi đây còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong những câu hát, điệu múa cổ, các nghi lễ truyền thống, các làng nghề thủ công, đặc biệt là nghề dệt vải truyền thống, nghề rèn, đan lát, nghề nấu rượi ngô…

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Độc đáo hội vật truyền thống làng Sình ở Thừa Thiên-Huế

Ngày 9/2 (mùng 10 tháng Giêng), hội vật làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế tưng bừng khai hội vật đầu Xuân, thu hút hàng ngàn người dân và du khách về dự.
 

Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng trên khắp các nẻo đường về Sình, người dân và du khách từ các nơi tấp nập đổ về tấp nập. Đến khoảng 8 giờ sáng, các sới vật đã chật kín người.

Hội vật thường được bắt đầu bằng nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các trưởng bối ở đình làng, để nhắc nhở con cháu nhớ đến ơn đức tổ tiên.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng ban hội đồng tộc trưởng làng Sình cho biết hội vật làng Sình là lễ hội cổ xưa có truyền thống cách đây hơn 400 năm.

Theo thông lệ, vào mùng 10 tháng Giêng, làng mở hội vật để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, cũng là dịp để giải trí ngày đầu Xuân và khuyến khích thanh niên rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm.

Hội vật đề cao tinh thần đồng đội và thượng võ, không đặt nặng thắng thua, các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng và tất cả các đô vật lên sới đều được nhận phần thưởng.

Mở đầu hội vật, sau tiếng trống khai hội là những màn biểu diễn đẹp mắt của các đô vật chuyên nghiệp, tiếp đến là những trận tranh tài quyết liệt của những đấu vật thanh niên, thiếu niên.

Các đô vật lên sới đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ người dân hoặc du khách nào cũng có thể đăng ký lên sới đấu vật. Nếu người nào bị vật lấm lưng, trắng bụng là bị thua, người vô địch sẽ là người chiến thắng liên tiếp từ trận đấu đầu tiên đến đấu cuối cùng.

Hội vật năm nay thu hút hàng trăm đô vật đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt còn có sự tham gia của các đô vật nữ.

Du khách được chứng kiến nhiều cuộc đấu gay cấn với nhiều miếng đánh đẹp mắt và dũng mãnh. Càng về chiều, sức nóng trên khán đài càng tăng cao, người xem ngày càng đông hơn, tiếng hò reo ủng hộ của khán giả thúc giục các đấu sỹ thi đấu quyết liệt hơn.

Hội vật đã trở thành mạch sống văn hóa của người làng Sình cũng như người dân xứ Huế. Sức hấp dẫn của hội vật không chỉ thu hút các đô vật và du khách trong vùng mà còn đối với cả du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến Huế.

Không chỉ có vậy, du khách đến xem đấu vật còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực Huế và chiêm ngưỡng các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống đặc trưng của mảnh đất cố đô./.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT