Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Lên đỉnh Sơn Trà

Sơn Trà là tên một bán đảo – một ngọn núi thuộc quận Sơn Trà (tên quận đặt theo tên bán đảo), TP Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng chừng 10 km về hướng Ðông Bắc.

Sơn Trà có diện tích 60 km², chiều dài 13 km, chiều rộng 5 km, nơi hẹp nhất 2 km. Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

 

 

Cầu Thuận Phước là cây cầu treo đẹp nhất Đà Nẵng và kỷ lục của Việt Nam được bắc qua bán đảo này. Bán đảo Sơn Trà có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và trong tương lai không xa sẽ trở thành khu du lịch nổi tiếng của thành phố và của cả nước.

 

Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía Tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía Bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó.

Ngày nay, ngay tại những ngọn này hình thành những khu du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt hay khu resort Đông Dương. Đặc biệt, nơi đây có ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng và huyền bí là điểm đến lý tưởng đối với khách thập phương.

 

Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như Vũng Tiên Sa, Vũng Thùng, Vũng Hàn, vịnh Ðà Nẵng. Với địa thế như vậy, Sơn Trà như một tấm bia che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố yên bình này.

 

Sơn Trà có gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp. Sơn Trà là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam – Bắc.

 

Núi Sơn Trà cao đến gần 700 m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng.
Bán đảo Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ và có hàng loạt bãi tắm đẹp như Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, T20 hay những khu resort trải dài hàng chục km. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát cao cấp để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch tới đây.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Phong tục cỗ cúng tết 3 miền

Đối với người Việt, ẩm thực từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng trong những ngày Tết cổ truyền, có lẽ bởi thế mà người ta thường hay nói “ăn Tết” nhiều hơn là chơi Tết, nghỉ Tết…

Một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt chính là mâm cỗ Tết, ở mỗi vùng miền do điều kiện địa lý, thói quen ăn uống khác nhau mà lại có những cách bày mâm cỗ Tết khác nhau.

 

Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Nào bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Nào đĩa xôi, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Với mâm cỗ Tết, việc trình bày cũng không thể qua loa, các món ăn đều được bày biện khéo léo và đẹp mắt. Ví như, đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 Tết và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn…

 

Miền Bắc ngày Tết không thể thiếu món bánh chưng ăn kèm dưa hành, trên mâm cỗ của nhiều nhà còn bày cả đĩa bánh chưng xanh. Cái rét lạnh đặc trưng vào mùa đông của miền Bắc cũng khiến những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món ăn gắn liền với mâm cỗ ngày Tết. Ở nhiều địa phương, còn có chè kho từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa. 

 

So với miền Bắc, mâm cỗ Tết của miền Nam và miền Trung đã có không ít đổi khác và mâm cỗ Tết miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Vẫn là bánh chưng xanh ấy, nhưng ở miền Nam là sự hiện diện của những khoanh bánh chưng dài (hay còn gọi là bánh tét) được xắt miếng thay cho bánh chưng vuông và thường đi kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm. Bát canh măng nấu sẽ được dùng măng tươi thay cho măng khô (miền Bắc và miền Trung dùng măng khô). Thay cho bát canh mọc lại có bát canh khổ qua nhồi thịt. 

 

Sự khác biệt về thời tiết rõ rệt nên những ngày Tết ở miền Nam, loại thịt được dùng cho mâm cỗ Tết thường là thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa). Đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu cũng là những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết ở miền Nam. Tùy theo từng địa phương, ta còn bắt gặp thêm mâm cỗ có các món như: cuốn thịt heo luộc, bánh ít, cơm rượu…

Mâm cỗ miền Trung trong dân gian thì có cả bánh chưng và bánh tét. Nhưng mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng còn bánh tét thì không được dùng làm vật phẩm để dâng cúng tổ tiên. Vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu, vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến, lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Ngoài dân gian, khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.

 

Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần: Thượng cầm: các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt… Hạ thú: các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà… Rồi các loài thủy tộc dưới nước như: tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn. Kể tên những món ăn trên mâm cỗ Tết miền Trung thì thường có đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram… Ở nhiều nơi, người ta còn làm cả các món: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.

 

Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình. Điều kiện địa lý, vùng miền đã mang đến nhiều điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cỗ ngày Tết nhưng nét đặc trưng cơ bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cỗ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền.

Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khám phá Bản Sen

So với các xã đảo của Vân Đồn thì Bản Sen gần trung tâm huyện hơn cả. Từ thị trấn Cái Rồng, nếu đi tàu khách cũng chỉ mất khoảng 1 tiếng, còn đi xuồng máy hoặc tàu cao tốc thì chỉ vài chục phút là đặt chân đến Bản Sen rồi. Bản Sen có diện tích hơn 139km2, trong đó có 72km2 là diện tích đất nổi, còn lại là diện tích mặt nước và các đảo đá…

 

Điều ấn tượng nhất khi đến Bản Sen là du khách có cơ hội khám phá các đảo đá còn rất hoang sơ, với những hang động kỳ ảo bên trong nó. Chỉ tính riêng khu vực Quyết Tiến (thuộc thôn Đồng Gianh) đã có 5 hang động, trong đó nổi bật hơn cả là hang Nhà Trò. Gọi tên như vậy bởi khoảng không gian phía trong hang rất rộng, tới gần 200m2, trông giống như một nhà hát lớn, với sân khấu biểu diễn, chỗ ngồi của khán giả… Ở hai bên “sân khấu” có lối ra vào giống như cánh gà, xung quanh là các nhũ đá với các hình thù khác nhau.

 

Phía ngoài vách hang có nhiều hoá thạch vỏ sò, vỏ ốc chứng minh đây là nơi sinh sống của người Việt cổ. Lẫn trong tầng hoá thạch có cả xương thú cháy và đá cát két được chế tác thành công cụ thuộc thời kỳ đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 5-7 nghìn năm.

 

Không chỉ có hang động đẹp, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị khảo cổ học, đến Bản Sen, du khách còn có thể tham quan các mô hình nuôi trồng hải sản như tu hài, hầu biển, ốc… trên hàng nghìn ha mặt nước. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức những đặc sản của địa phương như chè Vân, Cam Sen v.v.. Cam Sen của Bản Sen chín rộ vào dịp Tết, quả to như cam Bố Hạ, nhưng nhiều người khen rằng cam Sen ngon hơn. Khi bổ cam ra, nước cam giống như màu mật ong, ăn rất ngọt.

 

Cam Sen đã nhiều năm là niềm tự hào của người dân Bản Sen. Cam Sen có hương vị đặc trưng, không giống cam ở các địa phương khác là do nó được trồng ở những thung lũng đá vôi. Đến Bản Sen vào dịp Tết là đúng mùa cam chín rộ, chắc chắn du khách sẽ không lỡ bỏ qua cơ hội đi tham quan vườn cam và tự tay mình hái những quả cam để thưởng thức hương vị đặc trưng này.

 

Một điều khá thuận lợi nữa, khi đến Bản Sen, du khách có thể dễ dàng sang các xã Minh Châu, Quan Lạn, nơi đã phát triển dịch vụ du lịch từ nhiều năm nay với những bãi biển đẹp nổi tiếng, rừng châm nguyên sinh lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam.

 

Nếu bạn là một người ưa khám phá thì còn chần chừ gì nữa, hãy đến Bản Sen đi, chắn chắn chuyến đi này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều điều mới mẻ và vô cùng thú vị.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đi chợ phiên Bắc Hà

Chợ phiên Bắc Hà được coi là phiên chợ lớn nhất và giữ được nhiều nét văn hoá đặc trưng của người vùng cao tỉnh Lào Cai.

Nằm trong thị trấn Bắc Hà yên bình và thơ mộng của vùng đất cao nguyên nhấp nhô núi đồi, chợ phiên Bắc Hà diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần. Càng vào dịp cuối năm, phiên chợ càng đông đúc, tấp nập hơn.

Tiếng nói cười rộn rã, sự nhộn nhịp khuấy đảo cái không khí yên tĩnh thường ngày nơi đây. Những quầy hàng được bày ra, những bước chân vội vã, sau lưng là chồng gùi rau quả, thực phẩm v.v.. Rồi tiếng quát tháo trâu, bò ở khu chợ bán gia súc, tiếng mời chào đon đả ở sạp đồ trang sức… Ai nấy đều bận rộn với ngày đáng mong chờ nhất trong tuần.

Ở cuối chợ, khói bếp bốc lên nghi ngút thơm mùi bánh phở, thắng cố. Những người đàn ông ngồi túm tụm chuyện trò và cùng uống rượu. Người Bắc Hà thật cởi mở, hiếu khách, dễ làm quen. Dẫu biết chúng tôi là khách lạ từ dưới xuôi lên nhưng những người ngồi quanh bàn rượu vẫn tỏ ra rất vồn vã. Những chén rượu mời chào, những nắm lạc rang chúc may mắn. Một người đàn ông bốc nắm lạc rang cho tôi. Và khi tôi vui vẻ đưa bát ra nhận thì ông lắc đầu, ý muốn tôi phải xoè bàn tay ra… Mãi khi họ giải thích tôi mới hiểu, đây là tình cảm, là tấm lòng, nó phải được trao từ bàn tay đến bàn tay. Thêm một bài học về văn hoá ứng xử mà đôi khi trong nhịp sống hối hả ở chốn đô thành, ta đã vô tình bỏ qua.

Trong những chiếc váy sặc sỡ màu sắc, chiếc quần thô đen được thêu đường trang trí tinh xảo, lũ trẻ con đuổi bắt, chơi con quay v.v.. làm náo hoạt cả khu chợ.

Chợ phiên Bắc Hà được coi là khu chợ lớn nhất Tây Bắc, chợ được chia thành nhiều khu buôn bán khác nhau, gia súc, rau cỏ, quần áo, hàng thổ cẩm… Phiên chợ lúc nào cũng náo nhiệt, tấp nập. Tôi chọn một góc nhỏ, ngồi nhâm nhi chè San Tuyết, loại chè độc nhất vô nhị, đặc sản của Bắc Hà và thưởng thức món xôi bảy màu, hưởng thụ cái sự thanh bình, với những nét đẹp giản dị mà chỉ vùng cao mới có. Ngắm nhìn người đàn bà chồng gùi, người thanh niên vật lộn trói chân con lợn, đứa bé thong dong cưỡi ngựa… thấy cuộc sống thật êm đềm.

Gần trưa, chợ bắt đầu vãn, mọi người thu dẹp, tiếng nói cười ít dần. Lác đác vài người đàn bà đang ngồi bán nốt sạp hàng, người đàn ông trong men say đang ngồi thổi khèn. Sau cuộc trò chuyện với một em bé người Dao, tôi được chỉ đường lên bản Phố để ngắm toàn cảnh Bắc Hà. Lang thang chụp vài tấm ảnh, mua vài chiếc khăn thổ cẩm về làm quà, tham quan di tích nhà vua Mèo Hoàng A Tưởng, nhận ra Bắc Hà đang dần phát triển và thu hút rất nhiều du khách trong, ngoài nước…

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Rừng ngập mặn ở Hạ Long

Vừa qua, cùng chuyến công tác với cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ra ngoài Vịnh, tôi có dịp trở lại khu vực vụng Ba Cửa, hang Đầu Gỗ. Lâu lâu mới trở lại, tôi thấy thật mừng khi tận mắt chứng kiến quần thể rừng ngập mặn ở vụng Ba Cửa và trước cửa hang Đầu Gỗ đang phát triển xanh tốt.

Đây là hai địa điểm có quần thể rừng ngập mặn lớn nhất ven các đảo trong lòng Vịnh Hạ Long (không kể ven bờ). Những cây vẹt, sú, mắm… có cây cao trên dưới 2,5m khá nhiều.

Tại vụng Ba Cửa, quần thể rừng ngập mặn đã phát triển ven đảo dài hàng trăm mét, còn trước cửa hang Đầu Gỗ, rừng ngập mặn cũng đang ngày một phân bố rộng ra.

 

Quần thể rừng ngập mặn trước cửa hang Đầu Gỗ

 

Được biết, có kết quả trên là nhờ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn. Tại vụng Ba Cửa, Ban nghiêm cấm việc đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, không chỉ rừng ngập mặn mà các loài hải sản có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó là sự phối hợp, nỗ lực của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tỉnh Đoàn từ mấy năm trước đã tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn tại hai địa điểm trên. Một nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long làm việc tại hang Đầu Gỗ cho biết, rừng ngập mặn sinh sôi, gần đây ngư dân đã bắt được cua, ngán ngay trong rừng ngập mặn trước cửa hang – điều mà trước đây không bao giờ có được.

 

Chúng ta đã biết, bờ biển Quảng Ninh dài trên 250km với nhiều đoạn chia cắt, xen kẽ với các cửa sông là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các cây ngập mặn nói riêng, thực vật ngập nước nói chung. Rừng ngập mặn Quảng Ninh trải dài từ cửa sông Bạch Đằng (Quảng Yên) đến Trà Cổ (Móng Cái), với nhiều giống, loài cây ngập nước phong phú như vẹt, dù, mắm, sú, trang… Với Vịnh Hạ Long, rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Tuần Châu, Cửa Lục, đảo Đầu Gỗ, Chân Voi, vụng Cái Lân, khu vực giáp ranh Cát Bà và rải rác ven bờ.

 

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa sông ven biển, hạn chế tác động của gió bão; là “tấm lá chắn thiên nhiên” bảo vệ cuộc sống và sản xuất của ngư dân ven biển. Rừng ngập mặn là nơi cung cấp thức ăn dồi dào cho sự sinh trưởng và phát triển nhiều loài động, thực vật; nơi tránh trú, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật… Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn đóng vai trò tích cực trong việc xử lý môi trường, làm giảm hàm lượng kim loại nặng có trong nước thải nội địa đổ ra cửa sông ven biển, góp phần làm sạch môi trường. Các nhà khoa học đã xếp rừng ngập mặn là một trong 7 hệ sinh thái điển hình của hệ sinh thái đất ướt ở Vịnh Hạ Long; đã thống kê được rừng ngập mặn ở Hạ Long và vùng phụ cận là nơi sinh trưởng của 19 loài thực vật ngập mặn, gần 500 loài sinh vật, trong đó có 306 loài động vật đáy, 90 loài cá biển, 37 loài chim, 16 loài rong biển, 12 loài động vật có vú, 5 loài bò sát, 4 loài cỏ biển.

 

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, chung tay của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế và người dân, việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn đã được triển khai ở nhiều địa phương như TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái… mang lại những kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về ý nghĩa, vai trò của rừng ngập mặn để mà có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn môi trường bền vững. Tuy vậy, quá trình mở rộng đô thị, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng nhà máy xi măng… đã khiến cho không ít quần thể rừng ngập mặn bị mất đi. Tiêu biểu như vùng ven bờ ở Hoàng Tân (Quảng Yên), Đại Yên, Cửa Lục (TP Hạ Long)…

 

Hãy cùng chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, đó là một trong những hành động hữu ích để chúng ta ứng xử với Di sản – kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, giữ cho Hạ Long mãi xanh.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2013

Mặc dù kinh tế chung vẫn còn khó khăn nhưng du lịch Việt Nam trong năm qua vẫn có sức tăng trưởng đáng kể.

Sau đây là những những ấn tượng về ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam qua đánh giá của các chuyên gia và du khách nước ngoài trong năm 2013.

Ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2013

1. Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiềm năng phát triển du lịch thế giới

Đây là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến về xu hướng du lịch toàn cầu vừa được công bố tại Hội chợ du lịch diễn ra tại London.

2. Hà Nội lọt Top 10 điểm du lịch đang lên của thế giới

Trong số 10 điểm du lịch đang lên của thế giới do độc giả trang web du lịch danh tiếng TripAdvisor bình chọn, Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 8.

Hồ Gươm

3. Vịnh Hạ Long thuộc Top 10 đường bờ biển đẹp nhất thế giới

Báo điện tử hàng đầu của Mỹ Huffingtonpost đã bình chọn 10 đường bờ biển đẹp nhất thế giới, Vịnh Hạ Long của Việt Nam vinh dự lọt vào danh sách này.

Vẻ đẹp Hạ Long
 

4. Mai Châu, Hòa Bình lọt Top 10 địa điểm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị

Mai Châu, Hòa Bình lọt vào Top 10 địa điểm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị do tạp chí Business Insider công bố.

Mai Châu

5. Phố cổ Hội An lọt Top 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á

Phố cổ Hội An chiếm giữ vị trí Á quân trong bảng xếp hạng Top 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á do tạp chí Condé Nast Traveler (Mỹ) bình chọn.

Hội An
 

6. Địa đạo Củ Chi là 1 trong 12 điểm du lịch ngầm hấp dẫn nhất thế giới

Hệ thống phòng thủ trong lòng đất của huyện Củ Chi  đã lọt vào danh sách 12 điểm du lịch ngầm hấp dẫn nhất thế giới theo bình chọn của tờ CNN.

Địa đạo Củ Chi

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Đa dạng hệ sinh thái Vịnh Hạ Long – nguồn tài nguyên vô giá

Đa dạng sinh học là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn để duy trì cân bằng sinh thái cho cả khu vực, gồm toàn bộ các dạng sống được tạo nên từ trái đất.

Đa dạng sinh học luôn được thể hiện ở các cấp độ khác nhau như đa dạng gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Theo các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ở cấp độ hệ sinh thái, Vịnh Hạ Long có thể được chia làm hai hệ sinh thái lớn, đó là hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ.

 

Hệ sinh thái tùng, áng (phễu karst) là một hệ sinh thái đặc thù của vùng biển có các đảo đá vôi như Vịnh Hạ Long.

Đối với hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, các nhà khoa học đã thống kê được trên các đảo ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 507 loài, 351 chi thuộc 110 họ thực vật bậc cao, trong đó có 486 loài mộc lan, 17 loài dương xỉ và 20 loài thực vật ngập mặn; đối với động vật đã thống kê được 66 loài lưỡng cư và bò sát, 77 loài chim và 22 loài thú. Đặc biệt, các nhà khoa học Pháp (thời người Pháp còn chiếm đóng vùng than Quảng Ninh) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã phát hiện được 17 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Hạ Long như nhài Hạ Long, sung Hạ Long, khổ cừ Đại Nhung, tuế Hạ Long…

 

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới ở Hạ Long còn có đặc trưng bởi các kiểu rừng trên núi đá vôi. Các kiểu thảm thực vật và rừng này được chia làm 4 loại chính, mỗi loại có đặc thù riêng, gồm rừng ẩm mưa mùa trên núi đá, dạng cây bụi trên nền khô núi đá, rừng ngập mặn và thực vật ở hang động núi đá.

 

Đối với hệ sinh thái biển và ven bờ (gồm hệ sinh thái đất ướt và hệ sinh thái biển), các nhà khoa học đã thống kê được tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 571 loài động vật đáy, 419 loài sinh vật phù du, 181 loài  san hô, 156 loài cá, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn.

 

Đối với hệ sinh thái đất ướt, căn cứ theo đặc trưng môi trường sống của các loài, các nhà khoa học phân chia hệ sinh thái đất ướt ở Hạ Long gồm 6 dạng sinh thái cơ bản: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái bãi triều rạn đá quanh các đảo, hệ sinh thái bãi triều cát ven đảo, hệ sinh thái vùng triều thấp đáy mềm cửa sông, hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái tùng, áng.

 

Đối với hệ sinh thái biển gồm có thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du.

 

Trong những năm qua, với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, công tác quản lý, bảo tồn môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các giá trị và sự cần thiết phải bảo vệ, gìn giữ môi trường Vịnh Hạ Long được các cơ quan chức năng triển khai đến rộng rãi du khách, người dân và các doanh nghiệp hoạt động trên Vịnh và ven bờ Hạ Long; các hành vi vi phạm như đánh bắt hải sản trái quy định, đổ bùn thải xuống Vịnh… đều được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn đó các âu lo về môi trường sinh thái của Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm, đa dạng sinh học, thành phần loài động thực vật ở Hạ Long suy giảm. Nguyên nhân là nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt tại các đô thị ven bờ, từ các hoạt động khai thác, chế biến than đổ ra Vịnh mà chưa được kiểm soát triệt để. Bùn đất từ đầu nguồn theo các con sông, suối đổ ra Vịnh gây lắng đọng đáy Vịnh Hạ Long, ảnh hưởng đến môi trường sinh tồn của hệ san hô và các loài động vật đáy. Quá trình lấn biển, mở rộng đô thị đã làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn.

 

Do đó, theo các nhà khoa học, Di sản – Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long đã được bảo tồn tương đối tốt nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là đối với môi trường sinh thái. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm và sự chung tay của cả cộng đồng.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Bí ẩn đền tháp Champa

Đền tháp Champa (tiếng Chăm gọi là kalan) được xây dựng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XVII trên khắp vương quốc Champa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những đền tháp Champa vẫn sừng sững, đỏ rực như ngọn lửa apsara bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn vào cuối thế kỷ XVII

Tìm cách giải mã bí ẩn

GS-TS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định: “Ngay cả việc giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thế kỷ II – VI), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Tháp Phú Diên, Mỹ Khánh ở Huế thuộc giai đoạn này. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI – XVII), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây tháp Chăm trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải.

 

khu đền tháp Mỹ Sơn

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người mệnh danh là “họa sĩ Chăm” (hiện công tác trùng tu tại khu đền tháp Mỹ Sơn) cho biết, cách đây 20 năm, ông cùng kiến trúc sư Kazimiers Kiwatskowski (Ba Lan) phát hiện dấu tích vỏ trấu trong một viên gạch Chăm ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Phát hiện này khi đó được cho là ngẫu nhiên và không được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng rất có thể vỏ trấu là chất đốt cháy viên gạch mộc từ bên trong khi nung toàn khối. Quan điểm nung toàn khối do Leuba đề xướng năm 1923 với giả thuyết cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và dùng lửa đốt cháy cả khối vật liệu khổng lồ để xây dựng nên đền tháp Champa.

 

Về giả thuyết này, Th.S Nguyễn Hữu Thông nhận định: “Nung toàn khối là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 – 400°C. Tuy nhiên, giả sử muốn nung toàn khối thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 – 600°C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1.000°C. Và nếu nung ở lò nung, gạch cũng không thể chín đều như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò ga hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy, vì thông số co giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ”.

 

Theo ông Lê Việt Thắng, cán bộ Bảo tàng Mỹ Sơn (Quảng Nam) gần đây phát hiện ra một ký tự “Trần” (viết bằng chữ Hán) tại một ngôi tháp ở Mỹ Sơn. Theo ông, đây có thể là phút ngẫu hứng của một người thợ thủ công nhà Trần khi đang xây dựng tháp Chăm. “Việc nghiên cứu sự góp mặt của những thợ thủ công người Việt tại khu đền tháp Champa rất có thể mở ra một hướng tìm kiếm mới cho việc giải mã các bí ẩn đền tháp Champa”, ông Lê Việt Thắng phấn khởi cho biết.

Một giả thuyết mới

Th.S Nguyễn Hữu Thông có một kiến giải về kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa được dư luận và giới khoa học bàn luận khá sôi nổi. Ông cho rằng, việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ. “Như ngói lưu ly của nhà Nguyễn có sự tham gia của nghệ nhân Trung Quốc với vai trò thợ cả. Và sau này, khi họ về nước thì các xưởng ngói triều Nguyễn cũng bị suy tàn”, Th.S Nguyễn Hữu Thông cho biết.

 

Bởi theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, người Chăm không có truyền thống làm gạch: “Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao”.

 

Do đó, theo Th.S Nguyễn Hữu Thông, chỉ có một cách suy diễn: “Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Các thương nhân Ấn Độ lẫn Champa có lợi nhuận lớn. Do đó, họ đã góp sức “biếu” cho các tiểu quốc Champa những tòa tháp Ấn Độ giáo để lưu dấu vương quyền của các ông vua. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển mưu sinh”.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Bí ẩn trong các hang động

Vịnh Hạ Long – như có người ví giống như một cuốn “bách khoa thư mở” chứa đựng rất nhiều giá trị khoa học để cho du khách hay bất cứ ai có thể tìm hiểu. Bên cạnh vẻ đẹp của đá, nước và bầu trời, những truyền thuyết về lịch sử, tình yêu, những chiều hoàng hôn huyền diệu… ngay cả các góc khuất dày đặc bóng tối của các hang động ở Hạ Long cũng chứa đựng những bí ẩn hấp dẫn…

Vịnh Hạ Long có nhiều hang động. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Tổ chức bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI), khác với thiên nhiên bên ngoài, môi trường sống trong các hang động ở Vịnh Hạ Long rất ổn định, bóng tối bao trùm, độ ẩm cao.

 

Dế hang – một trong các “cư dân” chính của hang Hồ Động Tiên

 

Vì thiếu ánh sáng nên trong hang chủ yếu chỉ có động vật sinh sống. Những động vật sống trong hang không những phải thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên mà còn phải sống trong một môi trường khan hiếm thức ăn. Vì thế, số lượng các loài sinh vật cũng như số lượng cá thể của mỗi loài trong hang động thường rất nhỏ nếu so với bên ngoài hang. Căn cứ vào đặc điểm sống của chúng, các nhà khoa học của FFI đã chia các sinh vật trong hang thành ba nhóm cơ bản: “Dân bản địa” của hang động, những sinh vật ưa thích hang động và những “vị khách” của hang động.

 

Có dịp đến thăm hang Hồ Động Tiên, vào sâu trong hang, dùng đèn pin soi rất có thể du khách sẽ may mắn phát hiện ra một chú cua đỏ au hay 1 con rệp màu trắng. Đây chính là các “cư dân” thực thụ của hang động và bóng tối. Những cư dân này đã có quá trình tiến hoá đặc biệt để thích nghi với bóng tối, chúng không thể sống sót nếu ra khỏi hang. Rệp hang là một trong những “cư dân” phổ biến nhất trong hang động. Chúng có màu trắng sữa, không có mắt. Ở nơi khan hiếm thức ăn, mọi nỗ lực sinh tồn đều hướng vào việc kiếm ăn nên hầu hết các loài không có mắt hoặc có nhưng thoái hoá. Loài cua hang mình đỏ au, mắt đen và rất nhỏ nhưng chân khá dài có lẽ để thích hợp với việc bám vào các vách đá tìm thức ăn. Năm 2003, trong một lần nghiên cứu ở sâu trong hang Đúc Tiền trên đảo Vạn Giò, các nhà khoa học của FFI đã phát hiện loài cá bám đá thuộc phân họ Nemacheilinae, còn gọi là cá niết hang. Loài cá này không có mắt, chúng sử dụng đôi râu trước miệng để kiếm ăn. Cuối năm 2012, khi công bố phát hiện này, nhiều tờ báo dẫn lại từ website của FFI thông tin đây là loài cá chạch mù. Chưa rõ tên gọi nào đúng nhưng một điều chắc chắn, đó là một trong những “cư dân” đích thực của hang động trên Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, những động vật thích nghi hoàn toàn với cuộc sống trong hang động còn có tôm hang, những loài động vật đẳng túc, lưỡng túc và một số loại côn trùng.

 

Khác với những sinh vật thuộc nhóm “dân bản địa”, nhóm những loài ưa hang động có thể sống ở trong và cả ngoài hang. Khi cần thiết, chúng có thể ra khỏi hang để tìm thức ăn. Trong nhóm này có các loài giun đất, bọ hung, dế hang, ếch, kỳ nhông và một số loài giáp xác. Đáng kể là loài dế hang. Loài này không có cánh và có lưng gù. Chúng có hai càng rất dài và có thể nhảy rất xa. Dế hang có đôi râu rất dài, chúng thường sống ở nơi tối tăm, ẩm ướt trong các kẽ thạch nhũ. Thức ăn của chúng là những chất hữu cơ đang phân huỷ.

 

Nhóm là “khách” của hang là những loài sống tạm thời trong hang động. Dơi, tắc kè, bướm đêm là những “vị khách” điển hình cho nhóm này. Thông thường, các loài này thường lựa chọn hang động làm nơi ngủ đông và nuôi con hơn là tìm thức ăn do chúng ưa thích nền nhiệt độ ở đây.

 

Hiện nay, hầu hết các hang động ở Vịnh Hạ Long đều được đưa vào khai thác du lịch đón khách tham quan. Theo các nhà khoa học, lượng khách tập trung quá đông sẽ làm gia tăng nhiệt độ, lượng khí cacbonnic ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của các hang động. Ngay cả hang Hồ Động Tiên được coi là một “lớp học” chuyên về giáo dục cộng đồng về lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long không đưa vào khai thác du lịch nhưng môi trường tự nhiên cũng đã bị tác động đáng kể. Đó là điều cơ quan chức năng cần quan tâm.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Về Thanh Hóa thưởng thức những món bánh ngon

(TITC) – Nhắc đến đặc sản xứ Thanh, nhiều người thường nghĩ ngay đến món nem chua nổi tiếng, nhưng ít ai biết rằng, Thanh Hóa còn có những món ăn độc đáo, ngon miệng khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là các món bánh dân dã được làm từ gạo tẻ, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất này như: bánh khoái tép, bánh răng bừa và bánh cuốn.Món bánh thường được người dân Thanh Hóa giới thiệu đến bạn bè và du khách là bánh khoái tép.

 

Đây là món ăn chỉ có ở thành phố Thanh Hóa (phố Đào Duy Từ, Hàn Thuyên…) và một vài huyện lân cận. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay thành nước, rau cần, bắp cải và tép tươi.


Bột gạo được tráng lên chảo gang sâu lòng, sau đó cho rau cần cắt khúc nhỏ chừng 5cm, bắp cải thái sợi dài, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Một quả trứng gà đánh đều cho vào giữa chảo bánh sẽ cho ra một chiếc bánh vàng rộm, thơm ngậy. Cách chế biến đơn giản là vậy nhưng đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn của người làm, phải biết điều chế củi, lửa phù hợp để bánh không bị cháy, cũng không được mềm quá. Nước chấm chỉ cần nước mắm pha chanh ớt là đủ vị, thêm món dưa góp sẽ càng ngon miệng hơn. Vào ngày trời se lạnh, những quán bán bánh khoái tép thường rất đông khách. 3 đến 5 bếp củi liên tục đỏ lửa mới đủ phục vụ nhu cầu của khách.

 

Nếu đến Thanh Hóa vào những ngày Tết cổ truyền hay ngày lễ trong năm, bạn sẽ được thưởng thức món bánh răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) thơm lừng mùi hành mỡ.


Nguyên liệu để làm bánh răng bừa là gạo tẻ ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, sau đó pha nước cho vừa đủ. Bột làm bánh được đặt lên bếp, đun nhỏ lửa, dùng đũa khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục cũng không quá chín. Đến khi nồi bột gạo sền sệt thì bắc ra ngoài để nguội rồi dùng lá dong hoặc lá chuối tươi hơ qua lửa để gói bánh. Nhân bánh răng bừa gồm thịt ba chỉ, hành khô, mộc nhĩ băm nhỏ, trộn với hạt tiêu, gia vị vừa đủ rồi xào chín tới. Nếu làm bánh răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đỗ. Sau khi gói xong, những chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào nồi, đổ nước và luộc chín.

 

Bánh cuốn là món ăn có ở nhiều địa phương trong cả nước nhưng bánh cuốn xứ Thanh có mùi vị rất đặc trưng, không lẫn với bất cứ nơi nào. Bột làm bánh là gạo tẻ xay thành nước. Nhân bánh làm từ thịt nạc vai và tôm tươi đã bóc vỏ, băm thật nhỏ, ướp gia vị, xào chín tới; mộc nhĩ cũng được băm nhỏ, xào qua và để riêng; hành khô được xắt nhỏ, phi vàng rộm. Nước chấm là nước mắm ngon pha nhạt, thêm một chút chanh, hạt tiêu và vài lát ớt đỏ tươi tạo nên mùi vị chua cay thanh thanh rất đặc trưng. Nếu cho vào bát nước chấm một vài miếng chả viên nướng và một chút hành khô phi thơm sẽ tạo nên một bát nước chấm thơm ngon đặc biệt.

 

Dụng cụ làm bánh cuốn là một chiếc nồi đồng bịt vải màn, có chừa lại một khe nhỏ để thoát hơi nước, một chiếc muôi gỗ múc bột, một ống nứa nhỏ hoặc đũa cái được thoa mỡ để chống dính, một cái nong tre nhỏ lật ngược cũng được thoa mỡ để trải và cuốn bánh. Chủ quán nhanh tay múc một muôi bột, dùng chính cái muôi đó dàn bột thật đều trên lớp vải màn rồi đậy vung lại. 30 giây sau bánh chín, dùng ống nứa nhẹ nhàng lấy bánh ra trải rộng trên mặt nong, sau đó rải nhân, cuốn bánh, xếp vào đĩa, rắc hành lên trên. Cứ thế, từng chiếc bánh nóng hổi được làm ra, khéo léo đến từng chi tiết nhỏ.

 

Đối với mỗi người dân Thanh Hóa xa quê, những món bánh bình dị mà chan chứa tình thân luôn khiến trái tim nao lòng mỗi khi nhớ về quê hương, thôi thúc bước chân trở về quây quần với người thân bên căn bếp đỏ lửa. Đối với du khách, mỗi chiếc bánh sau khi thưởng thức đều để lại ấn tượng khó quên, khiến người ta muốn quay trở lại để thêm một lần được cảm nhận hương vị mặn mòi, ấm áp tình người của mảnh đất cửa ngõ miền Trung này.

 

Phạm Phương

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT