Đón đầu cơ hội việc làm quốc tế khi học CNTT tại New Zealand

0
Đón đầu cơ hội việc làm quốc tế khi học CNTT tại New Zealand

Du học New Zealand là lựa chọn lý tưởng cho những người trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

hoc CNTT tai New Zealand,  To chuc ENZ anh 1

New Zealand sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi liên tục trở thành điểm đến đầu tư của những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Amazon và Microsoft. Vài năm trở lại đây, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của New Zealand tăng mạnh, mở ra cơ hội phát triển sự nghiệp cho sinh viên ngành này.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành CNTT

Trong bối cảnh cách mạng 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, CNTT đi sâu vào mọi lĩnh vực với các hướng phát triển riêng biệt như AI (trí tuệ nhân tạo), Edge computing (điện toán biên), Quantum computing (máy tính lượng tử), VR/AR (thực tế ảo/công nghệ thực tế tăng cường), Blockchain (chuỗi khối), IoT (Internet vạn vật), 5G (thế hệ mạng di động thứ 5), Cyber security (an ninh mạng)…

Tại Việt Nam, doanh thu dịch vụ CNTT năm 2021 lên đến hơn 1,18 tỷ USD và dự kiến cán mốc 1,43 tỷ USD vào năm 2025 (theo công ty dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista, Đức). Trong báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin thập niên 2010-2020, VietnamWorks ghi nhận nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần sau một thập kỷ. Có thể nói, triển vọng phát triển sự nghiệp trong nhóm ngành này rất lớn, nhất là khi xu hướng trao đổi mậu dịch quốc tế hậu Covid-19 được tăng cường.

Vốn là lĩnh vực mang hàm lượng kỹ thuật cao, CNTT cần nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản và có chuyên môn tốt. Để nắm bắt cơ hội trong nhóm ngành này, người trẻ cần lựa chọn môi trường học tập có chương trình đào tạo đón đầu xu thế tương lai, đồng thời nỗ lực trau dồi kỹ năng và chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu đơn vị tuyển dụng.

Trên thế giới, New Zealand là điểm đến học tập lý tưởng với người trẻ yêu thích nhóm ngành CNTT. Trong những năm gần đây, Chính phủ New Zealand nỗ lực cải cách chương trình đào tạo để thích nghi với tốc độ phát triển CNTT của thị trường nội địa và quốc tế. Nhất là trong bối cảnh CNTT trở thành lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ 3 của xứ kiwi (chiếm đến 8% GDP).

Những ưu thế khi học ngành CNTT tại New Zealand

Theo thống kê nửa đầu năm 2019 của Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), số lượng du học sinh Việt tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó CNTT là một trong ba ngành được nhiều sinh viên lựa chọn nhất. Lộ trình học đa dạng, chương trình giảng dạy giàu tính ứng dụng và chính sách việc làm rộng mở là 3 yếu tố chính để du học sinh chọn New Zealand.

Đầu tiên, chương trình đào tạo CNTT tại xứ kiwi có đa dạng lộ trình. Tùy vào khả năng, nguyện vọng nghề nghiệp và thời gian muốn hoàn thành, người học thể chọn trở thành Professional Engineer (kỹ sư chuyên nghiệp – 4 năm học); Engineering Technologist (chuyên gia kỹ thuật – 3 năm học) hoặc Engineering Technician (kỹ thuật viên công nghệ – 2 năm học).

Một ưu điểm khác là chương trình học nhóm ngành CNTT có tính ứng dụng cao, đơn cử như chương trình Cử nhân Khoa học Máy tính và Thông tin (BCIS) tại Đại học Công nghệ Auckland (AUT). Ưu điểm lớn nhất của chương trình học là tạo điều kiện để sinh viên ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp đối mặt.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người học, trường có đội ngũ chuyên về hợp tác dự án doanh nghiệp. Đội ngũ này liên hệ và khuyến khích doanh nghiệp lĩnh vực CNTT cung cấp các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) trong vòng một năm cho sinh viên năm cuối của trường.

Bên cạnh chú trọng thực hành, chương trình đào tạo của New Zealand có sự cân bằng giữa kiến thức chuyên ngành với kỹ năng và tri thức đa ngành. Sinh viên được khuyến khích theo học môn tự chọn thuộc các lĩnh vực liên quan khác như 3D Visualization (Mô phỏng 3D), Creative Entrepreneurship (Khởi nghiệp sáng tạo),…

Ngoài ra, học phần về kỹ năng mềm cũng được tích hợp trong lộ trình học chính thức. Với chương trình cử nhân CNTT của ĐH Auckland, sinh viên được rèn luyện khả năng giao tiếp và hợp tác nhiều đối tượng, thông qua môn học Professional Skills and Communication (Tính chuyên nghiệp và giao tiếp). Ngoài ra, môn học Managing a Business (Quản lý doanh nghiệp) giúp sinh viên trang bị khả năng tư duy hệ thống và giải quyết vấn đề…

Một ưu điểm lớn của chương trình đào tạo New Zealand là kết hợp nhiều hình thức học tập để tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy và tạo hứng thú cho sinh viên. Có thể kể đến phương pháp học tập chủ động, học tập tương tác, học qua truy vấn, thử thách, học qua dự án…

hoc CNTT tai New Zealand,  To chuc ENZ anh 5

Anh Hoàng Minh – Giảng viên ĐH Công nghệ Auckland (AUT) – trong giờ đứng lớp.

Cuối cùng New Zealand là quốc gia có chính sách việc làm rộng mở đối với ngành CNTT. Theo đó, sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp được cấp visa làm việc lên đến 3 năm.

Anh Hoàng Minh – Giảng viên ĐH Công nghệ Auckland (AUT) – nhận định nhờ chương trình đào tạo bắt kịp xu hướng, đồng thời tạo điều kiện cho người học cọ xát thực tế từ sớm nên sinh viên New Zealand được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bằng chứng là 94% sinh viên theo học chương trình BCIS của AUT có việc làm trả lương trong 6 tháng sau tốt nghiệp.

Anh chia sẻ thêm về trường hợp của sinh viên Phạm Hồng Phúc. Khi được giảng viên giới thiệu với Hectre – công ty phát triển các ứng dụng công nghệ cho ngành trồng cây ăn quả – Phúc được tham gia dự án và sáng tạo phần mềm đếm táo trong thùng tại nông trại trên điện thoại thông minh.

Dự án được đưa vào thử nghiệm và vận hành trơn tru, góp phần giúp Hectre lọt vào vòng chung kết “Giải thưởng Công nghệ của New Zealand năm 2021”. Sau thành công, Phúc trở thành Kỹ sư máy cao cấp của Hectre và có sự nghiệp rộng mở.

Hiện, CNTT là một trong những ngành khát nhân lực tại New Zealand. Theo ghi nhận của quốc gia này, thị trường hiện có 20.000 công ty lớn nhỏ với nhu cầu nhân sự hơn 114.000 người. Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được chào đón và tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp lâu dài tại xứ kiwi.

Nguồn: News.zing.vn