CNN đã thực hiện cuộc điều tra gây chấn động liên quan đến hàng chục triệu găng tay y tế đã qua sử dụng ở Thái Lan, song đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Những túi rác chứa đầy găng tay y tế đã qua sử dụng, một số còn dính đất và thậm chí dính máu, nằm rải rác trên sàn của một nhà kho ở ngoại ô Bangkok, CNN mô tả. Giới chức Thái Lan cho biết khi cơ quan y tế đột kích cơ sở này vào tháng 12/2020, những lao động nhập cư đã cố gắng làm cho đôi găng tay trông như mới.
Rất nhiều kho hàng như vậy vẫn đang hoạt động ở Thái Lan. Những người chủ cố gắng thu lợi nhuận từ nhu cầu bùng nổ của găng tay y tế nitrile trong đại dịch.
Theo đó, những kho hàng này đang “phù phép” hàng triệu găng tay dưới tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ và các nước trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của CNN đã phát hiện ra rằng hàng chục triệu găng tay nitrile đã qua sử dụng được vận chuyển đến Mỹ, theo hồ sơ nhập khẩu và các nhà phân phối đã mua găng tay. Song đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Chuyên gia Douglas Stein nói với CNN rằng găng tay nitrile là “mặt hàng nguy hiểm nhất trên thế giới hiện tại”.
Nhu cầu tăng vọt trong đại dịch
Giới chức Mỹ đã vất vả xử lý hành vi buôn bán bất hợp pháp găng tay.
Vào đầu năm 2020, nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tăng vọt, và giá găng tay nitrile vẫn ở mức cao. Găng tay này thường được các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng khi thăm khám cho bệnh nhân.
Chính phủ và hệ thống bệnh viện đã tranh giành nhau để có đủ găng tay. Hàng chục công ty muốn thu lợi nhanh chóng đã nhìn thấy cơ hội mở ra trước mắt.
Lô găng tay bẩn tại một nhà kho ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: CNN. |
Cuối năm ngoái, Tarek Kirschen, một doanh nhân tại Miami, đã đặt lô găng tay trị giá khoảng 2 triệu USD từ công ty Paddy the Room có trụ sở ở Thái Lan, sau đó bán lại cho một nhà phân phối Mỹ.
Sau khi tận mắt chứng kiến lô hàng, ông Kirschen cho biết: “Nhiều găng tay trong số đó vẫn còn vấy bẩn, bị dính máu, hoặc có những dấu vết của những ngày cách đây hai năm… Tôi không thể tin vào mắt mình”.
Sau đó, ông đã hoàn tiền cho khách hàng, tiêu hủy lô hàng, và thông báo cho FDA vào tháng 2. Ông cho biết không có găng tay nào trong lô hàng ông đặt được sử dụng tại các cơ sở y tế, nhưng phân tích của CNN cho thấy các nhà phân phối khác của Mỹ đã mua gần 200 triệu găng tay từ Paddy the Room trong đại dịch.
Ông Stein đã theo dõi rất nhiều vụ gian lận và lừa đảo trên khắp Đông Nam Á kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông thường xuyên thuyết phục mọi người nên cảnh giác trước những giao dịch “hời đến mức khó tin”.
Louis Ziskin, một doanh nhân Mỹ đã mua lô găng tay, cho biết công ty ông có rất nhiều khách hàng cần đến mặt hàng này.
Công ty AirQueen của ông đã đặt lô hàng trị giá 2,7 triệu USD từ Paddy the Room, thông qua một bên thứ ba cũng có trụ sở tại châu Á.
Có lẽ đây là một chiêu trò lừa đảo tinh vi. Paddy the Room đã gửi cho ông Ziskin các báo cáo kiểm tra độc lập nhằm mục đích cho thấy găng tay của họ có chất lượng cao. Tuy nhiên, đó là các tài liệu giả mạo.
Những găng tay dưới chuẩn được nhập khẩu vào Mỹ cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ việc tạm đình chỉ các quy định nhập khẩu của FDA. Trong một tuyên bố, FDA Mỹ cho biết các công ty được phép nhập khẩu với các quy định nới lỏng, “miễn là găng tay phù hợp với các tiêu chuẩn đồng thuận và dán nhãn theo hướng dẫn”.
Song có rất ít cuộc kiểm tra thực tế đối với găng tay hoặc bất kỳ mặt hàng nào khác khi đến các cảng của Mỹ. Do đó, nhiều lô găng tay y tế giả hoặc bị nhiễm bẩn sẽ không được phát hiện chỉ khi chúng được đưa đến nơi sử dụng.
Vụ gian lận hàng tỷ USD
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA Thái Lan) đã phải chật vật ngăn chặn nạn buôn bán gian lận găng tay nitrile. Khi các nhân viên của họ đột kích lần đầu tiên vào Paddy the Room vào tháng 12/2020, họ tìm thấy rất nhiều găng tay với màu sắc và chất lượng khác nhau.
Công nhân tại nhà kho đang nhét găng tay cũ vào một hộp mới mang nhãn hiệu SriTrang – một nhà sản xuất găng tay hợp pháp và nổi tiếng ở Thái Lan.
Những chiếc găng tay được nhập khẩu vào Mỹ từ Paddy the Room. Ảnh: CNN. |
Cuộc đột kích đó cũng không khiến Paddy the Room phải đóng cửa. Phó tổng thư ký FDA Thái Lan Supattra Boonserm nói với CNN rằng vài tháng sau đó, họ đã đột kích vào một cơ sở tương tự.
“Họ chỉ chuyển đến một địa điểm khác, đến một nhà kho khác. Đó là do nhu cầu về găng tay vẫn còn cao, vẫn có những khách hàng đang chờ đợi”, bà cho biết.
FDA Thái Lan cho biết họ đã thực hiện ít nhất 10 cuộc truy quét trong những tháng gần đây, thu giữ găng tay không đạt tiêu chuẩn, và đã qua sử dụng được đóng gói lại vào hộp nitrile giả.
FDA Thái Lan cho rằng có một mạng lưới các cá nhân và công ty tham nhũng ở Thái Lan đang phối hợp với nhau để trục lợi từ nhu cầu cao về găng tay nitrile trên toàn thế giới, bà Boonserm cho biết.
Mức độ gian lận trong ngành công nghiệp găng tay y tế đã khiến nhiều khách hàng quốc tế phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để thu lại tiền của họ.
Louis Ziskin quyết định đến Thái Lan trong nỗ lực giành lại khoản tiền 2,7 triệu USD bị mất cho công ty của mình, nhưng mọi thứ nhanh chóng diễn ra không như ý muốn.
Vào ngày 27/7, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) thu giữ 70.000 hộp găng tay tại kho hàng của ông Ziskin để làm bằng chứng trong cuộc điều tra đối với Paddy the Room.
Bên cạnh đó, một ẩn số lớn là việc có bao nhiêu găng tay nitrile dưới tiêu chuẩn nữa có thể được chất trong kho tại các cảng của Mỹ. Ông Doug Stein tin rằng vụ gian lận có thể lên tới hàng tỷ USD.
Ông nói: “Nó đã trở thành một thế giới ngầm tăm tối, nơi sự sợ hãi gặp phải lòng tham”.
Nguồn: News.zing.vn