Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Quảng Ninh: Móng Cái bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu làng người Dao

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn TP Móng Cái giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt được một số kết quả bước đầu.


Người dân xã Hải Sơn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao Thanh Y. Ảnh: Trần Tương (Trung tâm TTVH TP Móng Cái)

Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).

Sau gần 2 năm triển khai kế hoạch, TP Móng Cái đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt là các loại hình trình diễn dân gian, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá được thành phố quan tâm triển khai thực hiện, trong đó đã thực hiện kiểm kê, lưu giữ tư liệu đối với trên 10 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS, miền núi; duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả đối với 2 CLB văn nghệ dân gian: Hát đối của dân tộc Dao Thanh Y, Hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ xã Hải Sơn; thực hiện truyền dạy các loại hình trình diễn dân gian cho thế hệ trẻ biết và thực hành được các di sản văn hoá của dân tộc mình. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian khác: lễ cấp sắc, lễ xuống đồng, các trò chơi dân gian: đẩy gậy, ném còn… được quan tâm bảo tồn và gìn giữ. Hoàn thành việc đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; đang hoàn thiện hồ sơ để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đối với trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán; Lễ mừng cơm mới của người Tày…

Móng Cái tập trung xây dựng cảnh quan môi trường đảm bảo đặc trưng truyền thống của làng dân tộc Dao gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thông qua việc chỉnh trang xóm họ Đặng; xây dựng hệ thống tường rào, tô vẽ lại tranh tường của các ngôi nhà, xây dựng các tuyến đường hoa, vườn hoa tại thôn Pò Hèn, tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường phục vụ khách du lịch tham quan, chụp ảnh đã được thực hiện tốt. Nhóm nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, đối với di sản văn hoá vật thể: Đã hoàn thiện xếp hạng cấp Quốc gia Khu di tích lịch sử Pò Hèn, xã Hải Sơn; tổ chức các chương trình ngoại khoá, tìm hiểu về các di sản văn hoá cho học sinh, đoàn viên thanh niên thuộc các cấp trường học trên địa bàn thành phố, từ năm 2024 đến nay, thu hút trên 150.000 lượt du khách đến tham quan, dâng hương tại di tích.

Người dân và du khách đến tham gia Chợ phiên Pò Hèn.

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nhân dân thôn Pò Hèn thực hiện mặc trang phục dân tộc truyền thống trong sinh hoạt thường ngày, trong lao động sản xuất. Vận động 100% người dân trong thôn Pò Hèn thực hiện mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, Tết, khi tham gia các hoạt động lễ hội, ngày hội truyền thống và các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương và của thôn; cán bộ xã, thôn là người DTTS thực hiện mặc trang phục của dân tộc mình 2 ngày/tuần.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi được thành phố đặc biệt quan tâm. Từ năm 2023 đến nay, thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị sở ngành đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 117 người (Kỹ thuật chế biến món ăn: 20 lao động; điều khiển phương tiện thủy nội địa: 62 lao động; lớp sửa chữa máy nông cụ: 35 lao động; lớp tiếng Trung thương mại: 35 lao động). Mở các lớp tập huấn áp dụng kiến thức KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt, du lịch cho trên 300 người: (Lớp dạy nấu ăn; lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ sâu bệnh; 1 lớp dạy trồng cây ăn quả; lớp tập huấn kiến thức nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho 188 người, trong đó có 30 người xã Hải Sơn…). Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, đưa vào sử dụng đường Tỉnh lộ 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh – giai đoạn 2; Xây dựng tuyến đường từ xã Hải Tiến – Hồ Tràng Vinh đến trạm Biên phòng Pò Hèn – xã Hải Sơn nhằm mục tiêu tạo hệ thống giao thông liên hoàn khu vực vùng biên và kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch trong vùng; thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho công tác tổ chức sắp xếp di dân ra vùng kinh tế lõm, vùng trắng sát biên giới để định canh, định cư.

Trung Thành

 

Nguồn: Dulichvn

Đặc sắc món nem của người Việt

Trước hết, tôi cần một quan niệm chung để có một định nghĩa tương đối về nem để khỏi nhầm lẫn. Nem, theo quan niệm của người Thanh, Nghệ, Khu Bốn là thứ thịt tái chín được trộn thính để lên men. Bởi thế giới của nem thì nhiều lắm mà có lẽ tôi chỉ thành thạo khu vực miền Bắc với những loại nổi tiếng như nem Phùng Đan Phượng, nem nắm Giao Thuỷ Nam Định, nem Bùi Bắc Ninh, nem An Thọ Hải Phòng…


Nguyên liệu làm nem không phải thứ cao cấp mà chủ yếu là bì lợn. Bì lợn xưa thì khá quý vì nó là thứ hiếm gần bằng với thịt, giờ thì bì chẳng còn được mấy ưa chuộng. Ở các hàng thịt, bì thường được lọc riêng ra và người ta không quan tâm lắm đến phần phụ này nhưng với món nem thì bì là nguyên liệu chính, vừa dễ ăn, vừa không béo quá, vị dai dẻo, ăn rất lâu ngán.

Thói thường những thứ ngon bổ béo nhất chưa chắc người ta đã thích, ví như thịt nạc, nhiều người không khoái vì chê nó khô, cứng. Mẹ tôi cái ngày còn trẻ và không bị các bệnh như tiểu đường, mỡ máu hành hạ, bà ưa ăn thịt mỡ lắm. Bà bảo, miếng mỡ nó ngọt như đường phèn ấy. Đúng thật miếng thịt mà có cả nạc, cả mỡ, kho kĩ một chút ăn cùng với cơm thì tan trong miệng như một lát kem, vừa ngọt vừa mềm. Bì lợn thì có độ dai và dẻo đặc trưng, nhìn cái miếng bì được nấu kĩ, trong vắt, ngấm nghía đủ thứ, ngắm thôi đã thấy khoái rồi.

Bì lợn trong món nem Phùng được thái sợi nhỏ đều như miến. Thính vừa độ ẩm và thơm là điểm độc đáo của nem Phùng. Đó là thứ nem tơi, rời bung ra chứ không ép lại thành nắm. Nem Phùng ngon thì đích thị phải mua ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phương quê hương nhà thơ Quang Dũng ăn mới đã. Bởi sao, bởi đó là thứ nem mới, đôi khi có khách mua thì nhà hàng mới trộn nem. Lá sung thì non, to bản vì gần thị trấn Phùng có những nhà trồng sung gần sông Tích Giang chuyên bán lá nên ăn sướng lắm. Lá sung tươi non quanh năm, gói miếng nem vào đó ăn kèm thì thấy đủ vị chát của lá, vị dai của bì, ngọt của thịt và thơm của thính. Chứ cũng gọi là nem Phùng mà bán trong nội thành Hà Nội để tủ lạnh mấy ngày thì vị tươi đã giảm đi mà cũng không sao kiếm được thứ lá sung thượng hạng nữa. Nem Phùng mà không có lá sung tươi non ăn cùng thì vị ngon đã mất đi tương đối. Bởi thế người địa phương mới có câu ca:

“Nem Phùng ăn với lá sung

Để người tứ xứ nhớ nhung suốt đời.”

Vài năm gần đây, Hà Nội có những hàng nem ở nơi khác mang về. Nem Giao Thuỷ, Nam Định là một món có tiếng. Nem Giao Thuỷ thì nắm thành cuộn tròn như nắm tay trẻ con, khi ăn mới bóp nhẹ cho tơi ra. Để ép lại được thành cuộn thì nem phải ướt hơn một chút vì thế nem Giao Thuỷ thính ướt và sợi bì thái to hơn nem Phùng. Tôi cũng thích ăn thứ nem Giao Thuỷ vì nó mềm ngọt, dễ ăn, có đủ tỏi ớt, cũng ăn kèm lá sung, lá mơ hoặc đinh lăng. Người Nam Định đã mang thứ nem này đi nhiều nơi và bán khắp các ngõ ngách Hà Nội nhưng một hàng nem tôi thích nhất thì ở gần chợ Diễn. Cô gái trẻ quê Nam Định làm nem rất khéo, không những nắm nem đã rất ngon mà còn đẹp mắt bởi cô khéo tay thái, sợi bì mỏng tang như lá lúa, trong vắt, to gần bằng ngón tay út được quấn loè xoè, bung ra như một bông hoa trông rất mê mắt. Món ăn dân dã, lại được làm bởi một người con gái có tinh thần duy mĩ rất cao, nhìn đã thấy ngon và thích rồi. Nhưng tiếc rằng vài năm gần đây, tôi quay lại chợ Diễn mà không thấy cô hàng nem đâu nữa. Cô đã lấy chồng hay chuyển nghề khác? Dù người ta vẫn bán nem kiểu Giao Thuỷ nhưng không tìm đâu thấy nắm nem với những sợi bì bung vương như một bông hoa nữa. Thế mới biết, món đã ngon nhưng người làm hàng hào hoa phong nhã thì khách ăn nem còn lưu luyến mãi…

Thứ nem có xuất xứ từ An Lão, Hải Phòng thì có phong cách khác. Đây không phải là phong cách nem trộn thính nhiều như nem Phùng, nem Giao Thuỷ mà gần gũi với kiểu nem Thanh Hoá hơn. Sự khác biệt của nem Hải Phòng với nem Thanh Hoá là nem Hải Phòng không cuốn lại hình dài mà để tơi, thường gói thành hình chữ nhật. Cũng là thứ bì được thái nhỏ, sợi trong suốt trộn với thịt nạc bọc kín cho lên men màu đỏ hồng hồng rất đẹp mắt. Nem Hải Phòng không cho nhiều tỏi ớt như nem Thanh Hoá. Thứ nem từ thành phố Cảng này kèm với lá sắn thuyền nên có vị rất riêng. Sắn thuyền là loài thân gỗ, có nhiều công dụng. Lá sắn thuyền có thể chữa đươc những bệnh thông thường vì khả năng diệt khuẩn cao. Người ta bẻ những cành lá sắn thuyền nhỏ để ăn cùng nem. Cứ một miếng nem lại bứt một vài lá sắn thuyền ăn cùng, vị lá hơi chát, giòn giòn, thơm thơm hợp với miếng nem hơi chua, man mát. Động tác rứt từng lá ăn ghém có cái khoái thú riêng và hình như ở vùng nào người ta cũng tìm ra một thứ lá đặc biệt để làm rau sống. Như tôi đã rất ngạc nhiên khi vào Cao Lãnh, Đồng Tháp thấy người dân ăn từng đụm lá bằng lăng non với bánh xèo. Cái cảm giác ăn món lạ cộng với thứ lá đặc trưng khiến mùi vị trở nên đặc biệt. Với nem An Lão, Hải Phòng thì ăn khi nem vừa hơi chín men là hợp hơn cả vì nem bời bời ra trông thích mắt và mát ruột chứ để nem chín kĩ một chút, món hơi đanh lại, chua giống nem Thanh Hoá.

Một phong cách nem thính khá đặc trưng nữa là nem Bùi, Bắc Ninh. Thứ nem này khác với nem Phùng là tính ướt hơn. Nếu như nem Phùng gần như chỉ toàn bì thì thứ nem vùng Kinh Bắc có cả mỡ và thịt. Nem Bùi được ép thành gói vuông, có đủ cả nạc, bì, mỡ, thính, gói nem có vẻ giàu dinh dưỡng hơn các loại khác. Nếu nem Phùng vị tơi thanh thanh, nem Giao Thuỷ vị ngọt ươn ướt, nem An Lão vị mát hơi chua thì nem Bùi vị đậm, màu mỡ. Nem Bùi ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng và vùng quê Kinh Bắc thì chưa bao giờ hiếm những cây sung nên loại lá ăn ghém này bao giờ cũng được gói hào phóng theo những gói nem. Nem Bùi được bao bọc bởi những lá sung tươi non, mở ra đã thấy hứa hẹn một món quà quê giàu đạm, cộng hưởng với thứ lá chát vừa miệng và cân bằng, ăn đến no được.

Còn một thứ nem nữa, nổi tiếng từ lâu và có lẽ ai ai cũng biết đó là nem chua Thanh Hoá. Nem vùng xứ Thanh gói thành hình thuôn dài như ngón tay cái hoặc to hơn. Tầu xe chạy qua vùng này, hành khách xuống uống nước, nghỉ chân hầu như ai cũng mua một hai chục nem về làm quà cho gia đình, bạn bè. Nem Thanh Hoá chỉ ăn khi vị đã chua, nem được gói chặt tay, có sẵn tỏi, ớt kèm một miếng lá ổi nho nhỏ. Vị chủ đạo của món ăn là bì và thịt, nguyên liệu gần giống với nem Hải Phòng. Bóc lớp lá chuối bên ngoài ra sẽ nhìn thấy một miếng nem màu hồng xinh xinh, chấm với tương ớt, nước mắm tuỳ khẩu vị. Không giống với các loại nem khác, những quả nem Thanh Hoá không gói kèm rau gia vị, thực khách sẽ được thưởng thức một thứ nem thuần tuý và người ta có thể chế biến ra các kiểu khác như nướng hoặc rán để cho ra những mùi vị mới.

Còn rất nhiều loại nem nữa mà tôi chưa được ăn, hầu như vùng nào của nước Việt cũng có những loại nem đặc trưng và người Việt dường như rất thích những món quà quê dân dã này. Khi tôi có ý định viết về nem, có người bạn bảo tôi, anh đã ăn nem Đông Anh, Hà Nội chưa. Bạn khác thì bảo Thanh Hoá không chỉ có nem chua mà còn nem thính, nem nướng cũng rất ngon, ở Thái Bình thì có nem Thái Thuỵ. Và còn những vùng đất rất xa ở miền Trung, miền Nam, có nhiều món nem nổi tiếng mà tôi mới nghe tên, chưa có dịp thưởng thức như nem chợ Sãi ở Quảng Trị, nem chợ Huyện ở Bình Định, nem Thủ Đức ở Sài Gòn, nem Lai Vung ở Đồng Tháp… Nếu dành một quãng thời gian chỉ để ăn các món nem, có khi phải cả tháng trời mới hết, mà vùng miền nào món nem cũng có những đặc sắc, hương vị riêng.

Cái món giản dị và đặc trưng của người Việt mình thì ăn mãi không biết chán, kể mãi mà vẫn nhớ nhung… Và hình như cái gì càng mộc mạc, càng thân thiện thì luôn có sức sống lâu bền?

Uông Triều

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Giang: Xín Mần phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Thôn Suôi Thầu thuộc thị trấn Cốc Pài là điểm du lịch tiềm năng với những lợi thế độc đáo về cảnh quan, văn hóa và lễ hội truyền thống. Thảo nguyên Suôi thầu là một vùng đất rộng lớn, khá bằng phẳng và khí hậu trong lành. Để phát triển du lịch bền vững, huyện Xín Mần đã xây dựng quy hoạch vùng thảo nguyên hiện có 96 ha và đề xuất quy hoạch lên đến hơn 400 ha bao gồm địa phận thôn Suôi Thầu và một phần của thôn La Chí Chải (xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, Hà Giang).


Lễ hội Đình Mường xã Khuôn Lùng được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm.

Đến Suôi Thầu vào mùa Xuân, trên không gian mênh mông ngập tràn những loài hoa đua nhau nở tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh giữ được vẻ đẹp hoang sơ, một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch của Xín Mần là duy trì và tổ chức các lễ hội truyền thống. Trong những lễ hội đã tổ chức Lễ hội Gầu Tào của người Mông thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm. Lễ hội Gầu Tào ở Suôi Thầu năm 2025 với nhiều hoạt động du Xuân, trò chơi dân gian thu hút rất nhiều du khách, với số lượt khách lên tới 23 nghìn người trong dịp Tết Nguyên đán. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Xín Mần Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Ngoài Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông còn có Lễ hội Đình Mường ở xã Khuôn Lùng, Lễ hội dân tộc Nùng… Hoạt động này không chỉ bảo tồn, gìn giữ nét truyền thống dân tộc mà còn mở ra những cơ hội phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Du khách du Xuân tại Thảo nguyên Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, Hà Giang).

Để phát triển du lịch bền vững, huyện Xín Mần đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong việc xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Các homestay mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Mông, Nùng, Dao được đầu tư để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa một cách chân thực nhất. Bên cạnh đó, tỉnh và địa phương cũng đang quan tâm, tăng cường đầu tư vào hạ tầng du lịch, cải thiện giao thông để thu hút thêm nhiều du khách. Điển hình như tuyến đường Tỉnh lộ ĐT.178 nối từ huyện Quang Bình đi thị trấn Cốc Pài và Tỉnh lộ ĐT.177 từ ngã tư Tân Quang (Bắc Quang) vào Hoàng Su Phì đang trong quá trình mở rộng, nâng cấp. Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển du lịch tại Suôi Thầu, huyện Xín Mần tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến đường bê tông, mở rộng lòng đường tuyến thị trấn Cốc Pài lên đến Thảo nguyên Suôi Thầu. Tuyến đường được hoàn thành tạo điều kiện giao thông đi lại cho Nhân dân và khách du lịch, đồng thời mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho Suôi Thầu.

Sự kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ giúp Xín Mần phát triển kinh tế bền vững mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, tạo nên sức hút riêng biệt cho du lịch vùng đất phía Tây của tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Long

 

Nguồn: Dulichvn

Sóc Trăng: Lễ hội Chrôi Rum Chếk trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Ban Tổ chức Lễ hội Chrôi Rum Chếk năm 2025, UBND thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Tối 12/3, UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc lễ hội Chrôi Rum Chếk (Lễ hội Phước Biển) của đồng bào Khmer tại địa phương.

Lễ hội Chrôi Rum Chếk thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, đã hình thành từ rất lâu đời. Lễ hội thường được diễn ra vào giữa tháng 2 âm lịch hằng năm với ý nghĩa để cầu an cho người đi biển được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt nhiều hải sản và tạ ơn biển cả đã ban cho con người tôm cá dồi dào.

Ban Tổ chức lễ hội đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Chrôi Rum Chếk.

Năm nay, lễ hội diễn ra trong hai ngày 12 và 13/3 với các hoạt động, như lễ rước tượng Phật, lễ chào Phật kỳ, lễ An vị Phật, lễ Tam bảo, lễ Cầu siêu, lễ Đặt bath, lễ cúng tế biển. Diễn ra song song với những nghi lễ này là phần hội với nhiều trò chơi thể thao, văn hóa văn nghệ giàu tính truyền thống dân tộc.

Những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, Lễ hội Phước Biển Vĩnh Châu không ngừng được cải thiện, nâng tầm cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút đông đảo bà con tham dự, tạo thành “sợi dây” liên kết thắt chặt tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa 3 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa đang sống trên vùng đất xứ biển này.

Đông đảo người dân đến tham gia lễ hội.

Lễ hội còn góp phần rất quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực du lịch, thương mại của thị xã Vĩnh Châu.

Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức Lễ hội Chrôi Rum Chếk năm 2025, UBND thị xã Vĩnh Châu đã đón nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Chrôi Rum Chếk của người Khmer thị xã Vĩnh Châu.

Lễ rước tượng Phật, nghi thức trong Lễ hội Chrôi Rum Chếk của đồng bào Khmer.

Ông Sơn Bát, thành viên Ban Quản trị chùa Sêrây Cro Săng, phường 2, thị xã Vĩnh Châu phấn khởi cho biết: “Phật tử chùa Sêrây Cro Săng, bà con 3 dân tộc anh em rất vui, rất phấn khởi, rất mừng, lễ hội này có từ mấy trăm nay rồi, nay trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì bà con phật tử, sư sãi, đồng bào 3 dân tộc anh rất vui và phấn khởi”.

Thạch Hồng

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Di sản quý của xứ Đoài vùng Sơn Tây

Đền Và còn được biết đến với cái tên Đông Cung, tọa lạc trên ngọn đồi Lim, thuộc thôn Vân Gia, nay là tổ dân phố 8 Vân Gia (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây).


Đây là di tích có quy mô lớn nhất trong số 200 di tích ở vùng xứ Đoài phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đến đền Và, du khách sẽ được khám phá những giá trị độc đáo, đặc sắc của đền được người dân lưu giữ nguyên vẹn qua nhiều thế kỷ.

Những giá trị đặc sắc

Tương truyền, đền Và được khởi dựng từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10. Đền có diện tích khoảng 2.000m2, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 8.000m2, được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Kiến trúc đền Và mang dấu ấn của nhiều thời kỳ, như nghi môn có niên đại khoảng 300 năm. Đặc sắc nhất là khu thờ chính được xây dựng từ thế kỷ 16-17 với nhiều chi tiết mang phong cách thời Mạc. Năm 1964, đền Và được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Đền Và gắn liền với truyền thuyết về tam vị Đức thánh Tản Viên Sơn-những vị thánh linh thiêng, bất tử trong lòng người Việt. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là một tín ngưỡng bản địa lâu đời và phổ biến nhất ở xứ Đoài. Nơi đây có khoảng 200 di tích thờ Đức thánh Tản, trong đó đền Và là di tích có quy mô lớn nhất trong hệ thống đền thờ phụng ngài.

Lễ hội đền Và được tổ chức từ ngày 14 đến 17 tháng Giêng hằng năm, là lễ hội lớn nhất vùng. 3 năm một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu), người dân các phường Trung Hưng, Phú Thịnh, Viên Sơn của thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và làng Duy Bình (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng nhau tổ chức hội lớn. Vào ngày chính hội 15 tháng Giêng, người dân và du khách thập phương nô nức trẩy hội. Tâm điểm là lễ rước long ngai bài vị tam vị Đức thánh Tản từ đền Và đi qua các đường phố chính ở Sơn Tây rồi vượt sông Hồng sang đền Ngự Dội ở làng Duy Bình. Để tỏ lòng thành kính, nhiều gia đình sửa biện mâm lễ trước cửa nhà để nghênh đón kiệu Đức thánh. Người già, trẻ em đua nhau chui qua gầm kiệu, cầu mong thánh ban cho sức khỏe. Tục chui kiệu đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong lễ hội đền Và.

Lễ rước kiệu Thánh trong Lễ hội đền Và. Ảnh do UBND thị xã Sơn Tây cung cấp

Sau nhiều thế kỷ, lễ hội đền Và vẫn giữ được những nét đặc trưng của vùng Sơn Tây – xứ Đoài. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2016, lễ hội đền Và được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Khai thác giá trị để phát triển du lịch

Năm 2025, tuy chỉ là năm hội lệ (tổ chức hằng năm, quy mô nhỏ) nhưng lễ hội đền Và vẫn được tổ chức trang nghiêm, bài bản và thu hút đông đảo du khách thập phương. Đồng chí Nguyễn Anh Thương, Chủ tịch UBND phường Trung Hưng cho biết: “Lễ hội đền Và là cầu nối giữa quá khứ-hiện tại-tương lai giữa nhân dân hai vùng Sơn Tây (Hà Nội) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), là dịp để người dân hai bên bờ sông Hồng giao lưu văn hóa, củng cố và tăng cường khối đoàn kết cộng đồng, qua đó thể hiện niềm tin và lòng tôn kính công đức của Tản Viên Sơn Thánh”.

Không chỉ là di tích linh thiêng, mang tính đại diện của xứ Đoài, đền Và còn là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Sơn Tây. Đền Và nằm trong chuỗi tour, tuyến tham quan các di tích nổi tiếng kết hợp với các điểm nghỉ dưỡng sinh thái của thị xã Sơn Tây được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn, đó là: Thành cổ-đền Và-làng cổ ở Đường Lâm-chùa Khai Nguyên-đền Măng-Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam-Khu du lịch Đồng Mô. Chia sẻ cảm xúc sau khi đến với Sơn Tây và tham quan di tích đền Và, bà Bùi Thị Minh (phường Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đến Sơn Tây nhiều lần nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi tham dự lễ hội đền Và. Được hòa mình vào không khí linh thiêng của các nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian, tôi có thêm những hiểu biết sâu sắc về vùng đất “địa linh nhân kiệt” này”.

Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc TP Hà Nội. Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thị xã Sơn Tây quy hoạch 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô, khu trung tâm thị xã – thành cổ – đền Và – Đường Lâm và khu du lịch Xuân Khanh.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản kết hợp với phát triển du lịch, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với những việc làm cụ thể như: Duy trì hệ thống wifi miễn phí tại một số điểm du lịch; Đoàn Thanh niên thị xã ra mắt công trình “Số hóa các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh” tại Văn Miếu Sơn Tây, chùa Mía, đình Mông Phụ, Thành cổ Sơn Tây, đền Và… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin về các điểm đến trên địa bàn.

Song song với đó, thị xã cũng chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm đến gắn với đa dạng hóa các mô hình trải nghiệm để thu hút khách, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của du khách khi đến với Sơn Tây. Việc khai thác, phát triển du lịch dựa trên những tài nguyên sẵn có sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời cũng là cách để lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người Sơn Tây đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Mộc Lam

 

Nguồn: Dulichvn

Khánh Hòa: Phong phú di sản văn hóa phi vật thể xứ Trầm

Vùng đất Khánh Hòa có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại hình tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, kho tàng văn học, âm nhạc, phong tục tập quán, ngôn ngữ, sinh hoạt tín ngưỡng… Những di sản văn hóa phi vật thể ấy luôn được các địa phương cùng cộng đồng dân cư giữ gìn, phát huy với nhiều giải pháp cụ thể.


Ngư dân phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) biểu diễn hò bá trạo trong lễ hội cầu ngư ở lăng – đình Trường Tây.

Đến nay, kho tàng văn hóa phi vật thể xứ Trầm có 1 loại hình được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; 4 loại hình được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 loại hình đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO xem xét vinh danh di sản phi vật thể đại diện nhân loại; 2 loại hình đang được đề nghị ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể thấy, di sản văn hóa phi vật thể xứ Trầm có giá trị vô cùng to lớn và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Theo cuốn sách “Diện mạo văn hóa Khánh Hòa” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – năm 2003) của tác giả Nguyễn Văn Khánh, kể từ năm 1653, khi những thế hệ người Việt đầu tiên đến sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa đã tạo nên diện mạo văn hóa với những biến đổi to lớn. Qua suốt nhiều thế kỷ cộng cư, hòa cư giữa các dân tộc đã tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau; đồng thời, quá trình giao lưu, tiếp nhận, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cũng diễn ra mạnh mẽ. Những nét đẹp, tinh hoa văn hóa của các dân tộc được nâng lên một tầm cao mới và tạo nên sắc thái văn hóa Khánh Hòa vừa mang màu sắc chung của văn hóa Việt Nam, vừa có những nét độc đáo, khu biệt của vùng miền.

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Trầm, có thể kể tới vốn văn học dân gian với những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ, truyện kể dân gian, hò vè, hát ru, câu đối về thiên nhiên, tài nguyên sản vật, giao tiếp xã hội, tình cảm con người, đời sống sinh hoạt… được nhân dân sáng tạo nên để gửi gắm tâm tư, tình cảm, thể hiện sự hiểu biết thiên nhiên. Âm nhạc dân gian cũng được hình thành từ rất lâu ở Khánh Hòa với sự tồn tại của một số loại nhạc cụ (đàn đá, mã la, cồng chiêng), làn điệu sử thi của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi; những trò diễn dân gian như: Hò bá trạo, đàn xà trảm mộc, hô hát bài chòi, biểu diễn nghệ thuật tuồng, các làn điệu hò, lý, đồng dao, hát văn… của cư dân vùng đồng bằng.

Về phong tục, tập quán, người dân Khánh Hòa đến nay vẫn thực hiện việc thờ cúng các bậc thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền ở đình làng; thờ cúng ông Nam Hải ở các lăng, đình làng biển; thờ cúng Thiên Y A Na Thánh Mẫu tại các miếu, đình, tháp và còn lưu giữ được những nét truyền thống trong việc cưới, việc tang của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Với nghề truyền thống, ngoài nghề khai thác, chế biến yến sào, người dân xứ Trầm còn có nghề lưới đăng; nghề khai thác, chế biến trầm hương; nghề làm gốm ở Nha Trang, Vạn Ninh… Lễ hội cầu ngư, lễ hội yến sào, lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng lăng, cúng đình… cũng là những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của người dân Khánh Hòa. Trong đó, có những lễ hội truyền thống lớn thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và khách hành hương trong nước như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa…

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024.

Theo ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong nhiều năm qua, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được giữ gìn, phát huy với nhiều giải pháp cụ thể. Kho tàng văn học dân gian đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu được in ấn, phát hành; nội dung văn học dân gian được đưa vào chương trình giáo dục địa phương. Các địa phương đã nỗ lực phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống trong cộng đồng dân cư để người dân có dịp thực hành những loại hình diễn xướng dân gian. Tỉnh cũng đã đầu tư thực hiện các đề án quan trọng như: Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi”; Đề án thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030… Việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã đạt được những thành tựu theo hướng tôn vinh nét đẹp, tính đặc sắc, độc đáo và dần loại bỏ những biểu hiện tiêu cực, phản cảm. Rất nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể xứ Trầm Hương đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong những công trình quy mô; nhiều di sản được xây dựng hồ sơ khoa học để trình các cấp có thẩm quyền vinh danh. Đặc biệt, việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Khánh Hòa đã bước đầu có sự gắn kết với hoạt động du lịch nhằm gia tăng tính hiệu quả, sức quảng bá cho các di sản.

Giang Đình

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Giang: Quang Bình phát huy di sản văn hóa giữa dòng chảy hiện đại

Về với Quang Bình (Hà Giang) được xem là về miền văn hóa, nơi có đa dạng sắc màu của cộng đồng 12 dân tộc. Mỗi dân tộc đều mang trong mình nét đặc trưng riêng. Bằng nhiều cách khác nhau, huyện đã và đang phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo thành điểm nhấn thu hút du khách.


Đồng bào dân tộc Tày ở Xuân Giang đã sinh sống qua nhiều thế hệ. Các phong tục, tập quán và lễ hội vẫn được gìn giữ và phát huy, từ nghi lễ cúng tổ tiên, Lễ hội Lồng Tồng đến các điệu hát Yếu, hát Then, đàn Tính, múa Bát. Trang phục với màu sắc chủ đạo là xanh và đen, thêu thùa tỉ mỉ, tượng trưng cho sự gắn kết giữa con người và tự nhiên. Nghề dệt vải truyền thống và đan lát các đồ dùng trong sinh hoạt, đan nón lá hai mê cũng thể hiện sự khéo léo, tinh tế qua từng sản phẩm thủ công. Văn hóa của người Tày là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam. Ngày nay, tại xã Xuân Giang ngoài nam giới, các nghệ nhân là nữ đã trực tiếp tham gia truyền dạy, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Phụ nữ Tày, xã Xuân Giang lưu giữ nghề dệt truyền thống.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Thập (sinh 1949), thôn Quyền, xã Xuân Giang chia sẻ: “Gần cả cuộc đời, tôi đã gắn bó với nghề đan nón lá hai mê của dân tộc Tày. Chiếc nón không chỉ đơn thuần là vật che nắng, che mưa, mà còn được trao cho cô dâu khi về nhà chồng với mong muốn con là người hiếu thảo, chung thủy, yêu thương chồng, con. Tôi cũng không nhớ rõ mình đã đan được bao nhiêu chiếc nón lá, cứ đan xong lại có khách đặt hàng. Một chiếc nón có giá 150.000 đồng nhưng phải làm rất kỳ công, trải qua nhiều khâu. Tôi rất vui khi chiếc nón lá hai mê đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023. Có lớp tập huấn, mời dạy trên địa bàn xã, tôi đều tham gia để giúp con, cháu thêm yêu, quý trọng và giữ lấy nghề truyền thống”. Ngoài đan nón lá, bà Thập còn là người hát Yếu, dệt thổ cẩm rất giỏi, là niềm tự hào, cầu nối đưa văn hóa địa phương đến với bạn bè, du khách.

Huyện Quang Bình có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; nghề làm nón hai mê; nghệ thuật trình diễn hát Quan làng của người Tày. Đồng thời, có 1 di tích cấp Quốc gia hang Tiên, xã Xuân Giang; 2 di tích cấp tỉnh là Đình bản Chún, xã Tân Nam và hồ thủy điện sông Chừng cùng hệ thống hang động, thắng cảnh tuyệt đẹp và các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bên cạnh việc đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào các trường học, huyện đã tổ chức các Lễ hội quy mô cấp tỉnh; khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, phục dụng nghi lễ cầu mùa của người Dao đỏ, xã Tân Nam, cúng mừng cơm mới của người La Chí, xã Nà Khương và đám cưới của dân tộc Pà Thẻn.

Nón Hai mê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (Trong ảnh: Phụ nữ thôn Chì xã Xuân Giang đan nón lá Hai mê).

Thông qua dự án 6, dự án 9 trong chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 15/15 xã, thị trấn đã xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ dân ca, dân vũ, văn hóa dân gian; 135 đội văn nghệ các thôn, bản, tổ dân phố. Huyện đã phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, các trường học mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, bảo tồn và dạy nghề dệt thổ cẩm, đan nón lá hai mê, đan lát, chế tác đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày, Pà Thẻn, La Chí. Với những nét độc đáo, nổi bật trong kho tàng di sản văn hóa đã làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước quan tâm, biết đến. Năm 2024, huyện Quang Bình đón 67.000 lượt khách, doanh thu đạt 64 tỷ đồng và tăng 52.000 lượt khách so với năm 2020.

Đồng chí Lương Thị Kiệm, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quang Bình cho biết: Để thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy các giá trị văn hóa, tạo nền tảng, động lực phát triển KT – XH, Phòng sẽ tham mưu cho huyện quan tâm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những danh mục cần bảo tồn. Chú trọng tổ chức các hội thi, hội diễn, đưa văn hóa đến với thế hệ trẻ; lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể “Kỹ thuật trồng bông và dệt vải” của người La Chí và “Kỹ thuật trang trí trên trang phục truyền thống” của người Pà Thẻn. Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch. Các sản phẩm xây dựng, thực hiện theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá.

Bài, ảnh: Mộc Lan

 

Nguồn: Dulichvn

Món phở không chan nước dùng ở Lạng Sơn, thu hút du khách

Không chan nước dùng nóng hổi như các món phở truyền thống, món phở đặc sản ở Lạng Sơn hút khách nhờ độ thanh mát, đủ vị mặn ngọt chua cay, thích hợp ăn giải nhiệt, giải ngán dịp đầu năm.


Phở chua là món ăn thường thấy ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng… nhưng ngon và phổ biến hơn cả là ở Lạng Sơn.

Tuy gọi là phở nhưng hình thức và cách chế biến của phở chua Lạng Sơn không giống với các món phở truyền thống khác.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất là phở chua không chan nước dùng nóng hổi mà kết hợp với nước sốt nguội mát vị chua ngọt và thưởng thức bằng cách trộn đều nguyên liệu như món gỏi, nộm dưới miền xuôi.

Phở chua là đặc sản trứ danh xứ Lạng. Ảnh: Ngô Uy

Bà Liên – chủ một quán phở chua ở TP Lạng Sơn cho biết, một bát phở chua gồm hai phần.

Phần khô có bánh phở được trụng qua nước ấm. Loại bánh phở sử dụng cho món phở chua phải là dạng sợi to và dai để khi chế biến không bị mềm, nát.

Ngoài ra còn có thịt xá xíu, dạ dày, gan lợn rán cháy cạnh, lạp xưởng thái mỏng, khoai lang hoặc khoai tây chiên thái chỉ, hành khô, dưa chuột, rau thơm…, đặc biệt không thể thiếu thịt vịt quay – đặc sản nức tiếng ở Lạng Sơn.

Món phở chua Lạng Sơn được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau, đủ vị chua cay mặn ngọt. Ảnh: Ninh Titô

Phần nước gồm nước sốt trộn phở. Điều thú vị là món phở chua xứ Lạng không chan nước dùng nóng hổi mà kết hợp với nước sốt sền sệt có màu ngả nâu, đủ vị chua cay mặn ngọt.

“Loại nước sốt này được làm từ nước mỡ chắt ra từ bụng con vịt quay hoặc nước luộc vịt, sau đó nêm nếm cùng nhiều loại gia vị như hành, tỏi phi, mắm, ớt, giấm, đường, gừng… cuối cùng bỏ thêm bột năng cho sánh lại”, bà Liên nói.

Tùy từng quán và từng nơi, người ta có thể phục vụ thêm nước dùng kèm phở là nước được chắt ra từ bụng con vịt quay hoặc nước luộc vịt nguyên chất, đảm bảo vị ngậy của mỡ và dậy mùi thơm đặc trưng.

Khi ăn phở chua, thực khách trộn đều các nguyên liệu rồi thưởng thức. Ảnh: Ninh Titô

Bà Liên cho hay, món phở chua Lạng Sơn thường được phục vụ trong một chiếc đĩa sâu lòng cỡ lớn, kèm theo cả chục nguyên liệu khác nhau.

Khi ăn, thực khách trộn đều nước sốt với các nguyên liệu như món gỏi, nộm, có thể cho thêm vài lát ớt, măng cay hoặc chút nước cốt chanh để món ăn dậy mùi, đậm vị hơn.

Anh Đặng Sang (ở Hà Nội) từng vài lần thưởng thức phở chua ở TP Lạng Sơn nhận xét, món ăn có độ thanh mát nên thích hợp giải nhiệt vào mùa hè.

Tuy nhiên, bánh phở vẫn được trụng qua nước ấm trước khi trộn nên món phở chua cũng được ưa chuộng trong mùa đông.

Thậm chí, món ăn này còn hút khách giải ngấy cả dịp đầu năm, sau Tết.

Mỗi bát phở chua ở Lạng Sơn có giá dao động từ 40.000 – 60.000 đồng, tùy nguyên liệu và khẩu phần. Ảnh: Hiền Ngọc

“Phở chua có hương vị lạ miệng, dễ ăn, trẻ em hay người già đều có thể thưởng thức. Tôi từng thử món phở này ở 1 số tỉnh khác nhưng không ở đâu ngon và chuẩn vị bằng Lạng Sơn.

Mỗi lần đến đây, tôi đều ăn 2-3 bát, vừa ngon vừa không có cảm giác ngán”, anh Sang bày tỏ.

Nếu có dịp tới Lạng Sơn, du khách có thể tìm và thưởng thức phở chua tại một số địa chỉ ăn uống uy tín trong trung tâm thành phố như: Quán phở chua Phương Thảo (đường Bắc Sơn); Phở vịt quay Vi Tặng (đường Văn Cao); Nhà hàng Thảo Viên Lạng Sơn (Phai Vệ); Nhà hàng Vịt quay Hải Xồm (đường Bà Triệu); Phở Lan Hồng (đường Lương Văn Tri)…

Thảo Trinh

 

Nguồn: Dulichvn

Muối Bạc Liêu trong ẩm thực Việt

Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nghìn năm, với nền ẩm thực độc đáo và đặc sắc. Gắn với đó, là một gia vị đặc biệt không thể thiếu, nhưng lại gần gũi với người Việt, đó chính là hạt muối.


Món ăn được làm từ tôm và muối Bạc Liêu (Hoàng Nam)

Mặn, chưa hẳn là muối

Những năm bao cấp, đơn vị có anh bạn người dân tộc Jrai, quê ở Gia Lai – Kon Tum. Thấy tôi ngán cảnh ăn cơm với muối tiêu (muối và tiêu rang khô giã nhỏ, dùng để ăn dài ngày) thì trách: “ Minh Hải quê mầy giàu có mà không biết quý, có sẵn muối Bạc Liêu nổi tiếng, có cá khô Cà Mau. Ở quê tao, làm gì có được muối tiêu như vầy.”

Muối Bạc Liêu (Hoàng Nam)

Nó kể, gia đình nó là người dân tộc Jarai nên được chọn đi học Thiếu sinh quân từ lúc mới 8 tuổi. Ba nó là bộ đội Trường Sơn bệnh mất sau ngày giải phóng, mẹ nó rời du kích, tần tảo làm nương nuôi mấy anh em. Ngày nó đi buôn làng còn rất nghèo, không có muối để ăn, phải đem cỏ tranh đi đốt, lấy tàn làm vị mặn thay muối để ăn. Theo lời mẹ nó, hồi đánh Mỹ, đồng bào ở trong làng lâu lâu được bộ đội gùi tiếp tế cho gạo muối để ăn. Có lần bị giặc phục kích, các chú bộ đội đã hy sinh, máu thấm ướt gùi muối trắng. Khi hòa bình lập lại, không còn chiến tranh nhưng cũng không ai tiếp tế nữa, thêm nghèo, đường xá lại xa, nên muối trắng hay đen, đều là thứ xa xỉ cực phẩm.

Nghe nó kể, mới biết Cà Mau – Bạc Liêu quê mình hạnh phúc biết bao, dù thời chiến tranh hay nghèo đói, hạt muối luôn rất dễ tìm.

Muối Ba Thắc nức tiếng lục tỉnh Nam Kỳ

Ẩm thực Việt Nam gắn liền với nền văn hóa lúa nước, hòa lẫn với văn hóa miền biển đậm đà bởi có hàng nghìn km bờ biển trải dài. Nguyên liệu chính của nền ẩm thực độc đáo ấy có từ vị ngọt của gạo và vị mặn đặc trưng của hạt muối làm từ nước biển.

Trong hành trình hạt muối Việt ấy, rất nhiều làng nghề vùng muối nổi tiếng hàng trăm này như Diêm Diền, Thái Thụy (Thái Bình) Cà Ná (Ninh Thuận)… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng nghề làm muối Bạc Liêu, với khởi đầu từ cái tên Ba Thắc.

Trong ẩm thực dân gian, muối Bạc Liêu luôn là nguyên liệu được ưu tiên lựa chọn (Hoàng Nam)

Theo các cụ cao niên, cái tên muối Ba Thắc đã được hình thành từ trước khi có cái tên Bạc Liêu. Theo dấu khẩn hoang của người Việt xưa, nghề làm muối đã hình thành rất sớm ở vùng đất Ba Thắc, nơi vùng đất hoang giáp biển ở phía Nam sông Hậu. Khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt đã tạo nên hạt muối ngon nổi tiếng trên khắp bán đảo Đông Dương. Ngay trước khi Pháp xâm lược Việt Nam, hạt muối Ba Thắc đã được bán qua tận Lào, Cao Miên (Cam Phu Chia) và rạng danh ở xứ người.

Theo chân thương hồ đi khắp Nam kỳ lục tỉnh, hạt muối Bạc Liêu đã hình thành con đường vận chuyển muối trên sông gắn những địa danh như: kênh Muối, xóm Muối, ấp Muối… Nghề làm muối Bạc Liêu từng được xem là nghề có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề làm muối là lĩnh vực kinh tế lớn chỉ xếp sau cây lúa và góp phần làm cho Bạc Liêu trở thành một trong 3 trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của vùng ĐBSCL và cả nước.

Đặc sản tạo nên ẩm thực đặc sắc

Cuộc sống ngày nay đã qua cái thời khó khăn, thiếu ăn thiếu muối, người Việt ngày càng chú trọng ăn ngon, với những đặc sản vùng miền riêng biệt. Nhưng tất cả đều không thể thiếu vị mặn, nhưng để ngon nhất, vẫn phải là là hạt muối Bạc Liêu.

Muối Bạc Liêu trong ẩm thực Âu tại một nhà hàng ở TP HCM (Hoàng Nam)

Ở Cà Mau – Bạc Liêu hay vùng ĐBSCL có rất nhiều đặc sản nổi tiếng trăm năm, hay các sản phẩm OCOP đã thành danh như cá kèo khô Đầm Dơi, cá lóc khô U Minh, mắm ba khía Gạch Gốc, mắm lóc Thới Bình, cá tra phồng An Giang, mắm đồng Đồng Tháp… ….đều  được làm từ muối Bạc Liêu.

Độc đáo về chất lượng, nên muối Bạc Liêu trở thành nguyên liệu chuẩn trong chế biến các món ngon, được các nhà ẩm thực hàng đầu thế giới, người tiêu dùng trong, ngoài nước lựa chọn. Ngay món kim chi của Hàn Quốc vốn được xem là biểu tượng về văn hóa, cũng chỉ ưu tiên nhập muối Bạc Liêu về chế biến.

Theo đầu bếp Trần Nhật Trường (48 tuổi, quận 8, TP Hồ Chí Minh) – Chủ nhiệm câu lạc bộ bánh “Bếp học đường” sức hút từ muối Bạc Liêu với ngành ẩm thực Âu là rất lớn. Nhất là các chế biến món buffe phục vụ các buổi tiệc lớn ở nhà hàng cao cấp tại TP Hồ Chí Minh.  “Theo từng trường phái ẩm thực Việt – Á – Âu, hạt muối Bạc Liêu sẽ là lợi thế thu hút du khách, nhất là người nước ngoài có nhu cầu thưởng thức ẩm thực cao cấp” – anh Trần Nhật Trường nói.

Hoàng Nam

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Giang: Quản Bạ giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao mà còn góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Những ngày đầu Xuân, không khí lao động tại các làng nghề ở huyện Quản Bạ trở nên nhộn nhịp khi bà con tất bật sản xuất phục vụ thị trường.

 


Chúng tôi đến thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ, ngay từ đầu xóm, tiếng thoi đưa hòa cùng thanh âm trong trẻo của chim hót và tiếng gió. Giữa không gian bình yên của làng quê, những người phụ nữ Mông miệt mài bên khung cửi, giữ gìn nghề dệt lanh – một nét văn hóa độc đáo được truyền qua bao thế hệ.

Nghề dệt lanh tại đây đã có từ lâu đời, vải lanh không chỉ làm trang phục thường ngày mà còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên trong các dịp lễ, Tết, thanh minh. Cây lanh là nguyên liệu quan trọng trong nghề dệt vải truyền thống. Sau khoảng hai tháng gieo trồng, cây lanh được thu hoạch đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng sợi. Để tạo ra một tấm vải lanh hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua 41 công đoạn tỉ mỉ, từ trồng, thu hoạch, tách sợi, giã sợi, quay sợi đến dựng khung dệt.

Dệt lanh gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, góp phần bảo tồn bản sắc và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng chí Sùng Mí De, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: “Xã hiện có Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh Cán Tỷ với 23 thành viên, hoạt động hơn 15 năm, góp phần duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống của địa phương. HTX sản xuất trên 35 loại sản phẩm, từ váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm đến áo nam, túi xách, túi điện thoại. Trong đó, 7 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao”.

Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm dệt lanh của HTX còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. Việc duy trì và phát triển nghề dệt lanh không chỉ giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Đặc biệt, du khách khi đến với Cán Tỷ có cơ hội trải nghiệm quy trình dệt lanh truyền thống và chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công tinh xảo.

Rời Cán Tỷ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thôn Lùng Hẩu, xã Thái An, nơi 100% cư dân là đồng bào dân tộc Mông. Từ bao đời nay, Lùng Hẩu nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống, gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của bà con vùng cao. Những sản phẩm tinh xảo từ cây trúc không chỉ phục vụ nhu cầu hằng ngày mà còn trở thành mặt hàng được du khách ưa chuộng. Hiện nay, người dân nơi đây đang từng bước đổi mới mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ rộng hơn.

Người dân thôn Lùng Hẩu đan quẩy tấu.

Anh Ma Mí Giáo, Người có uy tín thôn Lùng Hẩu cho biết: “Thôn có 114 hộ, trong đó gần 100 hộ tham gia nghề đan lát. Người dân quanh năm miệt mài làm quẩy tấu, rổ, rá, nia… Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giúp mỗi hộ có thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/vụ. Dù không mang lại lợi nhuận cao như một số ngành nghề khác, nhưng bà con vẫn trân trọng gìn giữ nghề, bởi đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn là di sản cha ông để lại”.

Toàn huyện Quản Bạ hiện có hai làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận: Làng nghề dệt lanh Lùng Tám và làng nghề rượu ngô Thanh Vân. Bên cạnh đó, nhiều nghề thủ công khác vẫn được duy trì như làm hương (thị trấn Tam Sơn), làm chàm nhuộm vải (xã Nghĩa Thuận), chế tác nhạc cụ dân tộc Mông (xã Thanh Vân), sản xuất và chế biến chè (xã Tùng Vài), làm bánh phở, bún khô (xã Đông Hà).

Trải qua hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc mà còn hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, phong tục và lễ hội truyền thống. Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều làng nghề đã chủ động ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Các hộ sản xuất tích cực xây dựng facebook, website để quảng bá, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn giá trị sản phẩm.

Bà Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc HTX Dệt lanh Cán Tỷ, chia sẻ: “Hiện nay, phần lớn sản phẩm của HTX được quảng bá trên facebook, zalo, tiktok… giúp tiếp cận khách hàng tốt hơn, hóa giải khó khăn trong tiêu thụ. Chúng tôi có thể cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ và giao hàng tận nơi. Nhờ vậy, số đơn đặt hàng tăng gấp 2 – 3 lần so với trước”.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, các làng nghề truyền thống tại Quản Bạ không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ, tạo ra giá trị kinh tế bền vững, góp phần quảng bá văn hóa bản địa đến bạn bè trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Dịu

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT