Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Tôn vinh giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua lễ hội làng Diềm

Ngày 5/3, Lễ hội làng Viêm Xá (hay còn gọi là Lễ hội làng Diềm) diễn ra tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn nhằm tôn vinh giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.


Làng Diềm là một trong 49 làng Quan họ gốc, nơi duy nhất có đền thờ vua Bà – thủy tổ Quan họ. Tương truyền, Lễ hội làng Diềm gắn liền sự tích vua Bà. Vua Bà là con gái của vua Hùng Vương đời thứ 6, tên gọi là Nhữ Nương có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần. Khi công chúa tới tuần cập kê, nhà vua tổ chức mở hội cướp cầu kén phò mã. Do không ưng thuận người đoạt giải, công chúa Nhữ Nương xin vua cha được ra khỏi kinh thành, chu du thiên hạ. Nàng cùng 7 cung nữ vừa ra khỏi kinh thành bỗng gặp cơn phong vũ cuốn lên trời, sau đó được giáng xuống ấp Viêm Trang (nay là làng Diềm).

Tiết mục vua Bà ban hội

Lúc này, ấp Viêm Trang là một rừng cây nước với dân cư thưa thớt. Công chúa Nhữ Nương đã cho khai khẩn đất hoang, lập làng lập xóm, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng mía… giúp cuộc sống của người dân ấm no. Ngoài ra, bà còn sáng tác những câu hát, dạy cho người dân cách hát theo lề lối riêng. Ban đầu chỉ là bên nam hát đối với bên nữ, sau đó, bà triệu tập các nam thanh nữ tú trong làng cho luyện tập thuần thục và nhuần nhuyễn hơn. Lối hát ấy sau này được gọi là Quan họ.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thềm, khu Viêm Xá, phường Hòa Long cho biết, đây không chỉ đơn thuần là vui hội mà qua đó còn giáo dục con cháu lưu giữ truyền thống văn hóa của quê hương. Cùng với đó, những liền anh, liền chị được trải lòng với nỗi nhớ và tình yêu Quan họ.

Anh Nguyễn Văn Trung, Câu lạc bộ Quan họ Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) chia sẻ, các liền anh, liền chị không chỉ trao nhau tiếng hát mà chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn. Qua các buổi sinh hoạt giúp anh có thêm vốn liếng Quan họ; học hỏi những lời ca tiếng hát, lề lối tác phong của Quan họ cổ.

Tiết mục biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh của các liền chị.

 Lễ hội diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ được mở đầu bằng màn chạy cờ, tiếp đến là biểu diễn trống hội, tái hiện sự tích vua Bà phát lệnh mở hội Xuân với phần tung cầu, cướp cầu. Tại lễ hội còn có lễ rước ngai thờ, bài vị vua Bà quanh làng với sự tham gia của hàng trăm người. Đám rước dừng lại ở đền Cùng – giếng Ngọc. Các cụ cao niên trong làng xuống giếng Ngọc lấy nước rồi rước về đền vua Bà làm lễ tắm vua Bà.

Mời trầu – nét đẹp của người Quan họ

Lễ hội làng Diềm tổ chức hằng năm, ngoài thể hiện sự tôn kính các bậc tiền nhân còn nhằm khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đây là dịp quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giúp Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa.

Tiến Dũng – Văn Giang

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Giang: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc

Theo dòng chảy thời gian, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Qua đó không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Làng nghề thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc là một trong những làng nghề tiêu biểu của huyện Mèo Vạc. Làng có hơn 90 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Lô Lô, trong đó có 24 hộ làm nghề thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc Lô Lô. Sản phẩm chủ yếu gồm: Vải, quần, áo, khăn treo tường, bờm và khăn quàng cổ. Điểm ấn tượng ở những sản phẩm này là chúng có màu sắc rực rỡ với những hình khối đa dạng, thể hiện nét đẹp văn hóa, tâm linh của người Lô Lô.

Đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc giữ gìn nghề dệt vải lanh truyền thống.

Bà Lùng Thị Minh, dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A – một người dân đã nhiều năm gắn bó với nghề thêu, dệt trang phục chia sẻ: “Vào thời điểm nông nhàn, chị em phụ nữ trong làng lại tập trung tại nhà văn hóa thôn để thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc. Điều này không chỉ tạo sự gắn kết cộng đồng mà còn là dịp để mọi người chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nghề nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị văn hóa, thẩm mỹ và kinh tế. Nhờ duy trì nghề truyền thống này, thu nhập của nhiều hộ dân trong làng được cải thiện với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng”.

Tương tự, tại xã Sủng Máng, làng nghề truyền thống may mặc, thêu dệt trang phục dân tộc Dao, thôn Sủng Nhỉ B cũng là một trong những địa chỉ uy tín được nhiều người biết đến. Hiện nay, trong thôn có 40 hộ làm nghề thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc Dao. Các sản phẩm thêu dệt được các hộ thực hiện một cách khéo léo, tinh tế qua từng đường kim, mũi chỉ, đồng thời thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao. Đối với đầu ra sản phẩm, các hộ trong làng nghề đã liên kết với Hợp tác xã May mặc trang phục dân tộc Dao xã Sủng Máng. Theo đó, Hợp tác xã thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ. Nhờ vậy, các hộ không chỉ nâng cao thu nhập mà còn gia tăng uy tín sản phẩm.

Các sản phẩm của làng nghề thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc được trưng bày, giới thiệu tại nhà văn hóa thôn.

Trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện có nhiều làng nghề truyền thống, sản xuất đa dạng các sản phẩm như quẩy tấu, khèn Mông, lưỡi cày, trang phục dân tộc, trong đó có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề nấu rượu ngô men lá thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn; làng nghề may mặc trang phục dân tộc Dao xã Sủng Máng và Làng nghề thêu dệt, may mặc trang phục dân tộc Lô Lô thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc. Mỗi làng nghề đều được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, gắn với lịch sử, văn hóa, mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sự tồn tại của các làng nghề truyền thống trên. Nhiều làng nghề tuy vẫn giữ được bản sắc riêng nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Một số làng nghề thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, không có sự kế thừa giữa các thế hệ, dẫn đến việc duy trì làng nghề truyền thống ngày càng khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết: Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa mà còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch đến huyện.

Thời gian tới, huyện tập trung phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng Nông thôn mới; phát huy vai trò của các thợ giỏi; đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề; qua đó tạo bước phát triển mới cho các làng nghề, góp phần đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững trong sự phát triển chung của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết thêm.

Bài, ảnh: Trần Kế

 

Nguồn: Dulichvn

Đặc sắc ẩm thực Hà Giang

Hà Giang thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, được mệnh danh là “vùng đất địa đầu Tổ quốc”. Nơi đây không chỉ nổi tiếng về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà còn độc đáo về ẩm thực, giúp du lịch Hà Giang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Ông Đào Thanh Hưng, chủ quán phở Hưng Thiệp, giới thiệu món phở gia truyền Tráng Kìm thuộc xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: B.Nguyên

Hà Giang có nhiều món ngon “độc nhất vô nhị” đậm đà bản sắc của dân tộc vùng cao như: cháo ấu tẩu, phở Tráng Kìm, bánh ướt phố cổ Đồng Văn, thịt trâu gác bếp… Sự cuốn hút của ẩm thực vùng đất này không chỉ ở sự độc đáo, đa dạng mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa sự cầu kỳ trong cách thức chế biến thủ công và sự đơn giản trong sử dụng gia vị, nguyên liệu nêm nếm để giữ nguyên chất, nguyên vị của nguyên liệu nên có phong vị thanh đạm nhưng vẫn đậm dấu ấn riêng.

Thưởng thức đặc sản thủ công

Một trong những nét hấp dẫn của của ẩm thực Hà Giang là có nhiều món ngon vẫn giữ được cách chế biến thủ công truyền thống, mỗi một đặc sản lại mang đậm bản sắc của dân tộc bản địa.

Cháo ấu tẩu là món ăn độc đáo của dân tộc Mông ở Hà Giang. Đây cũng là món ngon trứ danh của vùng Đông Bắc. Người địa phương còn gọi đây là “cháo độc” vì một trong những nguyên liệu để chế biến món ăn này là củ ấu tẩu (còn được gọi là củ phụ tử) có chứa độc tố cao. Loại củ này chỉ mọc ở vùng núi cao, có khí hậu lạnh, là loại dược liệu có công dụng chữa bệnh, nhất là đau nhức xương khớp và chữa các bệnh cảm gió.

Củ ấu tẩu rất độc nên người chế biến phải qua nhiều công đoạn xử lý trước khi sử dụng làm nguyên liệu nấu ra món ăn đặc trưng của vùng đất cao nguyên đá. Củ ấu tẩu cần được ngâm trong nước vo gạo 1 đêm, sau đó sẽ đem đi rửa sạch với nước, rồi hầm trên bếp lửa gần chục tiếng để loại bỏ chất độc. Lúc này, củ cũng bở tơi ra thành thứ bột đặc sền sệt.

Ngoài củ ấu tẩu, cháo được nấu với các nguyên liệu gạo tẻ, giò heo thui. Khi múc lên tô, người nấu cho thêm thịt bằm, lòng đỏ trứng, hạt tiêu, rau thơm. Cháo có vị đắng của củ ấu tẩu và đây chính là hương vị “gây thương nhớ”, tạo nên nét đặc trưng của món đặc sản này.

Phở Tráng Kìm cũng là món ngon lâu đời ở Hà Giang. Tráng Kìm là địa danh thuộc xã Đông Hà, huyện Quản Bạ. Ở đây, có cả phố Tráng Kìm nổi tiếng với món phở gia truyền Tráng Kìm. Nét độc đáo nhất của món ăn này là sợi phở do quán bán tự làm tại chỗ, hoàn toàn bằng thủ công. Quá trình làm bánh phở qua nhiều công đoạn, bánh vừa tráng xong được đem phơi lên sào, hong gió để bánh ráo tự nhiên, rồi sau đó mới gỡ xuống thái sợi.

Món bánh cuốn tại Hà Giang.

Ông Đào Thanh Hưng, chủ quán phở Hưng Thiệp, là một trong những địa chỉ  được du khách lựa chọn khi muốn thưởng thức món phở gia truyền Tráng Kìm. Cả 3 thế hệ trong gia đình ông đều gắn bó với nghề làm và bán phở. Từ nhỏ, ông đã phụ bố mẹ tráng bánh, bán phở và gắn bó với nghề gia truyền này mấy chục năm nay. Và 3 anh em trong gia đình ông đều sinh sống bằng nghề làm và bán phở ở phố Tráng Kìm. Qua mấy thế hệ, nhưng các anh em trong gia đình ông vẫn giữ nguyên cách làm thủ công truyền thống, người nấu phải ngâm gạo từ chiều để 3h sáng dậy nghiền bột, chuẩn bị mọi nguyên liệu để sẵn sàng đón khách đến ăn vào mỗi sáng sớm.

Món ngon nhờ nguyên liệu bản địa

Một nét văn hóa độc đáo của ẩm thực vùng cao nói chung, của tỉnh Hà Giang nói riêng là những đặc sản nức tiếng không chỉ ngon ở khâu chế biến kỳ công mà còn ở việc sử dụng nguyên liệu tươi ngon, an toàn, đậm chất bản địa.

Thịt trâu gác bếp Hà Giang là món ăn truyền thống của người Thái đen tạo được ấn tượng với thực khách vì đậm nét văn hóa ẩm thực vùng cao. Nguyên liệu chế biến món ăn này là thịt trâu tươi được ướp bằng các loại gia như mắc khén, hạt dổi; khi ăn thì chấm với chẩm chéo, đều là những gia vị chỉ vùng cao mới có.

Chế biến món trâu gác bếp.

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn tại thị trấn Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn vốn là món ăn sáng quen thuộc của người dân địa phương. Khi du lịch phát triển, món ăn thường nhật này lọt vào danh sách các đặc sản được du khách ưa chuộng cũng vì là món ăn đậm chất bản địa. Tuy cách chế biến món ăn này khá giản dị nhưng có sự chăm chút ở từng khâu nguyên liệu từ việc sử dụng bột gạo làm từ gạo nương. Sau khi bánh được tráng mỏng, người chế biến đánh thêm trứng và láng đều trên mặt bánh rồi cho thêm phần nhân là thịt băm mộc nhĩ và cuốn lại.

Bánh khi chín sẽ có màu vàng nhạt, ăn có vị thơm, vị béo hơn bánh thuần bột. Thay vì ăn kèm với món nước mắm chua ngọt thông thường, bánh cuốn phố cổ Đồng Văn được ăn với nước lèo ngon ngọt được hầm từ xương, có chả, nêm thêm hành lá và ngò rí. Người dùng ăn bánh cuốn kèm với nước lèo thơm ngọt, nóng hổi giữa tiết trời giá lạnh của vùng đồi núi là một trải nghiệm khá thú vị.

Quán cháo ấu tẩu Phương Mạnh 175 của gia đình bà Nguyễn Thị Phương và ông Phạm Quang Mạnh là quán cháo lâu năm tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Bà Phương là người miền xuôi lấy chồng lên sinh sống ở thị trấn vùng cao này.

Quán cháo của gia đình bà bán từ 19h đến 1-2h sáng, nhất là những ai sau buổi nhậu, ăn một tô cháo ấu tẩu nóng hổi vừa giúp giải rượu, tác dụng tốt của dược liệu cũng phát huy hiệu quả qua giấc ngủ đêm, giúp cho người dùng ngủ ngon hơn.

Ông Phạm Quang Mạnh chia sẻ, để làm nên món cháo ngon, ngoài kỹ thuật nấu thì chọn nguyên liệu ngon, phù hợp cũng rất quan trọng. Ví dụ, ông chọn gạo nấu cháo là gạo bao thai. Đây là giống gạo cổ của Việt Nam hiện được trồng ở một số tỉnh Đông Bắc. Giống lúa này phải trồng dài ngày nên mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, năng suất không quá cao nhưng lại có một hương vị đặc trưng, gạo mới, nhiều nhựa, ăn rất mềm, thơm, dẻo nhưng không ngấy, càng nhai sẽ càng cảm nhận được vị ngọt, thơm của từng hạt cơm. Ngay cả khi đã được chế biến thành mì, bún, bánh phở, bánh cuốn… gạo bao thai vẫn giữ nguyên những đặc tính trên. Các nguyên liệu thịt, trứng, xương dùng để nấu đều phải là nguyên liệu tươi ngon, nếu nấu bằng chân giò heo nuôi thiên nhiên ở các bản, làng thì càng ngọt, ngon.

Bình Nguyên

 

Nguồn: Dulichvn

Sơn La: Khám phá thiên đường mận trắng Nà Ka

Mỗi dịp xuân về, khi những cánh hoa mận đua nhau bung nở, cả thung lũng Nà Ka, huyện Mộc Châu (Sơn La) khoác lên mình chiếc áo trắng muốt. Giữa không gian bạt ngàn sắc trắng, từng cành mận vươn mình trong nắng, tạo nên khung cảnh nên thơ, cuốn hút du khách gần xa.


Mỗi ngày có rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm tại thung lũng Nà Ka.

Thung lũng Nà Ka cách trung tâm thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) khoảng 16 km. Nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, tạo nên không gian yên bình và thơ mộng. Đây là xứ sở của những vườn mận lớn và đẹp nhất tại Mộc Châu, mỗi năm thu hút rất đông du khách gần xa. Những ngày đầu tháng Hai, chúng tôi có dịp ghé thăm thung lũng mận Nà Ka, khi không khí xuân còn vương vấn khắp núi rừng. Theo người dân địa phương, đây là thời điểm đẹp nhất trong năm để du khách đến và đắm chìm trong sắc trắng của hoa mận.

Từ địa phận của xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hoà Bình), dọc theo Quốc lộ 6 dẫn vào địa phận của huyện Mộc Châu, bên cạnh sắc đỏ hồng của hoa đào là những vạt mận nở trắng rừng. Nhưng mận tại thung lũng Nà Ka là ấn tượng hơn cả, bởi đây là “vựa mận” lớn nhất ở Mộc Châu, với diện tích hơn 100 ha. Đây cũng là địa điểm được huyện Mộc Châu chọn làm nơi tổ chức Ngày hội hái quả hằng năm, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia.

Khi đến địa phận Nà Ka, nhiều người dân địa phương đã đứng đón và dẫn khách vào các nhà vườn. Theo chỉ dẫn của bác tài xế chở đoàn, chúng tôi chọn vào một trong những vườn mận thuộc trung tâm của thung lũng. Đúng vào mùa hoa, cây mận ở Nà Ka dường như cùng nhau thay lá, những cành mận mảnh mai nay phủ kín hoa trắng muốt. Không chỉ có hoa, những cây mận còn lúc lỉu quả trái vụ. Với giá vé 40 nghìn đồng/người, du khách thoải mái chụp ảnh và thưởng thức những quả mận tại vườn. Chủ vườn còn chu đáo chuẩn bị muối chấm, giúp du khách có trải nghiệm trọn vẹn hơn.

Chị Nguyễn Phương Thảo – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đây là lần thứ hai chị ghé thăm Nà Ka. Lần đầu vào tháng 5/2024 trong khuôn khổ Lễ hội hái mận. Ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những quả mận đỏ mọng, chị quyết định quay lại vào mùa hoa mận để khám phá vẻ đẹp khác biệt của nơi này. “Lần này đến Nà Ka, tôi thực sự choáng ngợp trước khung cảnh thung lũng trắng xóa bởi hoa mận. Không khí nơi đây trong lành, yên bình khiến tôi cảm thấy thư thái vô cùng. Tôi còn hái một ít mận mang về làm quà. Đây thực sự là một trải nghiệm rất thú vị trong những ngày đầu xuân năm mới”, chị Thảo chia sẻ.

Với cảnh sắc đẹp như tranh, thung lũng mận Nà Ka còn là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đam mê nhiếp ảnh. Tại đây, không ít bạn trẻ, nhiếp ảnh gia đã lặn lội hàng trăm km để đến với Nà Ka và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân Tây Bắc. Từ sau Tết Nguyên đán, anh Đức Hưng, một thợ chụp đến từ Hải Dương đã liên tục “cày ải” tại Mộc Châu. Anh Hưng chia sẻ: “Trong năm, tôi có nhiều lịch chụp cho khách tại Mộc Châu. Đây là nơi có nhiều địa điểm rất khác biệt, độc đáo. Thời điểm này hoa mận nở rất đẹp nên nhiều khách đặt lịch chụp khá dày, có những hôm chúng tôi nghỉ lại qua đêm tại Mộc Châu để chụp tiếp vào ngày hôm sau”.

Không chỉ có cảnh sắc độc đáo, thung lũng mận Nà Ka còn cuốn hút bởi không khí trong lành, mát mẻ, tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Tại đây còn có những ngôi nhà của đồng bào Mông vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống. Từ thung lũng mận Nà Ka có thể khám phá các địa điểm nổi tiếng của cao nguyên Mộc Châu như: đồi chè trái tim, thác Dải Yếm hoặc rừng thông bản Áng.

Có thể nói, đặt chân đến Nà Ka mùa này, không chỉ được đắm mình trong thiên nhiên rực rỡ mà còn cảm nhận được hơi thở dịu dàng của đất trời Tây Bắc. Và rồi, bất cứ ai rời đi cũng sẽ mang theo chút thương nhớ, mong ngóng một mùa hoa mận nữa lại về…

Cao Viết

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Công viên văn hóa Đống Đa – Sự hòa quyện giữa lịch sử và hiện đại

Trong dòng chảy miên viễn của thời gian, những trang sử oanh liệt của dân tộc vẫn còn đó, vẫn tỏa sáng rạng ngời giữa dòng đời luân chuyển. Công viên văn hóa Đống Đa là một trong những “nhân chứng sống” nổi bật trong sự giao thoa ấy.

Công trình mang đậm dấu ấn lịch sử

Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) từ lâu đã là một địa danh lịch sử quen thuộc của nhiều thế hệ người dân. Nơi đây là nơi lưu trữ, khắc tạc và mang đậm âm vang của một thời lịch sử hào hùng.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trong khuôn viên Công viên văn hóa Đống Đa.

Tọa lạc tại số 276 Phố Đặng Tiến Đông, phường Quang Trung, Công viên văn hóa Đống Đa trải rộng trên diện tích 21.745m2, là nơi lắng đọng những ký ức hào hùng của dân tộc. Được xây dựng vào năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, nơi đây không chỉ là một không gian sinh hoạt công cộng mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần quật khởi, ghi dấu chiến công lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.

Trong đó, Gò Đống Đa vẫn sừng sững như một chứng nhân của lịch sử. Di tích này không chỉ là một địa danh mà còn là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nhắc nhở hậu thế về một thời kỳ lẫm liệt. Năm 1962, Gò Đống Đa được xếp hạng Di tích Quốc gia, và đến năm 2019, nhân kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, nơi đây được nâng tầm thành Di tích Quốc gia đặc biệt. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương cha ông, mỗi ngọn cỏ, tán cây như vọng lại âm vang của trận đánh lịch sử. Nhờ có Gò Đống Đa, chúng ta thêm hiểu, thêm tự hào về những trang sử vẻ vang, về vị Hoàng đế áo vải đã làm rạng danh non sông.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Từ năm 2014, công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích đã được triển khai với nhiều hạng mục quan trọng như tượng đài, đền thờ và nhà trưng bày. Tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ sừng sững với chiều cao 14,65m, nặng 200 tấn, bề mặt ốp đá hoa cương, phun vảy đồng, thể hiện uy nghiêm và khí phách bậc đế vương. Sau lưng bức tượng là hai bức phù điêu dài 47m, tái hiện khí thế hào hùng của Nghĩa quân Tây Sơn trong trận đại thắng năm xưa.

 Bức tường thể hiện ý chí quật cường trong chiến đấu của quân và dân ta.

Bạn Nguyễn Giang Dung (học sinh Trường THPT Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Em đang thực hiện một bài tập liên quan đến Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vì thế nên em thấy đến Gò Đống Đa để quan sát và nghiên cứu là hợp lý nhất. Em được tiếp cận và học hỏi rất nhiều điều từ những chiến công hiển hách và những chiến lược tài tình của quân và dân ta. Em thầm biết ơn các thế hệ ông cha ta, cũng như Nhà nước đã có những kế hoạch bảo tồn và giữ gìn các công trình lịch sử như này để thế hệ như chúng em có cơ hội được sống lại những thời khắc lịch sử của dân tộc”.

Mỗi hình vẽ được khắc trên các bức phù điêu như gợi lại sự hào hùng của trận đánh lịch sử năm xưa.

“Hồn xưa” – Ý tưởng mới

Trong dòng chảy luân chuyển của thời đại, cuộc sống chúng ta cũng quay theo sự giao thoa giữa lịch sử và hiện tại. Với Công viên văn hóa Đống Đa, sự giao thoa ấy còn là sự kết hợp tài tình, mang tính lịch sử giữa “hồn xưa” và “ý tưởng mới”.

Hướng đến mục tiêu phát triển Công viên văn hóa Đống Đa thành một trong hai “Không gian sáng tạo” của quận Đống Đa, chính quyền địa phương đang từng bước đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, biến nơi đây thành điểm giao thoa giữa di sản và sáng tạo. Không chỉ bảo tồn những dấu tích lịch sử, công viên còn mở ra một tương lai đầy hứa hẹn, nơi các giá trị văn hóa truyền thống được thổi bừng sức sống qua những hoạt động sáng tạo đương đại.

Bạn Nguyễn Giang Dung (bên trái) cùng bạn tản bộ tại khuôn viên Công viên văn hóa Đống Đa.

Đón đầu xu hướng phát triển, Ban Quản lý khu di tích đã tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao trải nghiệm tham quan. Cuối năm 2024, trang web godongda.vn chính thức ra mắt, mở ra cánh cửa giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin về lịch sử, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng như giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Hướng dẫn của Ban quản lý khu di tích về Gò Đống Đa.

Không dừng lại ở việc bảo tồn, Công viên văn hóa Đống Đa còn mang trong mình một sứ mệnh lớn lao hơn – trở thành không gian sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Ngay giữa lòng di sản, những không gian nghệ thuật sẽ được hình thành, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, nơi lịch sử không chỉ được nhắc nhớ mà còn tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Việc phát triển không gian sáng tạo tại đây không chỉ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa – lịch sử mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sáng tạo nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội – Thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận.

Bạn Hoàng Thị Lan (bên phải) và bạn học cùng tìm hiểu về những giá trị lịch sử tại Công viên văn hóa Đống Đa.

Bạn Hoàng Thị Lan (sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ thêm: “Là một người con đến từ Nghệ An, hồi bé tôi thường cùng gia đình đến Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (nằm trên núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An). Vì vậy, sau khi ra Hà Nội, biết tại Gò Đống Đa cũng có những dấu ấn về vị Hoàng đế lỗi lạc này nên tôi thường xuyên đến đây. Tôi thực sự thích không khí hào hùng cùng những thiết kế cổ kính và trang nghiêm ở đây. Việc kết hợp hài hòa không gian văn hóa lịch sử với không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí, thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội cho người dân khiến Công viên văn hóa Đống Đa trở thành một điểm đến lý tưởng”.

Trong từng tán cây, phiến đá của Công viên văn hóa Đống Đa, lịch sử vẫn đang cất lời, thôi thúc những bước chân tìm về nguồn cội, đồng thời mở lối cho những ý tưởng mới mẻ, để di sản không chỉ thuộc về quá khứ mà còn sống động trong từng hơi thở của tương lai.

Bài và ảnh: Hải Yến

 

Nguồn: Dulichvn

Khai mạc Triển lãm sơn mài ”Nét son”

Sáng 2-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra khai mạc Triển lãm sơn mài “Nét son” của họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ (sinh năm 1981 tại Nam Định), đánh dấu chặng đường nghệ thuật đầy đam mê của cô với hội họa truyền thống.


Đã từng tham gia trưng bày 25 triển lãm chung và đây là lần đầu tiên họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ trưng bày riêng 40 tác phẩm sơn mài tiêu biểu, ghi dấu những sáng tác trải dài suốt gần hai thập kỷ sáng tác của mình.

Các tác phẩm phản ánh sự phong phú trong đề tài, từ thiên nhiên, phong cảnh, chân dung cho đến những câu chuyện đời thường, tất cả đều được thể hiện qua bảng màu sơn mài đặc trưng, mang đến chiều sâu nghệ thuật và sự rung động thị giác mạnh mẽ. Đây là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của tranh sơn mài Việt Nam và cảm nhận phong cách sáng tác riêng biệt của nữ họa sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm sơn mài “Nét son” (họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ ngoài cùng bên phải).

Từ những ngày đầu sáng tác, Phạm Ngọc Mỵ đã gắn bó với hội họa sơn mài, coi “nét son” là ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt. Những tác phẩm của cô phản ánh sự rung cảm với thiên nhiên và đời sống, từ ánh bình minh trong “Hừng đông”, nhịp sống lao động trong “Ra khơi” đến sự ấm áp trong “Nếp nhà”. Qua đó, người xem cảm nhận được sự dung dị nhưng sâu sắc của hội họa sơn mài.

Dấu ấn của Ngọc Mỵ nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật truyền thống và tư duy sáng tạo, giúp tranh sơn mài vượt khỏi lối mô phỏng, trở thành một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc.

Tác phẩm “Thung lũng” trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm “Hội họa sơn mài Nét son” không chỉ đem lại cơ hội cho khán giả chiêm ngưỡng các tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật mà còn giúp công chúng hiểu hơn về hành trình sáng tạo của một nữ họa sĩ tiêu biểu thời kỳ đổi mới. Với nghị lực và niềm đam mê bền bỉ, Phạm Ngọc Mỵ đã góp phần khẳng định vị thế của sơn mài Việt Nam trong nghệ thuật đương đại.

Triển lãm “Hội họa sơn mài Nét son” hứa hẹn mang đến góc nhìn đa chiều, giúp công chúng tiếp cận nghệ thuật sơn mài từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Tin, ảnh: Minh Trang – Bảo Ngọc

 

Nguồn: Dulichvn

Hồn quê xứ Huế trong những ngôi nhà cổ

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 5km, nép mình bên bờ sông Hương êm đềm chở nặng phù sa, Thủy Biều không chỉ là vùng đất trù phú mà còn chứa đựng một phần di sản văn hóa xứ Huế.


Nổi tiếng với những vườn thanh trà trĩu quả nhưng điểm nhấn của Thủy Biều chính là những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi, nơi thời gian lắng đọng trong từng mái ngói, bức bình phong và mảnh sân rợp bóng cây xanh. Vùng đất này không chỉ mê hoặc bởi cảnh sắc mà còn bởi sự chân thành, mộc mạc của người dân.

Theo dân gian, tên gọi “Thủy Biều” bắt nguồn từ “bầu nước lớn”, phản ánh vùng đất ven sông màu mỡ, nơi thanh trà-thứ quả quý của cố đô-xanh tươi quanh năm. Quanh ngôi làng, giữa những con đường lát gạch, bên hàng cây xén thấp, du khách dễ dàng bắt gặp cánh cổng gỗ đơn sơ dẫn vào khu vườn rộng và những nếp nhà rường cổ kính, nơi in đậm hồn quê và lòng mến khách thân tình. Được xây dựng theo nguyên tắc phong thủy kết hợp nghệ thuật kiến trúc tinh tế, nhà rường Huế có bố cục đăng đối ba gian hai chái, làm hoàn toàn bằng gỗ quý như lim, gõ, mít, mái lợp ngói liệt, sân gạch đỏ, bao quanh là khu vườn xanh mát. Cấu trúc nhà thường theo hình chữ “Đinh”, chữ “Công”, với hệ thống rường chính là cột kèo kết nối chặt chẽ, chạm trổ tinh xảo.

Vẻ đẹp bình dị của nhà rường ở Thủy Biều.

Bước qua cổng gỗ là bức bình phong án ngữ tạo sự kín đáo, phía trước sân có hồ nước điều hòa khí hậu, giữ gìn sinh khí trong nhà. Nhà thường quay hướng Nam hoặc Đông Nam, tránh nắng gắt, đón gió mát từ sông Hương. Gian chính rộng rãi bố trí theo trục đối xứng, với bàn thờ gia tiên ở trung tâm-vừa thể hiện sự tôn kính, vừa là sợi dây kết nối các thế hệ. Bao quanh là khu vườn xanh mướt, trồng thanh trà, bưởi, cau, chè tàu, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thể hiện triết lý “thuận thiên” của người xưa. Không gian rộng rãi, hài hòa với thiên nhiên không chỉ mang lại sự vượng khí mà còn phản ánh nếp sống tao nhã, gắn bó với đất đai, cây cỏ của người Huế.

Một trong những ngôi nhà vườn kiểu rường tiêu biểu tại Thủy Biều là nhà vườn Xuân Đài. Qua bao thăng trầm, ngôi nhà 160 năm tuổi vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính với cột gỗ lim chắc chắn, mái ngói phủ rêu, những bức hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ thờ chạm khắc tinh xảo, tất cả phản ánh một thời vàng son của vùng đất kinh kỳ. Gia đình ông Hồ Xuân Đài, hậu duệ của những vị quan trong triều Nguyễn, không chỉ coi ngôi nhà như báu vật của tổ tiên mà còn mang trong mình niềm tự hào và tinh thần hiếu khách đậm chất Huế. Ở tuổi 85, ông Đài vẫn kể lại mạch lạc những câu chuyện về lịch sử gia tộc, ẩm thực cung đình, triết lý âm-dương trong thuốc Nam, mời khách thưởng thức món mứt gừng gia truyền hay trải nghiệm ngâm chân lá thuốc dân gian. Tới nhà vườn Xuân Đài, du khách còn được trải nghiệm trọn vẹn nếp sống Huế-thưởng thức những món ăn dân dã chế biến ngay trong bếp nhà đậm đà hương vị Huế như vả trộn tôm thịt, súp rau củ, cá sông kho tộ… lại được đạp xe thăm vườn, tự tay chăm cây, tập làm kẹo bánh, mứt quà. Tất cả tạo nên một không khí ấm cúng, chân tình, khiến người lữ hành có cảm giác như người thân trở về nhà.

Thủy Biều không chỉ là điểm đến để chiêm ngưỡng những ngôi nhà rường cổ kính hay tìm hiểu văn hóa Huế mà còn là nốt trầm lặng lẽ giữ trọn hơi thở của một Huế xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Người dân vẫn gắn bó với mảnh vườn, cần mẫn chăm chút từng gốc cây, từng viên gạch cổ như một phần máu thịt của đời mình để nơi đây không chỉ là mái nhà của họ mà còn là một phần ký ức không thể phai mờ của Huế.

Bài và ảnh: My Cao

 

Nguồn: Dulichvn

Mùa lễ hội ở Quảng Yên (Quảng Ninh)

Quảng Yên là vùng đất của những trầm tích văn hóa với hơn 200 di tích lịch sử – văn hóa, kèm theo đó là hệ thống các lễ hội được tổ chức trải dài từ dịp đầu xuân cho đến hết năm. Bởi vậy, những tháng đầu năm luôn được xem là mùa lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương tham gia, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người Quảng Yên.


Các đoàn dẫn lễ cụ Thượng lên miếu Tiên Công tại Lễ hội Tiên Công năm 2025. Ảnh: Thu Chung

Khởi đầu cho mùa lễ hội hằng năm tại TX Quảng Yên là Lễ hội Tiên Công được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia miếu Tiên Công (xã Cẩm La). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có. Đặc sắc nhất là nghi lễ rước cụ Thượng bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các vị Tiên Công từ Kinh thành Thăng Long có công quai đê, lấn biển tạo dựng vùng đảo này.

Lễ hội Tiên Công năm 2025 được tổ chức ở quy mô có 3 đoàn rước tập thể với 35 cụ Thượng. Theo đó, những cụ tròn 80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi sẽ được ngồi trên võng đào, được các con, cháu rước ra miếu làm lễ tế Tiên Công. Ngoài ra còn hơn 100 đoàn cụ Thượng dẫn lễ lên miếu Tiên Công.

Cùng các nghi lễ được tổ chức theo đúng phong tục tập quán truyền thống của địa phương, lễ hội năm nay còn có các hoạt động vui chơi như tổ tôm điếm, đánh cờ, chơi đu, hát đúm, hát dân ca quan họ… Lễ hội không chỉ thu hút nhân dân địa phương, mà còn có rất nhiều khách du lịch tham gia. Chị Nguyễn Thị Hương (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi đã nghe nhiều đến Lễ hội Tiên Công, nhưng năm nay tiện dịp du xuân ở Quảng Yên mới có cơ hội tham gia. Lễ hội này rất đặc trưng, khác biệt với nhiều lễ hội ở những vùng, miền khác mà tôi từng tham gia.

Hiện TX Quảng Yên có 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Tiên Công, lễ hội truyền thống Bạch Đằng và lễ hội Xuống đồng. Ngoài ra còn các lễ hội với quy mô cấp vùng như lễ hội Cầu ngư, các lễ hội Đại kỳ phúc ở 14 đình làng, hội chùa làng (ở 20 chùa) lễ ra cỗ họ của 23 từ đường dòng họ Tiên Công (đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia) cùng với 70 lễ hội ở các từ đường dòng họ khác trên địa bàn mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Hoạt động trang trí, tuyên truyền cho Lễ hội Xuống đồng ở phường Phong Cốc (TX Quảng Yên).

Để mùa lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống vào mỗi dịp đầu năm, từ nhiều tháng trước, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2025; tổ chức cho UBND các xã, phường thực hiện tốt việc đăng ký và thông báo chương trình tổ chức lễ hội; thành lập ban tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, kiểm tra các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ hội dịp đầu xuân. Trong đó chú trọng xây dựng nội dung, chương trình theo đúng nghi lễ truyền thống, đảm bảo quy định về tổ chức, quản lý lễ hội.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về lễ hội trên phương tiện thông tin đại chúng, fanpage mạng xã hội, truyền hình thị xã, cổng thông tin điện tử thị xã. Chú trọng tuyên truyền nguồn gốc các lễ hội, di tích và ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống trong lễ hội. Các di tích tổ chức tổng vệ sinh môi trường, bao sái hệ thống đồ thờ tự; trang trí hoa, cây cảnh; làm mới hệ thống pano, khẩu hiệu, kết đèn trang trí tạo cảnh quan tràn ngập sắc xuân trong dịp đầu năm mới.

Đặc biệt, thị xã quan tâm bố trí lực lượng an ninh đảm bảo công tác giữ trật tự, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích; vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như công tác PCCN… tại các di tích cũng được thực hiện nghiêm túc.

Hoàng Anh

 

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội: Gìn giữ pho sử sống động về văn hóa xứ Đoài

Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là vùng đất cổ xứ Đoài, có nền văn hóa lâu đời với hệ thống di sản phong phú và đa dạng.


Trong số này, đình Tường Phiêu gắn với lễ hội truyền thống hàng năm được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần được gìn giữ và phát huy.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đình Tường Phiêu (còn gọi là đình Cả) nằm trên địa bàn xã Tích Lộc (huyện Phúc Thọ), được xây dựng vào khoảng năm 1430 và trải qua nhiều lần tu bổ. Ngôi đình thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng gồm: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng. Đình Tường Phiêu mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài. Cũng bởi những giá trị trên, năm 2018, đình Tường Phiêu vinh dự được Chính phủ quyết định xếp hạng và công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 2/2025. Ảnh: Trọng Tùng

Ông Khuất Văn Thịnh (xã Tích Lộc) cho biết, mỗi năm, ở đình Tường Phiêu tổ chức 4 lễ tiết; riêng lễ hội Rằm tháng Giêng để tưởng nhớ ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội lớn nhất, kéo dài 3 ngày (14, 15, 16 tháng Giêng). Lễ hội đặc sắc nhất là tục rước Thánh đêm 14 tháng Giêng (ba năm tổ chức rước một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đã tồn tại từ rất lâu đời và được dân làng gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.

“Điều đặc biệt trong lễ hội đình Tường Phiêu là việc chuẩn bị các cây đình liệu (còn được gọi là đuốc thần) cho đám rước tối ngày 14 tháng Giêng Âm lịch. Đám rước đi đến đâu thì đốt đình liệu đến đó. Người đi xem hội rước đông vui rạng rỡ dưới ánh lửa hồng đuốc lễ hội Xuân. Ai cũng muốn len tới, chui qua kiệu cầu lộc, cầu điều may mắn…” – ông Khuất Văn Thịnh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Tích Lộc Nguyễn Đức Chung, lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu hàng năm không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các vị thánh mà còn là cơ hội để các thế hệ cùng ôn lại và khắc sâu hơn những giá trị văn hóa truyền thống của xã Tích Lộc nói riêng, quê hương Phúc Thọ nói chung.

 “Việc tổ chức và tái hiện lại tục rước kiệu ban đêm, những bó đuốc rồng được đốt lên là biểu tượng cho nét văn hóa độc đáo của xứ Đoài. Nghi lễ này cũng nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng động cư dân, hướng đến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…” – ông Nguyễn Đức Chung nói thêm.

Với những giá trị đặc sắc còn lưu giữ đến ngày nay, lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai của huyện Phúc Thọ, sau lễ hội truyền thống đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng.

Nhân lên giá trị di sản

Trải qua bao biến cố của lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn trang nghiêm bên dòng sông Tích như một nhân chứng bất tử cho truyền thống văn hiến của quê hương Phúc Thọ. Để bảo vệ di tích, người dân nơi đây không ngừng tìm cách tu bổ, tôn tạo với nhiều giải pháp hữu hiệu. Tư liệu ghi được tại di tích cho thấy, đã có gần 20 lần chính quyền và Nhân dân địa phương thực hiện các hoạt động bảo vệ di tích.

Đình Tường Phiêu là một trong 3 di tích quốc gia đặc biệt tại huyện Phúc Thọ. Ảnh Trọng Tùng

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn, việc lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân xã Tích Lộc nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện, là ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của Nhân dân Phúc Thọ. Quan trọng hơn, chính là tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong suốt dòng chảy của lịch sử.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, với ý nghĩa to lớn của một Di tích quốc gia đặc biệt, UBND huyện đã thành lập Ban quản lý để tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di tích gắn với Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu. Công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh phương thức giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng về giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu.

Cũng theo ông Kiều Trọng Sỹ, trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ lập quy hoạch tổng thể, tu bổ, tôn tạo di tích đình Tường Phiêu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu. Sớm hoàn thiện hồ sơ và các tiêu chí để UBND TP Hà Nội công nhận “Điểm du lịch nông thôn Tích Lộc” là điểm du lịch cấp TP. Huyện Phúc Thọ cũng sẽ chú trọng xây dựng hệ thống các giải pháp khai thác có hiệu quả chuỗi du lịch tâm linh Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu kết hợp với làng nghề hoa cây cảnh xã Tích Lộc. Đồng thời, kết nối với các điểm di tích ở các địa phương lân cận để tạo thành một chuỗi giá trị văn hóa, du lịch bền vững thu hút du khách thập phương ghé thăm, trải nghiệm.

Tùng Nguyên

 

Nguồn: Dulichvn

Đà Nẵng: Hành trình tìm về bản sắc văn hóa nơi làng chiếu Cẩm Nê

Chúng tôi tìm về Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vào một buổi sáng yên bình, nơi con đường làng nhỏ len lỏi giữa những cánh đồng xanh mướt. Làng chiếu Cẩm Nê nổi danh với những chiếc chiếu tinh xảo, mang lại giá trị thẩm mỹ về độ bền, đẹp. Dù các nghệ nhân xưa từng được sắc phong khen thưởng, nhưng nay nghề truyền thống này đang dần mai một theo thời gian.


Bà Dương Thị Thông (62 tuổi), người nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ nghề dệt chiếu ở làng đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, thân thiện. Được biết, bà là con gái của Nghệ nhân dệt chiếu Ngô Thị Thân, người đã có 70 năm trong nghề dệt chiếu. Bây giờ, bà Thông nối nghiệp mẹ mình nhưng chỉ thỉnh thoảng mới dệt chiếu khi có khách đặt hàng, hay khi có đoàn du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Dương Thị Thông (bên phải) tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của nghề.

Bên khung cửi cũ, nhìn đôi bàn tay bà thoăn thoắt luồn từng sợi cói, những động tác thuần thục như đã in sâu vào tiềm thức, từng sợi cói mềm mại được sắp xếp ngăn nắp, chờ đợi sự hồi sinh dưới bàn tay khéo léo. Bà kể cho chúng tôi về những ngày làng xóm rộn ràng tiếng khung dệt, khi mỗi nhà đều có ít nhất một chiếc. Những tấm chiếu rực rỡ sắc màu, bền, đẹp theo năm tháng, đã từng là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trong ánh mắt trầm tư ấy, chúng tôi đọc được niềm tự hào lẫn nỗi lo âu, tự hào vì được là người gìn giữ truyền thống đến nay, lo âu vì không biết đến khi nào, ngọn lửa nghề này sẽ tắt hẳn khi bà không còn đủ sức để tiếp tục làm nữa. “Ngày xưa cả làng đều sống với nghề này, giờ đây chỉ còn mình tôi, cố gắng lưu giữ giá trị của nghề truyền thống đang dần bị mai một. Mỗi tấm chiếu tôi dệt ra không chỉ là sản phẩm làm bằng thủ công mà còn là câu chuyện về một thời hưng thịnh, về lịch sử và bản sắc văn hóa của làng Cẩm Nê”, bà Thông chia sẻ.

Bà Dương Thị Thông giới thiệu những nét đặc điểm nổi bật giúp chiếu Cẩm Nê bền đẹp.

Rồi thời gian dần đổi thay, những chiếc chiếu công nghiệp với giá thành rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn xuất hiện trên thị trường, lấn át đi chiếu truyền thống. Một nghề đã từng nuôi sống bao thế hệ dần trở thành gánh nặng, bị lãng quên. Nhiều hộ gia đình bỏ nghề, những khung dệt im lìm trong góc nhà phủ bụi theo thời gian.

“Những hộ trước đây gắn bó với nghề dệt chiếu ở làng Cẩm Nê giờ đã thưa thớt dần, người thì bỏ nghề, người thì chuyển sang công việc khác. Vì nghề này cực lắm, mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, làm xong một chiếc chiếu bán ra cũng chỉ vừa đủ tiền nguyên liệu. Người trẻ thì không ai muốn theo, vì phải chịu khó, phải siêng năng mới trụ nổi. Có những lúc, tôi đã nghĩ mình nên dừng lại”, bà Thông chia sẻ với giọng trầm buồn.

Hình ảnh thoi đưa trên khung dệt chiếu, từng gắn liền với đời sống làng nghề Cẩm Nê.

Nhưng niềm tin vào giá trị của nghề truyền thống chưa bao giờ dập tắt. Không phụ nghề, nghề cũng chẳng phụ mình, bà Thông vẫn giữ nghề như một cách trân trọng di sản của cha ông để lại. Bà không những dệt chiếu, mà còn tận tâm truyền dạy nghề cho lớp trẻ nếu ai muốn biết thêm, hiểu thêm và muốn được làm nghề này.

Bà Nguyễn Thị Thúy, người bạn dệt chiếu cùng bà Thông, chia sẻ về quy trình lấy cói từ cánh đồng, mang về phơi và nhuộm trước khi vào công đoạn dệt chiếu.

Làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng nghề trong nhịp sống hiện đại? Đây là câu hỏi lớn không chỉ dành riêng cho những người dân Cẩm Nê, mà còn cho những ai băn khoăn, trăn trở về giá trị văn hóa truyền thống.

Bức ảnh khi xưa được bà Dương Thị Thông trân trọng cầm trên tay, kể về những ngày mẹ mình miệt mài bên khung cửi, gắn bó cả đời với nghề dệt chiếu.

“Tôi vẫn tin sẽ có người nối tiếp, vẫn còn khả năng đó. Nghề này tuy cực, nhưng khi đã yêu, đã gắn bó rồi thì khó mà rời bỏ. Chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm, để làng chiếu Cẩm Nê không bị mai một theo năm tháng. Nghề của ông bà để lại, tôi đâu nỡ nhìn nó mất đi…”, bà Thông ngậm ngùi chia sẻ.

Du khách hào hứng trải nghiệm dệt chiếu truyền thống tại làng nghề Cẩm Nê.

Mỗi tấm chiếu được dệt ra không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, mà còn chứa đựng cả tâm huyết và niềm tự hào của người làm nghề. Chúng tôi tin rằng, với tình yêu nghề, những tấm chiếu Cẩm Nê vẫn tiếp tục được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa này, để mỗi sản phẩm là một câu chuyện sống động về văn hóa làng nghề Việt, về tình yêu và lòng trân quý di sản của cha ông để lại.

Bài, ảnh: Khánh Bình

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT