Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Thăm Bạch Đằng Giang – nơi khí thiêng sông núi hội tụ

Khu di tích Bạch Đằng Giang tọa lạc tại phường Minh Đức, thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, nơi này đã diễn ra 3 trận thủy chiến ghi vào sử sách gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc là Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.


Quảng trường Chiến Thắng đặt tượng 3 vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo tại Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: B.Nguyên

Chính vì vậy, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, nơi người dân trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Những trận thủy chiến ghi vào sử sách

Danh sĩ Phạm Sư Mạnh thời Trần từng có câu nói nổi tiếng về địa danh lịch sử Bạch Đằng Giang: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng). Có nhiều lý do để khẳng định Bạch Đằng là dòng sông lịch sử, dòng sông thiêng gắn với những trận thủy chiến hào hùng được ghi tạc vào sử sách.

Trận chiến đấu thứ nhất vào năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán. Lúc này, quân Nam Hán do Thái tử Lưu Hoằng Tháo chỉ huy vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Ngô Quyền dùng kế sách cắm cọc nhọn, đầu cọc bịt sắt dưới lòng sông Bạch Đằng, cho thuyền nhẹ, quân ít tiến ra ứng chiến rồi bỏ chạy để quân giặc đuổi theo. Đến khi thủy triều xuống, thuyền chiến lớn của Nam Hán đuổi theo bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó, Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công. Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng vì đã chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc, khai sinh ra các triều đại phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy, Đức vương Ngô Quyền được xem là “vua của các vua”, người mở màn triều đại phong kiến đầu tiên của nước Việt Nam.

Khu mô phỏng bãi cọc gỗ dưới sông Bạch Đằng. Ảnh: Huy Anh

Trận chiến đấu thứ 2 vào năm 981 của vua Lê Đại Hành chống lại 4 vạn quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thủy bộ đánh chiếm nước ta, gửi chiến thư thách thức là quân thiên triều thay mặt cho nhà trời tiêu diệt quân của Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, sai quân sĩ đóng cọc dưới lòng sông, dựa vào địa thế hiểm trở để chiến thắng quân địch. Đại Tống chấp nhận xuống nước và chính thức thừa nhận Lê Đại Hành cai trị Đại Cồ Việt.

Trận chiến thứ 3 vào năm 1.288 là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông Bạch Đằng, tiêu diệt hơn 4 vạn quân Nguyên Mông và trên 400 chiến thuyền. Chiến thắng của Trần Hưng Đạo là một trong những trận chiến mang tầm quốc tế khi góp phần chấm dứt toàn bộ đế chế Mông Cổ muốn làm bá chủ thế giới khi từng đánh chiếm nhiều nước ở châu Âu, châu Á.

Giải mã chiến thắng của quân ta trên sông Bạch Đằng, thuyền tham gia chiến đấu chủ yếu là thuyền độc mộc, có thể len lỏi ra các bãi cọc để tấn công, làm cho quân địch rối loạn vướng vào nhau, tạo điều kiện cho dân binh dùng hỏa công, cung nỏ tiêu diệt quân địch. Điều đặc biệt khác là cách cắm cọc gỗ của quân ta dưới lòng sông với góc nghiêng 45 độ và 75 độ đến nay vẫn là ẩn số.

Nơi giáo dục lòng yêu nước

Quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang bao gồm: Đền thờ Đức vương Ngô Quyền, Đền thờ vua Lê Đại Hành, Đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đền thờ Bác Hồ, quảng trường chiến thắng Bạch Đằng, nhà trưng bày và mô hình bãi cọc trên sông Bạch Đằng… Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất là  3 vị anh hùng dân tộc gắn với những trận thủy chiến ghi vào lịch sử.

Chính vì vậy, tại Quảng trường Chiến Thắng trong khu di tích đặt tượng thờ 3 vị anh hùng dân tộc gồm: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Các tượng này đều đúc bằng đồng nguyên khối cao 8m, nặng hơn 40 tấn. Trong đó, bức tượng Đức vương Ngô Quyền chân đạp sóng; tượng của Trần Hưng Đạo 1 tay cầm cuốn binh thư yếu lược, 1 tay nắm đốc kiếm thể hiện cho sự văn thao, võ lược toàn đức, toàn tài. Lịch sử thế giới ghi nhận trong 10 danh tướng tài giỏi nhất nhân loại thì Việt Nam góp mặt 2 danh tướng, trong đó Trần Hưng Đạo là vị tướng bách chiến bách thắng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Du khách tham quan các hiện vật tại Khu bảo tàng trưng bày hiện vật liên quan đến các trận thủy chiến Bạch Đằng.

Ông Đỗ Văn Giàu, người dân gốc tại địa phương làm hướng dẫn viên tại Ban Quản lý Khu di tích Bạch Đằng Giang, cho biết: “Vào những ngày cuối tuần, khu di tích đón hàng ngàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Tôi làm công việc hướng dẫn viên vì muốn góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước. Thuyết minh về những chiến công oanh liệt trong lịch sử của Bạch Đằng Giang, tôi luôn cố gắng thể hiện bằng giọng nói hùng hồn nhất để thông tin có thể thấm vào lòng người nghe”.

Để nội dung thuyết trình luôn sinh động, hấp dẫn, ông Giàu không chỉ tìm hiểu kiến thức trong sách, báo mà còn sưu tầm thêm các câu chuyện trong dân gian. Ví dụ chuyện về di tích bản doanh của Ngô Quyền, nơi ông khảo sát và nghĩ đến sách lược việc cắm cọc nhọn dưới lòng sông để diệt quân địch; chuyện về núi U Bò, tương truyền đây là nơi Trần Hưng Đạo cưỡi ngựa đứng trên núi chỉ huy trận thủy chiến; chuyện về đền thờ do người dân lập từ xa xưa để thờ những tướng sĩ đã hy sinh trên sông Bạch Đằng… Vùng đất này có phường Lưu Kiếm (thành phố Thủy Nguyên), tương truyền rằng đây là nơi Trần Hưng Đạo để lại 2 bảo vật là thanh kiếm và lá cờ giúp trấn giữ vùng đất này.

Bình Nguyên

Nguồn: Dulichvn

Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1567/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.


Theo Quyết định, công nhận Điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng; địa chỉ tại Xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội; UBND xã tổ chức quản lý điểm du lịch.

UBND xã Vân Hà có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Các Sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Công an TP. Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Vân Hà có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng theo đúng quy định pháp luật và TP. Hà Nội, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2025.

Làng Thiết Úng (tên Nôm là làng Ống, xa xưa gọi là Xa Lập phường), nay là một thôn của xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ xa xưa, thợ thủ công ở Thiết Úng đã tổ chức thành từng nhóm thợ đi tới từng vùng quê trong cả nước để xây dựng sản xuất. Nhiều công trình ở các làng trong vùng vẫn còn lưu giữ đến ngày nay như cửa võng đình Vĩnh Thanh, đình Lỗ Khê, đình Vân Điềm và đình Thiết Úng, đình Hà Khê… đều nhờ bàn tay người thợ Thiết Úng. Ngày 26/2/2010, làng Thiết Úng đã được UBND TP. Hà Nội trao Bằng công nhận “Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống”.

Hồng Hạnh

 

Nguồn: Dulichvn

Cao Bằng: Những giá trị văn hóa được tạo từ hương sắc núi rừng

Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình mà du khách đến với Cao Bằng còn được thưởng thức những nét văn hóa ẩm thực đầy màu sắc do chính bàn tay khéo léo của đồng bào vùng cao tạo nên; được khám phá, chiêm ngưỡng những bộ trang phục, những chiếc túi nhỏ xinh làm bằng vải thổ cẩm được nhuộm màu rực rỡ. Tất cả đều được chế biến, sản xuất từ cỏ cây, hoa lá từ núi rừng tự nhiên.


Ẩm thực độc đáo, đa màu sắc

Ẩm thực Cao Bằng là bức tranh đa màu sắc, thể hiện nét riêng về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao với những sản vật gắn liền với điều kiện tự nhiên, đời sống và mùa vụ sản xuất của nơi đây. Những món ăn dân dã, bình dị nhưng vô cùng hấp dẫn được chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng tại địa phương, đảm bảo độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng và giữ nguyên hương vị tự nhiên.

Đầu tiên phải kế đến món xôi ngũ sắc. Xôi là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Cao Băng, thường được làm trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay hay những ngày quan trọng của cộng đồng. Tuy nhiên, vào những dịp cưới xin đặc biệt là ngày Tết Thanh minh, đồng bào Cao Bằng lại làm xôi ngũ sắc từ cỏ cây, hoa lá của núi rừng như: Lá cẩm, lá sau sau, lá nếp, hoa boóc phón, gấc…

Bà Long Thị Thảo, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Để tạo nên các sắc màu rực rỡ cho xôi, những người phụ nữ vùng cao đã khéo léo sử dụng các loại lá cây, hoa quả có sẵn trong tự nhiên, như màu đỏ được làm từ quả gấc chín, lá cẩm đỏ; màu xanh từ lá gừng, lá nếp; màu vàng từ hoa boóc phón; màu tím từ lá cẩm tím; màu đen từ lá cây sau sau… Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ đem ngâm với nước các loại lá cây (đã được đun hoặc vắt, chắt lọc lấy nước). Mỗi một màu lá cây sẽ được ngâm riêng khoảng 1 – 3 giờ rồi vớt lên cho gạo ráo nước, sau đó mới đem vào đồ. Khi đồ cũng phải chú ý mỗi màu để vào góc riêng của chõ chứ không để lẫn. Khi xôi đồ chín bỏ ra, tùy từng gia đình, có nhà thì sẽ để từng bát, đĩa hoặc nắm vào từng nắm từng loại riêng, có nhà sau khi xôi chín đổ ra sẽ trộn đều các màu với nhau tạo nên “bức tranh cầu vồng” đẹp mắt, rồi mới lấy ra bát, đĩa để trưng bày hoặc cúng lễ.

Xôi ngũ sắc được làm từ những hoa, lá tự nhiên, tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Cao Bằng.

Xôi ngũ sắc là minh chứng cho sự sáng tạo, khéo léo của chị em phụ nữ các dân tộc Cao Bằng trong việc sử dụng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên để tạo nên món ăn độc đáo, giàu ý nghĩa. Du khách đến với Non nước Cao Bằng vào dịp tiết thanh minh sẽ được thưởng thức sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực này. Chị Hà Minh Hảo, đến từ thành phố Hải Phòng phấn khởi nói: Tôi đến Cao Bằng đúng vào dịp lễ hội ở huyện Quảng Hòa và bị thu hút bởi món xôi ngũ sắc do bà con bán, tôi đã mua để thưởng thức. Điều tôi cảm nhận được là mỗi hạt xôi không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc bắt mắt mà còn bởi hương vị thơm ngon, dẻo mềm. Vị ngọt bùi của nếp nương hòa quyện cùng hương thơm dịu nhẹ của các loại lá rừng tạo nên một hương vị đặc trưng, khó quên.

Cùng với món xôi ngũ sắc, ngày nay những người phụ nữ vùng cao khéo léo, tinh tế còn chế biến ra món bánh dày, bánh trôi ngũ sắc cũng chính từ những hoa, lá, quả từ tự nhiên ấy. Hay món thạch đen thanh mát được làm từ cây tiên thảo hoặc cây sương sáo; thạch trắng hay còn gọi là thạch mác púp được làm từ hạt quả mác púp (tiếng Tày), một loại quả mọc tự nhiên trong rừng… Tất cả tạo nên những món ăn lạ miệng, thể hiện nét tinh hoa ẩm thực độc đáo của đồng bào vùng cao.

Rực rỡ thổ cẩm vùng non nước

Đến vùng Non nước Cao Bằng mùa xuân, du khách gần xa sẽ được hòa vào sắc màu của những trang phục thổ cẩm rực rỡ của các chị em dân tộc đi du xuân trẩy hội. Những sắc áo chàm của dân tộc Tày, Nùng; những chiếc váy áo hoa sặc sỡ của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô… Cùng với đó du khách có thể thỏa sức lựa chọn cho mình những món quà ý nghĩa, độc đáo mang đậm sắc màu địa phương từ những sản phẩm lưu niệm được làm bằng tay.

Thổ cẩm của người Tày Cao Bằng nổi tiếng với màu sắc rực rỡ, đẹp và bền, đặc biệt là kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm được tạo từ mặt trái của sản phẩm. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông, sợi tơ tằm. Công cụ của nghề dệt thổ cẩm truyền thống gồm: Khung dệt, khung thả chỉ, guồng quay sợi (gọn lót), kéo sợi (slóa), bộ gọ (khau thúc), lược hay bìa (vùm), con thoi, thẻ tạo hoa văn và “pan” dùng để luồn tách sợi theo thẻ.

Hoa văn thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao. Để làm nên những trang phục thổ cẩm, những người phụ nữ vùng cao phải trồng bông, dệt vải, rồi nhuộm chàm hoặc thêu hoa văn, tất cả các khâu đó đều được làm tỉ mỉ bằng đôi bàn tay khéo léo của chị em.

Bà Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) cho biết: Dệt thổ cẩm rất coi trọng yếu tố kỹ thuật, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, có óc sáng tạo và tính kiên nhẫn. Trên tấm thổ cẩm của người Tày thường có 5 màu chủ đạo là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Hoa văn trên thổ cắm người Tày Cao Bằng cũng rất phong phú và đa dạng: Đó là hoa văn hình học (hình vuông, hình thoi…), hoa văn dạng chữ (chữ Hỉ, chữ Vạn…), những loài hoa, con vật gần gũi với đời sống như: Hoa đào, hoa hồi (hoa thị), hoa lê, con ngựa, con chim, con cua, con rết…

Hiện nay, do nhu cầu phục vụ du lịch, các mặt hàng thổ cẩm được làm thành các sản phẩm khăn trải bàn, túi đeo…

Những sợi màu thường được chị em nhuộm bằng các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Các loại màu sắc được chiết xuất từ vỏ cây, củ, lá, hoa và trái cây, giúp sản phẩm đạt được độ bền màu tự nhiên và thân thiện với môi trường, như: Lá chàm tạo màu xanh lam, vỏ cây, củ nâu tạo màu vàng đất hoặc nâu đỏ, hoa và trái cây tạo ra các sắc đỏ, cam, tím rực rỡ… Quá trình nhuộm màu không chỉ đơn giản là ngâm sợi trong dung dịch màu, mà còn được thực hiện qua nhiều công đoạn lặp đi lặp lại để màu sắc thấm đều và bền lâu. Các nghệ nhân phải kiểm soát nhiệt độ, thời gian và độ đậm nhạt của màu sắc một cách chính xác, đảm bảo mỗi lô sợi đều đạt chất lượng tốt nhất.

Mỗi một dân tộc sẽ có cách tạo hoa văn độc đáo phù hợp với trang phục dân tộc. Tuy nhiên, thêu là kỹ thuật phổ biến ở các dân tộc. Với kỹ thuật thêu, người ta có thể tạo những đường cong tự nhiên. Phụ nữ có thể mang đồ đi theo và thêu ở bất cứ đâu ở nhà, trên nương, khi đi chợ, đi chơi. Các bé gái học thêu từ rất sớm và đến 12 – 13 tuổi đã thêu thành thạo. Ngoài ra, một số dân tộc như Dao, Mông, Lô Lô… còn có cách tạo hoa văn từ việc in sáp ong.

Vải thổ cẩm ngoài được làm trang phục, mặt chăn, màn che, mặt địu, túi đeo thì hiện nay do nhu cầu của việc sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, các mặt hàng thổ cẩm cũng được làm phong phú đa dạng hơn như: Ga trải giường, mặt đệm, rèm cửa, khăn lót lọ hoa, ví cầm tay, ba lô…

Chị Ngô Hương Thắm, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Mỗi một vùng đến du lịch tôi đều lựa chọn cho mình một sản phẩm lưu niệm như chiếc khăn, cái túi hay móc điện thoại… Khi đến Cao Bằng tôi đã bị thu hút bởi những chiếc túi, ví cầm tay thổ cẩm nên tôi đã mua để làm kỷ niệm.

Những món ăn độc đáo, mỗi một sản phẩm làm từ vải thổ cẩm đều mang theo hơi thở của thiên nhiên và lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ của đồng bào vùng Non nước Cao Bằng. Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất Đông Bắc.

Thanh Thúy

 

Nguồn: Dulichvn

Độc đáo nghệ thuật in hoa văn trên trang phục người Dao Tiền

Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, mang đậm bản sắc và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử… các dân tộc. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền cũng vậy, không quá rực rỡ với gam màu chủ đạo là sắc chàm, pha lẫn sắc đỏ và hoa văn tinh tế đã tạo nên sự độc đáo. Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt nằm ở nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải trước khi may thành bộ trang phục hoàn chỉnh.


Trang phục truyền thống của người Dao Tiền không quá rực rỡ nhưng luôn nổi bật

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều dân tộc cùng chung sống, và mỗi dân tộc tại mỗi địa phương lại có những nét độc đáo trong văn hóa sinh hoạt cộng đồng khác nhau. Dễ nhận thấy nhất chính là bộ trang phục. Nếu người Thái thường ưa chuộng các họa tiết hoa văn hình chim phượng, hoa đào; người Mông thường sử dụng các hoa văn hình xoắn ốc, hình vuông, hình chữ nhật… thì người Dao Tiền nổi tiếng với các họa tiết thêu tỉ mỉ, tinh xảo, thường sử dụng các mô típ hình học, hoa lá, chim thú và có độ phức tạp và chi tiết cao hơn.

Những hoa văn in trên vải, trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ Dao

Ngay cả khi cùng thuộc dân tộc Dao, mỗi nhóm Dao như Dao Đỏ, Dao Trắng, Dao Lô Gang… lại có những nét riêng biệt. Trang phục của người Dao Đỏ có màu sắc chủ đạo là màu đỏ, với các họa tiết thêu đơn giản hơn, trong khi trang phục nữ của người Dao Tiền thường có nhiều lớp, bao gồm áo, yếm, váy, xà cạp, khăn vấn đầu, với màu sắc chủ đạo là màu chàm, đỏ, trắng, xanh.

Trang phục truyền thống của người Dao Tiền nổi bật với sự tinh tế, cầu kỳ trong từng đường nét, màu sắc, hoa văn, họa tiết thêu thùa, thể hiện sự đa dạng về kiểu dáng, phản ánh đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo. Trang phục còn là biểu tượng của bản sắc, lịch sử, tín ngưỡng của cộng đồng, các hoa văn, họa tiết thường mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tỉ mỉ trong từng đường nét khi in họa tiết bằng sáp ong

Tại bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn hiện có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Dao Tiền. Sinh sống giữa vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồng bào Dao Tiền nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng từ tiếng nói, chữ viết, làn điệu Páo dung và đặc biệt là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong để may trang phục truyền thống. Bà Triệu Thị Xuân – người dân tộc Dao bản Cỏi cho biết: Từ bé, chúng tôi đã được các bà, các mẹ dạy cách in sáp ong, thêu thùa, may trang phục. Người lớn luôn dặn rằng phải học làm, vì nếu không biết làm thì sau này lớn lên sẽ không có, mua cũng không ai bán cho.

Đến năm 15-16 tuổi thì hầu hết con gái Dao đã thành thục công đoạn in, may váy áo. Khi đi lấy chồng, làm dâu, gia đình và họ hàng nhà chồng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu có khéo léo hay không vì những hoa văn in trên vải, trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ Dao.

Tại Trung tâm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, trang phục truyền thống của đồng bào Dao Tiền là một sản phẩm trưng bày phục vụ hoạt động du lịch

Là nét văn hóa độc đáo được trao truyền từ nhiều đời trong cộng đồng dân tộc Dao Tiền tại bản Cỏi, để có được những tấm vải với hoa văn đẹp mắt, khâu làm sáp ong, in ấn được bà con nơi đây thực hiện rất kỳ công. Sau khi tách tổ, phần sáp ong sẽ được lọc qua nước trong rồi cô đặc, sấy khô chia thành từng mảnh nhỏ để thuận tiện cho mỗi lần sử dụng. Khi đun nóng sáp ong để in hoa văn cần lưu ý điều chỉnh độ loãng phù hợp. Nếu đặc quá thì sáp không ăn vải, loãng quá hoa văn in sẽ bị nhòe, không đẹp mắt.

Đặc biệt trong quá trình in, người vẽ phải luôn ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng rồi họa từng nét đều tay và liên tục đến khi nào hết khổ vải mới thôi. Mỗi hoa văn in trên trang phục truyền thống của đồng bào Dao đều mang những ý nghĩa khác nhau: Hình tròn tượng trưng cho mặt trời; hình tam giác tượng trưng cho núi; hình dích dắc tượng trưng cho con đường; hình ngôi sao tượng trưng cho bầu trời… góp phần làm đẹp thêm cho đời sống văn hóa của người phụ nữ Dao Tiền.

Một du khách trải nghiệm công đoạn in hoa văn bằng sáp ong trên vải

Chị Châu Thị Nga – Hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch, Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: Các công cụ sản xuất, nhạc cụ, món ăn và cả trang phục truyền thống của đồng bào Dao, Mường được trưng bày, giới thiệu tại đây luôn thu hút du khách. Rất nhiều du khách quốc tế thích thú, muốn mua các sản phẩm trang phục truyền thống về trưng bày hoặc làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, để làm được một bộ trang phục trọn vẹn cần khá nhiều thời gian nên giá thành sẽ cao, giao động từ khoảng 4-5 triệu đồng/bộ và không phải du khách nào muốn mua cũng có.

Du khách lưu lại những khoảnh khắc đẹp góp phần quảng bá văn hóa, du lịch bản Cỏi

Những sản phẩm, trang phục truyền thống vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống thường nhật của đồng bào Dao Tiền tại bản Cỏi không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch, những món quà ý nghĩa dành cho du khách thập phương trong hành trình khám phá, trải nghiệm vùng đất này.

Để gìn giữ, bảo tồn, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương, đã có nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả được triển khai. Trong đó, việc đưa nghệ thuật in sáp ong và trang phục truyền thống của người Dao Tiền trở thành trải nghiệm thú vị, độc đáo đối với khách du lịch đang là hoạt động thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Hoàng Giang

 

Nguồn: Dulichvn

Dấu ấn kiến trúc và nét đẹp văn hóa của người Hà Nội xưa

Kiến trúc Hà Nội là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, Đông và Tây, không chỉ tạo nên diện mạo đô thị mà còn phản chiếu lịch sử, văn hóa, nếp sống người Tràng An.


Kiến trúc phản chiếu lịch sử

Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội và tiến hành quy hoạch lại, diện mạo TP dần thay đổi. Những công trình hành chính, biệt thự kiểu Pháp xuất hiện ngày một nhiều, tạo nên một sự giao thoa kiến trúc Đông – Tây độc đáo.

Bàn thờ thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, thường là chiếc tủ thờ hoặc bàn thờ gỗ chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Ảnh: Cẩm Tú

Ngôi biệt thự đầu tiên của Hà Nội được xây dựng vào năm 1886 trên phố Laubarède (nay là phố Đặng Thái Thân). Từ đó, hàng loạt biệt thự dành cho tầng lớp khá giả mọc lên, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm và dọc các trục đường mới trong khu vực thành cũ.

Ban đầu, các biệt thự này mang đậm phong cách tân cổ điển Pháp với mái ngói đỏ, hành lang rộng, cột trụ vững chãi và những bức phù điêu trang trí tinh xảo. Tuy nhiên, từ năm 1930, khi các kiến trúc sư Việt Nam tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương tham gia thiết kế, những công trình này bắt đầu có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống Á Đông.

Màu sắc đặc trưng của biệt thự Hà Nội thời kỳ này là tường vàng nhạt, cửa gỗ xanh, ban công sắt uốn hoa văn… mang lại vẻ đẹp thanh thoát, hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, mỗi căn biệt thự còn là một phần của câu chuyện lịch sử, phản ánh từng giai đoạn phát triển của TP. Đơn cử, biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo theo phong cách tiền thực dân với mặt bằng hình chữ nhật, hành lang rộng bao quanh.

Trong khi biệt thự số 58 – 60 Trần Hưng Đạo (nay là Đại sứ quán Ấn Độ) lại mang phong cách tân cổ điển, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc La Mã với bố cục đăng đối, tạo cảm giác bề thế, hoành tráng. Một số biệt thự khác lại có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp và Trung Hoa, như biệt thự số 78 Phan Đình Phùng với tầng trên mang phong cách Pháp, tầng dưới mang phong cách Á Đông.

Sau năm 1954, các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội dần có sự thay đổi về công năng sử dụng, nhiều biệt thự được cơi nới, cải tạo để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, những giá trị thẩm mỹ và dấu ấn lịch sử mà chúng mang lại vẫn là một phần không thể tách rời trong bức tranh văn hóa của Hà Nội.

Trong gian trưng bày “Nếp xưa” với phần “Phong cách kiến trúc – Song xưa” tại  Bảo tàng Hà Nội có giới thiệu với công chúng về một số biệt thự và nhà cổ trong đó có ngôi nhà cổ ở 87 Mã Mây. Đây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng trong thế kỷ XIX theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc truyền thống của nhà cổ Hà Nội.

Cũng trong không gian này còn giới thiệu tới du khách bộ cánh cửa của biệt thự 63 Phùng Hưng được Bảo tàng Hà Nội sưu tầm năm 2018. Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách tân cổ điển những năm 1920. Lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội chia sẻ, thông qua không gian trưng bày này, mong muốn  du khách và các thế hệ hôm nay có thể hình dung về cuộc sống, nếp sinh hoạt xưa của cư dân Hà Nội.

Nét đẹp văn hóa gia đình

Dù chịu ảnh hưởng của phương Tây, nếp sống của người Hà Nội xưa vẫn giữ được những giá trị truyền thống, đặc biệt là trong gia đình.

Trên bàn thờ, chính giữa đặt bài vị hoặc di ảnh tổ tiên, xung quanh là bát hương, chân đèn, mâm bồng, bình hoa… Ảnh: Cẩm Tú

Mỗi ngôi nhà Hà Nội xưa, dù lớn hay nhỏ, đều có một không gian dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, thường là chiếc tủ thờ hoặc bàn thờ gỗ chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng.

Trên bàn thờ, chính giữa đặt bài vị hoặc di ảnh tổ tiên, xung quanh là bát hương, chân đèn, mâm bồng, bình hoa… Phía trên thường treo hoành phi, câu đối mang ý nghĩa cầu chúc gia đình hưng thịnh, con cháu hiếu thuận.

Ngoài ra, không gian tiếp khách cũng là một phần quan trọng, phản ánh lối sống thanh lịch của người Tràng An. Phòng khách của các gia đình Hà Nội xưa thường được bài trí với sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ chạm trổ tinh tế.

Tranh tứ bình, hoành phi câu đối được treo trang trọng, tạo nên không gian vừa ấm cúng, vừa trang nhã. Đặc biệt, trong cách sắp xếp nội thất, người Hà Nội xưa rất chú trọng đến yếu tố phong thủy, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và không gian sống.

Không gian tiếp khách phản ánh lối sống thanh lịch của người Tràng An. Ảnh: Cẩm Tú

Ông Nguyễn Viết Toàn (sinh năm 1961, sống tại quận Tây Hồ) chia sẻ: “Từ thời cụ tôi, trong nhà đã sắp đặt bàn thờ theo lối “Thượng Phật, hạ gia” – tức trên thờ Phật, dưới thờ tổ tiên. Đồ thờ bày biện theo nguyên tắc ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Những ngày giỗ, con cháu tề tựu đông đủ, các bậc trưởng bối ngồi trên sập, nam giới ngồi ghế có lưng tựa, phụ nữ ngồi gian bên”.

Không chỉ vậy, trong gian trưng bày “Nếp xưa” tại Bảo tàng Hà Nội, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa uống trà của người Hà Nội xưa. Theo đó, chén trà không chỉ thể hiện tính lịch sự, nhiệt tình của người mời mà còn phản ánh lối sống hoa mỹ, thanh tao không phân biệt bất cứ tầng lớp, địa vị nào trong xã hội. Người Hà Nội xưa pha trà tỉ mỉ, cầu kỳ xoay quanh bốn yếu tố “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.

Chén trà không chỉ thể hiện tính lịch sự, nhiệt tình của người mời mà còn phản ánh lối sống hoa mỹ, thanh tao.

Ấy là nước mưa đun sôi trong ấm đồng. Trà pha phải là loại ngon, hái đủ ba lá. Pha trà cũng phải theo quy trình tráng, ủ, ngâm, ngấm để việc rót trà ra chén tống chén quân cũng phải tụ phong thái của một trà nhân. Nhà văn Nguyễn Tuân từng viết “trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ”.

Dẫu thời gian trôi qua, xã hội ngày càng hiện đại nhưng những giá trị văn hóa truyền thống ấy vẫn luôn tồn tại, trở thành nền tảng cho một Hà Nội vừa phát triển, vừa giữ được bản sắc riêng.

Một Hà Nội văn minh, thanh lịch không chỉ được xây dựng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn từ chính con người và lối sống của họ. Khi mỗi người con Hà Nội hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống, TP này sẽ tiếp tục là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa đáng tự hào, vững vàng trước sự thay đổi của thời gian.

Cẩm Tú

 

Nguồn: Dulichvn

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày

Khi những cánh đào bung nở báo hiệu mùa xuân tràn về, đồng bào dân tộc Tày lại tất bật chuẩn bị cho Lễ cầu an, một nghi thức linh thiêng gửi gắm khát vọng bình an và no ấm. Đây không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng mà còn là nét văn hóa đặc sắc, in đậm dấu ấn truyền thống của đồng bào vùng cao.


Nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc

Lễ cầu an thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai (Âm lịch), diễn ra ngay tại nhà gia chủ hoặc nhà thầy cúng. Trước đây, nghi lễ kéo dài suốt đêm nhưng ngày nay được điều chỉnh tổ chức vào ban ngày để phù hợp với nhịp sống hiện đại, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho thầy cúng và gia chủ.

Hát Then trong Lễ cầu an là cầu nối linh thiêng giữa con người và thần linh, gửi gắm ước vọng bình an, may mắn.

Theo quan niệm dân gian, thực hiện nghi lễ này sẽ được các đấng siêu nhiên phù hộ, tránh được tai ương như thú dữ tấn công, rắn cắn, tai nạn sông nước, đồng thời cầu mong mùa màng tươi tốt, gia đình thuận hòa. Dù không có lời mời chính thức, bà con trong bản vẫn đến dự đông đủ, góp phần tạo nên không khí ấm cúng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Không gian tổ chức được phân chia gồm: Khu vực “nả nưa” – nơi linh thiêng trước bàn thờ, dành cho thầy cúng và người phụ lễ; “nả khoang” – hai bên bếp lửa dành cho bà con trong bản và “nả tẩu” – khu vực dành cho khách tham dự. Cách sắp xếp này thể hiện rõ nét văn hóa cộng đồng của người Tày, nơi mọi người cùng nhau hòa mình vào không gian tâm linh và nghệ thuật diễn xướng.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức đón tổ sư, mời các vị thần linh về dự và phù trợ cho gia chủ. Thầy then hoặc thầy mo sẽ báo cáo với thần linh về mong ước cầu an, sau đó thực hiện lễ “sái tịnh và tống yêu quái” nhằm thanh tẩy không gian, xua đuổi tà ma.

Nghi thức “sái tịnh và tống yêu quái” được thực hiện trước sân nhà để xua đuổi điều không may mắn.

Một trong những phần quan trọng nhất là nghi thức “vượt biển và giải hạn”, tượng trưng cho hành trình gian khó để đưa điều xấu đi xa. Trong lúc đó, những điệu múa chầu quanh “cây hoa” – biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển được thực hiện. Những em bé trong bản sẽ được vẽ bùa lên trán để mong khỏe mạnh, còn người già sẽ làm lễ “bù lương, bù gạo” với hy vọng kéo dài tuổi thọ.

Theo ông Nguyễn Văn Bách (thầy then tại buổi lễ), chia sẻ: “Mỗi động tác trong nghi lễ đều mang ý nghĩa sâu sắc. Vung kiếm là để trừ tà, rung chuông là để mời thần linh. Những bài cúng không chỉ đơn thuần là lời khấn, mà còn là di sản văn hóa truyền miệng, phản ánh triết lý sống và niềm tin của người Tày vào quy luật vận hành của vũ trụ”.

Sau khi hoàn tất các nghi thức chính, thầy then phát bùa hộ mệnh, buộc chỉ đỏ cầu may cho mọi người, rồi thực hiện nghi thức “hồi binh hồi mã” – tiễn đưa thần linh về cõi siêu nhiên, khép lại buổi lễ trong không khí trang nghiêm và tràn đầy hy vọng.

Thầy then buộc chỉ cầu an cho gia chủ khi sắp kết thúc buổi lễ.

Giữ gìn bản sắc giữa “dòng chảy” hiện đại

Dù cuộc sống ngày càng đổi thay, Lễ cầu an vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày. Không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng, đây còn là một hình thức diễn xướng dân gian kết hợp giữa tâm linh, nghệ thuật và triết lý nhân sinh. Những bài khấn, làn điệu then hòa cùng tiếng đàn tính vang vọng trong không gian nhà sàn đã trở thành âm thanh quen thuộc mỗi độ xuân về.

Em Nguyễn Hà Linh (19 tuổi, ở Thái Nguyên) chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã quen thuộc với lễ cầu an. Đây không chỉ là dịp để hiểu hơn về truyền thống gia đình mà còn giúp em cảm nhận sâu sắc sự gắn kết cộng đồng. Em mong thế hệ trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp này”.

Lễ cầu an của người Tày không chỉ là một nghi thức cầu mong may mắn mà còn là biểu tượng của lòng thành kính, của niềm tin vào những điều tốt đẹp. Giữa những đổi thay của thời đại, Lễ cầu an vẫn là sợi dây kết nối con người với tổ tiên, với thần linh và với chính bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bài và ảnh: Minh Trang

 

Nguồn: Dulichvn

Quảng Ninh: Độc đáo nghi lễ Lẩu Then của người Tày ở Bình Liêu

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, là mảnh đất của những sắc màu văn hóa đa dạng, mỗi dân tộc có những điệu hát, trang phục, tập quán riêng. Nơi đây hội tụ các lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa, những hoạt động này không chỉ phản ánh niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng, mà còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng chung sống trên một mảnh đất.


Cái lầu được dựng ngoài trời, cao hơn so với mặt đất chừng 4m, với 2 cầu thang lên xuống ở 2 đầu.

Một trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của Bình Liêu phải kể đến là diễn xướng nghi lễ Lẩu Then của người Tày. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm đàn, hát, múa, trò diễn, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, hướng tới những điều bình an, tốt đẹp.

Sự khác biệt trong nghi lễ văn hóa truyền thống mang tính tín ngưỡng của người Tày ở Quảng Ninh so với những nơi khác nằm ở nghi lễ Lẩu Then, hay còn gọi là lễ lên lầu (lên trời).

Những người tham gia hát Then là phụ nữ yêu ca hát, trân trọng làn điệu dân ca của mình. Nghệ nhân dân gian mang đến cho Then những màu sắc huyền bí và làm cho nó ngày càng đa dạng, sinh động, hấp dẫn người xem.

Đến giờ tiến hành lễ lên lầu, các bà Then đi từ bàn thờ trong nhà ra lầu. Sau đó, các bà Then trèo qua 12 bậc thang lên lầu.

Trên lầu, bà Then chính cùng một số bà Then phụ vừa chơi đàn tính vừa nhảy múa và làm một số nghi thức cúng bái trong sự quan sát, theo dõi của người dân và khách thập phương.

Sau khi hoàn thành nghi lễ lên lầu, các bà Then quay trở lại không gian trước bàn thờ Then ở trong nhà. Họ cùng nhau thực hiện một số điệu nhảy, múa và hát Then mừng đã hoàn thành nghi lễ.

Trong khi ở các dân tộc khác, thầy mo là đàn ông thì đối với người Tày ở Quảng Ninh, người thực hiện nghi lễ Lẩu Then đều là phụ nữ.

Những người làm Then quy định, thầy Then phải có trách nhiệm trao truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa của nghi lễ Then. Qua đó, giúp cho việc phát huy tốt những giá trị văn hóa tín ngưỡng là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Tày.

Nguyễn Quý

Nguồn: Dulichvn

Bến Tre: Về thăm làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hơn trăm năm tuổi

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) có tuổi đời trên trăm năm tuổi, là đặc sản trứ danh của tỉnh Bến Tre. Người dân của làng nghề ngày càng đa dạng hóa sản phẩm để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.


Về Bến Tre, đi qua ngã ba Sơn Đốc, thuộc địa phận xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm dễ dàng nhìn thấy những hàng bán bánh phồng nối tiếp nhau.

Bánh phồng Sơn Đốc vang danh hàng trăm năm qua. Ảnh HT

Hiện tại, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc có các loại bánh như: bánh phồng nếp, bánh phồng mì, bánh phồng loại nhỏ dùng gói xôi, bánh phồng mì dán chuối… Năm 2018, làng nghề truyền thống này được  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Bùi Thị Sậm (chủ cơ sở sản xuất Hai Sậm) cho biết: Để là ra chiếc bánh phồng là cả sự kỳ công khi người thợ phải thức dây từ sớm để ngâm nếp rồi nấu thành xôi. Sau đó, giã nhuyễn cùng với đường, nước cốt dừa để cho ra hỗn hợp bột dẻo rồi mới đem ra cán thành hình tròn và mang ra phơi khô thành phẩm cung ứng cho thị trường.

“Bây giờ nhiều công đoạn làm bánh đã được “cơ giới hóa” thay cho cách làm thủ công trước đây. Quết bánh phồng đã có máy trợ lực, trợ sức nên đỡ tốn nhân công, tăng sản lượng..” – bà Sậm nói.

Là người thợ lớn tuổi nhất ở làng nghề truyền thống này, bà Huỳnh Thị Liếp, (77 tuổi) chia sẻ: “Nghề này rất nhẹ nhàng nên dù lớn tuổi tôi cũng có thể làm được để kiếm thêm thu nhập khỏi phải xin tiền con, cháu. Lao động trẻ làm nhiều hơn nên thu nhập cao hơn còn tôi chỉ kiếm một ngày vài chục nghìn đồng”.

Gần đây, hầu hết các lò sản xuất bánh phồng ở Sơn Đốc đều chuyển sang sản xuất bằng máy giúp sản phẩm đồng đều, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều đặc biệt của chiếc bánh phồng nơi đây là được tuyển lựa nguyên liệu kỹ lưỡng từ nếp sáp cộng với bàn tay khéo léo của người thợ để làm chiếc bánh giòn, béo cho nên người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Lê Trúc Lâm, chủ lò bánh phồng Lâm chia sẻ: “Gia đình tôi đã đầu tư máy móc để làm công đoạn quết bột, tráng bánh hơn 10 năm nay giúp tăng năng suất so với cách làm thủ công. Hiện tại cơ sở của tôi có 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao là bánh phồng mì dán chuối và bánh phồng mì béo”.

Theo ông Lâm, hầu hết người dân tại làng nghề đều đầu tư máy móc để giảm nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính sự thay đổi này đã giúp làng nghề tồn tại và phát triển trong thời gian qua dù có nhiều giai đoạn thăng, trầm của nền kinh tế thị trường.

Trong đó, các loại bánh hiện đại đang dần lấn át bánh truyền thống nhưng bánh phồng Sơn Đốc vẫn giữ vững và ngày càng đi xa với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Vũ Phong – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm cho biết: “Hiện tại làng nghề có gần 50 cơ sở sản xuất bánh phồng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Trung bình, mỗi năm làng nghề sản xuất khoàng 25 triệu chiếc bánh phồng bán thị trường trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Vũ Phong, thời gian tới, địa phương đang định hướng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch. Du khách phương xa đến đây sẽ được tham quan các công đoạn của nghề làm bánh phồng truyền thống và thưởng thức sản phẩm tại chỗ.

Ngọc Phạm

 

Nguồn: Dulichvn

Bảo tàng thu hút du khách với nhiều hoạt động

Một số bảo tàng tại Hà Nội đang nỗ lực làm mới mình, để thu hút du khách…


Các bạn trẻ tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Lê Khánh.

Thời gian gần đây, nhờ sự thay đổi, làm mới mình, Bảo tàng Hà Nội trở thành một trong những bảo tàng thu hút nhiều du khách ghé thăm nhất. Các bạn trẻ tới đây với mong muốn khám phá những câu chuyện lịch sử về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội qua các bộ sưu tập, hiện vật quý hiếm.

Hơn 70.000 hiện vật được sắp xếp theo trình tự thời gian, tạo nên một hành trình khám phá lịch sử sống động và hấp dẫn. Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai nhiều hoạt động như: Giáo dục, trải nghiệm, trưng bày nghệ thuật, tổ chức biểu diễn nghệ thuật; kết hợp ứng dụng công nghệ trong hoạt động để gia tăng những trải nghiệm thú vị cho người xem.

Đặc biệt nhất là ngày 14/2 vừa qua, người dân và du khách bất ngờ bởi một sân khấu kính được lắp giữa hồ tại Bảo tàng Hà Nội. Sàn kính trong suốt cùng hệ thống ánh sáng đa tầng với hàng nghìn hiệu ứng lung linh, hòa quyện đã vẽ nên một bức tranh vô cùng huyền ảo.

Show diễn âm nhạc đầu tiên mang tên “True love seasons” được tổ chức trên sân khấu kính đã cho thấy sự sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhiều người nhận định, đây chính là không gian lý tưởng để tổ chức những chương trình nghệ thuật sang trọng, chất lượng. Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức đêm nhạc định kỳ hằng tháng ở bảo tàng. Bảo tàng tĩnh trong câu chuyện lịch sử, nhưng sẽ động trong sản phẩm sáng tạo. Đây là hướng đi mới nhằm thúc đẩy không gian văn hóa, sáng tạo của Thủ đô.

Cũng với mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật, sáng 10/3 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ phát động chương trình “Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam trực tuyến” năm 2025, nhằm phát huy sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo công chúng tham gia, nhất là giới trẻ.

TS Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện Bảo tàng đang lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm mỹ thuật, trong đó có 9 bảo vật quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ vào triển lãm, trưng bày đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Chương trình “Tìm hiểu Mỹ thuật Việt Nam trực tuyến” là một điển hình. Ngoài ra, nhiều du khách đến đây đặc biệt ấn tượng với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện – thuyết minh bằng 9 ngôn ngữ, với những nội dung ngắn gọn, xúc tích du khách dễ hiểu hơn, xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ.

Một trong những địa chỉ được nhắc nhiều nhất và cũng “gây sốt” cho giới trẻ nhiều nhất trong thời gian qua chính là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nếu trước đây những trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự cũ bị trật trội thì nay ở vị trí mới, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có một không gian rộng rãi, lộ trình tham quan rất thú vị, trưng bày được nhiều hiện vật, kể cả pháo 85mm, xe tăng PT67, máy bay MiG-17… gây bất ngờ và thích thú cho những người trẻ lần đầu được đến trải nghiệm.

Nhiều bạn trẻ đánh giá nội dung trưng bày của Bảo tàng rất hấp dẫn, vừa khoa học, vừa nghệ thuật, sinh động. Từ những ngày đầu mở cửa đến nay, bảo tàng liên tục đón lượng khách lớn, đặc biệt vào cuối tuần. Theo nhận định của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì việc bảo tàng thu hút lượng lớn khách tham quan tạo ra “hiện tượng văn hóa” trong bối cảnh lâu nay thiết chế bảo tàng nói chung chưa được công chúng quan tâm.

Những bước chuyển mình mạnh mẽ của các bảo tàng đã cho thấy những kết quả rõ rệt. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh check-in tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…lan tỏa niềm tự hào về lịch sử đất nước. Đó là những tín hiệu thực sự đáng mừng.

V.Hà

 

Nguồn: Dulichvn

Sứa trộn khóm mít

Ở Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) quê tôi, ngoài cá chuồn kho mít non được xem là biểu tượng của mối lương duyên của hai miền xuôi – ngược, còn có một món ngon nữa là sứa trộn khóm mít.


Sứa trộn với khóm mít. Ảnh: Tuấn Vũ

Mỗi độ giêng hai, tôi lại nhớ về một thuở ngồi ở đầu ngõ ngóng má đi chợ chiều về có mua sứa không. Những năm 1990, việc đi lại giữa Tam Lãnh xuống Tam Kỳ còn nhiều khó khăn, dù hai nơi cách nhau chưa đầy ba mươi cây số.

Cả xã chỉ có một chiếc xe đò mà bà con vẫn cứ gọi là xe hàng, sáng sớm vừa chở khách vừa chở hàng xuống chợ Tam Kỳ, trưa lại quay đầu chở cá rau, đồ gia dụng, phân bón cùng đủ thứ lỉnh kỉnh khác về xã. Hồi ấy phải ba bốn giờ mới có chợ chiều, có hôm banh xe, phiên chợ quê phải bán trong ánh đèn dầu chập choạng.

Những năm đó, vào giêng hai, sứa là món được bà con quê tôi chờ đợi nhất từ chuyến xe hàng nơi thị xã trở về. Thấy má đi chợ về có bịch sứa, mấy anh em tôi lập tức ùa ra vườn hái khóm mít, rồi chạy lại chỗ ảng nước hái rau răm, rau húng.

Vườn mít ngày trước ông trồng rất nhiều, nên chẳng mấy chốc đã có một rổ đầy dái mít ươm bao hạt cốm li ti. Ra giêng, mít bắt đầu trổ bông rồi cho những chùm trái nhỏ. Đây cũng là lúc mùa sứa bắt đầu. Hình như đó là trời sinh một cặp để có món sứa trộn khóm mít làm thổn thức nhớ thương bao người con Tam Lãnh đi xa như tôi.

Làm sứa trộn khá đơn giản. Má trụng sứa, xắt nhỏ rồi cho vào một thau lớn. Trong lúc má xắt khóm mít, anh em tôi đứa rửa rau thơm, đứa rang đậu phụng, đứa mua bánh tráng nướng.

Má cho sứa, khóm mít xắt mỏng, rau thơm vào chung. Hôm nào sang hơn thì má thêm ít tôm luộc bóc vỏ hoặc thịt heo luộc xắt sợi. Rồi má rưới nước mắm chua ngọt, trộn đều, sau đó cho ra dĩa, rắc lên một ít đậu phụng rang cùng ớt đỏ xắt lát nhìn rất đẹp mắt.

Bao giờ má cũng sai tôi đem qua kỉnh ông bà nội một dĩa sứa trộn với cái bánh tráng, rồi đợi tôi trở về mới dọn ra cho cả nhà cùng ngồi ăn.

Tôi không có cách nào diễn tả được hết cái ngon của dĩa sứa trộn khóm mít của má ngày xưa. Thịt sứa mềm, ngọt, mát quyện trong vị chát se se đầu lưỡi của khóm mít, cùng cái chua ngọt nồng nàn của nước mắm ớt tỏi, vị béo bùi của hạt đậu phụng do chính tay mình rang lẫn trong hương thơm dìu dịu của rau răm, rau húng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như vừa mới được ăn lại chiều nay…

Ba mươi năm trôi qua thật nhanh. Những chuyến xe hàng cùng phiên chợ chiều ở quê xưa cũng lùi vào quá khứ. Vườn mít ông trồng giờ cũng chỉ còn mỗi cây mít còi đầu ngõ ba cố giữ lại để làm kỷ niệm.

Chợ Tam Lãnh bây giờ họp mỗi sáng, người bán từ biển chở lên không thiếu loại cá tôm nào. Ra giêng hai, sứa cũng được bán thường xuyên. Má giờ cũng không còn háo hức đi chợ mua sứa về trộn khóm mít như ngày xưa. Gọi về hỏi thì má kêu “bạn bây đi hết rồi, trộn ra có ai ăn”. Những đứa trẻ ngày xưa đã rời làng ra phố, biết tìm đâu ra phút quây quần, tiếng cười giòn tan với món ăn ngập tràn ký ức…

Tuấn Vũ

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT