Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Bảo tàng Hải dương học hút khách tham quan

Trong những ngày nghỉ đợt lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều du khách đến Nha Trang (Khánh Hòa) đã lựa chọn Bảo tàng Hải dương học (thuộc Viện Hải dương học) để tham quan.


Theo ông Trương Sĩ Hải Trình – Phó Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Viện Hải dương học, từ ngày 30-4 đến 3-5, Bảo tàng Hải dương học đã đón khoảng 27.000 lượt khách đến tìm hiểu về đa dạng sinh học biển và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đông khách nhất là ngày 1-5 với hơn 9.000 lượt khách.

Du khách tham quan Bảo tàng Hải dương học.

Khu Tài nguyên biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa được nhiều du khách lựa chọn tham quan.

Nhiều gia đình mang theo con nhỏ đến tham quan Bảo tàng Hải dương học.

Hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), Bảo tàng Hải dương học đã có những màn chào mừng rất riêng như: Thợ lặn mang theo hình cờ Tổ quốc khi lặn vào bể cá; thực hiện clip nhân viên nhảy cùng du khách trong nền nhạc ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”…

Du khách thích thú khi nhìn thấy cờ Tổ quốc giữa “thế giới đại dương”. Ảnh: Bảo tàng Hải dương học.

Khách tham quan Khu đường hầm trưng bày đa dạng sinh học biển.

Du khách đến tham quan Bảo tàng Hải dương học rất thích thú khi được tìm hiểu về lịch sử thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua phần trưng bày Hiện diện trên biển Đông về tài nguyên biển đảo và sự đa dạng của sinh vật biển ở Việt Nam qua khu trưng bày Tài nguyên biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa và trưng bày “Đa dạng sinh học biển” – nơi giới thiệu hàng chục ngàn mẫu sinh vật, khoáng vật, tiêu bản, thông tin về đa dạng sinh học biển Việt Nam…

Bộ xương cá voi khổng lồ thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

“Cũng khá lâu rồi tôi mới quay lại Nha Trang. Lần này, tôi thấy Bảo tàng Hải dương học có nhiều đổi mới trong việc trưng bày, giúp người xem cảm nhận được sự phong phú về tài nguyên biển đảo của đất nước ta, hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, chị Nguyễn Thu Hương – du khách đến từ Hà Nội bày tỏ.

Thành Nguyễn

 

Nguồn: Dulichvn

Cao Bằng: “Hồi sinh” làng nghề vươn tới thị trường quốc tế

Trong nhịp sống xã hội hiện đại, không ít làng nghề thủ công đang bị mai một. Giữa bối cảnh đó, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ là danh hiệu UNESCO mà đang tạo ra một hệ sinh thái “hồi sinh” cho làng nghề truyền thống phát triển bền vững từ sáng tạo sản phẩm mới có giá trị văn hóa – kinh tế – du lịch.


Di sản địa chất – nền tảng cho sáng tạo

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng không chỉ là chuyện của đá về quá trình hình thành tầng địa chất hơn 500 triệu năm kiến tạo vỏ trái đất với những di sản địa chất cổ, hang động, hóa thạch, thác nước, núi đá vôi và mạch khoáng mà còn là nơi đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống lâu đời hình thành nền văn hóa giàu bản sắc, đa dang, phong phú với nhiều làng nghề truyền thống. Từ mối liên hệ đó đã trở thành chìa khóa để Ban Quản lý (BQL) CVĐC Non nước Cao Bằng nhìn nhận giá trị của làng nghề không chỉ như một “công cụ kinh tế”, mà như một phần quan trọng trong “di sản sống” của CVĐC. Làng nghề là nơi con người kể chuyện bằng đôi tay. Đó cũng là nơi chúng tôi thấy rõ sự giao thoa giữa tự nhiên và văn hóa. Chúng tôi không bảo tồn làng nghề theo kiểu trưng bày là làm cho làng phát triển, và kể tiếp câu chuyện hàng triệu năm của CVĐC Non nước Cao Bằng – Ông Vi Trần Thùy, Giám đốc BQL CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết.

Thêm sức sáng tạo cho “bàn tay di sản” làm ra sản phẩm mới

Trên 4 tuyến CVĐC Non nước Cao Bằng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… có làng nghề truyền thống từ lâu đời như dệt thổ cẩm, rèn nông cụ, làm hương thơm, giấy bản, in thêu in sáp ong, làm  ngói máng, dệt vải chàm… tại huyện Quảng Hòa, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang… Làng nghề tuy hình thành từ lâu đời, sản xuất  phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của bà con nhưng chưa được nâng tầm, làm mới để phục vụ nhu cầu xã hội hiện đại.

Nhận thấy tiềm năng to lớn từ các làng nghề truyền thống, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng tham vấn, phối hợp các chuyên gia trong mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESO, học tập kinh nghiệm CVĐC Toàn cầu UNESCO các nước, viện nghiên cứu văn hóa, cùng các nghệ nhân địa phương triển khai chương trình hỗ trợ sáng tạo sản phẩm làng mới từ làng nghề truyền thống trong vùng CVĐC… Theo ông Vi Trần Thùy, hỗ trợ cho bà con làng nghề làm sản phẩm mới không áp đặt thay đổi cách làm, nguyên liệu bản địa tự nhiên mà dựa trên chất liệu truyền thống, kỹ thuật bản địa, bản sắc văn hóa rồi bổ sung thêm yếu tố nâng cao chất lượng sản phẩm cũng bằng nguyên liệu tự nhiên sẵn có của địa phương, làm đa dạng sản phẩm, làm tăng tính ứng dụng trong xã hội hiện đại, thiết kế mẫu mã đẹp, câu chuyện thương hiệu, công nghệ chế tác, thị trường du lịch…

Dưới sự hướng dẫn tận tình “cầm tay chỉ việc” của BQL CVĐV Non nước Cao Bằng cho bà con các làng nghề làm mới sản phẩm hương thơm Phja Thắp, làm giấy bản xóm Dìa Trên, rèn dao thuộc xã Phúc Sen, làm ngói máng thủ công xã Tự Do (Quảng Hòa)…, bà con làm ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách du lịch.

Bà con làng nghề làm hương thơm Phja Thắp và giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) giới thiệu sản phẩm hương thơm và giấy bản tại hội nghị triển khai nhiệm vụ du lịch Cao Bằng năm 2025.

Chị Nông Thị Kính làm giấy bản thủ công tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen chia sẻ: Trước đây, tôi làm chỉ làm giấy bản khổ nhỏ, bằng bột cây truyền thống để đem bán dịp chợ phiên phục vụ bà con địa phương mua về cắt giấy tiền hàng mã. Nhưng từ năm 2023 – 2024, cán bộ BQL CVĐC Non nước Cao Bằng hướng dẫn tôi và bà con làm giấy bản bằng lá cẩm, lá ngót, lá tre, lá chàm và cải tiến khổ rộng từ 15 – 20 – 40 cm nên được khách du lịch và thợ thủ công Hà Nội rất ưa chuộng mua để vẽ tranh, vẽ thư pháp, đóng sổ tay, làm quạt, hoa giấy, bì thư… đem lại thu nhập cho gia đình gần 80 triệu đồng/năm. Mô hình của hộ chị Kính được nhân rộng ra 4 hộ và thành lập nhóm hộ mở ra không gian trải nghiệm cho du khách tham gia các công đoạn làm giấy bản thủ công từ các loại lá cây tự nhiên; có khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm để quảng bá làng nghề đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.

Bà con làm hương thơm Phja Thắp, xã Phúc Sen được hướng dẫn làm hương thơm chất lượng cao từ cây quế, làm nụ trầm đóng bao bì sản phẩm đẹp; đồng thời mở rộng khu sản xuất để cho khách du lịch đến trải nghiệm. Làng nghề làm ngói máng xã Tự Do ngoài làm ngói máng truyền thống được hướng dẫn thêm làm đồ thủ công gia dụng khác như bình hoa, bình gốm, các hình con thú… Làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) dệt thổ cẩm; thêu sáp ong dân tộc Dao Tiền huyện Nguyên Bình được hướng dẫn làm nhiều sản phẩm túi xách, khăn quàng cổ, ví, khăn trải bàn… được thị trường, khách du lịch ưa chuộng.

Câu chuyện thị trường – Từ bản làng đến quốc tế

Với sự hỗ trợ của BQL CVĐC Non nước Cao Bằng, sản phẩm mới của làng nghề truyền thống từ bản làng có cơ hội vươn xa đến thị trường quốc tế và trong nước thông qua giới thiệu tại các hội nghị quốc tế mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO trên nhiều quốc gia, châu lục. Bà Chula, nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha từ thổ cẩm Việt Nam cho biết: Tháng 9/2024, tôi đến Cao Bằng dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024, tôi được biết đến thổ cẩm dân tộc Tày, Nùng, Dao tiền làm thủ công từ chất liệu thiên nhiên, thêu rất tinh xảo và nhiều họa tiết có tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, tôi quan tâm nghiên cứu thổ cẩm Cao Bằng cho những bộ sưu tập thổ cẩm sắp tới của mình.

Sản phẩm giấy bản, hương thơm, dệt vải chàm, làm ngói máng thủ công… cũng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế nên tăng lượng khách nước ngoài đến trải nghiệm, khám phá làng nghề truyền thống, tham gia làm và mua sản phẩm tại các làng nghề. Chị Hoàng Thị Bày, hộ làm hương thơm xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Được BQL CVĐC hỗ trợ và giới thiệu về làng hương Phja Thắp tại các hội nghị, sự kiện trong nước và quốc tế nên từ năm 2024 đến nay, con trai tôi mở trang fanpage riêng giới thiệu gia đình làm sản phẩm hương nụ quế, hương thơm quế, đóng bao bì nhãn mác và giới thiệu sản phẩm văn hóa Nùng An, nhiều du khách trong nước và nước ngoài biết đến làng hương Phja Thắp. Vì thế gia đình tôi vừa làm hương thơm bán, vừa mở thêm homestay Nùng An đón du khách đến trải nghiệm làm hương thơm tại nhà. Số lượng khách nước ngoài tăng nhanh, sản phẩm hương mới dễ bán hơn, khách du lịch rất ưa chuộng.

BQL CVĐC Non nước Cao Bằng còn hỗ trợ làng nghề xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận di sản, tem nhãn văn hóa để các sản phẩm làng nghề có “thẻ căn cước” rõ ràng, nâng cao giá trị và niềm tin của người tiêu dùng. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm làng nghề thông qua giới thiệu sản phẩm làng nghề thủ công tại điểm, đối tác dừng chân trên các tuyến CVĐC và tại trung tâm thông tin giới thiệu di sản ở các tuyến du lịch trong tỉnh. Đưa sản phẩm nghề thủ công tham gia các hội chợ sản phẩm OCOP trong nước và khu vực phía Bắc. Đưa lên sàn thương mại điện tử địa phương, bán qua mạng xã hội và ứng dụng du lịch thông minh.

Hiện nay, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng nghiên cứu, xây dựng chuỗi trải nghiệm du lịch gắn với làng nghề với nhiều hình thức phong phú cho du khách trải nghiệm như tour “Một ngày làm nghệ nhân” ở các làng nghề tại Phúc Sen, Tự Do (Quảng Hòa); lớp học vẽ địa chất cho trẻ em bằng nguyên liệu tự nhiên; triển lãm “Di sản trong tay bạn” tại các thành phố lớn; kết nối với sinh viên thiết kế để thực tập tại làng nghề… Hướng tới xây dựng “Trung tâm sáng tạo văn hóa địa phương” nơi kết nối nghệ nhân – nhà thiết kế – nhà khoa học – nhà làm phim để chuyển thể các giá trị di sản thành sản phẩm, nội dung, ứng dụng thực tế.

Trường Hà

Nguồn: Dulichvn

Lặng thầm “giữ lửa” cho di sản Huế

Không ồn ào, không sân khấu lớn, những nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ giỏi… đang từng ngày lặng lẽ truyền nghề, giữ nghề giữa đất Cố đô. Họ là những “cánh tay nối dài” cho hành trình bảo tồn di sản phi vật thể và các di tích Huế.


Mỗi người thợ, ngoài kỹ thuật, còn phải có cả tâm và tầm

Gieo mầm từ lòng yêu nghề

Phía sau ánh đèn sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế là những buổi tập miệt mài của lớp diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Họ luyện tập cách nhập vai trong các trích đoạn tuồng cổ, bài bản nhã nhạc. NSƯT Hoàng Trọng Cương – Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Đào tạo người mới đã khó, giữ họ còn khó hơn”.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhất là các loại hình như tuồng, múa hay Nhã nhạc cung đình, ngoài năng khiếu còn đòi hỏi sự bền bỉ, khổ luyện. “Có em học tuồng từ sớm, nhưng để vào vai chính phải mất cả chục năm. Nếu không có đam mê thì bỏ cuộc từ lâu rồi”, ông Cương nói.

Khó khăn không chỉ đến từ tính đặc thù của nghệ thuật cung đình, mà còn vì cuộc sống hiện đại khiến mức thu nhập của nghệ sĩ chưa đủ để họ yên tâm gắn bó. Đó là lý do Nhà hát đã chọn hướng đào tạo “kèm cặp trực tiếp”, còn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ cơ chế để nghệ sĩ có thêm nguồn thu từ biểu diễn, dự án và không gian sáng tạo.

Mới đây, với sự tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), Nhà hát triển khai khóa đào tạo kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng kéo dài 3 tháng. Kết quả, 15 nghệ sĩ trẻ hoàn thành 300 mặt nạ tuồng – là những gương mặt sống động của Trụ Vương, Đào Tam Xuân, Lý Ngư Tinh… Mỗi chiếc mặt nạ mang màu sắc, đường nét nghệ thuật tuồng và chứa cả tình yêu với di sản.

Khóa học do NSƯT La Hùng là người trực tiếp giảng dạy. “Không chỉ truyền nghề, ông còn truyền cả lịch sử của từng nét mặt nạ”, bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng của Nhà hát nói. Dự án chỉ 3 tháng nhưng có ý nghĩa lâu dài, giúp nghệ sĩ trẻ tự tay trang điểm, thiết kế mặt nạ đúng chuẩn mỹ thuật cung đình. Từ kết quả này, Nhà hát dự kiến mở lớp thường niên, để mỗi nghệ sĩ vào nghề đều “nằm lòng” bản sắc truyền thống.

“Chúng tôi không ép buộc mà để các bạn tự tìm đến. Chỉ khi nào thật sự yêu thích thì mới đủ kiên nhẫn theo đuổi một bộ môn đặc thù như tuồng cung đình”, bà Phương cho hay.

Giữ chân người thợ giỏi

Không chỉ với nghệ sĩ, lực lượng nghệ nhân, thợ lành nghề, những người thợ trùng tu, phục dựng di tích, cũng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân lực. Theo ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lực lượng này đang dần già hóa, trong khi lớp trẻ lại ít mặn mà vì nghề vất vả, thu nhập chưa cao. “Một người thợ nghỉ là một tổn thất không nhỏ. Để truyền nghề được, mất cả chục năm”, ông nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Ngô Đình Trọng – Tổ trưởng Tổ thợ sơn, Công ty CP Tu bổ di tích Huế chia sẻ: Kỹ thuật thếp vàng không thể học trong ngày một ngày hai, mà là hành trình rèn giũa suốt đời. Những cấu kiện sơn son, thếp vàng là phần hồn của kiến trúc cung đình. Hầu hết các thợ lành nghề trong tổ đều được cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế truyền dạy. Người làm nghề phải hiểu sâu, yêu nghề thì mới truyền được hồn vào từng lớp thếp, nét sơn.

Hiện, nhiều nghề thủ công đặc thù chỉ truyền khẩu, “cha truyền con nối”, không có chứng chỉ. “Cần chính sách công nhận, hỗ trợ và tôn vinh họ như những “di sản sống”. Họ không chỉ là người thợ, mà là người gìn giữ hồn cốt của di sản”, ông Trung nhấn mạnh.

“Chúng tôi mong sẽ có trung tâm đào tạo chuyên sâu với những ngành nghề truyền thống chuyên về phục dựng di sản. Ở đó, những học viên, người thợ học bằng trải nghiệm thực tế, được chạm tay vào di sản. Trung tâm đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của các nghệ nhân. Đơn vị đã tặng bằng khen cho hàng trăm nghệ nhân, thợ lành nghề trong trùng tu điện Thái Hòa. Đó không chỉ là lời cảm ơn, mà còn là động lực giữ họ với nghề”, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế nói thêm.

Giữa lòng Cố đô, những lớp học tuồng vẫn vang lên nhịp trống, những công trường trùng tu vẫn rộn tiếng búa đục, và bàn tay những người thợ trẻ vẫn đang học lại từng đường nét cha ông. Giữ chân họ với công cuộc trùng tu là giữ lấy di sản.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn: Dulichvn

Độc đáo làng diều không đuôi ở Hà Nội

Từ Thủ đô Hà Nội, ngược theo bờ đê sông Hồng khoảng 18km có một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm diều sáo, một nghề thủ công truyền thống không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đó chính là làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng).


Để hiểu về nghề làm diều, chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm (sinh năm 1948), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo của làng. Ông Nguyễn Hữu Kiêm được trao tặng các danh hiệu: Nghệ nhân Dân gian năm 2005, Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2022.

Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm: “Để làm một con diều, đầu tiên người ta sẽ phải chọn tre để làm khung. Việc chọn tre làm diều khá kỳ công. Loại tre thích hợp nhất là tre đực, già, mọc ở giữa bụi, dân gian vẫn quen gọi là “tre mép voi”. Đó là loại tre thẳng, có dóng dài, dày và không vết xước”. Theo kinh nghiệm của ông, làm tay tre dẻo, dễ uốn, chống được ẩm và không bị mối mọt là đem các tay tre cho vào nồi nước vôi hoặc nước muối luộc kỹ. Khi tre đã khô ráo, sẽ được uốn thành những chiếc khung thật chuẩn.

Giữ khung diều là một “sống diều” bằng tre cứng, to bản, nhô dài ra hai bên khung. Theo quy trình chế tạo một chiếc diều truyền thống, người thợ sẽ dùng thanh tre cứng, gò chắc khung diều theo chiều ngang của khung, dùng dây đan lưới phủ kín khung diều theo kiểu hình mắt cáo. Các đầu dây được luồn khéo, siết chặt vào các mép khung diều. Khi đan lưới, cần có ít nhất hai người thao tác. Công việc này có tác dụng giữ được độ phẳng cho chiếc khung diều đã định hình, đồng thời tránh cho áo diều không bị rách khi rơi hay gặp nước ẩm.Sau phần tạo khung là đến khâu phất giấy diều. Giấy diều ngày xưa được làm từ giấy nam, hay còn gọi là giấy dó, có tính năng nhẹ, xốp, giúp diều bay nhanh, bay cao. Để phất giấy diều, người thợ thường dùng quả cây hoặc nhựa hồng xiêm non, giã nhuyễn, hòa với nước theo một tỷ lệ nhất định, dùng làm chất kết dính dán giấy vào mép khung của chiếc diều. Giấy được dán hai lớp hai bên sống diều tạo thành áo diều. Yêu cầu của kỹ thuật phất giấy là không quá căng, cũng không được quá chùng. Các loại quả kể trên cũng được giã dập, lấy nhựa làm sơn, quét lên lớp áo diều ba lượt, có tác dụng làm cho giấy diều cứng hơn, chống thấm nước và chống côn trùng.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm. Ảnh: Nguyễn Lan

Công đoạn cuối cùng trong việc chế tạo diều là làm dây buộc. Dây buộc có thể dài vài trăm mét. Dây buộc diều xưa được tạo từ cây tre vót nhỏ (hay còn gọi là “dang”). Sau đó, dây được đem đi luộc sôi đến bốn, năm tiếng đồng hồ. Dây luộc xong được vuốt một lượt ở ngoài và nhẹ hơn cả dây gai, dây kẽm, dây thừng, về phương diện thẩm mỹ trông cũng đẹp hơn những loại dây kia. Dây này chơi được năm, bảy năm, thậm chí lâu hơn nữa. Các vòng dây được cuộn vào một “cái vành” là ống tre khoảng 50cm đường kính.

Điểm đặc biệt của diều làng Bá Dương Nội là diều sáo truyền thống không có đuôi. Sau khi hoàn thiện phần chế tác, các nghệ nhân còn phải trải qua một quá trình “chấp sáo” – tức là ghép các ống sáo lại thành một bộ sao cho hài hòa về âm thanh. Công đoạn này có thể kéo dài cả tháng, thậm chí vài tháng, bởi phải nghe đi nghe lại nhiều lần để chọn ra những ống sáo phù hợp nhất với nhau.

Người nghệ nhân phải tinh tế “chấp” làm sao để từng ống, dù lớn hay nhỏ, không cái nào át cái nào, mà phải nâng đỡ, tôn nhau lên. Đó chính là nghệ thuật thẩm âm, một công việc đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và cả sự nhẫn nại.

“Thẩm âm sáo cũng là một chuyện vô cùng quan trọng, không phải ai cũng làm được. Sáo mà đúng điệu thì khi bay lên sẽ có lúc réo rắt, lúc trầm lắng, lúc rộn ràng – như một khúc nhạc giữa trời. Các cụ trong làng vẫn ví von bộ sáo sáu ống là “mẹ gọi, con thưa”: Mẹ gọi một tiếng, con phải dội lại hai tiếng. Đó là sự hài hòa tuyệt vời giữa các âm thanh – một thứ ngôn ngữ rất riêng, rất Việt, bay lên cùng cánh diều. Do đó mà có người cả đời chưa chắc làm được bộ sáo hay” – ông Kiêm tâm sự.

Cách chế tạo tưởng chừng đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Những người chơi diều là những nghệ sĩ và những người kiên nhẫn. Họ làm diều để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ trong thú chơi, mất nhiều thì giờ trong việc tạo thành một chiếc diều. Với cách chế tạo truyền thống, tất cả những người thợ đều đồng nhất về kỹ thuật cũng như cách lựa chọn nguyên vật liệu. Còn về hình dáng thì mỗi vùng lại có cách tạo hình riêng làm nên bản sắc cánh diều địa phương.

Đưa cánh diều bay xa

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn nghề truyền thống, các nghệ nhân Bá Dương Nội còn không ngừng nỗ lực quảng bá sản phẩm văn hóa quê hương ra thế giới. Cánh diều của làng từng hiện diện tại nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Festival Diều Quốc tế tại Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu; Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Festival Diều Quốc tế tại Thái Lan (2010, 2014), Trung Quốc (2012), Pháp (2012), Malaysia (2014)… Các sản phẩm diều Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao nhờ sự độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa “Hội Diều làng Bá Dương Nội” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2025, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 2982/QĐ-UBND ngày 7-6-2024 công nhận làng nghề diều sáo làng Bá Dương Nội là nghề truyền thống Hà Nội.

Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội Diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Ba năm 2025, tại di tích Miếu Diều, lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” được tổ chức trang trọng. Cũng trong dịp này, nghề làm diều sáo Bá Dương Nội chính thức được vinh danh là nghề truyền thống Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hữu Kiêm, “để hướng tới phát triển bền vững, chính quyền địa phương đang triển khai quy hoạch khu trải nghiệm văn hóa cộng đồng rộng 3ha tại cánh đồng trước cửa Đền Diều. Khu vực này dự kiến trở thành điểm đến du lịch văn hóa tiêu biểu trong tương lai, đồng thời là không gian giáo dục văn hóa di sản dành cho học sinh và du khách”.

Diều sáo Bá Dương Nội không chỉ là sản phẩm thủ công đặc sắc mà còn là biểu tượng sống động của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Với tâm huyết gìn giữ của người dân và sự đồng hành của chính quyền, nghề làm diều sáo nơi đây đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nguyễn Lan

 

Nguồn: Dulichvn

Ngày mới trên sóc Bom Bo

Tại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được đồng bào dân tộc S’tiêng lưu giữ từ bao đời nay.


Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào S’tiêng nơi đây không chỉ đùm bọc, chở che, cung cấp lương thực mà còn dệt thổ cẩm, làm vải để may áo, chăn cho bộ đội. Mới đây, tỉnh Bình Phước phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình thời trang nghệ thuật “Ngày mới trên sóc Bom Bo”, thắp sáng những sắc màu thổ cẩm, văn hóa truyền thống trên mảnh đất huyền thoại.

Nghệ nhân dân tộc S’tiêng trao khăn thổ cẩm dệt truyền thống tặng nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, không khí hân hoan lan tỏa khắp không gian núi rừng sóc Bom Bo. Từ những cụ già đến các em nhỏ, tất cả đều hòa mình vào niềm vui chung khi chứng kiến văn hóa dân tộc được tôn vinh. Chương trình cất lên thanh âm của cồng chiêng và đàn t’rưng vang vọng giữa lòng sóc Bom Bo, vút lên trời cao như một lời gọi mời, báo hiệu, đánh thức những giá trị văn hóa truyền thống đang ngủ quên trong nhịp sống hối hả, hiện đại hóa.

Hướng về phía sân khấu rộng lớn gần 1.000m2 tại khu bảo tồn, những ánh đèn vàng ấm áp chiếu rọi, hắt xuống các nghệ nhân dân tộc S’tiêng, phản chiếu hình bóng những đôi tay đang uyển chuyển dệt vải. Những nghệ nhân đó là phụ nữ người S’tiêng, họ ngồi bên khung cửi mộc mạc, đôi tay thoăn thoắt đưa thoi dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Từng đường chỉ được se khéo léo, đan cài vào nhau, tạo nên những hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình.

Chị Đào Thị Hoài Ngọc (sinh năm 2001, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham dự chương trình chia sẻ: “Dù biểu diễn trên sân khấu trước cả nghìn khán giả, tưởng chừng phụ nữ S’tiêng sẽ có sự căng thẳng, ngượng tay, nhưng chỉ cần cầm lên tay tấm vải thô, họ liền say sưa với công việc quen thuộc, như đang kể lại những câu chuyện về cuộc sống, về truyền thống của quê hương. Khi những tấm thổ cẩm dần hiện ra dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, tôi cảm thấy họ như mang theo cả tâm hồn và tình yêu của mình dành cho nghề dệt. Mỗi đường kim, mũi chỉ đều chứa đựng sự tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc S’tiêng”.

Người mẫu chuyên nghiệp và người dân địa phương cùng trình diễn bộ trang phục thổ cẩm.

Trong không gian đậm bản sắc dân tộc, bộ sưu tập gồm 70 bộ trang phục thổ cẩm do chính tay các mẹ, các chị người dân tộc S’tiêng dệt nên, cùng với 250 thiết kế độc đáo của nhà thiết kế Minh Hạnh đã rực rỡ khoe sắc trên sàn diễn thời trang, vẽ nên một bức tranh văn hóa độc đáo của người S’tiêng và M’nông.

Các bộ trang phục được tô điểm bằng nhiều hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí. Các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối dệt nên trong từng bộ trang phục. Các màu chủ đạo của bộ sưu tập gồm: Màu đen tượng trưng cho đất, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và màu xanh của cỏ cây, hoa lá, tạo nên sự tương phản hài hòa, vừa thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, vừa gợi nhớ đến vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên.

Từng bộ trang phục thổ cẩm trên sàn diễn còn là những bức chân dung sống động, khắc họa rõ nét vẻ đẹp và khí chất, nhịp sống của người phụ nữ S’tiêng qua mỗi giai đoạn cuộc đời. Với người trẻ, bằng những gam màu tươi sáng, thêu những hoa văn uốn lượn và cuốn hút như thiếu nữ đang yêu. Còn các bà, các mẹ thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét hoa văn rắn rỏi thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Đáng chú ý, các họa tiết thổ cẩm xuất hiện trên tà áo dài truyền thống tạo nên điểm nhấn, làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng và kiêu sa của người phụ nữ Việt Nam.

Nghệ nhân dân tộc S’tiêng tỏa sáng trên sân khấu.

Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: “Điều cần thiết là làm sao trợ lực cho thổ cẩm S’tiêng, đưa niềm tin của người S’tiêng vào thổ cẩm để thổ cẩm S’tiêng có một đời sống mới. Chúng tôi cần phải có trách nhiệm tạo được hơi thở của thời đại trong thổ cẩm. Hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được tinh thần của tất cả vùng miền, vì những tinh thần đó chính là giá trị di sản của vùng miền”.

“Ngày mới trên sóc Bom Bo” còn tạo dấu ấn đặc sắc ở phần trình diễn của các người mẫu chuyên nghiệp cùng sự góp mặt của người dân địa phương. Chị Mỹ Trang, người S’tiêng đến từ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, là một trong những người dân được lựa chọn để trình diễn. Tuy hồi hộp nhưng ánh mắt chị lấp lánh niềm vui và nụ cười rạng rỡ. Mỗi bước chân, mỗi cử chỉ đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, cùng lòng kiêu hãnh, tự hào khi được giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương đến với đông đảo khán giả. “Lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn, tuy hồi hộp nhưng thấy trang phục của dân tộc mình được giới thiệu đến nhiều người, tôi vô cùng tự hào, tiếp thêm cho tôi sự tự tin để trình diễn”, chị Mỹ Trang chia sẻ.

Đồng chí Điểu Hà Hồng Lý, Phó chủ tịch HĐND huyện Bù Đăng bày tỏ: “Chương trình là sự tri ân, là nỗ lực để thổ cẩm S’tiêng có một đời sống mới, đưa thổ cẩm không chỉ là di sản mà còn là sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa cao. Qua đó, giúp nghề dệt thổ cẩm cũng như các nghề thủ công truyền thống khác tìm được hướng đi, thực sự trở thành sinh kế để người dân gắn bó, gìn giữ và phát triển”.

Bài và ảnh: Bảo Ngân

 

Nguồn: Dulichvn

Hội chợ tình Nặm Nhũng (Hà Quảng, Cao Bằng)

Ngày 26/4, UBND xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng) tổ chức Hội chợ tình Nặm Nhũng, thu hút đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn tham gia.


Tiết mục văn nghệ tại lễ hội.

Hội chợ tình Nặm Nhũng là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực, được tổ chức vào dịp tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm, là nơi để nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu, hò hẹn, giao duyên, đồng thời, là dịp giao lưu, gắn kết cộng đồng. Trải qua thời gian, cùng với sự biến động của đời sống, hội chợ tình thưa vắng dần và đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Lũng Nặm đã nỗ lực khôi phục, tổ chức lại Hội chợ tình Nặm Nhũng, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, tạo điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng.

Trò chơi kéo co thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.

Hội chợ năm nay diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống: kéo co, tung còn, lày cỏ,… trưng bày sản phẩm nông sản, ẩm thực địa phương. Các gian hàng giới thiệu đặc sản: bánh khảo, mèn mén, rượu ngô, thổ cẩm, thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.

Hội chợ tình tái hiện sinh động những giá trị văn hóa, bản sắc, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí; cổ vũ nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo đà từng bước phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.

Diệu Linh – Đức Phương

 

Nguồn: Dulichvn

Củ hủ cau – cả một trời thương nhớ

Củ hủ cau – thi thoảng mới được thưởng thức. Từng lát sần sật, xôm xốp, vị ngọt và một tí béo đọng lại khi nhai kỹ… là nỗi nhớ mong đâu riêng gì một thời tuổi thơ!

 


Nguyên liệu làm nên món gỏi củ hủ cau nhiều sắc màu.

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những chùm hoa cau tinh khiết tỏa hương bên khung cửa. Những buổi trưa hè trốn ba mẹ lượm hoa cau rụng trắng vườn nhà; những đêm trăng sáng, mở toang cửa sổ mơ màng ngồi nghe gió nhè nhẹ thổi đưa hương cau… Tôi còn nhớ cả món củ hủ cau trộn thơm ngầy ngậy trong chái bếp của má.

Nhà tôi trồng một vườn cau, không những giúp che bóng mát, mà còn cải thiện đời sống của cả nhà mỗi khi đến mùa thu hoạch. Đám con nít chúng tôi hiếm khi được thưởng thức củ hủ cau, bởi, để lấy được nó, phải chặt bỏ cả thân cây. Chúng tôi chỉ được thỏa thuê thưởng thức củ hủ cau khi cây cau bị sâu hay đã già và quá cao, ba má đốn để trồng cau mới.

Không hiếm, nhưng ít có dịp gặp, vì thế mỗi lần có củ hủ cau, má tôi nâng niu như tìm thấy một thức ngon thật quý. Má chỉ tôi cách lấy củ hủ cau vừa nhanh vừa đỡ tốn sức.

Củ hủ cau là nguyên liệu tạo nhiều món ngon.

Cau sau khi vừa được hạ xuống, chặt lấy phần ngọn, lột hết bẹ, củ hủ sẽ lộ diện với màu trắng đục, mềm và giòn. Không chỉ ngon, nguyên liệu này còn sạch, chứa nhiều chất xơ và chất khoáng tốt cho hệ tiêu hóa.

Má tôi biến đổi các món củ hủ cau theo nhiều cách riêng như nấu canh tôm, kho tương hay xào tép. Tất cả đều mang hương vị đặc biệt, vừa dân dã lại cuốn hút. Nhưng chị em tôi vẫn thích nhất món gỏi. Đĩa gỏi của má đẹp tựa bức tranh với màu trắng ngà của củ hủ cau, màu vàng nhạt của những lát thịt, điểm xuyết thêm xanh của rau thơm và chút vàng của đậu phộng rang.

Mỗi khi nhà có củ hủ cau, tôi và má tỉ mẩn ngồi cắt khúc, chẻ củ hủ thành từng sợi vừa ăn rồi ngâm vào hỗn hợp nước pha giấm hoặc nước muối loãng để giữ độ giòn, trắng.

Vớt những sợi củ hủ cau ra để ráo, tiếp tục phi thơm xíu nén, tỏi, ớt tươi đập giập rồi cho củ hủ cau vào. Lửa thật to, nhanh tay đảo và tắt bếp để củ hủ vừa chín nhưng cũng không mất nước.

Hấp dẫn đĩa gỏi củ hủ cau má làm.

Thường má dùng một tô lớn để trộn củ hủ cau đã sơ chế, rưới nước mắm vừa pha vào; thêm ớt bột, rau thơm, rau quế trộn đều rồi cho ra đĩa. Gỏi củ hủ cau má làm đơn giản, ủ bên ngoài giòn, bên trong mềm, mát hòa quyện với mùi đậu phộng rang chín, rau quế, rau thơm, vị nồng cay của ớt.

Những hôm nào “sang chảnh” một tí, má sẽ cho thêm thịt ba chỉ hoặc tai heo đã cắt lát mỏng vừa ăn, hoặc tôm luộc đã bóc vỏ vào trộn cùng. Với chị em tôi, chỉ cần vị chua cay, ngọt ngọt của nước mắm cũng khiến chúng tôi phải xoắn xuýt lưỡi không chê vào đâu được.

Bây giờ, giữa ê hề những món ngon, nhưng tôi vẫn không thôi thèm thuồng món gỏi củ hủ cau. Giống như chiều nay vậy, về quê đúng dịp ba má thay giống cau mới, vậy là được tha hồ thưởng thức món đặc sản quê hương. Nhìn má cặm cụi, bàn tay gầy guộc thoăn thoắt xé từng sợi củ hủ, lòng bỗng nghèn nghẹn. Thời gian trôi nhanh quá!

Phan Thị Thanh Ly

 

 

Nguồn: Dulichvn

Hội chợ tình Nặm Nhũng (Hà Quảng)

Ngày 26/4, UBND xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng) tổ chức Hội chợ tình Nặm Nhũng, thu hút đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn tham gia.


Tiết mục văn nghệ tại lễ hội.

Hội chợ tình Nặm Nhũng là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực, được tổ chức vào dịp tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm, là nơi để nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu, hò hẹn, giao duyên, đồng thời, là dịp giao lưu, gắn kết cộng đồng. Trải qua thời gian, cùng với sự biến động của đời sống, hội chợ tình thưa vắng dần và đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Lũng Nặm đã nỗ lực khôi phục, tổ chức lại Hội chợ tình Nặm Nhũng, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, tạo điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng.

Trò chơi kéo co thu hút đông đảo người dân tham gia, cổ vũ.

Hội chợ năm nay diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống: kéo co, tung còn, lày cỏ,… trưng bày sản phẩm nông sản, ẩm thực địa phương. Các gian hàng giới thiệu đặc sản: bánh khảo, mèn mén, rượu ngô, thổ cẩm, thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.

Hội chợ tình tái hiện sinh động những giá trị văn hóa, bản sắc, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí; cổ vũ nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo đà từng bước phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.

Diệu Linh – Đức Phương

 

Nguồn: Dulichvn

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các làng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại các làng dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh triển khai đồng bộ với sự tham gia tích cực, chủ động của người dân. Điều này không chỉ là trách nhiệm bảo vệ di sản, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển bền vững, gắn kết cộng đồng với ngành du lịch.


Đồng bào dân tộc Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái) giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới 2024. Ảnh: Nguyễn Dung

Trên nền tảng chính sách của tỉnh, việc thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tại cơ sở đã tạo nên sức sống mới cho cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 55 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng DTTS và miền núi, là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở. Tỷ lệ người dân tham gia hoạt động tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao đạt khoảng 50%, trong khi tỷ lệ tham gia luyện tập thể thao cũng lên đến 40%. Mô hình câu lạc bộ được củng cố, nhân rộng, thu hút đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các lớp học múa, hát, học nghề truyền thống; từ đó góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn tỉnh liên tục được công nhận. Tiêu biểu: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ; nghi lễ Then của người Tày; làn điệu Soọng Cô của người Sán Dìu… đã được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nghi thức Then của người Tày Quảng Ninh được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nằm trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Người dân xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) khai thác bản sắc văn hoá dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh văn hóa phi vật thể, các môn thể thao truyền thống cũng được lưu giữ, khôi phục và khuyến khích phát triển, như: Đẩy gậy, đánh quay, đi cà kheo, ném còn, bóng đá nữ… Đây không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi.

Không chỉ có vậy, những phiên chợ phiên vẫn giữ được sức hấp dẫn với du khách và người dân khi đến vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chợ Hà Lâu, Lương Mông, Pò Hèn, Đồng Văn… không chỉ là nơi giao lưu mua bán nông sản, thủ công mỹ nghệ mà còn là sân khấu của các màn trình diễn dân ca, dân vũ, gian hàng ẩm thực độc đáo của từng dân tộc.

Bà con vùng DTTS cũng đã vào cuộc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bà Bàn Thị Hai, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long cho biết: Bà con ở thôn chúng tôi đã chú trọng phát triển du lịch khai thác cảnh đẹp của quê hương và bản sắc của chính dân tộc mình. Nhờ đó mà đời sống của bà con cũng khấm khá hơn.

Người dân vui chơi tại Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Ảnh: Công Thành (CTV)

Một trong những điểm sáng trong quá trình bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng là thí điểm tại bốn làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025 theo Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh. 4 làng gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động của huyện Bình Liêu. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng mô hình làng văn hóa đặc trưng cho từng dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Bước đầu, các mô hình này đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, được du khách đón nhận, nâng cao thu nhập bình quân của hộ gia đình tham gia từ 10-15% so với trước khi thí điểm.

Với nền tảng chính sách rõ ràng, Quảng Ninh đang từng bước kiến tạo môi trường thuận lợi để bản sắc văn hóa dân tộc tỏa sáng, trở thành tài sản chung, nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Thu Nguyệt

 

Nguồn: Dulichvn

Bánh tét Trà Cuôn

Sản phẩm làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nổi tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà và đã được vinh danh vào tốp ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Cứ vào các dịp lễ, Tết hằng năm, các cơ sở, hộ gia đình ở làng nghề bánh tét Trà Cuôn hối hả với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh gói bánh phục vụ nhu cầu thị trường.

Theo các nghệ nhân làng nghề bánh tét Trà Cuôn, gói bánh tét là nghề truyền thống được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng đã công nhận làng nghề bánh tét Trà Cuôn theo Quyết định số 2085/ QĐ-UBND ngày 13/12/2011. Làng nghề bánh tét Trà Cuôn có khoảng 30 cơ sở, hộ gia đình tại các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, thành phố Trà Vinh duy trì thường xuyên các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi cơ sở, hộ gia đình có khả năng cung ứng ra thị trường từ 200-300 đòn (chiếc) bánh tét/ngày; vào các dịp lễ, Tết thì từ 10.000-12.000 đòn bánh tét/ngày, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: “Các sản phẩm bánh tét ba mầu, bồ ngót, tứ quý của cơ sở là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, được người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước ưa chuộng”. Hằng ngày, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý cung ứng ra thị trường khoảng từ 300- 400 đòn bánh tét, mức giá từ 50.000-150.000 đồng/đòn tùy loại bánh. Nguyên liệu chính dùng để chế biến bánh gồm nếp sáp, đậu xanh, chuối, trứng muối, thịt mỡ, lá ngót; sản phẩm có hương vị thơm ngon tự nhiên, không phẩm mầu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hay Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ, cơ sở cung ứng ra thị trường hơn 10.000 đòn bánh tét/ ngày, giải quyết việc làm cho khoảng từ 70-80 lao động nhàn rỗi địa phương.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh bánh tét Hai Lý đặc biệt chú trọng đến các khâu thiết kế bao bì, nhãn hiệu, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời, đưa sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao lên sàn thương mại điện tử, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện lễ hội, hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh…

Hằng năm, cứ vào dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, cơ sở bánh tét 9 Di của chị Thạch Thị Di, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tất bật với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo chị Di, gói bánh tét là nghề truyền thống lâu đời của gia đình. Bánh tét 9 Di, một trong những sản phẩm của làng nghề bánh tét Trà Cuôn, đã được tái công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao. Trong tháng 4, cơ sở bánh tét 9 Di cung ứng ra thị trường từ 3.000-4.000 đòn bánh tét các loại, với trọng lượng 500g, 800g, từ 1-2 kg. Bánh tét là sản phẩm được rất nhiều người sử dụng làm quà biếu, món ăn trong các buổi tiệc, ngày Tết.

Nhiều năm qua, chị Di tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ nữ doanh nhân của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. Tại đây, chị Di thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các thành viên câu lạc bộ, hội viên phụ nữ. Từ đó, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Nói về bí quyết để làm nên thương hiệu đặc sản bánh tét 9 Di, chị Di cho biết thêm: Các khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách gói và nấu bánh là rất quan trọng. Nguyên liệu để chế biến bánh tét được chọn từ loại nếp sáp thơm ngon của địa phương, đậu xanh được tách vỏ, hấp chín, tán nhuyễn, thịt mỡ ba rọi ướp gia vị vừa miệng.

Những người thợ làng nghề bánh tét Trà Cuôn luôn tìm tòi, sáng tạo, chế biến các sản phẩm bánh thơm ngon, hương vị đậm đà. Theo đó, để đòn bánh tét có vị ngon phong phú hơn, thợ làm bánh bổ sung một số nguyên liệu như trứng muối, tôm khô, lạp xưởng. Đặc trưng của bánh tét truyền thống là có màu trắng của nếp sáp, khi người thợ cho thêm nước cốt lá cẩm, bánh có mầu tím; nước cốt trái gấc thì bánh có mầu đỏ; nước cốt lá bồ ngót thì bánh có mầu xanh, trông bắt mắt, hấp dẫn hơn.

Theo ông Kim Ruône, Bí thư Chi bộ ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, trong phong tục, tập quán của đồng bào Khmer Nam Bộ, bánh tét là thứ không thể thiếu trong các lễ hội, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Trong các dịp lễ, Tết, các hộ gia đình người dân tộc Khmer thường tổ chức gói bánh tét, dùng làm món ăn đón khách đến gia đình, dâng tặng các vị chư tăng chùa Phật giáo Nam tông. Các sản phẩm làng nghề bánh tét Trà Cuôn rất thơm ngon, hợp với khẩu vị gia đình; do vậy, cứ mỗi dịp lễ, Tết, các gia đình đều đặt mua bánh dùng làm món ăn, biếu tặng khách đến chơi nhà.

Bài và ảnh: Minh Khởi

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT