Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Cá đá sông Côn – Bình Định

Người dân ở vùng núi huyện Vĩnh Thạnh vẫn gìn giữ một món ăn giản dị mà đậm đà bản sắc – cá đá nướng cuốn lá rừng. Cá đá là loài cá nhỏ sống trong các khe suối, ghềnh đá, nơi nước chảy xiết, trong vắt. 


Vào mùa nước cạn, người dân thường dùng vợt hoặc tay bắt cá trong các hốc đá. Sau khi sơ chế, cá được đem nướng nguyên con trên than hồng, không tẩm ướp cầu kỳ, giữ nguyên vị ngọt thanh của thịt cá suối.

Món ăn được bày biện dân dã nhưng đẹp mắt trên mẹt lá chuối: Cá đá nướng vàng ruộm, rau rừng, dưa leo, đọt lộc vừng, lá sung, lá mơ và không thể thiếu chén muối ớt giã chanh, muối tiêu rừng, chén mắm nêm hay chén mắm ruột cá niên đặc quánh. Người ăn cuốn tất cả các loại rau với cá trong bánh tráng mỏng rồi chấm vào chén nước chấm cay nồng – một sự kết hợp đậm chất núi rừng. Món cá đá không chỉ ngon mà còn gói ghém trong đó cả nét văn hóa ẩm thực của người Vĩnh Thạnh, nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên và biết nâng niu từng hương vị nguyên sơ từ núi rừng, sông suối.

Xuân Dũng

Nguồn: Dulichvn

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào Mường tại Bắc Trà My

Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường, xã Trà Giang đến năm 2025” được huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xây dựng, triển khai thực hiện giai đoạn 2023- 2025 hứa hẹn mang lại nhiều khởi sắc cho ngôi làng này. Hiệu quả từ dự án này kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường tại vùng núi Quảng Nam.


Giới thiệu cho du khách về ngôi nhà sàn kiến trúc đặc trưng của người Mường

Thời gian qua, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nội dung của dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Trong đó có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực tại những làng du lịch cộng đồng của địa phương như làng Mường, làng văn hóa Cao Sơn, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thiết thực của địa phương.

Tiếp nối thành công trên, huyện Bắc Trà My phê duyệt dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường, xã Trà Giang đến năm 2025” (gọi tắt dự án).

Làng Mường có nhiều thác, suối lớn nhỏ, bắt nguồn từ núi Hòn Bà (cao 1.347m), khí hậu hầu như mát mẻ quanh năm

Khoảng những năm 1986-1987, những người Mường đầu tiên từ xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình di cư vào Quảng Nam và lựa chọn vùng đất dưới chân núi Hòn Bà, huyện Bắc Trà My để sinh sống, lập nghiệp.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, dần dần có thêm nhiều hộ gia đình di cư vào đây sinh sống và trở thành một cộng đồng Mường với những đặc trưng riêng biệt, thú vị giữa đại ngàn Quảng Nam.

Đặc biệt, dòng thác Năm Tầng nước chảy quanh năm, nguồn nước trong vắt, mát lạnh, là nguồn nước quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Đồng bào Mường ở Trà Giang sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng nhiều cây lát hoa trong vườn nhà để lấy gỗ, trồng quế và keo ở các khu đất đồi dưới chân núi Hòn Bà. Ngoài ra, còn trồng cây ăn trái, nuôi gia súc, nuôi gà, thả cá, trồng rau… để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đến nay, tại khu vực làng Mường có 28 hộ gia đình (140 nhân khẩu) sinh sống với 100% dân số là người Mường. ẢNH: Đặng Kế Đông

Người dân Mường có tính cố kết của dân tộc rất cao, định cư nơi vùng đất mới, đồng bào Mường vẫn giữ bản sắc cha ông, sự hiền hòa, thân thiện, mến khách.

Hầu hết các gia đình đều làm nhà sàn truyền thống, gìn giữ phong tục ăn Tết Bác Hồ, coi việc trồng cây gỗ lát hoa như một báu vật riêng của đồng bào mình.

Thời gian qua, công tác đầu tư, hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá du lịch tại làng Mường đã và đang được triển khai thực hiện.

Từ nguồn hỗ trợ dự án 6, địa phương đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng văn hóa của người Mường như múa sạp, ném còn, chơi đánh mãng, chơi cù, điệu múa cồng chiêng,…

Trong đó, đặc biệt, tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, sản phẩm địa phương làng Mường đến người dân và du khách thông qua các hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa của địa phương.

Vui hội làng Mường

Các sản phẩm địa phương của người Mường như rượu cần, đan lát mây tre truyền thống đang được bảo tồn và phát huy.

Ẩm thực của người Mường khá độc đáo, được trình bày và chế biến bắt mắt, với nhiều món như: xôi ba màu, gà nấu măng chua, ếch đá nướng, rau luộc, thịt heo nướng chấm muối hạt dỗi, gà nướng, canh xương sắn, thịt quấn lá bưởi…

Giới thiệu với du khách về ẩm thực của đồng bào Mường

Với những lợi thế to lớn như thế, làng Mường đang dần thu hút các du khách đến tham quan, thưởng cảnh, trải nghiệm cuộc sống của bà con trong làng. Người dân cũng đã từng bước kết nối các sản vật nông nghiệp và ẩm thực vào phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch hiện nay vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng chung về sự phát triển bền vững nên vẫn còn tình trạng vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, việc hợp tác, liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ giữa các hộ gia đình trong làng chưa có sự gắn kết cao nên chưa tạo giá trị lớn cho cộng đồng.

Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng Mường, xã Trà Giang đến năm 2025” là vô cùng cần thiết.

Tháng 3.2023, làng Mường được Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm du lịch. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Bắc Trà My triển khai các hoạt động đầu tư, hỗ trợ, quảng bá để phát triển du lịch làng Mường trong thời gian đến.

Dự án được triển khai hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của làng, góp phần đưa xã Trà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Kết quả của dự án hướng đến các mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có tại làng Mường (hệ sinh thái tự nhiên của Làng; các giá trị văn hóa truyền thống…), sự gắn kết, chung sức của cộng đồng địa phương đi kèm với công tác phục hồi và bảo vệ rừng đa loài.

4 mục tiêu cụ thể dự án hướng đến: Nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch bền vững. Cộng đồng tham gia bảo vệ và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại làng Mường. Định hướng và xây dựng điểm du lịch văn hóa, sinh thái làng Mường gắn với các điểm đến khác tại Bắc Trà My và Quảng Nam.

Khánh Chi

 

Nguồn: Dulichvn

Bánh hỏi An Nhứt

Bánh hỏi An Nhứt từ lâu đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xã An Nhứt (nay là xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mà còn là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của vùng đất này.


Bánh hỏi An Nhứt ngon khi ăn kèm nước chấm chua ngọt và các loại rau thơm cùng thịt nướng.

Cùng là bánh hỏi – một món ăn phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung, nhưng bánh hỏi An Nhứt lại có những nét riêng rất đặc trưng. Theo các bậc cao niên trong xã An Nhứt, nghề này xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII – đầu thế kỷ XVIII và tạo nên thương hiệu đặc trưng suốt hơn nhiều năm qua nhờ những bí quyết ẩm thực được gìn giữ bao đời nay. Ví như người làm bánh ở An Nhứt rất kỹ tính trong khâu chọn nguyên liệu. Gạo phải là loại gạo ngon, hạt trắng, dẻo, thơm và thường là gạo mới để bánh sau khi làm ra có độ mềm, dai nhẹ, không bở, không nát.

Khâu xay bột cũng phải là xay thủ công bằng cối đá theo phương pháp truyền thống nên bột nhuyễn đều, sợi bánh sau khi ép ra mịn và mướt. Nhờ quy trình làm bánh được giữ nguyên theo cách làm truyền thống nên bánh hỏi An Nhứt giữ trọn được hương thơm tự nhiên của gạo mới, sợi bánh mềm mà vẫn dai, thơm ngon không cần phụ gia hay chất bảo quản.

Ngon nhất là khi đĩa bánh trắng ngần chan mỡ hành lên, mùi thơm phức, lớp hành xanh mướt phủ đều trên mặt khiến đĩa bánh càng thêm hấp dẫn. Trải miếng bánh tráng ra, xếp rau cải xanh, xà lách cùng các loại rau thơm, rồi tới lá bánh hỏi, thêm thịt nướng hoặc chả giò cuốn tròn lại chấm nước mắm ớt ngó sen.

Người ta vẫn bảo, góp phần làm nên thương hiệu cho bánh hỏi An Nhứt chính là bát nước chấm pha chua ngọt trộn với ngó sen, cà rốt và củ cải. Chấm nhẹ miếng bánh vào bát nước mắm tất cả như tan chảy trong miệng, để lại vị ngọt và cảm giác thanh nhẹ đặc trưng.

Nếu đến Bà Rịa – Vũng Tàu, ghé vào một quán bánh, khi bạn gọi món chủ hàng mới hấp bánh hỏi để đảm bảo mỗi đĩa bánh phục vụ cho khách đều nóng hổi, giữ được hương thơm của bột gạo và nếp – món quà quê ăn một lần là khiến người ta nhớ mãi.

Cùng với bánh hỏi An Nhứt, nghề làm bánh tráng An Ngãi (trước đây thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền – nay là xã Tam An, huyện Long Đất) cũng là nghề thủ công truyền thống gần 100 năm, được công nhận là nghề truyền thống từ năm 2013. Hiện nay, làng nghề bánh tráng An Ngãi có hơn 130 hộ gia đình tham gia với nhiều loại bánh tráng đa dạng như bánh tráng nem, bánh tráng ớt, bánh đa nướng, bánh tráng chuối…

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định đưa nghề thủ công truyền thống – nghề bánh tráng An Ngãi và nghề làm bánh hỏi An Nhứt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là sự ghi nhận giá trị văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội để món bánh dân dã này được quảng bá rộng rãi hơn…

Sự công nhận nghề làm bánh hỏi An Nhứt là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là cơ hội để gìn giữ, phát huy và đưa thương hiệu bánh hỏi An Nhứt vươn xa hơn nữa. Hy vọng, trong tương lai, món bánh dân dã này sẽ tiếp tục chinh phục thực khách gần xa, góp phần quảng bá văn hóa, ẩm thực quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu đến với bạn bè quốc tế.

Mai Hoa

Nguồn: Dulichvn

Bắc Giang: Bảo tồn di tích, gìn giữ nét đẹp văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Bắc Giang quan tâm gìn giữ hệ thống di tích, bảo tồn những nét văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới.


Đình Vân Xuyên là nơi phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền ở huyện Hiệp Hòa, tháng 6/1945.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc

Năm nay đã gần 71 tuổi, nghệ nhân ưu tú Lâm Minh Sập ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn vẫn giữ được giọng hát khỏe khoắn và giàu cảm xúc. Suốt gần một thập kỷ qua, ông là người “giữ lửa” dân ca Sán Chí. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Sán Chí, ông đã nhiều năm dày công sưu tầm, truyền dạy và gây dựng phong trào hát dân ca (còn gọi là Cnắng cọô) tại địa phương. Sự tâm huyết, trách nhiệm và đam mê ấy đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chí ở huyện Lục Ngạn. Nghệ nhân Lâm Minh Sập, chia sẻ: Cùng với lòng tự hào gìn giữ, phát huy giá trị dân ca, người dân chúng tôi cũng tích cực chung tay vào sự thành công của chương trình nông thôn mới.

Giữa cuộc sống hiện đại, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống lại càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Đối với xã miền núi Kiên Lao, đây không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, mà còn là tiêu chí quan trọng trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Câu lạc bộ dân ca dân tộc Sán Chỉ xã Kiên Lao được thành lập từ năm 2011, đến nay có hơn 70 thành viên thuộc bảy thôn có người Sán Chỉ sinh sống. Phong trào hát dân ca được duy trì hằng năm vào các ngày lễ tết của dân tộc, đất nước và địa phương.

Là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề nông, chính quyền xã Kiên Lao xác định rõ: muốn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phải đi bằng “hai chân” – kinh tế và văn hóa. Giờ đến Kiên Lao, dễ dàng bắt gặp những vườn cây ăn trái cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, cùng những ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ. Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp, nối liền tới tận các thôn, xóm.

Nhờ đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa mới, người dân Kiên Lao vẫn luôn gìn giữ và trân trọng những giá trị truyền thống của mình. Điều ấy được thể hiện sinh động qua những làn điệu dân ca mộc mạc, với những bộ trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn dân tộc.

Sơn Động là một huyện vùng cao có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 57%. Mỗi dân tộc mang theo những nét văn hóa riêng biệt, tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú về bản sắc. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện đã xây dựng những đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển nông thôn. Đặc biệt, xã Lệ Viễn vẫn lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc như: tiếng nói, chữ viết, nghề thêu, các điệu múa và làn điệu dân ca truyền thống. Chính quyền địa phương đã tổ chức lớp truyền dạy múa Tắc Xình và hát Sọong Cô cho nhiều học sinh, đoàn viên thanh niên và phụ nữ trong xã.

Phát huy truyền thống vùng ATK II

Từ trước tới nay, nhiều người từng biết đến An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Tân Trào (Tuyên Quang) – vùng “thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà ít biết rằng Hiệp Hòa (Bắc Giang) có vai trò trọng yếu bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, cán bộ chủ chốt của Đảng, góp phần cùng nhân dân cả nước đứng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ Việt Bắc đi xuống đồng bằng nên ngay từ đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng xây dựng ATK II trên địa bàn các xã giáp ranh ba huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) và Phổ Yên, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). ATK II tại Hiệp Hòa được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, bảo vệ cán bộ chủ chốt của Đảng, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ được liên tục, thông suốt, kịp thời.

Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, truyền thống anh hùng cách mạng quý báu của nhân dân Hiệp Hòa tiếp tục được phát huy, trở thành nguồn lực to lớn đóng góp vào sự phát triển của huyện và tỉnh Bắc Giang.

Theo hồ sơ di tích, huyện Hiệp Hòa có 16/25 xã được công nhận là xã An toàn khu II. Di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa gồm tám địa điểm, tập trung chủ yếu ở bốn xã Hoàng Vân, Hoàng An, Hòa Sơn, Xuân Cẩm. Huyện Hiệp Hòa đang khai thác hai không gian du lịch, gồm: (1) Không gian du lịch Lăng đá; hát ca trù, quan họ, chèo; (2) không gian du lịch sinh thái, tâm linh, ATKII, các xã ven sông Cầu. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tuyến du lịch nội huyện; duy trì và mở rộng phát triển hai sản phẩm du lịch chính của huyện: Du lịch văn hóa – tâm linh gồm các điểm đến là các di tích lịch sử, văn hóa ATKII, hệ thống Lăng đá cổ và Du lịch sinh thái gồm vườn cây ăn quả, cánh đồng mẫu lớn, làng nghề, ẩm thực… Các địa điểm du lịch lịch sử, văn hóa đã và tiếp tục là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, yêu nước cho các thế hệ học sinh, các chủ nhân tương lai của đất nước.

Huyện cũng đang đề nghị nâng cấp một di tích cấp tỉnh lên cấp quốc gia, đồng thời xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của huyện có chuyên môn, nghiệp vụ góp phần quảng bá, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật của các điểm du lịch huyện.

Với ưu thế về vị trí địa lý, Hiệp Hòa là nơi tiếp thu, truyền lưu nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Đó là các loại hình nghệ thuật truyền thống có ở Hiệp Hòa từ rất sớm, được trình diễn ở không gian văn hóa đình, chùa, đền, nghè trên địa bàn huyện như: Hát chèo, ca trù, dân ca quan họ, hát văn, hát chầu văn… Trong cuộc sống hiện đại, việc phát huy các loại hình nghệ thuật không những góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn giúp tuyên truyền về trật tự, an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Hiệp Hòa, cho biết: Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án và đầu tư nguồn lực để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như: Biên soạn cuốn sách Các vị tiến sĩ huyện Hiệp Hòa từ thời phong kiến đến nay; tổ chức cuộc thi giới thiệu du lịch Hiệp Hòa, cuộc thi sáng tác ca khúc về Hiệp Hòa, cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng (logo) về Hiệp Hòa, cuộc thi ảnh nghệ thuật về Hiệp Hòa; kiểm kê di sản; tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích, xếp hạng, nâng hạng di tích, lễ hội truyền thống; mở các lớp truyền dạy hát ca trù, quan họ, chèo; triển khai xây dựng các làng quan họ; khôi phục hoạt động, hỗ trợ các câu lạc bộ chèo…

Thời gian tới, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc, gắn với việc hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục được triển khai toàn diện. Bởi đó chính là góp phần bảo vệ những tài sản vật chất và tinh thần vô cùng quý báu của mỗi cộng đồng, quốc gia. Trách nhiệm này luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quan tâm thực hiện.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Minh Sập dạy trẻ em trong xã hát dân ca Sán Chỉ. (Ảnh Nguyễn Hưởng)

Thanh niên huyện Hiệp Hòa tích cực tham gia làm đẹp cảnh quan nông thôn.

Thanh Thủy

Nguồn: Dulichvn

Gốm Bắc Ninh ”du lịch” Nhật Bản

Giữa dòng chảy hiện đại, làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) vẫn âm thầm giữ lửa gần 700 năm. Nay, ngôi làng ven sông Cầu trở thành điểm đến của những đơn hàng quốc tế độc quyền, nơi thế giới tìm về để chạm vào giá trị thủ công, sự độc bản và “hơi thở của đất” trong từng sản phẩm.


Tiếng củi khô gõ vào nhau răng rắc, tiếng lửa reo tí tách trong lòng lò như đang kể chuyện. Lò thì nung mẻ cũ còn chung quanh là những nghệ nhân đang trong công đoạn để sản xuất mẻ mới. Đừng để những hình tượng dễ thương, bé nhỏ kia đánh lừa bởi nặn gốm không dễ chút nào, đây là điều có thể khẳng định ngay lập tức. Anh Thắng, người nghệ nhân đã động viên chúng tôi thử sức, cười bảo: “Dễ lắm, cứ làm như tôi là được. Nặn đều cỡ… 1.000 con tượng mỗi ngày là giỏi ngay!”. Tưởng chỉ là xoay xoay, nắn nắn mà làm ra tượng, ai ngờ phải căn lực, đều tay, thậm chí phải “cảm” được đất. Ném nhẹ quá thì không bám khuôn, mạnh tay lại méo lệch cả hình.

Sau công đoạn tạo hình, sản phẩm được mang đi gọt dũa, bỏ đi lớp màng đất quanh thành phẩm. Gần như ai làm công đoạn này cũng đều lia mũi dao theo phản xạ bởi đã quá đỗi thành thục. Sau đó những bức tượng bé nhỏ được mang đi phơi khô, có khi mất cả tháng rồi mới đem đi tráng men, nung lò. Men da lươn, thứ men nâu óng hoặc nâu sậm đặc trưng của Phù Lãng được tạo từ tro củi và các loại oxit tự nhiên chính là lớp áo mang đến vẻ đẹp độc đáo cho từng món đồ gốm.

Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức nghề truyền thống, Phù Lãng còn là điểm đến của những đơn hàng mang tính cá nhân hóa cao từ các đối tác nước ngoài. Nhiều sản phẩm tại đây được thiết kế theo mẫu riêng biệt, theo đúng gu thẩm mỹ và đặc tính văn hóa của từng quốc gia – từ châu Âu đến Nhật Bản, Hàn Quốc và cả một số quốc gia Trung Đông. Như những linh vật này, chúng đang được thành hình và thổi hồn để chờ ngày sang Nhật Bản. Chính nhờ những sản phẩm “may đo” chiều theo ý thích khách hàng này đã giúp cho rất nhiều nhân công của làng có công việc và thu nhập khấm khá. Những đơn hàng này thường đi kèm điều kiện sản xuất độc quyền, có ký hợp đồng ràng buộc chặt chẽ và yêu cầu cao về kỹ thuật. Đặc biệt, khách hàng không chỉ chọn mẫu mã mà còn yêu cầu giữ đúng kỹ thuật thủ công từ nguyên liệu, men, đến cách nung bằng củi như một phần không thể thay thế của giá trị sản phẩm.

Du khách đến đây không chỉ để mua vài món đồ lưu niệm, mà còn để sống chậm lại, chạm vào đất, ngửi mùi khói, nghe tiếng củi nổ lách tách trong lò, và hiểu rằng: có những giá trị không bao giờ cũ.Chỉ vài tiếng đồng hồ tại làng, tôi đã thấy không ít đoàn khách nước ngoài ghé đến. Họ ngạc nhiên trước vẻ đẹp thủ công và hơn hết là trước sự niềm nở, chân tình của người thợ gốm ở đây. Điều khiến làng gốm Phù Lãng được các đối tác quốc tế tin tưởng chính là sự hội tụ của ba yếu tố: đất hợp, thợ giỏi và nghề bền.

Đất sét nơi đây khi kết hợp cùng bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề sẽ cho ra những sản phẩm vừa bền vừa mang “hơi thở của đất”. Quá trình nung củi tưởng như lạc hậu lại chính là điểm khác biệt tạo nên vết men loang, vết táp lửa độc bản mà khách quốc tế mê mẩn vì không thể tái tạo bằng công nghiệp.”Thường thì cũng có người bám lò, nhưng sau này lớp trẻ cũng đi xa làm việc. Ấy vậy mà cứ theo vụ, nhàn việc là mọi người lại về để làm gốm”, những người thợ chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện tại sao số lượng lò lại giảm trong những năm qua. Không có nút điều chỉnh nhiệt, không có đồng hồ canh giờ, tất cả phụ thuộc vào kinh nghiệm và cảm nhận của người thợ. Ba đến bốn người thay phiên nhau tiếp củi, từng thanh keo khô được nhét sâu vào miệng lò, lửa bén rất nhanh và bốc lên thành dải đỏ rực. Nhiệt độ trong lò có khi lên tới 1.000°C và phải giữ đều suốt 4 ngày 3 đêm, người đun không dám rời mắt. Nhìn sắc lửa, nghe tiếng củi cháy, ngửi mùi khói mà đoán được lửa đang “ăn” sâu đến đâu. Những vết loang men mà người dân nơi đây gọi là “vết táp lửa” sau khi nung là hoàn toàn ngẫu nhiên và chính là thứ mà giới sành gốm trên thế giới say mê, vì không cái nào giống cái nào.

Làng gốm Phù Lãng không đơn thuần là nơi sản xuất đồ gốm. Đây là một bảo tàng sống về nghề truyền thống Việt Nam, là biểu tượng của sự bền bỉ, sáng tạo và lòng yêu nghề của người dân Kinh Bắc. Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống đang mai một, việc một làng quê ven sông như Phù Lãng giữ vững tay nghề và bước chân được vào “sân chơi toàn cầu” là điều không dễ. Ấy thế mà “mình không tìm người mà người tới với mình”, đó lại là nét đặc sắc, riêng có.

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn: Dulichvn

Cao Bằng: Giữ gìn văn hóa truyền thống qua hoạt động cộng đồng và sự kiện nghệ thuật

Cao Bằng không chỉ được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ mà còn là nơi hội tụ bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống tại đây. Những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ từ trong đời sống thường nhật, đến những sân khấu lớn tại các hoạt động cộng đồng và sự kiện nghệ thuật diễn ra đều đặn hằng năm.


Mỗi dịp đầu xuân, các địa phương trong tỉnh lại rộn ràng tổ chức những lễ hội mang đậm dấu ấn bản địa. Đây là những không gian văn hóa sống động, nơi cộng đồng dân cư cùng nhau tái hiện lại phong tục, tập quán lâu đời và gửi gắm ước vọng về một năm mới an lành, mùa màng tươi tốt. Những hoạt động như hát Then, múa sư tử, thi làm bánh khảo, nấu cỗ truyền thống… không chỉ tạo không khí lễ hội vui tươi mà còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ.

Các loại hình nghệ thuật dân gian như: hát Then, đàn tính, múa chàm, múa khèn… được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ thông qua các lớp học cộng đồng và chương trình biểu diễn. Nhiều nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh không ngừng truyền dạy cho thế hệ kế cận, giúp những giá trị văn hóa phi vật thể tiếp tục được sống trong lòng cộng đồng. Sự hiện diện của nghệ thuật truyền thống trong các chương trình biểu diễn hiện đại đã tạo nên sự giao thoa thú vị giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và đổi mới.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Cao Bằng và thưởng thức làn điệu Then truyền thống. Một trải nghiệm rất thú vị, làn điệu Then mang một âm hưởng rất đặc biệt, vừa sâu lắng, vừa tha thiết.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Cao Bằng đẩy mạnh tổ chức các sự kiện quy mô lớn như Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng diễn ra tại Hà Nội hay tham dự Festival “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc”. Các trương trình là cơ hội để tỉnh quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, kết hợp giữa yếu tố dân gian và biểu diễn đương đại, vừa giữ được tinh thần truyền thống, vừa tạo sự hấp dẫn mới mẻ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng.

Làn điệu Then là nét đẹp văn hóa truyền thống được biểu diễn trong các sự kiện.

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện, người dân còn tích cực tham gia vào công tác quảng bá văn hóa qua nhiều hình thức sáng tạo. Tại các bản làng du lịch cộng đồng, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện mở rộng homestay, giữ gìn không gian nhà truyền thống, trưng bày các vật dụng dân tộc và giới thiệu ẩm thực địa phương tới du khách. Một số thanh niên bản địa còn sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok để chia sẻ video biểu diễn đàn tính, hướng dẫn làm món ăn truyền thống hay kể chuyện dân gian, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa văn hóa bản địa tới cộng đồng mạng trong và ngoài nước.

Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền. Những buổi giao lưu, biểu diễn lưu động đến các trường học, chợ phiên, khu du lịch không chỉ mang lại không khí vui tươi mà còn góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong toàn thể cộng đồng.

Với sự chủ động và tinh thần trách nhiệm từ chính người dân, kết hợp cùng định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống của Cao Bằng đang được giữ gìn một cách tự nhiên và bền vững, đồng thời được lan tỏa mạnh mẽ trong thời đại số.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động cộng đồng, sự kiện nghệ thuật và sự tham gia tích cực của người dân không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực quan trọng để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương. Với cách làm bài bản, gắn văn hóa với cộng đồng, Cao Bằng đang dần khẳng định vị thế là điểm đến văn hóa tiêu biểu của vùng núi phía Bắc.

Đức Duy

Nguồn: Dulichvn

Về Cảnh Dương, ăn mắm Hàm Hương nhớ thương ông Cống

Ba mặt là nước, bốn mùa gió cát, Cảnh Dương – làng biển 380 năm tuổi bên sông Roòn (Quảng Trạch, Quảng Bình), nơi sóng bạc và hương mắm tạo nên hương vị làng biển. Làng nổi tiếng với nghề cá, lễ hội cầu ngư, bích họa ven biển, và đặc biệt là mắm Hàm Hương thứ sản vật tiến vua từng được ví như “thuế hương” gắn với bao thăng trầm của người dân vùng sóng gió.


Hương của cá, hồn của biển

Không nhiều người biết, ở nơi đầu sóng ấy có một giống cá nhỏ bé tên Hàm Hương. Các bậc ngư phủ cao niên ở Cảnh Dương truyền lại rằng loài cá này chỉ to bằng đầu đũa, thịt hồng trong, da mỏng, mỗi năm chỉ về vào tầm tháng 6 tháng 7 âm lịch. Thứ mùi thơm tự nhiên của cá khiến những người ở cuối gió vẫn có thể nhận ra khi đàn cá vừa ló ở đầu gió. Vì lẽ đó mà cá có tên là “bôi hương”. “Là Hàm Hương như thể tự thân sinh ra đã mang mùi thơm quý phái như tên một mỹ nhân cung đình”, nhà nghiên cứu bản địa Nguyễn Tiến Nên nói.

Nước mắm Hàm Hương ngày nay ủ chượp trong thùng lớn tuy nhiên một số hộ vãn dùng chĩnh sành

Nhưng cá Hàm Hương đâu chỉ là chuyện của khứu giác. Khi được muối thành mắm Hàm Hương, loài cá bé nhỏ ấy trở thành một đặc sản tiến vua, một thứ “quốc hồn quốc túy” của riêng Cảnh Dương. Từ thời nhà Lê, mắm Hàm Hương đã được triều đình định danh là vật phẩm cống nạp thường niên, một thứ sản vật mà một làng biển phải cáng đáng như một thứ thuế.

Theo ông Nguyễn Tiến Nên, người được giới học thuật tại địa phương gọi là “nhà Cảnh Dương học” cho biết: “Triều đình thời Hậu Lê đã ra chiếu chỉ cho dân làng mỗi năm phải tiến vua 400 chĩnh mắm Hàm Hương. Một con số tưởng nhỏ, nhưng đối với dân làng, đó là bốn trăm ngọn giông tố”.

Cá chỉ xuất hiện vài tuần, bắt được đã khó, làm mắm lại càng công phu. Cá phải tươi mới, chỉ chậm vài tiếng là hỏng. Muối phải được phơi qua ba nắng bảy sương để trút đi cái chát nồng. Mắm ngon nhất là khi muối trong chĩnh gỗ, để ngoài nắng nhiều tháng trời cho lên màu, đủ hương. Chỉ những người đàn bà dạn dày gió muối mới đủ kiên nhẫn và tay nghề để làm nên thứ mắm được gọi là “thơm như lời thề”.

Nhưng mùa cá có năm được, năm mất. Dân làng Cảnh Dương nhiều phen “ăn không ngon, ngủ không yên” vì không đủ mắm để nộp cống. Lệnh triều đình là lệnh vua. Không đủ mắm, quan huyện cho lính về đánh đập, bắt bớ, lùng sục từng chĩnh mắm. Có năm cả làng lâm cảnh trắng tay vì một mùa biển động.

Câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Trong khói lửa của những mùa cá mất, một người tên Đỗ Đức Huy vừa mới đỗ Cống sinh đã chọn cách giấu thân trong kinh thành, tìm đường vào triều để tìm cơ hội gỡ nút thắt cho làng. Ông không làm quan, cũng không làm thầy. Ông cải trang làm gia nhân, xin ở cho một vị đại quan trong triều, quán xuyến mọi việc.

Nhưng không ai là “đầy tớ” được mãi, nếu người đó thông minh, nhẫn nại và có một tấm lòng không ai sánh. Đỗ Đức Huy nhanh chóng trở thành người được tín nhiệm, giao cả việc viết tấu chương. Một ngày kia, khi vị quan vui vẻ, ông dốc bày tâm sự về làng quê nơi mắm được làm ra bằng mồ hôi và nước mắt, về số phận những người dân không dám ăn thứ họ làm ra. Ông thưa: “Nếu cụ lớn giúp được cho dân làng con thoát khỏi gánh nặng ấy, thì công ơn đó, con xin ghi khắc đến đời con cháu”.

Chợ cá Cảnh Dương

Vị quan cảm động, gật đầu. Ông Cống Huy viết tờ biểu, trình lên vua. Nhờ sự can thiệp của vị quan, vua đã hạ chỉ bãi bỏ việc cống mắm Hàm Hương. Từ đó, người làng Cảnh Dương như trút được đá tảng trên ngực. Những chĩnh mắm đầu tiên không phải đưa ra kinh nữa, mà được bán vào Nam, ra Bắc. Mắm thơm, dân ấm. Và họ không quên người đã đem lại điều đó. Một câu vè bắt đầu truyền nhau từ bếp nhà ra đình làng: “Ăn mắm Hàm Hương, nhớ thương ông Cống” là vậy.

Từ chĩnh mắm đến di sản

Ngày nay, cá Hàm Hương đã trở nên hiếm hoi. Dù những mẻ mắm vẫn còn mùi hương thoảng, nhưng người làm mắm ở Cảnh Dương cũng phải thừa nhận mắm Hàm Hương nguyên chất nay chỉ còn trong ký ức. Phần lớn các cơ sở sản xuất chỉ còn có thể trộn cá Hàm Hương với các loại cá nhỏ khác. Nhưng dù trộn, hương thơm đặc trưng vẫn len vào từng giọt mắm, như thể cá đã để lại linh hồn mình trong mỗi chĩnh gốm. Bà Cao Thị Nịnh, người nối nghiệp từ nhiều đời làm mắm kể rằng: “Mắm Hàm Hương không chỉ là thứ mắm, mà là ký ức của một làng. Là mùa biển, là gánh cá của mẹ, là câu chuyện cha kể mỗi đêm đến mùa”.

Lễ hội Cảnh Dương trong các câu chuyện kể dân làng không quên Cống sinh Đỗ Đức Huy

Cảnh Dương hôm nay đã khác. Ngoài lễ hội cầu ngư, Cảnh Dương còn có con đường bích họa dài hàng cây số, với những mảng tường vẽ lại lịch sử làng, vẽ cả cảnh dân làng làm mắm, chèo ghe, vẽ cả ông Cống với tờ biểu trên tay. Tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Trạch đang định hình nơi đây như một làng văn hóa – du lịch đặc sắc của miền Trung, với sản vật chủ lực chính cái mắm ấy.

Bí thư xã Cảnh Dương, ông Trần Trung Thành, nói: “Chúng tôi không muốn chỉ có khách du lịch đến chụp hình. Chúng tôi muốn khi người ta ăn một miếng mắm Hàm Hương, họ hiểu mình đang nếm vị của cả một ký ức cộng đồng, của văn hóa biển, của một giai thoại nhân nghĩa”.

Ngày nay, không còn tiến vua, không còn phu thuế. Nhưng ở mỗi chĩnh mắm, ở mỗi câu vè truyền lại, Cảnh Dương vẫn như vọng lại giọng một người đàn ông trẻ, cải trang thành đầy tớ, vì một niềm tin vào lẽ phải. Cũng như mùi thơm của cá, thứ hương không cần bôi, không cần gọi tên vẫn cứ thoảng trong gió biển tháng 6 năm nào.

Về Cảnh Dương ăn mắm Hàm Hương thương Cống sinh

Và Cảnh Dương từ một chiếc thuyền lênh đênh giữa sông nước nay đang rẽ sóng đi vào những hành trình mới, mang theo cả câu chuyện của ông Cống và vị mắm không bao giờ mất hương.

Bà Nịnh nói tuy không làm mắm Hàm Hương hàng loạt như truyền thống, nhưng trong nhà vẫn làm cái hũ Hàm Hương nhỏ để dùng ăn khi có khách. Bữa cơm tháng 6 dọn ra bên mùi vị biển, cái mùi Hàm Hương cổ xưa thơm lừng vẫn dậy lên cái nghĩa khí hồi mấy trăm năm trước. Bà Nịnh nói: “Nó là nguyên chất nên các cụ xưa sành ăn. Vị khác với hàng chục dòng nước mắm của các loài cá khác. Vì nó hiếm mới phải tiến vua, chứ phổ thông thì không ai dám tiến vua. Bây giờ đã xa trước hàng trăm năm rồi, nhưng cái giọt mắm Hàm Hương vẫn thơm dậy xóm làng”.

Quả đúng như bà Nịnh nói. Chỉ một lát thịt ba chỉ vừa chạm vào bát mắm đã như nuốt cả làn gió biển mát rượi. Giọt mắm đầu tiên gợi lên vị của một mùa biển xa, giọt thứ hai là ký ức của bao đời người Cảnh Dương chắt chiu thành hương vị quê nhà. Những giọt sau cùng như một tiếng vọng không chỉ của cá, mà của ông Cống sinh năm xưa người đã gói cả một lời thương dân vào tờ biểu giữa lòng triều đình.

Minh Phong

Nguồn: Dulichvn

Vĩnh Long thúc đẩy số hóa để bảo tồn di sản

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là bước đi phù hợp xu thế thời đại; thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.


Văn Thánh Miếu – một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở Vĩnh Long đã được số hóa.

Gắn truyền thống với chuyển đổi số

Toàn tỉnh hiện có 72 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 59 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Vĩnh Long là nơi lưu giữ nhiều di tích gắn với tên tuổi các bậc tiền nhân, lãnh đạo cách mạng như các Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…

Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trưng bày và tuyên truyền tại bảo tàng và các khu lưu niệm. Từ năm 2022, Bảo tàng Vĩnh Long đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử http://www. baotangvinhlong.vn, cung cấp dữ liệu về hiện vật, tư liệu, hình ảnh và thông tin các khu di tích cho người dân dễ dàng tiếp cận.

Một điểm nhấn tiêu biểu là không gian “vườn ông Sáu Dân” tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thị trấn Vũng Liêm ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như màn hình cảm ứng, tai nghe tự động phát nội dung, trưng bày ảnh và hiện vật có chiều sâu, khơi gợi cảm xúc về lịch sử và truyền thống cách mạng.

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng ban Quản lý khu lưu niệm cho biết: “Vườn ông Sáu Dân” tạo ra sự kết nối và không gian đối thoại về lịch sử, cảm xúc, truyền thống cách mạng, khơi nguồn cảm hứng sống có lý tưởng cho lớp trẻ. Trưng bày chú trọng vào câu chuyện ẩn giấu trong hiện vật và kết nối nhiều chiều giữa người thật – việc thật – không gian lịch sử.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai hoạt động tham quan thực tế ảo ba khu di tích: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu mộ thân nhân Danh thần Thoại Ngọc Hầu và Khu lưu niệm Giáo sư-Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp chuyên môn số hóa 3D cho 52 hiện vật tiêu biểu. Các hiện vật có giá trị cao về lịch sử như tượng thần Vishnu Vũng Liêm (văn hóa Óc Eo thế kỷ 6-7, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia) hay các kỷ vật của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cũng được ưu tiên số hóa.

Ông Lê Ngọc Anh, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc số hóa hiện vật không chỉ phục vụ trưng bày mà còn bảo tồn dữ liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương một cách thuận tiện, an toàn, lâu dài.

Tạo động lực mới cho văn hóa phát triển

Tại Bảo tàng Vĩnh Long, hơn 27.000 hiện vật, tư liệu đang được bảo quản. Hiện đơn vị đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý với 705 hồ sơ hiện vật và 23 hồ sơ di tích. Trong đó, nhiều hồ sơ đã hoàn tất việc duyệt dữ liệu, bảo đảm yêu cầu lưu trữ khoa học, có thể cập nhật thông tin nhanh chóng khi cần thiết.

Ngoài di sản vật thể, tỉnh cũng sở hữu kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú với bốn di sản được công nhận cấp quốc gia: Lễ hội Lăng Ông (huyện Trà Ôn), Lễ hội Văn Thánh Miếu (TP Vĩnh Long), Nghề làm tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) và nghệ thuật Hát Bội.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long nhận xét: “Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều di sản của Vĩnh Long phản ánh sự đa dạng văn hóa, minh chứng cho tình yêu lao động, ý thức giữ gìn bản sắc và tinh thần đoàn kết. Việc số hóa giúp khám phá các giá trị văn hóa ấy theo cách mới, sống động và dễ tiếp cận hơn với công chúng hôm nay”.

Thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 16/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, Vĩnh Long xác định văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng, cùng với chính quyền số và kinh tế số. Trong đó, số hóa di sản văn hóa được coi là giải pháp bền vững trong việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống gắn với giáo dục lịch sử và phát triển du lịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định: Chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu thời đại mà còn là động lực giúp tỉnh phát huy hiệu quả các nguồn lực sẵn có, trong đó có di sản văn hóa. Việc số hóa dữ liệu di tích, hiện vật giúp bảo vệ tài sản văn hóa trước nguy cơ xuống cấp, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt đối với việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Số hóa hiện vật, tư liệu và không gian di tích sẽ giúp tăng tính tương tác trong trưng bày, hỗ trợ giảng dạy lịch sử và lan tỏa giá trị truyền thống qua các nền tảng số. Đây là hướng đi đúng và cần tiếp tục được nhân rộng.

Những nỗ lực đó đang từng bước đưa Vĩnh Long trở thành địa phương đi đầu trong bảo tồn văn hóa bằng công nghệ. Không dừng lại ở việc lưu trữ, bảo vệ, số hóa di sản còn là cách để tiếp lửa truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên trong mỗi người dân, nhất là lớp trẻ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Bài và ảnh: Bá Dũng

Nguồn: Dulichvn

Món ăn giải nhiệt trong ngày hè

Người Hà Nội vốn tinh tế trong ẩm thực. Vì thế, mỗi mùa sẽ có những món ăn phù hợp điều kiện thời tiết. Nếu mùa đông có những món ấm nóng, giàu dinh dưỡng, thì mùa hè lại có những món ăn thanh mát như: Bún ốc nguội, bánh đúc nộm, phở cuốn, cháo đậu cà…


Bún ốc nguội là món ăn thanh nhã, đặc trưng của Hà Nội.

Hà Nội có rất nhiều món ăn đặc sản, gắn với từng thời điểm và chọn món ăn theo mùa là lời khuyên bổ ích đối với các du khách khi đặt chân đến Thủ đô. Thí dụ, phở là món ăn đặc trưng của đất Hà thành, nhưng bát phở nóng hổi bốc hơi nghi ngút không hẳn đã phù hợp trong những ngày hè khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 36-37OC. Cái tinh tế của người Hà Nội nằm ở chỗ, khi hè sang, người ta thường ăn những món ăn truyền thống có tính thanh, mát.

Nổi bật nhất trong đó là món bún ốc nguội. Một món ăn tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất khó làm. Con ốc được xử lý kỹ càng qua nhiều công đoạn, nhất là ngâm giấm bỗng để tẩy đi mùi tanh. Nhưng quan trọng nhất là bát nước dùng. Nước dùng được pha chế khéo léo bằng chính nước luộc ốc kết hợp với vị chua thanh thanh của giấm bỗng nếp cái hoa vàng và vị cay của ớt chưng. Những quán bán bún ốc nguội bài trí món ăn không cầu kỳ, chỉ bày ra bát nước dùng có ốc mít được nhể, đĩa rau thơm và đĩa bún hến trắng tinh, song hầu như ai cũng có cảm giác cái nóng mùa hè như bị “đánh bay” ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hà Nội ngày càng có nhiều quán ăn, nhà hàng phục vụ bún ốc nguội. Được khách du lịch tìm đến nhiều nhất là bún ốc Bà Ngoại ở phường Quảng An (quận Tây Hồ) hay quán bún ốc lâu năm gần Ô Quan Chưởng (quận Hoàn Kiếm)…

Phở Hà Nội là món ăn đặc trưng mà du khách đều muốn thưởng thức khi đến Hà Nội. Vào hè, bát phở nóng không còn là ưu tiên của du khách mà đã có một biến tấu là phở cuốn rất thích hợp thưởng thức trong những ngày oi bức. Bánh phở thay vì được thái thành sợi thì người đầu bếp để nguyên miếng to cỡ bàn tay. Người ta xào thịt bò, kết hợp rau thơm như xà lách hay rau diếp, húng, rau mùi… rồi cuốn lại trong bánh phở. Phở cuốn phải ăn kèm nước chấm có vị ngọt nhẹ, chua chua, cay cay. Trong bát nước chấm không thể thiếu những miếng đu đủ, cà rốt giòn tan. Vị béo của thịt bò xào được trung hòa bớt đi bởi rau thơm và nước chấm đủ bốn vị chua, cay, mặn, ngọt. Phở cuốn được sáng tạo bởi người dân khu vực phố Ngũ Xã (quận Ba Đình) và hiện giờ đã phát triển rộng rãi ở các quán ăn, nhà hàng khắp thành phố. Mặc dù vậy, khu vực phố Ngũ Xã vẫn là nơi tập trung các quán phở cuốn được nhiều người ưa thích nhất.

Cái “thanh” trong các món ăn mùa hè của người Hà Nội bao hàm cả sự thanh cảnh, thanh đạm. Nghĩa là các món ăn không nhiều chất béo, ít đạm, thậm chí gần như là món chay. Một trong những món nổi bật như thế là món cháo đậu cà. Giống như tên gọi, thành phần chính của món ăn là cháo đậu xanh hoặc đậu đen và đậu phụ rán, cà pháo muối. Tuy đơn giản thế, nhưng muốn chế biến thành món ăn hấp dẫn để chinh phục khách hàng thì lại phải chế biến cầu kỳ trong từng món, từ đậu phụ rim hành cho đến miếng cà muối. Cà muối dân dã “đưa cơm” và là món hầu như bà nội trợ nào ở Hà Nội cũng có thể làm. Nhưng những quả cà ở các quán cháo đậu cà thường giòn tan, “chuẩn vị” hài hòa với những món ăn khác. Cháo đậu cà thường bán ở những quán nhỏ, ngõ nhỏ, phù hợp với các vị khách du lịch thích tò mò khám phá.

Ngoài những món ăn trên, còn có thể kể đến bún đậu mắm tôm, bánh đúc nộm… đóng vai trò “món chính” cho bữa ăn. Đó là những gợi ý cho khách du lịch khi khám phá Hà Nội trong mùa hè nóng nực.

Bảo Khánh

Nguồn: Dulichvn

Âm vang tiếng đàn đá của dân tộc Xơ Đăng giữa đại ngàn Tây Nguyên

Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, nơi mây trắng bay ngang những đỉnh núi mù sương, nơi con suối thì thầm chảy qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, tiếng đàn đá của người Xơ Đăng lại vang lên trầm hùng, sâu lắng như vọng âm từ ngàn đời tổ tiên gửi gắm. Tiếng đá cất lời không chỉ là âm thanh, mà là linh hồn, là nhịp sống, là hơi thở của một dân tộc sống chan hòa cùng núi rừng thiên nhiên và lưu giữ cho đời một kho báu văn hóa độc đáo, quý giá.


Đội nghệ nhân thôn Đăk Rô Gia biểu diễn đàn đá hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc của người Xơ Đăng. Ảnh: Thủy Lê

“Tiếng nói của đá” hay lời thì thầm của núi rừng

Người Xơ Đăng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và một phần của tỉnh Gia Lai, là chủ nhân của những lễ hội đậm đà bản sắc và những bản tình ca vang vọng giữa rừng sâu. Họ sống quần tụ thành làng và mỗi gia đình là một mắt xích gắn bó chặt chẽ với tập thể. Văn hóa Xơ Đăng là sự giao hòa giữa tín ngưỡng đa thần và tinh thần gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Trong đời sống tâm linh của họ, vạn vật đều có linh hồn, từ ngọn núi, dòng sông đến cục đá vô tri vô giác. Bởi thế, mỗi nghi lễ, mỗi lễ hội đều có sự hiện diện của cồng chiêng, điệu múa xoang và những nhạc cụ dân tộc đặc sắc, trong đó có một báu vật được xem như “tiếng nói của đá”, đó chính là cây đàn đá.

Đàn đá, hay còn gọi là “goong lu” theo cách gọi của người Xơ Đăng, là một loại nhạc cụ tự nhiên đã có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Câu chuyện về cây đàn đá của người Xơ Đăng gắn liền với huyền tích của núi rừng. Tương truyền rằng, thuở xưa, khi con người còn sống chan hòa với muôn loài, thần núi đã trao cho người Xơ Đăng những phiến đá biết hát để làm cầu nối giữa con người với thần linh. Trải qua bao thế hệ, những phiến đá ấy được gìn giữ, nâng niu và truyền lại bằng những thanh âm kỳ diệu. Đàn đá của người Xơ Đăng không giống như một nhạc cụ được chế tác tinh xảo trong xưởng gỗ hay kim loại. Nó được tạo nên từ chính những phiến đá tự nhiên (những phiến đá đen, dẹt, dài ngắn khác nhau), được sắp xếp theo thang âm, đặt trên khung gỗ hoặc kê trên hai cục đá khác. Khi gõ vào từng thanh, âm thanh phát ra rất đặc biệt: có thanh thì vang như giọt nước rơi xuống đáy hang, có thanh ngân nga như tiếng gió lùa qua tán lá, có thanh lại ngân dài như lời thì thầm của núi rừng.

Người Xơ Đăng không dùng dùi cứng để gõ đàn, mà dùng gậy gỗ hoặc vỏ cây khô. Cách chơi cũng không hề đơn điệu. Có khi là độc tấu, có lúc là hòa tấu cùng cồng chiêng, đàn T’rưng và một số nhạc cụ khác… Tiếng đàn đá không đơn thuần chỉ để thưởng thức, mà được sử dụng trong các dịp đặc biệt: lễ cúng Yàng, lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa, hay cả khi tiễn đưa người về với tổ tiên. Không giống như đàn đá của người Raglai hay Ê Đê thường thiên về âm sắc cao, vui tươi, đàn đá của người Xơ Đăng lại mang âm sắc trầm, dày, vang xa như tiếng vọng của lòng núi. Âm thanh ấy không chỉ là tiếng nhạc, mà còn là lời kể, là khúc tâm tình, là tiếng lòng của những con người sống giữa đại ngàn nơi mỗi chiếc lá, giọt sương cũng biết lắng nghe và thấu hiểu. Nếu như đàn đá của người Raglai ở Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa mang tính lễ nghi trang trọng, thường được trưng bày và bảo tồn trong các bảo tàng, thì đàn đá của người Xơ Đăng vẫn còn sống giữa đời thường. Nó không ngủ yên trong tủ kính mà ngân vang giữa đời sống cộng đồng, trở thành cầu nối thiêng liêng giữa con người với đất trời.

Nghệ nhân Ưu tú A Thu, ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum là một trong những người chơi đàn đá thành thạo nói rằng: “Tiếng đá là tiếng của rừng, của hồn người Xơ Đăng. Ai hiểu được tiếng đá, người ấy hiểu được cả núi rừng. Trong dàn nhạc truyền thống, đàn đá thường được diễn tấu cùng cồng chiêng, đàn T’rưng và một số nhạc cụ khác”. Mỗi buổi chiều, khi mặt trời ngả bóng về phía đỉnh Ngọc Linh, tiếng đàn đá lại cất lên bên bếp lửa, bên những chàng trai, cô gái xoang trong điệu múa tròn. Nó khiến người già xúc động nhớ về thuở hồng hoang, khiến người trẻ thêm yêu hơn cội nguồn.

Gìn giữ tiếng đá cho mai sau

Trong kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhạc cụ truyền thống không chỉ là phương tiện biểu đạt nghệ thuật, mà còn là kết tinh của trí tuệ, tâm hồn và đời sống tâm linh của cộng đồng. Mỗi tiếng đàn, mỗi âm thanh phát ra từ một nhạc cụ dân gian đều mang trong mình câu chuyện của đất, của người, của thiên nhiên và lịch sử. Trong thời đại hội nhập và phát triển, khi làn sóng văn hóa ngoại lai tràn vào từng bản làng, âm nhạc điện tử len lỏi đến từng nhà sàn, thì tiếng đàn đá đang đối mặt với nguy cơ bị lãng quên, không còn xuất hiện mỗi khi biểu diễn. Không nhiều người trẻ còn biết cách tìm đá, thử âm, chế tác và chơi loại nhạc cụ này.

Nghệ nhân A Thu truyền dạy cho các em nhỏ cách sử dụng đàn đá. Ảnh: Thủy Lê

Tuy nhiên, vẫn có những con người lặng lẽ góp phần gìn giữ di sản ấy. Với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê với âm nhạc dân tộc, nghệ nhân A Thu đã truyền dạy cho nhiều lớp trẻ tại làng về đàn đá. Thôn Đăk Rô Gia hiện có 1 đội nghệ nhân biết chơi đàn đá gồm 10 người, trong đó, có 5 em nhỏ từ 12-15 tuổi. Không chỉ dạy đánh đàn, ông còn chia sẻ kinh nghiệm tìm đá, làm đàn, hướng dẫn, dạy miễn phí cho các nghệ nhân ở các địa phương khác. Ông cho rằng, loại nhạc cụ này là nét độc đáo chung cho cả cộng đồng dân tộc vùng đất Tây Nguyên chứ không riêng gì của người Xơ Đăng. Mỗi dịp lễ hội truyền thống, tiếng đàn đá lại được tấu lên trong tiếng reo vui của cả bản làng.

Bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số không thể chỉ dừng lại ở hình thức bảo tàng hóa. Điều quan trọng hơn cả là phải làm sống lại nhạc cụ ấy trong chính cộng đồng đã sinh ra nó, nơi những thanh âm được vang lên từ trái tim và tiếp nối bằng niềm tự hào dân tộc. Với đàn đá của người Xơ Đăng, đó không chỉ là hành trình giữ gìn một nhạc cụ, mà là bảo tồn cả một nền văn hóa lâu đời đang thầm thì với đất trời Tây Nguyên bằng thứ ngôn ngữ kỳ diệu chính là âm thanh của đá. Năm 2023, tỉnh Kon Tum đã có đề án phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số, trong đó, đàn đá của người Xơ Đăng được đặc biệt chú trọng với việc mở các lớp truyền dạy miễn phí cho học sinh, tổ chức trình diễn tại các lễ hội văn hóa, đưa nhạc cụ vào giảng dạy ở trường học. Một số nghệ nhân còn phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa xây dựng kho lưu trữ âm thanh, hình ảnh, cũng như chế tác lại những bộ đàn đá để đưa vào trường học, bảo tàng và lễ hội.

Giữa thế giới hiện đại ồn ào, tiếng đàn đá Xơ Đăng như một nốt lặng của tâm hồn, nhắc con người nhớ về cội nguồn. Đó là tiếng vọng của ngàn năm, là nhịp đập của đại ngàn, là tiếng nói của đất trời qua đôi tay người nghệ sĩ vô danh của núi rừng Tây Nguyên. Dẫu mai này, công nghệ có thể tạo ra muôn ngàn âm thanh tinh vi, thì vẫn sẽ có những người tìm về bên gốc cây cổ thụ, nơi con suối đầu nguồn chảy qua phiến đá, lắng nghe tiếng đá kể chuyện, để hiểu rằng: giữa vòng xoáy của thời gian, văn hóa nếu được nuôi dưỡng bằng tình yêu và niềm tự hào thì sẽ không bao giờ phai nhạt.

Tiếng đàn đá Xơ Đăng không chỉ là một nhạc cụ, mà là chứng tích sống động của một nền văn hóa biết cất lời từ đá. Và trong mỗi âm vang ấy, có cả linh hồn dân tộc đang ngân lên những bản tình ca giữa đại ngàn bất tận.

Thủy Lê

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT