Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Nghề, làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong sự phát triển bền vững

Được hình thành và tồn tại trong lịch sử phát triển của quốc gia, dân tộc của miền núi, biên giới vùng Đông bắc; như quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu về các làng nghề thủ công truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng cũng như ở các vùng khác của đất nước, đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý giá của dân tộc ta. 


Hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống ở Cao Bằng thường tập trung theo từng nhóm dân tộc. Những sản phẩm được tạo ra từ các làng nghề là những sản phẩm thủ công, kết quả lao động sáng tạo của bàn tay và khối óc tài hoa của các thế hệ cư dân gắn bó với nghề, với làng, với cộng đồng. Những sản phẩm của làng nghề trải qua bao biến động của thời cuộc vẫn giữ được nét độc đáo của nó và để lại những dấu ấn văn hóa truyền thống cho tới ngày nay. Trong những thế kỷ qua và hiện tại, nhiều làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng đã không còn nữa hoặc đã bị mai một, hoặc mất nghề. Một số nghề như nghề trồng bông, nghề nuôi tằm nay chỉ còn rất ít, có chăng cũng chỉ còn lác đác một vài gia đình trăn trở với nghề cố níu kéo giữ lấy nghề mà thôi.

Những làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng còn lại hiện nay cũng trải qua những thời kỳ cam go vì sản phẩm làm ra không nơi tiêu thụ, không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp; đời sống của những người làm nghề, đặc biệt là các nghệ nhân gặp khó khăn. Làng nghề thủ công truyền thống của người Tày, Nùng còn lại hiện nay là những làng nghề đã trụ vững trước sự thử thách của thời gian và biến động của thời cuộc. Nó không chỉ có giá trị kinh tế mà mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa, nó phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng vùng, từng địa phương.

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chẳng những đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung mà còn đáp ứng nhu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi biên cương phên dậu của Tổ quốc. Đó cũng là một trong những cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học, du lịch môi trường sinh thái…, mà du lịch văn hóa đang và sẽ chiếm ưu thế. Để có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác các tour du lịch về các làng nghề, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và cả tìm kiếm cơ hội kinh doanh của khách du lịch cần có nhiều giải pháp.

Những nếp nhà sàn tại làng nghề làm giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Ảnh Thế Vĩnh

Trước hết, các làng nghề truyền thống cần phải được chú ý đầu tư cả về tiền vốn lẫn chất xám để đảm bảo các sản phẩm luôn giữ được nét độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hóa qua từng nét hoa văn, chất liệu, kiểu dáng và loại hình… Những sản phẩm thủ công truyền thống ở làng nghề chỉ có sức hấp dẫn cao khi nó độc đáo và có hàm lượng văn hóa đậm đặc. Nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Cao Bằng, khi mua, ngắm, tìm hiểu một sản phẩm thủ công truyền thống, khách du lịch rất thích các loại sản phẩm làm bằng tay, chất liệu hoàn toàn của địa phương và là biểu trưng cho các di sản văn hóa địa phương.

Thứ hai, việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong các công trình như: cấu trúc của ngôi làng, những nét điêu khắc trong các ngôi nhà của các làng nghề và trong các lễ hội. Sẽ kém sức hấp dẫn du khách khi bản thân các làng nghề tự đánh mất mình qua việc xây dựng theo lối đô thị hóa, kiên cố hóa, phá cảnh quan môi trường, phá môi trường văn hóa. Các lễ hội tổ chức ở những làng nghề cần được khôi phục theo một trình tự có chuẩn mực văn hóa truyền thống mà không tạo nên hủ tục. Khách du lịch chắc chắn sẽ thú vị và bị cuốn hút bởi các tà áo dân tộc sặc sỡ màu sắc. Diễn xướng, các trò chơi dân gian, các cuộc thi tài trong hội làng cần được đầu tư cả trí tuệ và tiền bạc để tìm lại được những nét độc đáo, đặc sắc của từng nghề, từng làng nghề, của từng dân tộc riêng biệt và từng vùng khác nhau.

Thứ ba, khi tổ chức các tour du lịch về làng nghề truyền thống cho du khách, chúng ta đưa du khách đến với không khí ngày hội với trạng thái hoạt động sản xuất của chính làng nghề. Việc trực tiếp nhìn ngắm, trò chuyện với những người đang làm ra các sản phẩm thủ công là thú vui không nhỏ của du khách. Đó cũng là một sinh hoạt văn hóa theo loại hình du lịch văn hóa vì nó tạo cho khách như được chạm tới, với tới những sáng tạo văn hóa của người Tày – Nùng Cao Bằng xưa. Cảm giác thú vị còn xuất hiện khi du khách có trong tay những sản phẩm vừa rời tay người thợ. Muốn vậy cần tạo môi trường du lịch làng nghề, từ đường đi, lối lại, các công trình vệ sinh, cây trái cho tới các điều kiện nghỉ ngơi và dịch vụ tối thiểu cho khách du lịch khi tới các làng nghề. Mặt khác, ứng xử văn hóa cũng cần được duy trì trong cộng đồng dân cư làng nghề truyền thống.

Làng nghề truyền thống ở Cao Bằng vẫn cần phải trở thành điểm đến trong các chương trình du lịch từ Thủ đô và các tỉnh phụ cận. Sức hấp dẫn của nó là các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề là yêu cầu thực tiễn và khoa học có giá trị hôm nay và mai sau. Song song với việc bảo lưu, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của những sản phẩm của nghề tại các làng nghề còn tăng thêm nguồn thu nhập về tài chính, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân tại các làng nghề, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cho chính các làng nghề nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Hoàng Thị Nhuận

Nguồn: Dulichvn

Món ngon vùng miền: Ẩm thực Hà Tiên

Hà Tiên – thành phố biển xinh đẹp của tỉnh Kiên Giang, là điểm cuối cùng của vùng đất Tây Nam Tổ quốc. Nếu một lần đặt chân đến đây, ngoài các phong cảnh đẹp thì ẩm thực gây rất nhiều thương nhớ.


Bún kèn – món ăn mà nhiều người muốn thử khi đến Hà Tiên.

Đầu tiên phải nhắc tới món bún kèn nổi tiếng, món ngon nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là món ăn khá thú vị. Nguyên liệu chính là bún và “topping” rất phong phú, nước dùng được làm từ thịt cá lóc hay cá biển. Cách chế biến món ăn này cũng thật kỳ công. Cá sau khi sơ chế sạch được đem luộc chín, gỡ thịt ra làm thành ruốc. Một phần còn lại cho vào xào cùng các gia vị đặc trưng hành, tỏi, bột cà ri, đinh hương, bông tai vị, quế, bột cá. Đầu bếp cho thịt cá đã xào vào nồi nước luộc cá, nêm nếm gia vị vừa ăn, rồi thêm chút nước cốt dừa cho dậy mùi thơm. Tất cả làm nên một tổng thể hài hòa về cả vị và sắc, chiếm sự hài lòng của thực khách.

Cùng với bún kèn, hủ tiếu hấp Hà Tiên cũng mang hương vị khác lạ bởi đây là món ăn có xuất xứ từ các đầu bếp người Hoa. Khác với những món hủ tiếu trộn, hủ tiếu nước, hủ tiếu hấp có thành phần chính là hủ tiếu tươi được mang hấp cách thủy. Khi ăn dùng kèm với nước cốt dừa cùng bì trộn thính và thịt heo nạc thái sợi, thêm chút chả giò kèm theo rau thơm, đậu phộng rang vàng ươm, kèm chút cà rốt muối chua để món ăn thêm hương vị.

Ấn tượng ẩm thực xứ Hà Tiên còn là món cà xỉu mà du khách tới đây nhất định phải thử. Cà xỉu là một loại nhuyễn thể sống ở cửa biển hay vùng nước lợ nhưng lại mang một số đặc điểm của cả loài côn trùng với cái râu thật dài và to. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản khi mang nguyên liệu rửa sạch rồi cứ một lớp cà xỉu thì rắc một lớp muối lên để vài ngày. Đây là công đoạn khá quan trọng vì chất lượng của mắm cà xỉu ngon hay không cũng nhờ vào độ dày vừa phải của lớp muối cũng như sự khéo léo của người làm. Ngoài cách ăn như một món mắm, cà xỉu muối ngày nay được chế biến thành nhiều món ngon khác như gỏi xoài, gỏi cóc. Các chế biến tương đối đơn giản: cà xỉu muối được chần sơ qua nước nóng để giảm bớt vị mặn, xoài hay cóc bào sợi nhỏ, trộn với rau răm rồi rưới nước giấm đường, pha thêm chút nước mắm để tạo hương vị đậm đà rồi rắc lên đậu phộng rang, chút hành phi để tạo mùi thơm cho món ăn.

Điểm nhấn ẩm thực của thành phố biển xinh đẹp này còn là món xôi thơm dẻo, hương vị độc đáo. Những đầu bếp ở đây chia sẻ, không có bí quyết nào quá khó trong quá trình nấu xôi từ khi ngâm gạo, đến khâu thêm nước cốt dừa đều, mà chính là cách làm kỹ lưỡng và tỉ mỉ của người đầu bếp. Qua bàn tay khéo léo và chăm chút, họ đã khiến mon ăn bình dị trở nên khác biệt.

Xôi mặn chỉ có ít tôm khô giã rắc nhưng lại có vị đậm đà, ngon miệng đến lạ lùng. Bên cạnh đó, xôi ngọt cũng được nhiều thực khách lựa chọn vì nhìn rất hấp dẫn như xôi xoài hay xôi hột gà. Để làm nên món xôi xoài, người ta chỉ cần rắc thêm lên mặt xôi nếp trắng đã nấu chín một lớp đậu xanh cà đã giã nhuyễn sau khi rang vàng, rồi phủ lên lớp xoài chín mềm đã cắt thành từng lát nhỏ mỏng vừa miệng.

Còn rất nhiều món ngon, lạ miệng dành cho thực khách khi ghé thăm Hà Tiên, nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đã đủ để du khách một lần đến với vùng đất xinh đẹp này có mong muốn trở lại.

Hà Thành

 

Nguồn: Dulichvn

Khi âm nhạc kết nối di sản

Khi những giai điệu vang lên trong không gian của các địa danh lịch sử, chúng không chỉ mang đến giá trị giải trí mà còn làm sống lại ký ức, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo cách sáng tạo.


Lan tỏa di sản tới gần công chúng

Khi ca trù, quan họ hay nhã nhạc cung đình Huế… được trình diễn tại chính các di sản, di tích lịch sử, không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn làm sống lại không gian lịch sử, biến những công trình tưởng chừng như chỉ còn là di tích trở thành những điểm đến sống động, thu hút du khách và tạo động lực phát triển kinh tế du lịch.

Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Trần Huấn

Có thể nói, các sự kiện âm nhạc được tổ chức tại những địa danh di sản đã mang lại hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn, Festival Nhã nhạc Cung đình Huế tái hiện không khí cung đình xưa, giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu hơn về văn hóa cung đình Việt Nam.

Tại Hoàng thành Thăng Long, những chương trình nghệ thuật đặc sắc đã tạo nên những bữa tiệc âm nhạc, đem đến cho du khách trải nghiệm độc đáo giữa không gian lịch sử như: Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”; thực cảnh “Việt Nam – Huyền sử diễn ca: Thăng Long – Tứ Trấn”… Tất cả đã thu hút đông đảo công chúng với những màn trình diễn nhạc dân gian đặc sắc.

Hay như Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” diễn ra tại di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chọn âm nhạc làm sợi dây xuyên suốt, chương trình không chỉ mang đến trải nghiệm nghệ thuật giàu cảm xúc mà còn góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Vào tháng 5 tới đây, tại quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, sẽ diễn ra dự án “Trái tim di sản”. Sự kiện đánh dấu cột mốc 11 năm nơi đây được UNESCO công nhận là di sản kép về thiên nhiên, văn hóa thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam. Một trong những hoạt động chính của dự án là Lễ hội âm nhạc Tràng An – Ninh Bình Forestival (ngày 31/5). Thông tin từ ban tổ chức, sân khấu âm nhạc được dàn dựng dựa trên địa hình đặc trưng khu vực đảo Khê Cốc, thuộc khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, sự kiện nhằm tôn vinh và bảo tồn các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa của vùng đất Ninh Bình. Ngành du lịch Ninh Bình kỳ vọng sự kiện này sẽ mở ra cơ hội phát triển cũng như những hiệu ứng mà âm nhạc có thể mang lại.

Các chuyên gia và nhà sử học cho rằng, âm nhạc không chỉ giúp bảo tồn mà còn làm sống lại di sản văn hóa, biến không gian di sản trở thành những địa điểm văn hóa sống động.

PGS.TS Lê Văn Toàn – nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận định, âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, giúp ngay cả những người không biết tiếng Việt vẫn có thể cảm nhận được. Trong công tác quảng bá di sản, việc kết hợp với âm nhạc là một phương thức hiệu quả, phù hợp. Thông qua âm nhạc, giá trị nghệ thuật của mỹ thuật, trang phục và các yếu tố văn hóa khác được tôn vinh, giúp xác định những nét đặc trưng của từng thể loại, từ đó tạo ra tác động xã hội mạnh mẽ. Việc truyền tải ý nghĩa và giá trị của di sản qua âm nhạc giúp công chúng dễ dàng tiếp cận, dễ cảm nhận và thẩm thấu hơn.

Kết hợp sáng tạo, tránh làm mất bản sắc

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì việc kết hợp âm nhạc với di sản cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là nguy cơ thương mại hóa quá mức, khiến giá trị văn hóa bị lấn át. Điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan văn hóa để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh đó, việc kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại cần có sự nghiên cứu và sáng tạo hợp lý, tránh làm mất đi bản sắc vốn có của di sản. Đào tạo và truyền dạy âm nhạc di sản cũng là một nhiệm vụ quan trọng, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị văn hóa.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, với mong muốn bảo tồn và tôn vinh vẻ đẹp di sản của vùng đất Ninh Bình, Sở Du lịch phối hợp với đội ngũ sáng tạo của Viet Vision xây dựng Dự án văn hóa nghệ thuật đặc biệt dành riêng cho Quần thể danh thắng Tràng An, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, lấy tên Forestival “Trái tim di sản”. Dự án này sẽ mở ra con đường tìm về cội nguồn để khám phá, lưu truyền và tôn vinh những bản sắc độc đáo của Tràng An, Ninh Bình.

“Tất cả các hoạt động của dự án đều hướng đến một mục tiêu chung là tôn vinh vẻ đẹp của di sản văn hóa và con người Ninh Bình, sự phong phú của văn hóa truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ của vùng đất cố đô này. Do vậy, khi tổ chức các hoạt động âm nhạc trong lòng di sản đã được Viet Vision và địa phương tính toán bằng tâm huyết, tình yêu sâu nặng với di sản. Vì vậy, các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di sản sẽ là dòng chảy chủ đạo” – ông Mạnh cho biết.

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, ThS Nguyễn Đắc Tới, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển) cho rằng, sự kiện âm nhạc có thể trở thành công cụ hiệu quả để quảng bá và thu hút du khách, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo sự phù hợp với không gian văn hóa của từng di sản, đặc biệt là những địa danh mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo.

“Việc lựa chọn thể loại âm nhạc cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh các dòng nhạc trẻ với phong cách trình diễn phản cảm, không phù hợp với bối cảnh di sản. Bên cạnh đó, âm nhạc cần được sử dụng hài hòa để tránh gây phản ứng từ cộng đồng. Có thể nói, kết hợp âm nhạc nhằm quảng bá di sản là một hướng đi mới đầy tiềm năng. Nên ưu tiên các thể loại nhạc nhẹ mang âm hưởng dân ca không lời, vừa giữ được nét truyền thống vừa tạo nên sự hài hòa với không gian di sản” – ông Tới nói.

P. Sỹ

Nguồn: Dulichvn

Sóc Trăng: Độc đáo ngôi nhà cổ 100 tuổi của dòng họ Lai

Theo người dân địa phương, vào mùa nhãn chín kéo dài cho đến hết tháng Giêng hằng năm, tại Khóm 6, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tấp nập du khách ghé tham quan, họ thường dạo chơi vườn nhãn, viếng chùa Xà Bế rồi ghé nhà cổ của gia đình địa chủ người Hoa họ Lai nổi tiếng sống nhân đức.


Theo các cụ cao niên tại địa phương, do ý thức của dân tộc di cư, cũng như các dòng họ người Hoa khác, dòng họ Lai ở thị xã Vĩnh Châu cũng có tinh thần thờ tự bên cạnh hội quán để hướng về ông bà tổ tiên quê cũ, tạ ơn thánh thần trời Phật đã phù hộ họ trên đường đi lập nghiệp được thuận buồm xuôi gió. Vì vậy họ Lai đã lập nên ngôi Phước Hưng cổ miếu bên cạnh hội đoàn nhánh Xà Bế, chung quanh hàng chục ngôi nhà dòng họ. Trải qua trăm năm cùng với ngôi miếu cổ, những ngôi nhà cổ cũng đồng loạt xuống cấp, ngôi nhà nổi tiếng kiến trúc gỗ quý chạm khắc hình long lân quy phụng quý cũng bị dỡ bỏ, duy chỉ còn ngôi nhà cổ bằng gỗ căm xe của gia đình ông Lai Bửu Khánh, Lai Tấn Hưng vẫn gìn giữ đến hôm nay (vừa tròn 100 năm).

Nhà cổ họ Lai ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Ngọc Nhân

Nhà cổ họ Lai được xây dựng với kiến trúc truyền thống tường gạch, mái ngói âm dương, nền lót gạch tàu, cột kèo bằng gỗ, có mặt quay về hướng Bắc, lưng hướng ra đường cái, có 5 gian, 4 cửa sổ lớn, rất nhiều lỗ thông gió được thiết kế bằng những hoa văn đẹp mắt, tinh xảo, vật dụng nội thất đều được làm từ gỗ quý. Nhà được xây dựng từ năm 1925, phải mất ròng rã 1 năm sau mới hoàn thành. Hai bên hiên trước có cửa thông với 2 gian phụ dùng để nấu nướng chứa hàng hóa. Nhà có 36 cột, trên vách cửa đều khắc ấn, liễng đối hoành phi với câu chúc, lời răn dạy, phương châm sống của người xưa.

Nhà cổ họ Lai hầu như còn nguyên trạng do được bảo quản tốt qua các thế hệ của con cháu, sự bài trí trang nhã của bức bích họa, kết hợp với nội thất làm bằng gỗ quý hiếm… không chỉ tô thêm vẻ cổ kính, sang trọng cho không gian sống mà còn tạo sự ấm cúng, bình yên cho ngôi nhà.

Ông Lai Văn Tìa, 60 tuổi, cháu đời thứ 4 của người xây nên ngôi nhà cổ này cho biết: “Người xây nên ngôi nhà này là bà cố của tôi. Do ông cố mất sớm, một mình bà cố tảo tần nuôi 5 người con trai. Sau nhiều năm tích lũy, bà cố của tôi xây dựng được căn nhà to đẹp để con cháu sống quây quần bên nhau. Vì vậy con cháu đời sau luôn cố gắng chung tay giữ gìn căn nhà tổ này”.

Năm 2014, căn nhà được con cháu trùng tu, đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Trong nhà có những bộ lư đồng, lộc bình, kim lộ, trường kỷ, đồng hồ, đèn măng sông cổ, 4 cái bộ ngựa làm bằng 2 loại gõ quý (đen và đỏ), mỗi cái nặng hàng trăm ký được đấu nối lại với nhau từ những miếng ván dày hơn gang tay.

Ngoài ra, trên vách nhà còn có hàng chục bức tranh sống động tái hiện cuộc sống, cảnh sinh hoạt, lao động, sản xuất nghề truyền thống của gia đình như trồng hành, trồng nhãn, rau, thu hoạch củ cải. Hình ảnh những chú chim công, chim trĩ, nai, trâu… được phác họa sắc nét miêu tả cuộc sống thiên nhiên nơi làng quê ngày xưa gắn với đời sống nông phu của những đàn ông trong gia tộc.

Hai cột gỗ trung tâm nhà khắc 2 mặt chữ màu vàng đỏ với nét chữ rất đẹp và hiếm, được nhiều homestay ngoài tỉnh đến học hỏi, bắt chước mô phỏng mang về thiết kế để phục vụ khách du lịch.

Có thể nói nhà cổ họ Lai có lối kiến trúc độc đáo giao thoa giữa kiến trúc Hoa với quy tắc bố cục theo phong thủy truyền thống giản dị của người Việt Tây Nam Bộ xưa. Mỗi gian nhà là một trang sách quý nhắc nhở con cháu sống tốt đẹp cho đời, tấm lòng luôn hướng về nguồn cội.

Tham quan nhà cổ ta không chỉ tìm hiểu di sản văn hóa mà còn học hỏi cái đức hạnh của người xưa, luôn lấy chữ hiếu, lễ làm đầu.

Ẩn sâu trong ngôi nhà gỗ chính là câu chuyện của sự mưu cầu hạnh phúc bình an, vẻ đẹp, năng khiếu và sở thích đối với văn hóa nghệ thuật mà người xưa hướng đến và lưu truyền cho con cháu muôn đời sau. Nhà cổ họ Lai là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về tính thẩm mỹ, nét văn hóa giao thoa của vùng đất, con người Sóc Trăng xưa.

Ngọc Nhân

Nguồn: Dulichvn

Phú Yên: Công nhận phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia

Ngày 1/4, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia phù điêu Kala Núi Bà. Đây là một trong 33 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ trao quyết định của Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia phù điêu Kala Núi Bà. Ảnh: T.Q

Phù điêu Kala được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) và được đưa về Bảo tàng tỉnh Phú Yên năm 1993. Đây là tác phẩm điêu khắc đá thời Champa, chất liệu đá Túp Riolit Đaxit cao 60cm, rộng 44cm, dày 17cm và nặng 105,5kg.

Về đặc điểm tạo hình, phù điêu Kala được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt trước của phù điêu khắc họa khuôn mặt Kala nhìn thẳng, có miệng rộng với tám chiếc răng lớn nổi bật, gồm hai răng nanh dài và nhọn, cùng sáu răng cửa. Môi trên cong, râu xếp thành từng đường thẳng, hai bên miệng mỗi bên có ba sừng ngắn mọc chếch lên. Mũi Kala to, sống mũi ngắn và gãy, mắt tròn lồi với đuôi mắt xếch ngược, lông mi rậm và xoắn lại hình ốc. Trán dô với chuỗi hạt tròn, bờm dày chia thành bốn lớp.

Phù điêu Kala Núi Bà được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên.

Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, phù điêu Kala Núi Bà là một tác phẩm điêu khắc có niên đại từ thế kỷ XIV, thể hiện rõ nét nghệ thuật và tín ngưỡng Champa. Hình tượng Kala mang ý nghĩa sâu sắc về triết lý Hindu giáo, tượng trưng cho sức mạnh thần thánh và sự bảo hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ cho biết, việc công nhận phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Phú Yên mà còn tạo cơ hội để địa phương đẩy mạnh công tác bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa Champa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ, việc công nhận Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Phú Yên mà còn là cơ hội để địa phương thúc đẩy công tác bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa Champa.

Trung Nhân

 

Nguồn: Dulichvn

Giữ gìn, phát huy văn hóa từ những công trình

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều công trình, dự án có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với lịch sử, đồng thời khẳng định tầm vóc và khát vọng vươn lên của Thành phố mang tên Bác.


Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển lãm, tổ chức các sự kiện lớn tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi, Công viên Lam Sơn, giới thiệu, quảng bá những thành tựu đạt được trong 50 năm qua. Để các chương trình sự kiện diễn ra quy mô, trong không gian rộng mở, khoa học, thành phố đã đầu tư các dự án cải tạo cảnh quan, xây dựng công trình, khuôn viên, cây cảnh đặt trong sự hài hòa về tổng thể kiến trúc, cảnh quan, trong đó phải kể đến Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà văn hóa Phụ nữ cơ sở 1, Nhà văn hóa Thanh niên và Nhà thiếu nhi Thành phố, tạo không gian sinh hoạt, giải trí và học tập cho nhiều đối tượng khác nhau.

Đầu năm 2025, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, một công trình quan trọng đã chính thức ra mắt với công nghệ trưng bày tương tác thông minh, mở ra không gian giáo dục truyền thống cách mạng sinh động, hấp dẫn. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong quá trình xây dựng; khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm nghệ thuật đẳng cấp quốc tế, mang đến những trải nghiệm âm nhạc và biểu diễn tinh hoa cho công chúng và du khách. Không dừng lại ở đó, thành phố còn chú trọng nâng cấp Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, tích hợp công nghệ số và thực tế ảo, tạo nên những hành trình khám phá lịch sử, văn hóa giàu cảm xúc, đưa quá khứ đến gần hơn với thế hệ hôm nay.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh được đầu tư, cải tạo hiện đại, trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa giải trí.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự chung tay của các cấp, ngành, TP Hồ Chí Minh hiện đăng ký và triển khai 1.362 công trình. Điều đặc biệt là những công trình văn hóa, nghệ thuật trên không chỉ được đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn từ nguồn lực xã hội. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chung tay, góp sức, coi đó là trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Nhiều người dân thành phố cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của thành phố đã hưởng ứng tham gia bằng việc tích cực bảo vệ di sản. Những công trình này sau phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ là nền tảng để thành phố tiếp tục phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu khu vực Đông Nam Á, một đô thị sáng tạo, minh chứng cho sự chung tay của chính quyền và người dân trong việc cùng làm đẹp thêm diện mạo của thành phố.

Bài và ảnh: Kiều Oanh

 

Nguồn: Dulichvn

Việt Trì (Phú Thọ) – Tinh hoa tỏa sắc

Với bề dày lịch sử cùng nhiều giá trị văn hóa, dấu tích khảo cổ quan trọng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng là điểm nhấn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ như chiếc cầu nối đưa mỗi người đến với hành trình trải nghiệm nhiều gam màu văn hóa, lịch sử đặc sắc, được hun đúc qua hàng ngàn năm. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.


Một góc thành phố Việt Trì xanh, sạch, đẹp.

Tam sông giao hòa

Từ xa xưa, mọi nền văn minh nổi tiếng thế giới đều xuất phát từ lưu vực những con sông mẹ. Có lẽ bởi thế, Việt Trì – thành phố ngã ba sông có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền từ thời đại các Vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh và công cuộc giữ gìn, bảo vệ, xây dựng đất nước. Theo thống kê, thành phố Việt Trì có 47 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ; 116 di sản văn hóa vật thể. Các di sản này gắn kết với nhau tạo nên không gian kiến trúc, mang đậm bản sắc dân tộc và có ở hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố.

Nỗ lực xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ thành phố Việt Trì xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng thành phố Việt Trì phát triển nhanh, bền vững, ngày càng văn minh hiện đại, sớm trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.

Để thực hiện mục tiêu, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, thành phố đã tái hiện, mô phỏng sống động các lễ hội văn hóa dân gian đặc trưng trong không gian thành phố Việt Trì, bắt đầu từ ngã ba sông Bạch Hạc tới đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Hoàn thiện nội dung kịch bản một số lễ hội văn hóa dân gian đường phố; Hội thi bơi chải Hồ công viên Văn Lang. Đồng thời Quy hoạch, duy trì, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Phân loại các di tích chưa được xếp hạng làm thủ tục đề nghị xếp hạng, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đến nay, thành phố có 1 di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 13 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh…

Công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa ngày càng được quan tâm với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thành phố Việt Trì đã đầu tư, tôn tạo các di chỉ khảo cổ Làng Cả, di chỉ khảo cổ Đồi Giàm; rà soát các hạng mục công trình di tích lịch sử văn hóa tại các trung tâm lễ hội xã, phường; phục hồi, phát triển các nghi lễ, lễ hội truyền thống phục vụ khách du lịch… Từ năm 2021 đến nay, đã có 23 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn vốn hơn 80 tỷ đồng.

Tranh thủ những ngày nghỉ để được hòa mình vào không gian văn hóa tại Việt Trì, anh Nguyễn Duy Hưng (Phường Dữu Lâu) chia sẻ: Tôi đã xa Việt Trì 15 năm do sinh sống và làm việc tại nước ngoài, thật bất ngờ trước sự thay đổi, phát triển của thành phố. Không gian công cộng rộng rãi, hạ tầng giao thông phát triển, đời sống Nhân dân khởi sắc… đặc biệt, những di tích, lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, thu hút rất nhiều người dân và du khách tham gia.

Nỗ lực tạo dựng những không gian lễ hội mới, mang màu sắc và hơi thở hiện đại nhưng vẫn đậm dấu ấn dân gian, vừa đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thu hút, tạo ấn tượng với du khách khi về với Việt Trì, góp phần để thành phố sớm hoàn thành mục tiêu trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nhân dân và du khách tham quan, chụp ảnh với hoa cải tại công viên Văn Lang.

Tinh hoa tỏa sắc

Diện mạo thành phố lễ hội không chỉ đến từ những công trình lộng lẫy, cao tầng; những con đường dài rộng, thông thoáng; những thiết chế công cộng rực rỡ sắc hoa… mà còn đến từ nếp sống văn minh, hiện đại, hình ảnh, phong cách công dân Việt Trì “thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”. Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa tại các địa phương trong thành phố đều đạt trên 95%, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian của thành phố Việt Trì.

Nhớ lại thời điểm tham gia giải chạy “Đền Hùng Spirituality Marathon” – Về nguồn 2024, anh Trần Anh Đức (VĐV đến từ tỉnh Nghệ An) chia sẻ: Cự ly 42km là quá ít để được chiêm ngưỡng diện mạo thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, tôi có thể thấy rằng, thành phố được quy hoạch, xây dựng rất “có tâm, có tầm”, đặc biệt là công viên Văn Lang xanh, sạch, đẹp, hạ tầng giao thông tương đối phát triển, người dân Việt Trì rất thân thiện, mến khách… Năm nay, tôi sẽ trở lại Việt Trì để có được nhiều trải nghiệm hơn…

Ngày 5/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quyết định số 1579/QĐ-TTg Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc… Phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Phú Thọ thực hiện các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm – Hai hành lang kinh tế – Ba đột phá phát triển – Bốn nhiệm vụ trọng tâm. Một trung tâm: Xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

Thời gian tới, thành phố Việt Trì sẽ tiếp tục kiểm tra, phân loại các di tích theo giá trị lịch sử, có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, nâng cấp những di tích quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc thu hút khách tham quan du lịch; lập hồ sơ đề nghị một số di tích cấp tỉnh để xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đồng thời, nâng tầm quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống: Vua Hùng dạy dân cấy lúa; Lễ hội Cướp bông ném chài đền Vân Luông; Lễ hội đền Tam Giang; Lễ hội rước kiệu đình Hùng Lô… Bên cạnh đó, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, căn cứ tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phường đạt chuẩn đô thị văn minh, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa… để xây dựng tiêu chuẩn mới, phù hợp với điều kiện và xu thế phát triển của Thành phố giai đoạn hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương.

Lê Hoàng

Nguồn: Dulichvn

Nức tiếng bánh gai tiến vua Tứ Trụ ở làng nghề cổ ở Thanh Hóa

Sản phẩm bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc ở làng Thịnh Mỹ (trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn được gọi là làng Mía, thuộc xã Tứ Trụ, tổng Diên Hào, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân) nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.


Bà Hoàng Thị Loan, người cả đời gắn với nghề làm bánh gai ở làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: B.Nguyên

Làng nghề bánh gai Tứ Trụ nằm bên hữu ngạn sông Chu hiền hòa, cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 9km, cách Khu Di tích lịch sử Lam Kinh khoảng 1,5km. Tên gọi bánh gai Tứ Trụ xuất phát từ những năm 1940, khi người dân làng Mía đem bánh đi bán ở phố Tứ Trụ. Từ đó, người mua quen miệng gọi là bánh gai Tứ Trụ.

Làng nghề truyền thống ở cố đô Lam Kinh

Lam Kinh là quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và là nơi bắt đầu cho chiến thắng chống lại sự xâm lược của quân Minh. Lam Kinh là cố đô cổ, được vua Lê Thái Tổ xây dựng từ năm 1428, như một kinh thành nhằm thờ cúng tổ tiên và đồng thời là Thái Miếu – nơi an nghỉ cho các vị vua triều Lê.

Theo những cơ sở làm bánh gai lâu năm ở làng nghề này, nghề làm bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ thời Hậu Lê, thế kỷ 15. Thời đó, bánh được làm trong mỗi dịp hội làng, là sản vật được dùng để tiến vua Lê và trong các dịp giỗ, Tết, đình đám quan trọng của quốc gia. Vì vậy, bánh gai Tứ Trụ còn có tên gọi khác là bánh tiến vua.

Ông Ngô Thành Công, chủ cơ sở làm bánh gai lâu đời tại làng Thịnh Mỹ, kể xưa nghề làm bánh này khó để làm giàu, chủ yếu là ngày nào làm bánh là ngày đó có đồng ra đồng vào lo chi phí sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học. Đây là nghề chính của nhiều phụ nữ trong làng vì công việc này làm tại nhà, tranh thủ thời gian trông con, trông cháu. Họ không chỉ là thợ chính trong mọi công đoạn từ chuẩn bị đến làm bánh mà khi mẻ bánh hoàn thành, các bà, các mẹ còn là người chở bánh đi bán hoặc cung cấp cho các đầu mối bán lẻ khác.

Nhiều cơ sở làm bánh gai tập trung ở làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày nay, Khu di tích Lam Kinh là điểm du lịch tâm linh và lịch sử nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, nghề làm bánh gai mới phát triển thành làng nghề với hàng chục cơ sở hoạt động thường xuyên. Năm 2015, làng nghề bánh gai làng Thịnh Mỹ – Tứ Trụ – xã Thọ Diên đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định công nhận “Làng nghề bánh gai truyền thống”. Năm 2020, làng nghề bánh gai này được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, món bánh gai quê trở thành đặc sản du lịch nức tiếng gần xa.

Một đặc điểm thú vị khi đến làng nghề làm bánh gai đất Lam Kinh là nhiều cơ sở sản xuất thường có khoảng sân rộng trước nhà – nơi diễn ra mọi công đoạn làm bánh. Trước hiên, chủ cơ sở thường bày kệ hàng trưng bày bánh đón khách mua. Người mua là dân địa phương thường ghé vào khu làm bánh trò chuyện năm câu ba điều với chủ cơ sở. Khách mua cũng có thể ghé vào mục sở thị từ các nguyên liệu đến quy trình làm bánh, hỏi thăm về truyền thống của làng nghề lâu đời. Chính không khí này góp phần tạo nên nét riêng, độc đáo của làng nghề làm bánh tiến vua đất Lam Kinh.

Theo thực khách sành ăn, người ăn cũng phải biết cách để thưởng thức hết được hương vị của chiếc bánh gai ngon. Đặc biệt nhất là khi bóc bánh, đến lớp lá trong cùng, người ăn nên bóc theo kiểu tước nhỏ giống bóc bánh nếp. Bánh gai Tứ Trụ Thọ Xuân ngon nhất là ăn sau khi hấp chín khoảng 10 giờ.

Giữ chất nghề truyền thống

Theo những cơ sở làm bánh gai ở làng Mỹ Thịnh, để làm ra được một chiếc bánh gai hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn nên cần huy động tất cả người trong gia đình, trong đó, trẻ em cũng có thể phụ ông bà, cha mẹ. Người làm bánh gai cần chuẩn bị nhiều loại nguyên liệu gồm: lá gai, gạo nếp, mật mía, đậu xanh, đường, cùi dừa, mè, lá chuối khô, lạt chẻ mỏng đem nhuộm đỏ để làm dây buộc. Trong đó, nhiều khâu chuẩn bị rất kỳ công.

Một nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu, làm nên đặc trưng riêng của bánh gai Tứ Trụ là lá gai. Lá sau khi thu hoạch được sơ chế, phơi khô đến khi một mặt có màu đen, một mặt màu trắng xám là đạt. Khi làm bánh, lá gai khô đem bỏ vào nồi luộc thật kỹ, sau đó rửa sạch, vắt khô, nghiền mịn và nấu với mật mía.

Gạo nếp làm bánh phải chọn loại nếp ngon, nhiều lò chọn nếp cái hoa vàng. Nếp được ngâm, đãi sạch rồi đưa đi nghiền thành bột, sau đó trộn với lá gai nấu mật mía, đem giã nhuyễn, tạo thành một thứ bột có màu đen bóng. Làm nhân bánh cũng rất kỳ công, phải chọn đậu xanh ngon, ngâm đãi sạch vỏ, nấu cho khéo để đậu không bị nhão hoặc khô quá, gia giảm đường đủ ngọt nêm thêm dầu chuối, va ni cho thơm rồi đem giã nhuyễn, trộn với cùi dừa nạo. Sau khi đã sơ chế xong các thành phần của bánh, người thợ ngồi nắm bột, dàn mỏng đều rồi cho nhân vào, ve tròn sao cho áo bên ngoài bọc thật kín nhân rồi rắc mè đều, gói lại thật kín thành hình vuông. Cuối cùng, bánh được đem đi hấp chín, để nguội mới hoàn thành mọi công đoạn.

Làm bánh gai tại Cơ sở làm bánh gai Công Cúc tại làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thời xưa, mọi khâu đều làm thủ công nên thường mất rất nhiều thời gian, số lượng bánh mỗi hộ gia đình làm ra cũng không nhiều. Mọi khâu chế biến đều được làm tỉ mỉ thủ công nên một cơ sở thường chỉ làm được vài chục bánh, dịp lễ, Tết đông người làm thì nhiều nhất cũng được vài trăm bánh/ngày. Ngày nay, nhờ đầu tư máy móc, vào mùa cao điểm, cơ sở làm cả ngàn bánh/ngày; thậm chí ngày có nhiều đơn đặt hàng, cơ sở tăng ca làm đến vài ngàn bánh/ngày. Không chỉ cung cấp đi nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, lò bánh của ông còn nhận không ít đơn hàng đặt bánh đem đi Mỹ, Úc… làm quà biếu.

Bà Hoàng Thị Loan (ở xã Thịnh Mỹ, 71 tuổi) cả đời gắn bó với nghề làm bánh gai. Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch, món bánh dân dã này thành đặc sản được nhiều nơi biết tiếng. Vì thế, các con cháu trong gia đình bà mở thêm chi nhánh, đầu tư thêm nhiều máy móc để có thể đáp ứng được những đơn hàng với số lượng lớn.

Khi các cơ sở làm bánh gai nở rộ, có cơ sở chạy theo lợi nhuận nên không còn quá chăm chút về chất lượng như trước. Nhưng những cơ sở gắn bó lâu năm ở làng nghề này đều có ý thức trân trọng, bảo vệ thương hiệu làng nghề.

Bà Loan cho biết thêm, ngày nay, nhiều công đoạn làm bánh thủ công được thay bằng máy móc. Nhưng dù làm hoàn toàn bằng thủ công hay có nhiều khâu thay thế bằng máy móc thì bí quyết để làm nên cái bánh ngon vẫn là phải chọn nguyên liệu hàng tuyển mới làm ra cái bánh để cả tuần vẫn thơm ngon.

Bà Nguyễn Thị Hải, người dân ở xã Thọ Diên, cho hay bà thường đặt bánh gai gửi cho con cháu, người thân lập nghiệp ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đem bán vì món đặc sản quê này ngày càng có nhiều thực khách biết tiếng. Bà Hải thường chọn đặt hàng ở cơ sở làm bánh gai lâu đời ở địa phương để có những chiếc bánh chất lượng, thơm ngon nhất. Ngoài ra, bánh làm ngon, đạt chất lượng thì mới bảo quản được lâu hơn mà không bị ảnh hưởng về hương vị.

Bình Nguyên – Ngọc Liên

Nguồn: Dulichvn

Tân Trào (Tuyên Quang) – Vùng đất lịch sử và những câu chuyện còn vang mãi

Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút du khách bởi những câu chuyện hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nơi đây, từng là “Thủ đô kháng chiến”, đã chứng kiến những quyết định mang tính bước ngoặt, thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.


Lán Nà Nưa – Nơi Bác Hồ đưa ra những quyết định lịch sử

Sau 80 năm, đặt chân đến Tân Trào, du khách không khỏi xúc động trước căn lán đơn sơ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc. Lán Nà Nưa, ẩn mình trong rừng sâu, là minh chứng cho tinh thần làm việc không mệt mỏi của Bác trong những ngày tháng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Căn lán nhỏ bé, dựng bằng tre nứa, mái lá cọ đơn sơ, vậy mà từ đây, những chỉ thị, những quyết định lịch sử đã được đưa ra, dẫn dắt cả dân tộc đến thắng lợi.

Lán Nà Nưa là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945

Dù sức khỏe yếu, Người vẫn miệt mài viết tài liệu, chỉ thị và trăn trở về vận mệnh đất nước. Câu chuyện về đêm tháng 8 lịch sử, khi Bác gạt mồ hôi, nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chú Văn ạ, thời cơ đến rồi, không thể chậm trễ. Đất nước sắp giành độc lập, Bác có mệt cũng vui lòng”, đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quyết tâm của vị lãnh tụ vĩ đại.

Ánh đèn dầu leo lét trong đêm tối, tiếng bút sột soạt trên trang giấy và cả những đêm không ngủ của Bác, tất cả tạo nên một bức tranh lịch sử đầy cảm xúc.

Chính tại nơi đây, ngày 13/8/1945, bức thư kêu gọi tổng khởi nghĩa đã ra đời, trở thành lời hiệu triệu toàn dân đứng lên giành chính quyền. Bức thư ấy không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là lời khẳng định ý chí độc lập, tự do của cả một dân tộc.

Đình Tân Trào – Quốc dân Đại hội quyết định vận mệnh đất nước

Đêm trước ngày Quốc dân Đại hội, các đại biểu từ khắp nơi đã vượt qua bao gian khó để tề tựu tại Đình Tân Trào. Những con người từ Cao Bằng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An,… mang theo khát vọng độc lập, đã cùng nhau hội tụ về đây, dưới mái đình cổ kính.

Bác Hồ, dù đang dưỡng bệnh, vẫn ân cần tiếp đón và động viên: “Đây là thời cơ ngàn năm có một. Chúng ta nhất định phải giành độc lập. Lần này, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được tự do”. Lời nói ấy, như ngọn lửa, thắp sáng niềm tin và quyết tâm trong lòng mỗi đại biểu.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội diễn ra, quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) và nhất trí Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khoảnh khắc lịch sử khi các đại biểu đồng lòng hô vang “Độc lập hay là chết!” đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ. Tiếng hô vang dội cả núi rừng, thể hiện ý chí sắt đá của toàn dân tộc, quyết tâm giành lại độc lập, tự do.

Cây đa Tân Trào – Chứng nhân lịch sử

Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1, thúc giục quân đội tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Cây đa cổ thụ, với những cành lá xum xuê, như một chứng nhân lịch sử, đã chứng kiến khoảnh khắc hào hùng ấy.

Những người chiến sĩ trẻ tuổi, với ánh mắt kiên định, đã lên đường, mang theo niềm tin và quyết tâm của cả dân tộc. Họ hiểu rằng, con đường phía trước đầy gian nan, thử thách nhưng không gì có thể ngăn cản họ tiến bước.

Tám thập kỷ trôi qua, cây đa Tân Trào vẫn sừng sững, chứng kiến bao sự kiện lịch sử trọng đại. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội,… được tổ chức dưới gốc đa, như một lời nhắc nhở về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của cha ông.

Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa

Cây đa Tân Trào được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1975, đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình tìm về cội nguồn của mỗi người dân Việt Nam. Đến đây, mỗi người đều cảm nhận được không khí thiêng liêng, hào hùng của lịch sử và thêm trân trọng những giá trị mà cha ông đã để lại.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Tuyên Quang xuất bản số đầu tiên, tôi đến đây không chỉ được sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng mà còn cảm nhận được tinh thần quyết tâm, ý chí vươn lên của vùng đất cách mạng. Tân Trào không chỉ là một địa danh lịch sử, mà còn là một biểu tượng, một nguồn cảm hứng cho những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.

An Thuận

Nguồn: Dulichvn

Bí ẩn màu lá, mê mẩn sắc xôi của người Tày ở Lào Cai

Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi dịp trọng đại hay lễ tết của đồng bào Tày ở Lào Cai.


Theo lời giới thiệu của nhiều người dân trong vùng, chúng tôi tìm tới nhà chị Nguyễn Thị Chục (tên thường gọi là Hạnh Tiệp), ở bản Hốc, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Chị Tiệp là người có tay nghề trong việc nấu xôi màu hay còn gọi là xôi ngũ sắc. Chị biết cách sử dụng nhiều loại lá, cây, củ tự nhiên để tạo ra các màu xôi khác nhau. Không chỉ được giao đảm nhiệm chế biến món ăn này trong mâm cỗ của gia đình mỗi khi nhà có việc mà chị Tiệp còn được nhiều người đặt mua khi có nhu cầu.

Tôi được mẹ dạy nấu xôi ngũ sắc từ khi còn nhỏ. Sau này lập gia đình, tôi cũng nấu thường xuyên hơn. Mọi người thường khen món xôi tôi làm ăn ngon, màu sắc đẹp nên hay đặt nấu giúp mỗi khi nhà có việc. Bây giờ tôi không chỉ biết làm xôi có 5 màu mà còn có thể tạo ra 7 màu hoặc nhiều hơn nếu muốn – Chị Tiệp cho biết.

Bí quyết nằm ở công thức tạo màu của mỗi nguyên liệu tự nhiên và pha chế theo tỷ lệ chuẩn. Thông thường, ngoài gạo nếp thì nguyên liệu chính để tạo màu cho xôi chính là lá cẩm. Người Tày thường trồng cây cẩm xung quanh nhà để tiện cho việc làm xôi. Cây cẩm dễ trồng, ưa nơi ẩm ướt. Cây cẩm có 2 loại, nhìn qua thì tưởng chúng giống hệt nhau vì có cùng dáng cây và màu hoa tím nhưng theo chị Tiệp, nhìn kỹ sẽ phát hiện: một loại lá nhỏ và dài hơn gọi là cẩm đỏ. Còn loại kia lá to và gân lá dày hơn, có viền trắng gọi là cẩm tím. 2 loại lá này khi luộc hay giã lá tươi lọc lấy nước ngâm gạo đồ xôi sẽ tạo ra các màu sắc khác nhau. Câu chuyện về việc phát hiện ra sự bí ẩn trong những màu lá ấy của chị Tiệp khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Chia sẻ về bí quyết tạo màu từ lá cẩm, chị Tiệp cho hay: Màu tím từ lá cẩm tím; màu đỏ từ lá cẩm đỏ tạo thành. Nhưng màu sắc đậm hay nhạt lại tùy thuộc cách chế biến. Ví dụ như, nếu luộc lá cẩm tím thì sẽ ra màu tím, nhưng nếu giã lúc lá còn tươi và trộn thêm tro của rơm nếp với tỉ lệ phù hợp thì sẽ ra màu xanh lam.

Xôi ngũ sắc thường có 5 màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Ngoài lá cẩm, người Tày còn dùng các cây, củ, rễ tự nhiên trồng tại vườn nhà hoặc lấy trên rừng để tạo màu cho xôi, như: màu xanh lá từ lá dứa nếp; màu vàng từ củ nghệ tươi; màu đỏ từ quả gấc…

Sau khi tạo được màu từ các loại lá, cây, củ này thì sẽ đem ngâm với gạo nếp, trong khoảng 30 phút, tùy lượng gạo. Bí quyết để gạo lên màu nhanh là ngâm với nước ấm. Người Tày thường dùng phương pháp đồ xôi truyền thống là đồ cách thủy bằng chõ gỗ. Quá trình đồ xôi phải giữ lửa đều các góc, vừa lửa, không to quá, không nhỏ quá, đượm than để xôi chín dẻo, thơm nồng.

Tùy theo lượng xôi, người ta có thể đồ riêng từng loại màu hoặc đồ chung cả các màu trong một chõ xôi. Nếu lượng xôi ít, có thể đồ chung một chõ thì chị Tiệp thường dùng vỉ (mảnh nan tre đan có lỗ thủng để hơi nóng lọt qua) ngăn cách giữa các lớp xôi để màu không lẫn màu. Hoặc nếu không dùng lớp ngăn cách thì có thể đổ lần lượt gạo màu đậm xuống dưới cùng, lần lượt đến gạo màu nhạt hơn lên trên.

Mỗi chõ xôi trung bình làm được khoảng 3 kg gạo, hấp cách thủy trong thời gian 40 – 50 phút là xôi chín mềm. Theo kinh nghiệm của chị Tiệp, khi cho gạo vào chõ cần tính toán làm sao để gạo còn cách miệng chõ khoảng 10 cm thì khi xôi chín, đẩy dần lên đến miệng chõ là vừa đủ. Đó cũng là lúc xôi chín đều. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi thường được gói vào lá dong để ủ ấm, giữ được độ dẻo lâu.

Người Tày quan niệm rằng, mỗi màu xôi đều chứa đựng ý nghĩa sâu sắc cùng thông điệp về tâm linh, nhân sinh quan. Xôi màu xanh thể hiện khát vọng hòa bình, màu của núi rừng đại ngàn, trời đất bao la. Xôi màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, nguyên sơ, chân thành. Xôi màu đỏ là khát vọng sống, tinh thần đoàn kết. Màu vàng của sự ấm no đầy đủ phồn thịnh. Còn màu tím thể hiện tình yêu thủy chung sắt son, bền chặt, vĩnh cửu…

Mâm xôi ngũ sắc thường được bày ở trung tâm mâm cỗ vừa tạo màu sắc đẹp hơn vừa ẩn chứa tâm linh của dân tộc Tày. Hơn nữa, còn thể hiện sự trang trọng, tôn kính trong mâm cúng dâng lên ông bà tổ tiên nhân ngày lễ tết, cưới hỏi, ngày hội mùa… Xôi ngũ sắc thường ăn kèm với thịt nướng, cá nướng, gà nướng, hoặc đơn giản ăn cùng muối vừng, muối lạc sẽ làm tăng thêm hương vị đậm đà của món ăn – Bà Hoàng Thị Mai, mẹ chị Tiệp cho hay.

Tùy vào từng nơi mà cách bày trí xôi ngũ sắc cũng có sự khác biệt. Có nơi sẽ bày xôi theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh tượng trưng cho một màu. Có nơi lại trộn lẫn các màu xôi với nhau. Thế nhưng dù bày trí theo cách nào thì xôi ngũ sắc cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho điều may mắn, tốt lành. Nếu có dịp ghé thăm các bản làng người Tày ở Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên hay các vùng lân cận, du khách hãy dừng chân để thưởng thức món xôi ngũ sắc để cảm nhận vị dẻo thơm của hạt nếp và tấm lòng mến khách của người dân nơi đây.

Hoàng Thương

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT