Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Phát huy giá trị Không gian văn hóa Trà Tân Cương

Không gian văn hóa Trà Tân Cương có kiến trúc độc đáo ở vùng chè đặc sản lớn nhất, nơi được vinh danh “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên. Được giao quản lý thiết chế văn hóa, điểm du lịch cộng đồng này, Bảo tàng Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo nhằm thu hút du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu chè Thái Nguyên, tôn vinh vùng đất và con người nơi đây.


Không gian văn hóa Trà Tân Cương lưu giữ giá trị về nghề chè, văn hóa trà, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thu hút đông du khách tham quan, trải nghiệm.

Cách thành phố Thái Nguyên 12 km về phía tây, Không gian văn hóa Trà Tân Cương tọa lạc trên diện tích 1,7ha ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, đi vào hoạt động từ Festival Trà Quốc tế – Việt Nam năm 2011. Đây là thiết chế văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức trồng – chế biến chè Tân Cương và là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Thái Nguyên.

Không gian văn hóa Trà Tân Cương gồm ba hạng mục công trình: Không gian trưng bày ngoài trời, nhà trưng bày và không gian thưởng trà.

Không gian trưng bày ngoài trời bao gồm sân lễ hội, sân khấu tổ chức Lễ hội Trà xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương, các hoạt động văn hóa cộng đồng; có “Ấm trà tri kỷ” được tạo dáng giống ấm trà truyền thống của người Việt, được ghi vào kỷ lục là ấm trà gắn gốm sứ lớn nhất Việt Nam.

Không gian nhà trưng bày lưu giữ nhiều hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm vùng chè Tân Cương; mô hình những đồi chè xanh mát trùng điệp đặc trưng của bốn vùng chè nổi tiếng Thái Nguyên, được mệnh danh “Tứ đại danh Trà” gồm: Khe Cốc (huyện Phú Lương), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ) và Tân Cương (thành phố Thái Nguyên); thấp thoáng là hình ảnh nhà sàn tượng trưng cho những homestay, mô hình du lịch cộng đồng vùng chè đang được ưa chuộng. Bộ sưu tập ấm chén dùng để thưởng trà từ thế kỷ XIX đến nay được trưng bày, thể hiện nét văn hóa, phong cách uống trà của người Việt qua các giai đoạn lịch sử. Tầng hai của không gian trưng bày lịch sử ra đời và phát triển cây chè, nghề chè ở Tân Cương.

Không gian thưởng trà tái hiện quy trình chế biến chè truyền thống, hướng dẫn cách pha trà có nước xanh vàng, tươi sáng, hương thơm nồng đậm đà chát ngọt hậu của trà Tân Cương và cách thưởng trà.

Giám đốc Bảo tàng Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết: “Không gian văn hóa Trà Tân Cương được xây dựng ở vị trí trung tâm vùng chè Tân Cương, có kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên đẹp, phù hợp cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử văn hóa trà, đất và người Thái Nguyên. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã kết nối với ngành giáo dục-đào tạo, ngành du lịch trong và ngoài tỉnh, các địa chỉ du lịch cộng đồng vùng chè để đưa học sinh, du khách tham quan Không gian văn hóa Trà Tân Cương, vùng chè trong khu vực; góp phần tích cực giới thiệu, quảng bá văn hóa trà, sản phẩm chè và du lịch vùng Đệ nhất danh trà – Tân Cương”. Thăm Không gian văn hóa Trà Tân Cương, đồng thời là điểm du lịch cộng đồng, du khách cảm nhận lịch sử hình thành, phát triển nghề chè, văn hóa trà và thưởng thức giá trị đặc sản chè Tân Cương. Từ đây, khách có thể tỏa đi các vùng chè chung quanh để trải nghiệm cảnh quan, thu hái, chế biến, kinh doanh chè tại các hợp tác xã, điểm trải nghiệm chè Hảo Đạt, Tiến Yên, Thắng Hường, Minh Thu…

Tỉnh Thái Nguyên chủ trương đến năm 2030 đưa cây chè và ngành chè mang lại doanh thu 25 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 45% so với hiện nay. Việc gắn văn hóa trà với du lịch, trong đó phát huy Không gian văn hóa Trà Tân Cương là điểm kết nối, lan tỏa, góp phần quan trọng đạt doanh thu đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng diện tích tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các không gian trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa, trưng bày chuyên đề, trưng bày ngoài trời, quảng bá văn hóa trà, sân tổ chức lễ hội, bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập ngày càng đông của du khách khắp nơi.

Theo bà Trần Thị Nhiện, khi thiết chế văn hóa này được nâng cấp, mở rộng, Bảo tàng Thái Nguyên sẽ lập phương án thiết kế tổng thể không gian trưng bày, tăng cường quảng bá trà Thái Nguyên, xây dựng như một “bảo tàng Trà” có tính khoa học, logic, thẩm mỹ để nơi đây thật sự trở thành một trung tâm nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu văn hóa Trà Thái Nguyên, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương xứng tầm với vị thế là tỉnh được mệnh danh “Đệ nhất danh trà” gắn với du lịch cộng đồng vùng chè, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thế Bình

Nguồn: Dulichvn

Hương cốm Hà Nội giữa lòng phố núi Pleiku

Bằng tình yêu với ẩm thực Hà Nội, chị Lê Thị Ni Na (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã làm ra món xôi cốm đặc sắc khiến những ai đã một lần nếm thử cũng đều quyến luyến nhớ thương.


Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nhưng chị Na có một tình yêu sâu sắc với cảnh sắc và ẩm thực Hà Nội. Hiện nay, chị làm việc tại một phòng khám Đông y. Những lúc rảnh rỗi, chị lại tìm hiểu về ẩm thực Hà Nội, đặc biệt là cốm.

Chị Na kể: “Trong một lần ra thăm Thủ đô, tôi được thưởng thức món xôi cốm. Cốm xanh đượm mùi thơm lúa non, gói mình trong lá sen tỏa hương dịu nhẹ khiến tôi ấn tượng mãi. Ngay từ lúc ấy, tôi ấp ủ dự định sẽ đưa cốm về Pleiku và chế biến thành những thức món theo khẩu vị của người dân phố núi”.

Chị Lê Thị Ni Na (bìa phải) gói xôi cốm cho khách hàng. Ảnh: M.K

Đầu năm 2024, chị ra Hà Nội để tìm hiểu và tự tay chọn nguyên liệu. Theo chị Na, những hạt cốm xanh mỏng nhưng hàm chứa những tinh túy của đất trời, hương nắng và gió mùa thu. Hà Nội có 2 làng làm cốm rất nổi tiếng là làng Vòng và Mễ Trì. Chị Na chọn loại cốm được làm từ gạo nếp như nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp cái hoa vàng. Cốm phải có màu xanh ngọc và dậy mùi thơm ngậy của lúa non.

“Sau khi mang cốm về Pleiku, tôi bắt tay chế biến xôi cốm-món ăn bình dị gắn liền với những ngày se se lạnh. Xôi cốm là sự kết hợp của cốm xanh cùng với những hạt nếp ngon căng mẩy, trộn thêm vài sợi dừa béo và hạt sen bùi bùi. Nghe thì đơn giản thế nhưng tôi đã mất gần 1 tháng thử nghiệm với nhiều lần thất bại mới cho ra mẻ xôi cốm chuẩn vị Hà Nội.

Sau nhiều lần thất bại, tôi nhận thấy, xôi không được quá khô hoặc quá nhão, phải canh nhiệt độ để xôi có vị dẻo, thơm, bùi của cốm và đậu xanh, vị béo của dừa và thoảng vị ngọt bùi của hạt sen. Đặc biệt, tôi đã tìm cách biến tấu một chút để xôi đậm vị hơn so với nguyên gốc xôi cốm của Thủ đô để phù hợp với khẩu vị của người Pleiku”-chị Na chia sẻ.

Không chỉ đơn thuần là món ăn, cốm như một món quà của Hà Nội xuất hiện giữa lòng phố núi Pleiku và kể về những câu chuyện văn hóa đầy sức hút. Ảnh: M.K

Màu xanh tươi của cốm kết hợp với màu vàng của đậu xanh và màu trắng của dừa tạo nên một món ăn hấp dẫn về cả hương vị lẫn hình thức. Xôi cốm thường được người Hà Nội gói trong lá sen để giữ ấm và tăng thêm hương thơm.

Tuy nhiên, Pleiku lại rất khan hiếm lá sen. Chị Na tìm cách thử gói xôi cốm trong nhiều loại lá khác nhau nhưng sau cùng chị nhận thấy lá dong là phù hợp nhất. Cây dong được người dân vùng ven Pleiku trồng nhiều quanh vườn. Lá dong có tác dụng chống oxy hóa tốt, vị ngọt, màu xanh mát mắt phù hợp để dùng gói xôi cốm.

Chị Na tâm sự: “Qua khảo sát, xôi cốm được nhiều thực khách ở Pleiku ngợi khen và thường xuyên quay lại đặt mua. Tôi quyết định mở bán online với cái tên thân thuộc “Bếp nhà Na”. Mỗi gói xôi tôi bán với giá 30-35 ngàn đồng. Thực khách đến với “Bếp nhà Na” ngày một đông hơn giúp tôi tự tin phát triển thêm một số món ăn khác từ cốm như: cốm mộc, cốm xào”.

Chị Trần Hoài Anh (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thổ lộ: “Tôi xa Hà Nội từ năm 17 tuổi nhưng hương vị của cốm thì mãi không thể quên. Tình cờ được thưởng thức món xôi cốm từ “Bếp nhà Na”, tôi vô cùng thích thú. Tuy ở Pleiku nhưng vẫn cảm nhận được hương cốm Hà Nội. Điều đó quả thật rất thú vị”.

Khác với chị Hoài Anh, bà Văn Thị Ái Nhung (tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) lại khá bất ngờ khi lần đầu được thưởng thức vị cốm của Thủ đô. “Tôi có ra Hà Nội tham quan vài lần nhưng chưa có dịp thưởng thức món cốm. Chính vì vậy, khi được ăn món xôi cốm của chị Na làm, tôi thấy rất ấn tượng. Món ăn có vị đặc trưng của Hà Nội nay được biến tấu phù hợp với khẩu vị vùng đất cao nguyên”-bà Nhung cho hay.

Mai Ka

Nguồn: Dulichvn

Lễ hội Thắk Côn (Cúng dừa) của người Khmer được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng ngày 19/6, tại Nhà Văn hóa xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đối với Lễ hội Thắk Côn (Cúng dừa) của người Khmer xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Khởi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo huyện Châu Thành và chính quyền địa phương.


Đồng chí Nguyễn Văn Khởi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa phải) và lãnh đạo huyện Châu Thành trao chứng nhận Lễ hội Thắk Côn (Cúng dừa) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thạch Pích

Lễ hội Thắk Côn, hay còn gọi là Lễ Cúng dừa, được cộng đồng người Khmer tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành tổ chức và duy trì liên tục suốt nhiều năm qua. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, bắt đầu từ ngày pinh-bôr khe-cheth đến ngày 2 rốch khe-cheth (tính theo lịch của người Khmer), nhằm ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên lành.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Sơn Pô – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng nhấn mạnh: “Việc Lễ hội Thắk Côn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự của huyện Châu Thành mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, Sóc Trăng đã có 10 di sản được vinh danh ở cấp quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư”.

Việc Lễ hội Thắk Côn được vinh danh trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận xứng đáng cho những giá trị tinh thần to lớn mà cộng đồng người Khmer đã gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Đây cũng là động lực để các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân tiếp tục chung tay bảo vệ, phát huy giá trị di sản, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thạch Pích

Nguồn: Dulichvn

Điệu hát ”chậm đò ho”: Khúc giao hòa giữa truyền thống và khát vọng

Giữa đại ngàn Như Xuân, những thanh âm mộc mạc của Chậm đò ho vẫn ngân lên qua tiếng hát người Thổ như hơi thở của núi rừng, của mùa màng trên nương, của bếp lửa nhà sàn, của hội xuân bản Mường… Dẫu thời cuộc đổi thay, làn điệu tình tứ ấy vẫn được nâng niu gìn giữ, như mạch ngầm văn hóa thấm đẫm tình yêu cội nguồn và khát vọng giữ gìn bản sắc dân tộc.


Tiết mục “Chậm đò ho” được trình diễn trong Lễ hội văn hóa dân tộc Thổ tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội)

Tiếng hát giữa đại ngàn

Như Xuân, vùng đất đồng bào Thổ quần tụ đông nhất xứ Thanh, đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ trên bản đồ phát triển kinh tế – xã hội. Thế nhưng, giữa nhịp sống hiện đại rộn rã, đồng bào vẫn bền bỉ giữ lấy kho tàng văn hóa cha ông để lại. Trong đó, Chậm đò ho như một giai điệu mang linh hồn bản Mường, là nét văn nghệ đậm bản sắc đang được gìn giữ bằng cả tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

Người dân nơi đây vẫn trìu mến gọi ông Lê Văn Cứu (86 tuổi, khu phố 1, thị trấn Yên Cát) là “thư viện sống” của văn hóa Thổ. Trong căn nhà gỗ mộc mạc, ông tỉ mẩn lật từng trang sách đã sờn, ghi chép suốt cả cuộc đời sưu tầm và biên soạn. Hơn mười năm qua, ông đã dày công chắp nhặt lại những mảnh ký ức, tạo nên kho tư liệu song ngữ Việt – Thổ quý giá.

Không cần đến danh xưng “nghệ nhân”, ông Cứu lặng thầm gìn giữ tiếng hát đồng bào. Với ông, Chậm đò ho không chỉ là một làn điệu dân ca, đó là tiếng ru con giữa lưng nương, là khúc hát bên ánh lửa hồng, là lời giao duyên tha thiết trong đêm hội làng. là âm thanh chảy trọn trong mạch sống người Thổ.

Cũng chung một niềm say mê ấy, ông Lê Ngọc Giới (63 tuổi, khu phố Trung Thành) gắn bó với vai trò người thổi kèn cho những buổi trình diễn Chậm đò ho. Cây kèn theo ông từ thuở còn đôi tám, giờ đã ngả màu thời gian, in dấu bao mùa lễ hội của bản làng.

Ông Giới tâm sự, để một tiết mục Chậm đò ho đúng nghĩa, cần đủ trống, chiêng, mõ, ống nứa, ống luồng… hòa quyện tạo nên bản hòa ca đậm đà. Những chàng trai, cô gái khoác lên mình bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, nhịp nhàng hòa tiếng hát vào tiếng kèn, tất cả kết tinh thành một thanh âm độc bản, không thể lặp lại.

Di sản được gieo mầm từ niềm tin

Không cần hào nhoáng sân khấu hay ánh đèn rực rỡ, Chậm đò ho tồn tại như hơi thở văn hóa, như tiếng nói không lời của một dân tộc biết yêu và gìn giữ chính mình qua những giai điệu mộc mạc.

Bà Lê Thị Dung (79 tuổi, khu phố Thắng Sơn), một trong những người cao tuổi vẫn miệt mài gìn giữ làn điệu ấy, nhớ như in những lời ru từ thuở bé. Dẫu tuổi cao, bà vẫn đều đặn tham gia các lễ hội địa phương, vừa với tư cách là người thực hành, vừa là người gieo mầm và chuyển giao, góp phần truyền đi tình yêu bản sắc văn nghệ cho thế hệ sau.

Trong các dịp lễ hội lớn như “Ngày hội Sắc xuân các dân tộc Việt Nam” tổ chức tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), huyện Như Xuân nhiều lần tạo dấu ấn bằng việc mang Chậm đò ho đến với công chúng. Không chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi, nhiều bạn trẻ đã chủ động học hát, học múa, học cách thổi kèn, gõ trống, những nhạc cụ gắn liền với hình thức diễn xướng dân gian này.

Đặc biệt, với sự phối hợp giữa Sở VHTTDL Thanh Hóa và UBND huyện Như Xuân, nhiều lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể đã được tổ chức theo Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại đây, hàng trăm học viên được hướng dẫn nghiên cứu, thực hành Chậm đò ho, múa Bắt nhái, sử dụng nhạc cụ dân tộc, gắn liền với hoạt động văn hóa – du lịch cộng đồng.

Từ lớp học truyền dạy nơi bản làng, đến các sân khấu không chuyên trong nhà văn hóa xã, Chậm đò ho đang được hồi sinh từng ngày. Nhiều em học sinh tại Yên Cát, Xuân Bình, Cát Vân… đã có thể biểu diễn thành thục trước bạn bè như một phần sinh hoạt ngoại khóa. Các tiết mục vừa thể hiện kỹ năng, vừa khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong từng em nhỏ, những người đang tiếp nối mạch ngầm văn hóa từ thế hệ cha ông.

Không ít bạn trẻ trong số đó từng theo mẹ lên nương, từng nghe bà kể chuyện ngày mùa, từng được ru ngủ bằng lời ca xưa. Những giai âm ấy đã thấm vào máu thịt họ tự lúc nào, để hôm nay cất lên thành lời hát tiếp nối. Và cũng như ông Cứu, ông Giới, bà Dung, họ sẽ lại ngồi bên bếp lửa, dạy cho con cháu từng nhịp phách, từng hơi kèn, từng động dân vũ… như một phần ký ức không thể tách rời.

Chính quyền địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ gìn giữ di sản bằng cách lồng ghép Chậm đò ho vào các sự kiện văn hóa – lễ hội, xây dựng tour du lịch cộng đồng và các sản phẩm trải nghiệm gắn với âm nhạc dân gian. Những bước đi ấy góp phần đưa Chậm đò ho ra khỏi phạm vi thôn bản, đến gần hơn với du khách và công chúng cả nước.

Không cần đến sân khấu lớn, không đợi sự vinh danh, điều thiêng liêng nhất mà Chậm đò ho mang lại chính là niềm tin. Như lời ông Giới: “Chỉ cần một người Thổ còn hát, còn kể, còn nhớ, thì bài hát ấy chưa bao giờ tắt”. Đó là niềm tin bền bỉ, đủ mạnh để giữ lại hồn cốt của một dân tộc giữa muôn vàn biến động thời đại.

Và hôm nay, khi tiếng trống chiêng lại rộn vang bên chân núi, khi những bước chân trẻ trung lại hòa vào điệu hát Chậm đò ho, chúng ta có thể tin rằng: Hành trình gìn giữ bản sắc dân tộc không bao giờ đơn độc. Trên những chuyến đò “chậm” vượt sóng thời gian, đồng bào Thổ vẫn lặng lẽ chở theo cả một kho tàng văn hóa – đồng ấm, trong lành và sống mãi với non sông.

Nguyễn Linh

Nguồn: Dulichvn

Về thăm Bạch Mã

Giữa tiết trời nóng bức của mùa hè miền trung, bạn rủ “Lên Bạch Mã ngắm bình minh, leo núi, tắm hồ”. Vậy là xách ba-lô, hòa mình vào thiên nhiên xanh mát và tận hưởng bao điều thú vị.


Chụp lại khoảnh khắc đón bình minh ở Bạch Mã.

Nằm cách trung tâm TP Huế hơn 40 km về phía nam, Vườn quốc gia Bạch Mã được ví như “Đà Lạt của miền trung” khi sở hữu khí hậu ôn hòa, mát mẻ cùng hệ động thực vật phong phú, mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt. Với 2.147 loài thực vật và 1.493 loài động vật, trong đó 69 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam, thời gian qua, Vườn quốc gia Bạch Mã đã triển khai các chương trình giám sát và bảo vệ loài nguy cấp. Năm 2015, nơi đây được công nhận là khu bảo tồn chim quan trọng với 358 loài chim, chiếm 43% tổng số loài chim tại Việt Nam.

Thế nhưng, điều khiến du khách, đặc biệt các phượt thủ mê mẩn khi đến địa điểm này chính là những cung đường hòa vào núi rừng xanh thẳm, khoảnh khắc đón bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp với “biển mây” lững lờ trôi. Điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng nhất tại Bạch Mã là Hải Vọng đài, nằm ở độ cao trên 1.400 m. Ở vị trí này, ta có thể gói trọn cảnh núi rừng Bạch Mã vào tầm mắt và thỏa thích ngắm vịnh Lăng Cô, hồ Truồi, đầm Cầu Hai cùng núi rừng trùng điệp.

Từ sau 5 giờ chiều, cả bầu trời bao quanh Hải Vọng đài như bức tranh đa sắc, rực rỡ và sống động khiến ai có mặt cũng trầm trồ. Hoàng hôn buông xuống, Bạch Mã chìm dần vào đêm trong tiếng côn trùng rả rích. Mọi người rủ nhau đốt lửa trại, ngắm sao, tận hưởng không gian tĩnh mịch, trong lành. Ở đây không đầy đủ tiện nghi nhưng đủ niềm vui, sự thích thú cho những ai muốn hòa mình vào thiên nhiên.

Đến Bạch Mã, không du khách nào muốn bỏ lỡ cung trekking Ngũ Hồ – thác Đỗ Quyên vào những ngày nắng đẹp. Hành trình kéo dài chưa đến 4 giờ đồng hồ nhưng đủ để khám phá sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây với đầy đủ núi rừng, suối thác, cây cối, chim muông. Ngũ Hồ, hệ thống 5 hồ nước tự nhiên trong xanh, nằm sâu trong rừng, được tạo thành từ một con suối lớn là nơi lý tưởng để tắm suối, bơi lội, thư giãn. Qua Ngũ Hồ, đi thẳng vài cây số là đến thác Đỗ Quyên. Đường lên thác hơi dốc nhưng bù lại du khách có thể nhìn thấy rất nhiều loài hoa đẹp, cây lạ tùy theo mùa trong năm. Để chiêm ngưỡng toàn cảnh chung quanh, du khách phải vượt qua 689 bậc thang xuống chân thác. Dừng chân, hít thở và chụp vài bức hình lưu niệm, mọi người cùng nhau khép lại hành trình đáng nhớ.

Bài và ảnh: Khởi Minh

 

Nguồn: Dulichvn

Miệt mài ”giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm miền Tây xứ Nghệ

Ở miền Tây xứ Nghệ, nghề thổ cẩm là niềm tự hào và phần hồn văn hóa của người Thái. Gắn bó trọn đời với nghề, nghệ nhân Lô Thị Mai ở bản Na, xã Hữu Lập, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đã góp phần gìn giữ, lan tỏa nghề truyền thống, tạo phong trào đưa bản Na trở thành một trong những làng nghề đầu tiên được công nhận của tỉnh.


Trau dồi nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn miền Tây xứ Nghệ, nơi tiếng suối róc rách hòa nhịp cùng tiếng thoi đưa đều đặn bên khung cửi, bà Lô Thị Mai sớm gắn bó với nghề thêu dệt thổ cẩm. Khi mới 10 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy những đường kim, mũi chỉ đầu tiên, những bài học nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình yêu dành cho nghề truyền thống của dân tộc Thái.

Nghệ nhân Lô Thị Mai bên khung dệt thổ cẩm

Tuổi thơ của bà Mai trôi qua bên khung dệt, trong không gian đầy màu sắc của sợi vải, hoa văn. Mỗi ngày, bà đều miệt mài học hỏi, mày mò từng kỹ thuật dệt, từng họa tiết tinh xảo.

Khi trưởng thành, với đôi bàn tay khéo léo, bà Mai đã cho ra đời nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh tế phục vụ sinh hoạt hằng ngày, đồng thời làm quà tặng đầy ý nghĩa cho người thân.

Không chỉ học dệt, bà Mai còn được mẹ dạy cách tự tạo nguyên liệu, từ việc trồng bông, đay, dâu tằm đến kéo sợi, xe chỉ. Quá trình nhuộm màu vải cũng được bà chăm chút kỹ lưỡng, sử dụng cây cỏ tự nhiên để tạo ra những gam màu rực rỡ như đỏ, tím, vàng, xanh.

Sau khi nhuộm, sợi vải được phơi dưới nắng cho khô, cho lên màu chuẩn rồi mới đưa vào dệt. Nhờ sự kế thừa và bàn tay khéo léo, bà Mai không chỉ dệt được các sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn, chăn gối… mà còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hiện đại mang dấu ấn thổ cẩm độc đáo như túi xách, ví, khăn trải bàn, tranh treo tường…

Nghệ nhân Lô thị Mai và các thành viên dệt thổ cẩm bản Na, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

Mỗi sản phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thể hiện qua những họa tiết mô phỏng thiên nhiên như cỏ cây, muông thú, mặt trời cùng những biểu tượng văn hóa truyền thống của bản làng.

Năm 2005, thổ cẩm truyền thống trở thành nhu cầu tiêu dùng thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các xu hướng phát triển sản phẩm thời trang thiết kế ứng dụng vải thổ cẩm để xuất khẩu.

Nắm bắt xu thế đó, bà Lô Thị Mai cùng với các chị em trong bản thành lập nhóm sản xuất dệt thổ cẩm với 15 thành viên.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo tại làng nghề bản Na

Từ sự hoạt động tích cực của nhóm này, phong trào dệt thổ cẩm đã lan tỏa và phát triển hơn một trăm hộ gia đình trong bản tham gia, giúp bản Na trở thành một trong những làng nghề đầu tiên của huyện Kỳ Sơn được UBND Nghệ An công nhận và tặng Danh hiệu Làng nghề vào năm 2011. Từ đó đến nay, nghệ nhân Lô Thị Mai luôn được dân bản tín nhiệm giữ vai trò Trưởng Làng nghề bản Na.

Đặc biệt, những năm gần đây, gắn với Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Mai và các chị em trong làng nghề đã được hỗ trợ về kỹ thuật, thiết kế mẫu mã, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu.

Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm bản Na không chỉ giữ nguyên hồn cốt dân tộc mà còn đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng hiện đại, góp phần đưa nghề truyền thống vươn xa hơn nữa trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững.

Trao truyền tinh hoa

Với vai trò Trưởng Làng nghề, bà Lô Thị Mai luôn tận tình hướng dẫn phụ nữ và các bé gái trong bản kỹ năng trồng dâu, nuôi tằm, xe sợi, nhuộm và dệt thổ cẩm.

Bà thường động viên mọi người bằng lời giản dị mà sâu sắc: “Nghề dệt là di sản quý báu của cha ông, được hun đúc qua bao thế hệ bằng lao động nghệ thuật và sáng tạo bền bỉ. Tôi không có tài năng gì đặc biệt, chỉ là chịu khó, kiên trì và luôn khát khao học hỏi. Ai yêu nghề và dốc lòng theo đuổi cũng sẽ làm được,” bà chia sẻ chân thành.

Gian hàng thổ cẩm bản Na

Với niềm đam mê và trách nhiệm gìn giữ nghề, bà Mai đã tận tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Từ năm 2007, bà đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội LHPN, Nông dân, Trung tâm đào tạo nghề… tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo và hội nghị về nghề dệt thổ cẩm tại các bản, xã trên địa bàn huyện.

Từ đó, giúp phụ nữ và trẻ em gái hiểu và tiếp cận nghề truyền thống. Đến nay, hơn 250 học viên đã được bà hướng dẫn, nhiều người trong số họ đã tiếp nối nghề dệt thổ cẩm, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và cộng đồng.

Chị Lữ Thị Hoa, một học trò tiêu biểu của nghệ nhân Lô Thị Mai chia sẻ: “Luôn biết ơn bà Mai đã truyền dạy cho tôi nghề thêu dệt thổ cẩm, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng và bán cho khách hàng để nâng cao thu nhập.

Bên cạnh truyền dạy kiến thức, kỹ năng thêu dệt thổ cẩm, bà Mai luôn truyền cảm hứng cho học viên về giá trị văn hóa dân tộc. Bà luôn nhấn mạnh rằng, mỗi sản phẩm thổ cẩm được tạo ra phải là tác phẩm nghệ thuật gửi gắm tâm tư tình cảm, chứa đựng bản sắc văn hoá của dân tộc Thái”.

Chị em phụ nữ vùng cao trong lớp tập huấn đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại bản Na

Nghệ nhân Lô Thị Mai luôn trăn trở làm sao để thổ cẩm có thể trở thành hàng hoá độc đáo mà phù hợp với nhiều người, nhiều thị trường khác nhau. Chính vì vậy, bà Mai đã sáng tạo, biết cách kết hợp các yếu tố truyền thống với nhu cầu của thị trường, giúp chị em tạo nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng.

Năm 2018, bà Mai tham gia thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh và phối hợp với Trung tâm Craplink, một bước tiến quan trọng trong việc đưa nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái đến với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Từ đó, việc tổ chức sản xuất thổ cẩm được chị em các làng nghề trên địa bàn huyện Kỳ Sơn quan tâm chỉn chu hơn từ khâu thiết kế, chọn nguyên liệu, dệt tạo hoa văn cho đến xây dựng thương hiệu nhãn mác, kết nối tiêu thụ, phân phối lợi ích… tạo thành chuỗi giá trị.

Với những đóng góp không mệt mỏi, nghệ nhân Lô Thị Mai đã nhận được sự trân trọng và yêu mến từ cộng đồng. Tại Hội thi tay nghề thợ giỏi lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tỉnh Nghệ An vào năm 2019, Lô Thị Mai được Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tặng giấy khen đạt giải Nhất; năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu “Thợ Giỏi”.

Những giải thưởng và khen thưởng mà bà nhận được là sự ghi nhận cho những đóng góp của bà, đồng thời là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái.

Phụ nữ vùng cao bản Na phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm góp phần tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Viết Hùng cho biết: Nghệ nhân Lô Thị Mai đã có những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm, đưa sản phẩm truyền thống của dân tộc Thái vượt khỏi phạm vi địa phương, vươn tới thị trường trong và ngoài nước.

Không chỉ bảo tồn di sản văn hóa, bà còn góp phần tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng. Ở miền Tây xứ Nghệ, những người như bà Mai đã âm thầm dệt nên “con đường thổ cẩm”, con đường kết nối truyền thống với hiện đại, gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống ấm no và giàu bản sắc.

Phạm Ngân – Phan Thơm

Nguồn: Dulichvn

Thương nhớ bánh xèo miền Tây

Khác với bánh xèo miền Trung nhỏ giòn, bánh xèo miền Tây to, nhân đầy ắp thịt, tôm, giá đỗ… vỏ vàng ươm, giòn rụm ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt. Có nhiều loại bánh xèo với các tên gọi cũng rất thân thương như bánh xèo tôm, bánh xèo nấm, bánh xèo hủ dừa…nhưng ăn một lần là nhớ miền Tây.


Một điểm nhấn thú vị trong bộ phim ra rạp năm 2025 – “Nhà gia tiên” chính là những cảnh quay về bánh xèo, từ việc đổ bánh, giới thiệu nguyên liệu đến việc thưởng thức món ăn. Huỳnh Lập, đạo diễn và diễn viên chính của phim chia sẻ rằng bánh xèo là món ăn gắn liền với tuổi thơ và gia đình, quê hương miền Tây nên anh muốn giới thiệu món ăn đặc sắc này trong “Nhà gia tiên”.

Bánh xèo miền Tây.

Cảnh cả nhà quây quần bên bếp đổ bánh, nghe tiếng “xèo” giòn rụm, vừa gợi nhớ ký ức tuổi thơ, vừa tôn vinh nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Những cảnh quay đó không đơn thuần là các chi tiết ẩm thực mà còn như một biểu tượng văn hóa kết nối các thế hệ trong gia đình.

Đến Cần Thơ, món đầu tiên mà nhiều người muốn thưởng thức có lẽ là bánh xèo. Những quán bánh xèo nổi tiếng như bánh xèo Bảy Tới, bánh xèo Sáu Sển, bánh xèo Tân Định… lúc nào cũng đông khách.

Người ta vẫn bảo làm bánh xèo đơn giản, nhưng cách ăn lại khá cầu kỳ. Bánh sau khi đổ xong thì bày ra đĩa, phải thật khéo léo gói miếng bánh xèo và các loại rau trong lớp bánh tráng rồi cuốn lại, chấm vào chén nước sốt chua chua ngọt ngọt được pha chế theo công thức riêng. Tất cả tạo nên sự hài hoà giữa vị béo của vỏ bánh, ngọt mềm từ nhân và chua ngọt dịu từ nước chấm…

Tại các làng nghề truyền thống như làng bánh xèo Mười Xiềm (Cần Thơ) hay các quán quê ở Long An, Bến Tre, An Giang…, bánh xèo không chỉ là món ăn mà còn là sản phẩm văn hóa được gìn giữ, quảng bá. Với miền Tây, bánh xèo gắn liền với đời sống nông nghiệp bởi nguyên liệu làm bánh hầu hết đều từ sản vật địa phương: bột gạo xay, nước cốt dừa béo ngậy, nhân bánh là tôm, thịt, giá đỗ, tiêu…và không thể thiếu các loại rau quanh vườn nhà hay ven sông, rạch như lá rau diếp cá, cải xanh, tía tô, đọt xoài non.

Người ta vẫn bảo, cái tên “bánh xèo” bắt nguồn từ âm thanh “xèo xèo” phát ra khi đổ bột vào chảo nóng. Với những người con đi xa khi về nhà món đầu tiên họ muốn thưởng thức chính là bánh xèo. Khi nhân bánh chuẩn bị xong, rau cũng hái đầy ắp rổ là đến màn đổ bột. Những muôi bột đổ vào chảo nóng xèo xèo dường như đã trở thành âm thanh thân thương của sự sum vầy, đoàn tụ.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại đã mang đến nhiều món ăn mới lạ, nhưng bánh xèo vẫn giữ một vị trí thân thương trong lòng người dân và du khách phương xa. Nhiều người đã sáng tạo thêm nhân bánh mới như nấm, củ hủ dừa, hải sản… để phù hợp khẩu vị hiện đại nhưng vẫn giữ được hương vị của món ăn truyền thống. Tuy nhiên, dù có thay đổi thì nhiều người vẫn giữ cách đổ bánh bằng tay, đun bằng bếp củi, dùng chảo gang cho vỏ bánh giòn…như cách các bà, các mẹ từng làm.

Mai Hoa

Nguồn: Dulichvn

An Giang: ”Đánh thức” tiềm năng di sản thúc đẩy phát triển du lịch

Nhiều năm qua, tỉnh An Giang luôn quan tâm thực hiện giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, văn hóa đặc trưng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.


Câu lạc bộ văn hóa dân gian trình diễn Dù kê xã Ô Lâm biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con tại địa phương. Ảnh: Phan Bình

Trong nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, 30 năm qua, ông Chau Chanh ở ấp Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đã truyền dạy 6 lớp nhạc ngũ âm. Riêng tại chùa Tà Pạ (xã Núi Tô) đã hình thành được một đội nhạc ngũ âm và diễn tấu trống Chhay dăm gồm 12 thành viên. Đây là đội hình nòng cốt, thường biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc trong cộng đồng. Đặc biệt, một số người từng là học trò của ông Chau Chanh hiện đang tiếp tục công việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ tại các chùa Khmer.

Ông Chau Chanh chia sẻ: “Muốn chơi được nhạc ngũ âm, phải chăm chỉ luyện tập và có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống, bởi cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải tập luyện thường xuyên”.

Từ loại hình diễn xướng dân gian của cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn), “Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù kê của người Khmer xã Ô Lâm” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer huyện Tri Tôn, mà còn là niềm vui chung của cộng đồng dân tộc Khmer An Giang.

Bà Néang Óot, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian trình diễn Dù kê xã Ô Lâm cho biết: Hầu hết các thành viên câu lạc bộ là nông dân, hằng ngày bám ruộng đồng mưu sinh, nhưng tất cả họ đều có chung tình yêu nghệ thuật dân tộc. Câu lạc bộ có 24 diễn viên, bình thường, anh chị em đi làm khắp nơi, đến kỳ lễ hội hay có hoạt động văn hóa nghệ thuật, anh chị em tập hợp lại luyện tập. Nhờ gắn bó với nhau nhiều năm nên việc tập luyện của các thành viên chỉ để nhớ lại bài bản, thuần thục các động tác. Khi nào có vở mới thì tập luyện lâu hơn để mỗi tháng trình diễn một lần cho bà con xem”.

Thời gian gần đây, huyện Tri Tôn quan tâm, chú trọng việc tạo không gian biểu diễn, quảng bá các loại hình nghệ thuật đến đông đảo cộng đồng. Bà Néang Sâm Bô, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn cho hay: Trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với huyện Tri Tôn tổ chức 2 lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên lá buông cho 34 vị sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer tham gia khóa học. Còn tại chùa Sà Lôn (xã Lương Phi), chùa Soài So (xã Núi Tô) đã tổ chức 2 lớp truyền dạy nhạc ngũ âm cho 28 thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, tại các điểm chùa tổ chức hơn 10 buổi trình diễn “Tái hiện di sản nghệ thuật trình diễn Dù kê của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer” thu hút rất đông đồng bào Khmer, các sư, người có uy tín đến xem.

Từ khi nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tour du lịch làng Chăm, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực và thăm cơ sở dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của các công ty lữ hành trong và ngoài nước.

Để nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm vươn xa, cuối năm 2024, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong được thành lập với 12 thành viên, với mục đích khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, tăng thu nhập cho cộng đồng; bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm và tăng cường tính liên kết cộng đồng. Những lợi ích mà tổ hợp tác mang lại, đó là du khách có cơ hội trải nghiệm một loại hình du lịch mới lạ, độc đáo, khám phá văn hóa và con người ở làng Chăm một cách sâu sắc hơn. Ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong) làm tổ trưởng, các thành viên là đại diện mỗi hộ gia đình đều gắn với một sản phẩm để phục vụ du khách khi đến tham quan, du lịch làng Chăm như hộ ông Vách Gia (chuyên chế biến món ăn cà ri bò); hộ ông Hứa Hoàng Vũ (chuyên chế biến lạp xưởng bò)…

Ông Mohamad cho biết: “Với nét độc đáo này, những năm qua, làng Chăm xã Châu Phong đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm. Đồng thời, tăng cường sự gắn kết, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch. Đối với địa phương, hoạt động này nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với An Giang”.

Nhiều năm qua, các chính sách liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang luôn được quan tâm đúng mức, vừa góp phần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân. Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những năm qua, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, An Giang được phân bổ kinh phí gần 8,2 tỷ đồng; các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo tại cơ sở…

Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của của đồng bào dân tộc thiểu số bằng những việc làm cụ thể, sát với nhu cầu thực tế đã và đang góp phần tạo nên sức lan tỏa trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số An Giang.

“An Giang tổ chức khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các cộng đồng dân tộc thiểu số” – ông Lê Văn Phước nói.

Phan Bình

Nguồn: Dulichvn

Phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Với việc sở hữu 1.350 làng nghề và làng có nghề, Thủ đô Hà Nội đang có nhiều lợi thế cũng như tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống…


Ông Ngọ Văn Ngôn – Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho hay, Thủ đô với 1.350 làng nghề và làng có nghề, không chỉ là “nơi lưu giữ hồn cốt” văn hóa, mà còn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có sản phẩm OCOP.

Làng nghề làm hương truyền thống Quảng Phú Cầu. Ảnh: Hạ Lan

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao; là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Ngôn cho biết thêm, khai thác tốt lợi thế này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, mà còn là giải pháp chiến lược để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống, đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa.

Như làng nghề làm nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có hơn 4.000 hộ dân tham gia sản xuất. Sản phẩm nón làng Chuông đã được xếp hạng OCOP 4 sao từ năm 2021.

Hay làng nghề làm hương đen truyền thống làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa). Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều được công nhận là làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Từ chỗ chỉ là nghề phụ, nghề tăm hương đã phát triển thành nghề chính, mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân tại xã Quảng Phú Cầu.

Ông Nguyễn Hữu Nhất – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, các cơ sở sản xuất trong xã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất… Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề như hương vòng, hương nén… đã được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, làng nghề cũng đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc…

Theo đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, mặc dù đạt nhiều thành tựu, song sản phẩm OCOP từ làng nghề ở Hà Nội vẫn còn không ít hạn chế. Số lượng tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đồng đều, một số sản phẩm thiếu tính khác biệt và chưa đáp ứng yêu cầu thị trường cao cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhân lực chuyên sâu trong phát triển thương hiệu, quản trị doanh nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn hoạt động theo lối truyền thống, ít đầu tư cho bao bì, truyền thông, thiếu liên kết thị trường. Chưa hết, tại một số địa phương, việc triển khai chương trình OCOP còn gặp khó khăn do nhiều hộ sản xuất chưa mặn mà tham gia; chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ; thị trường tiêu thụ còn hạn chế…

Để khai thác lợi thế làng nghề trong phát triển sản phẩm OCOP, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Hà Nội cần triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào những trụ cột chính: bảo tồn giá trị nghề truyền thống; đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong thiết kế, bao bì, thương mại điện tử; tăng cường liên kết vùng và chuỗi giá trị OCOP. Đặc biệt, Hà Nội cần mạnh dạn thí điểm các mô hình hợp tác giữa làng nghề với doanh nghiệp lớn, hình thành chuỗi sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh trong và ngoài nước. Cùng với đó, việc xây dựng hệ sinh thái OCOP, từ thiết kế sản phẩm, không gian trưng bày đến kết nối tiêu thụ sẽ là hướng đi bền vững, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa.

Minh Quân

Nguồn: Dulichvn

Giữ nghề dệt thổ cẩm nơi vùng biên

Dệt thổ cẩm không chỉ là nghề thủ công truyền thống mà còn là một nét văn hóa độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống các dân tộc Tây Nguyên.


Giữa nhịp sống hiện đại, ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), vẫn còn những người phụ nữ J’rai thầm lặng bên khung dệt, nhưng phía sau đó cũng còn bao trăn trở khi nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Níu giữ nghề truyền thống

Chiều muộn, trong căn nhà sàn ở buôn A1 (thị trấn Ea Súp), tiếng khung cửi lách cách vang lên đều đặn. Bên khung dệt, bà H’Rek Hra (75 tuổi) miệt mài đưa tay luồn từng sợi chỉ, qua từng nhịp đan chậm rãi, những hoa văn cứ thế dần hiện lên, rõ nét.

Là một trong số ít nghệ nhân người J’rai ở thị trấn Ea Súp còn thành thạo kỹ thuật dệt thổ cẩm, dù tuổi đã cao nhưng bà H’Rek Hra vẫn cần mẫn với nghề truyền thống. Ẩn sau đôi bàn tay khéo léo đã in hằn dấu vết thời gian của bà là niềm đam mê và mong ước níu giữ nghề truyền thống.

Dù tuổi đã cao, bà H’Rek Hra vẫn gắn bó với khung cửi. (Trong ảnh: Lãnh đạo thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) thăm, tìm hiểu nghề dệt vải truyền thống của người J’rai tại nhà bà H’Rek Hra).

Bà H’Rek bắt đầu học dệt từ các bà, các mẹ từ thời còn thiếu nữ. Theo thời gian, say mê tập luyện, bà dần dệt được những tấm vải đẹp, học hỏi được kỹ thuật trang trí hoa văn trên thổ cẩm. Nhưng rồi vì cuộc mưu sinh, phát triển kinh tế, có quãng thời gian bà phải tạm cất khung cửi vào góc nhà, không dệt thường xuyên như lúc trước. Cho đến khoảng 10 năm trở lại đây, không muốn nghề truyền thống bị rơi vào quên lãng, bà lại tiếp tục gắn bó với khung dệt. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bà H’Rek lại say sưa ngồi dệt vải, rồi từ những tấm thổ cẩm ấy, bà tự tay khâu trang phục, vật dụng sử dụng trong sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, con cháu như: áo, khăn, địu, váy, túi, khố…

Cũng là một trong những nghệ nhân lớn tuổi còn gắn bó với nghề truyền thống ở buôn A1, bà H Sun Siu (71 tuổi) bộc bạch, dệt thổ cẩm có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người J’rai, từ cuộc sống đời thường cho đến những nghi lễ truyền thống. Đó cũng là thước đo sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ. Ngày trước, người J’rai tự trồng bông dệt vải, họ còn tìm nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu cho sợi vải. Để dệt được một tấm vải cần rất nhiều thời gian và công sức, những tấm thổ cẩm được dệt nên không chỉ là sản phẩm thủ công đơn thuần mà còn mang giá trị văn hóa và cả những tâm tình của người dệt.

Theo bà H’Sun, ngày trước, tại thị trấn Ea Súp có rất nhiều phụ nữ J’rai biết dệt vải, nhưng rồi theo thời gian, những người già lần lượt đi theo tổ tiên. Đến nay, số người biết dệt thành thạo nơi đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đa phần là những phụ nữ lớn tuổi.

Trăn trở bảo tồn nghề

Thị trấn Ea Súp có 19 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là người J’rai. Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thời gian qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, thị trấn Ea Súp đã triển khai một số mô hình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Ông Y Bông Lào, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Súp cho biết, cùng với việc duy trì một số nghi lễ truyền thống, trên địa bàn thị trấn đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, thường xuyên sinh hoạt phục vụ nghi lễ, lễ hội và các sự kiện của địa phương. Vào cuối năm 2024, tại thị trấn Ea Súp có tổ chức một lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm. Chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, qua đó từng bước giữ gìn, trao truyền nghề truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Là thành viên tham gia lớp học, chị H’Bônh Siu (SN 1983) bày tỏ niềm vui mừng khi nghề dệt nơi đây đang dần hồi sinh. Chị tâm sự, cứ vào mỗi tối, sau giờ lao động trên nương rẫy, các chị em tập trung về nhà văn hóa của thị trấn. Dưới ánh đèn, các nghệ nhân lớn tuổi kiên trì chỉ dạy cho học viên. Cứ thế, nhiều tháng trôi qua, một số chị em đã biết dệt cơ bản, đã có những sản phẩm, thêm thu nhập.

Giữa nhịp sống hiện đại, ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) vẫn còn đó những người phụ nữ J’rai thầm lặng bên khung dệt.

Dù bước đầu đã có những tín hiệu vui nhưng theo ông Y Bông Lào, khó khăn lớn nhất để duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống tại địa phương vẫn là bài toán kinh phí. Bởi bà con còn phải lo kinh tế gia đình, trong khi nghề dệt vải nơi đây không mang lại thu nhập cao cho người dân, sản phẩm thổ cẩm chưa có đầu ra ổn định. Chưa kể, trước nhịp sống hiện đại với nhiều mối bận tâm, nhất là áp lực mưu sinh, thế hệ trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề truyền thống. Đây là rào cản để truyền nghề từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Theo kế hoạch, sắp tới sẽ có thêm lớp dệt thổ cẩm được mở tại đây, hy vọng sẽ góp phần quan trọng trong bảo tồn bản sắc văn hóa trên địa bàn.

Thiết nghĩ, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm không chỉ là bảo tồn nghề truyền thống mà còn là gìn giữ một phần hồn văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, rất cần có chính sách, nguồn lực hỗ trợ cụ thể: từ việc đầu tư, tổ chức lớp dạy nghề miễn phí, đến hỗ trợ kinh phí cho người dân tham gia, cũng như hỗ trợ nguyên liệu, đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm gắn với du lịch… Để từ đó có thể gìn giữ văn hóa gắn với phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Nguyễn Huyền

 

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT