Chiếc mặt nạ vô giá của vị vua trẻ Tutankhamen đã bị làm hư sau khi những người phụ trách ở viện bảo tàng Cairo dùng keo nhanh khô để sửa chữa nó.
Chiếc mặt nạ tượng trưng cho quyền lực của các vị Pharaoh được phát hiện vào năm 1922 bởi nhà khảo cổ người Anh Howard Carter và George Herbert, có tuổi thọ hơn 3.300 tuổi. Đây là một trong những báu vật quý nhất được khai quật cùng với lăng mộ gần như nguyên vẹn của vua Tutankhamen.
Chiếc mặt nạ quý giá được trưng bày trước khi bị sửa chữa sai cách. Ảnh: AFP |
Vào năm ngoái, chiếc mặt nạ này bị hư và cần được sửa chữa. Một số nhân viên bảo tàng nói rằng nó bị làm hư bởi lao công, trong khi một số tin lại nói bộ râu bị gỡ bỏ một cách có chủ đích vì nó bị lỏng. Những người phụ trách bảo tàng Cairo thừa nhận đã gây hư hại cho chiếc mặt nạ vì tự ý sửa không đúng cách. Vì muốn nhanh chóng đem triển lãm trở lại nên thay vì đem mặt nạ Pharaoh đến phòng bảo tồn, họ lại dùng keo nhanh khô để dán râu vô.
“Loại keo này có tính kết dính rất tốt, nhưng thường chỉ nên sử dụng trên kim loại và đá. Tôi nghĩ nó hoàn toàn không phù hợp khi sử dụng trên chiếc mặt nạ vàng của vua Tutankhamen”, một người quản lý nói.
Hình ảnh nhân viên cầm phần râu để chờ keo khô. Ảnh: AP |
Giờ đây, du khách đến chiêm ngưỡng chiếc mặt nạ sẽ thấy ngay một mối nối bằng keo giữa khuôn mặt và bộ râu. Lớp keo dán giữa mặt nạ và bộ râu đã khô, nhưng xung quanh xuất hiện nhiều vết trầy xước. Một người làm trong bảo tàng Cairo cho biết đồng nghiệp của mình đã dùng một dụng cụ giống cái thìa để nạo bớt keo và gây ra các vết này. Sự việc đang được các chuyên gia điều tra và sẽ công bố kết quả trong thời gian tới.
Du khách dễ dàng nhìn thấy mối nối bằng keo và những vết trầy xước. Ảnh: AP |
Bảo tàng Cairo là một trong những điểm đến đông du khách của Ai Cập. Tuy nhiên những lăng mộ hay báu vật trưng bày ở đây không được bảo vệ an toàn trước sự hiếu kỳ của du khách. Phần lớn những căn phòng có nhiệt độ khí hậu không phù hợp và trần nhà thì dột nát.
Thảo Nghi (theo Telegraph)
Nguồn: Vnexpress.net