Dẫn câu chuyện 22.000 lon sữa từ Australia viện trợ cho trẻ em TP.HCM trong đại dịch nhưng gần 1 tháng chưa lấy ra được, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị làm rõ trách nhiệm.
Sáng 9/11, Quốc hội bước sang ngày thảo luận thứ hai về tình hình kinh tế, xã hội. Nội dung phòng chống dịch Covid-19 và những vấn đề phát sinh trong đại dịch tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.
Cần cơ chế đột phá trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”
Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu chia sẻ nhiều mất mát khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại địa phương, làm hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong.
Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch và các mục tiêu thực hiện nhiệm vụ cho cuối năm 2021, đầu năm 2022, nữ đại biểu băn khoăn khi chưa thấy giải pháp thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức của bộ, ngành, địa phương, nhất là đơn vị tham mưu.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo bà, phải làm sao để thấy được trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, không phải cứ khó thì về địa phương, dễ và đúng quy định thì Trung ương làm.
Với những việc mà địa phương cần xin ý kiến trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, nữ đại biểu cho rằng cần cơ chế cho sự đột phá.
Bà dẫn chứng câu chuyện lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM. MTTQ TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT). Trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.
“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn nêu chính kiến của mình?”, bà Châu nói và cho rằng cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Bà cũng đặt câu hỏi: “Lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng chưa lấy ra được là lỗi do ai?”.
Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu, để “không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy”.
“Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này”, nữ đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.
3 yếu tố để sống thích ứng với dịch
Cùng chia sẻ về tình hình dịch, đại biểu Thái Thu Xương (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) lo ngại khi dịch trong nước phức tạp, những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần đây số ca mắc tăng nhanh, có tỉnh phải tăng cấp độ dịch.
Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội. |
Nữ đại biểu tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ hơn trong phòng chống dịch để đất nước chuyển trạng thái bình thường mới. “Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể, chuẩn bị nguồn lực và con người để phòng dịch”, bà Xương nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn với dịch.
Ông phân tích sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đông khiến tình hình khó kiểm soát. Gần đây, số ca mắc bắt đầu tăng cao nên cần xem xét lại để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Đại biểu tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế người dân từ các tỉnh phía Nam về quê dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, khi cách ly tại nhà do điều kiện không đảm bảo nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, làm phát sinh ổ dịch khó kiểm soát.
“Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng, chống dịch, không lây lan cho cộng đồng”, đại biểu Hải đề nghị.
Trong khi đó, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) góp ý 3 yếu tố lớn Chính phủ cần quan tâm để sống thích ứng với dịch.
Một là nhanh chóng có đủ vaccine để tiêm cho toàn dân, kể cả trẻ nhỏ. Việc này giúp mọi người nếu có mắc vẫn ở thể nhẹ, giảm tử vong.
Hai là sớm phổ biến một số thuốc đặc trị đang được thử nghiệm và có đánh giá tốt. “Có 2 yếu tố này thì chúng ta khá yên tâm sống chung với dịch”, bà Luyến nói.
Yếu tố thứ ba nữ đại biểu đề cập là Chính phủ cần chủ động để từ 2022 có thể có vacine trong nước, không phải vất vả ngược xuôi lo vaccine như thời gian qua.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn