Trong khi châu Phi và nhiều nơi khác đang nỗ lực tìm vaccine để tiêm liều đầu tiên cho người dân, hàng triệu liều vaccine sắp hết hạn đang đứng trước nguy cơ bị bỏ phí.
Tại cơ sở bảo quản vaccine của Hà Lan ở Leiden, các tủ lạnh có khoảng hơn 90 hộp vaccine AstraZeneca trên nhãn đề sẽ hết hạn trong tháng 8.
Đối với ông Dennis Mook-Kanamori, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden, người vẫn hàng ngày sử dụng số vaccine trên phục vụ tiêm chủng, việc chứng kiến lô vaccine sắp hết hạn thật khó khăn, theo Washington Post.
Tuy nhiên, điều khiến ông Mook-Kanamori bất bình là chính phủ Hà Lan quyết định để cho số vaccine hết hạn thay vì cố gắng chuyển ra nước ngoài cho các khu vực đang cần.
Trên khắp thế giới, hàng triệu lô vaccine trong các tủ đông cũng gặp tình trạng tương tự. Khi vaccine được phát triển và sản xuất với tốc độ kỷ lục, nhiều lô hàng đã không kịp sử dụng trước khi thời gian hết hạn đến.
Trong thời điểm nhu cầu tiêm chủng đang chậm lại ở các quốc gia thu nhập cao như Hà Lan, ngày càng có nhiều liều lô vaccine Covid-19 đến gần thời điểm không thể sử dụng được và phải bỏ phí.
Hộp vaccine AstraZeneca được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng ở Amsterdam (Hà Lan) hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Những liều vaccine phải vứt bỏ
Vào tháng 7, ông Mook-Kanamori và các đồng nghiệp đã phải bỏ đi 600 liều vaccine. Đến cuối tháng 8, con số này sẽ tăng thêm 8.000 liều. Trong trường hợp không có gì thay đổi, đến tháng 10, tất cả 10.000 liều vaccine trong tủ lạnh ở Leiden sẽ bị vứt bỏ.
Các bác sĩ tại đây ước tính có đến 200.000 liều AstraZeneca ở Hà Lan đối mặt với tình trạng tương tự.
Trong khi đó, phần lớn thế giới vẫn chưa có đủ lượng vaccine để tiêm cho những đối tượng dễ tổn thương trước Covid-19.
Trên khắp châu Phi, tính đến cuối tháng 7, chỉ có 2,2% người dân được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi Hà Lan đã tiêm xong cho hơn một nửa dân số.
Chính phủ Hà Lan nói rằng các thủ tục pháp lý và trở ngại trong công tác hậu cần đã cản trở việc xuất khẩu vaccine, bất chấp các ý kiến chỉ trích từ một số chuyên gia y tế.
Dù vẫn có một lượng vaccine dư thừa trong các chương trình tiêm chủng, nhất là ở quy mô toàn cầu, số lượng vaccine đã hết hạn hay sắp hết hạn vẫn chưa được xác định rõ.
“Chưa có ai từng đánh giá một cách hệ thống những lô vaccine hết hạn”, ông Prashant Yadav, chuyên gia tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), cho biết.
Thay vào đó, thông tin về số vaccine trên xuất hiện trong các bản tin hay những tuyên bố của nhà chức trách ít được công bố rộng rãi.
Tại Israel, 80.000 liều Pfizer/BioNTech sắp hết hạn đã được chính phủ tiêu hủy vào cuối tháng 7. Ba Lan cũng đã xử lý 73.000 liều từ nhiều hãng sản xuất, và Slovakia cũng trả lại Nga 160.000 liều Sputnik V chuẩn bị hết hạn.
Tại Mỹ, chỉ riêng bang North Carolina, các thống kê cho thấy số vaccine sắp hết hạn là 800.000 liều. Trên cả nước, tổng số liều vaccine hết hạn hoặc sắp hết hạn lên đến hàng triệu.
Giả sử mỗi liều vaccine có giá 20 USD, số tiền lãng phí thậm chí lên đến hàng chục triệu USD và nhiều hơn. Trong khi đó, cái giá trải trả cho sức khỏe con người còn cao hơn gấp bội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 9/8, gần 470.000 liều vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau đã hết hạn ở châu Phi.
Một số quốc gia đối mặt với tình trạng nhiều lô vaccine sắp hết hạn sử dụng. Ảnh: Reuters. |
Thời hạn sử dụng của vaccine Covid-19?
“Hầu hết vaccine đều có thời gian sử dụng tương đối ngắn”, ông Richard Mihigo, thành viên WHO phụ trách điều phối tiêm chủng và phát triển vaccine tại châu Phi, cho biết.
“Số vaccine chúng ta sở hữu lúc này không đủ. Chúng lại sắp hết hạn, có nguy cơ hư hỏng do thiếu nguồn điện bảo quản, và sẽ không được chuyển đến người dân”, Bà Lawrence Gostin, giáo sư tại Đại học Georgetown, cho biết.
“Đó thật sự là một thất bại”, bà Gostin khẳng định.
Theo ông Jesse Goodman, chuyên gia tại Trường Y khoa Georgetown, vaccine thường bị biến chất nhanh hơn so với nhiều loại dược phẩm khác, vốn có thể bảo quản hàng năm trời.
Khi cất trữ lâu ngày, các loại vaccine “có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch như ban đầu”, ông Goodman nói. Lúc đó, từ khả năng bảo vệ của vaccine cũng suy yếu, ông cho biết.
Các loại vaccine sử dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA), chẳng hạn như của Pfizer/BioNTech và Moderna, lại càng thiếu ổn định hơn nếu để lâu.
Vaccine mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna có yêu cầu bảo quản cao và cần được sử dụng sớm. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, các loại vaccine Covid-19 được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ ủy quyền sử dụng khẩn cấp khi mới có dữ liệu trong 6 tháng đầu. Do đó, nhà chức trách buộc phải thận trọng hơn khi ra quy định về thời gian sử dụng.
WHO cho biết viễn cảnh lãng phí lô vaccine chưa mở lọ “có thể tránh được”, khác với việc phải vứt bỏ số vaccine đã mở lọ và không thể sử dụng.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết các quốc gia cần đảm bảo tỷ lệ vaccine lãng phí luôn dưới mức 1%. Trong khi đó, dữ liệu do Liên minh vaccine toàn cầu Gavi tổng hợp cho thấy tình trạng lãng phí vaccine Covid-19 có thể lên mức 10% hoặc cao hơn.
“Không có đủ thời gian”
Tại Hà Lan, nhu cầu vaccine ở thời điểm hiện tại không còn quá cấp bách. Tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia châu Âu này đã đạt 55%. Do đó, những người như ông Mook-Kanamori đang hướng nguồn vaccine đến các quốc gia khác.
Namibia, một quốc gia Tây Phi đang chật vật tìm nguồn cung vaccine, có vẻ là một lựa chọn khả dĩ. Chính phủ Hà Lan vẫn cho rằng các liều vaccine cần được tiêu hủy sau khi hết hạn sử dụng. Dù vậy, Hà Lan đã cam kết tặng những liều vaccine khác cho thế giới, bao gồm 75.000 liều vaccine AstraZeneca dành cho Nambia.
Ông Mihigo nói rằng trên khắp châu Phi, hầu hết quốc gia đã điều chỉnh chiến dịch tiêm chủng trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng, nhưng các lô hàng chậm trễ đã khiến việc tiêm chủng cho một số người trở nên gấp gáp hơn.
Liberia chỉ có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều AstraZeneca do Liên minh châu Phi cung cấp. Đến nay, khoảng 27.000 liều đã hết hạn.
Bộ trưởng Y tế Liberia, bà Wilhemina Jallah, cho biết: “Chúng tôi không có đủ thời gian”.
Châu Phi rất cần vaccine để tăng tỷ lệ tiêm chủng, trong khi số vaccine hết hạn phải bỏ đi ngày một nhiều. Ảnh: Reuters. |
Ông Landry Kaucley, trưởng bộ phận phân phối vaccine tại Benin, nói rằng sau 3 tháng cố gắng phân phối, chính phủ đã phải bỏ đi 51.000 liều vaccine hồi tháng 7.
Trước đó, ở Malawi, nhà chức trách cũng tiêu hủy gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn vào tháng 5.
Trong khi đó, FDA vào tháng 7 đã gia hạn thời hạn sử dụng cho vaccine của Johnson & Johnson ở Mỹ từ 4,5 tháng lên thành 6 tháng.
Đại diện Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết dự kiến tăng thời hạn sử dụng vaccine Sputnik V từ 6 tháng đến một năm.
Một số chuyên gia hy vọng rằng các thỏa thuận song phương và cơ chế phân phối của Liên Hợp Quốc – COVAX – sẽ giúp chuyển các liều vaccine đến nơi cần trước khi quá hạn.
Cùng với đó, như ông Mook-Kanamori nói, quyết tâm của các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng có vai trò quan trọng không kém trong nỗ lực đưa vaccine đến mọi người.
Nguồn: News.zing.vn