Sau khi từ TP.HCM về quê, Huy đã đến căn chòi trên rẫy của gia đình cách nhà 10 km để tự cách ly. Tại đây, cậu tranh thủ giúp ba mẹ trông rẫy và thu hoạch sầu riêng đang vào vụ.
11 ngày qua, sau khi từ TP.HCM về quê tránh dịch, Hà Văn Huy đã tự cách ly tại căn chòi của gia đình tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là căn chòi nằm trên rẫy của gia đình Huy, cách nhà cậu và khu dân cư đông đúc đến 10 km. Với địa hình biệt lập như vậy, gia đình đã để Huy đến đây sinh hoạt trong 14 ngày, đảm bảo quy định phòng chống dịch tại địa phương.
Từ 1/8, Huy từ TP.HCM về quê tránh dịch. |
Chia sẻ với Zing, Huy cho biết căn chòi thường được gia đình cậu dùng để nghỉ tạm mỗi lần thăm rẫy, xây dựng đơn sơ, vật dụng bên trong cũng đã cũ kỹ.
Khi mới về đây cách ly, Huy đã dành 4 ngày đầu tiên để dọn dẹp, tu sửa lại.
“Ngày 1/8 mình về đến quê, sau khi khai báo y tế đã đến luôn rẫy để ở. Ngày đầu tiên, mình quét dọn nơi ở cho sạch bụi bẩn. Ngày thứ hai, mình đào đất để đôn nền căn chòi lên. Nền cũ bị thấp quá rồi.
Ngày thứ ba, mình rửa hết những vật dụng trong chòi để sử dụng. Đến ngày thứ tư, mình sửa sang lại chỗ tắm gội, đấu lại đường dây điện và lau lại các vật dụng thêm một lần nữa”, Huy kể.
Do rẫy ở xa nhà, cứ khoảng 2-3 ngày, mẹ Huy mới tiếp tế thực phẩm cho cậu một lần. Mẹ chuẩn bị nguyên liệu tươi sống như thịt, rau, trái cây để Huy tự nấu ăn và không quên mang theo khẩu phần riêng cho chú chó của gia đình – người bạn 4 chân đang làm nhiệm vụ canh gác tại rẫy.
Bên trong căn chòi của gia đình Huy. |
Ở rẫy không có nhiều phương tiện giải trí, Huy đã chăm chỉ tập thể dục, rèn luyện sức khoẻ nhiều hơn. Cậu cũng tranh thủ cùng chú chó đi khắp rẫy trông coi, giúp ba mẹ phát quang cỏ dại và thu hoạch sầu riêng.
“Cứ khoảng 7h tối, mình phải lên giường và mắc màn rồi, vì trên rẫy nhiều muỗi lắm. Còn buổi sáng thời tiết mát mẻ và dễ chịu. Ở rẫy không nhộn nhịp như trên thành phố nhưng mình rất thích, cảm thấy không còn chút áp lực nào”, Huy nói.
Suốt những ngày sinh hoạt trên rẫy, Huy đã có được nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những đêm mưa lớn, nước mưa dột qua lỗ thủng trên mái chòi khiến Huy không thể ngủ. Nhiều lần khác khi đang say giấc, Huy phải giật mình vì nghe tiếng chó sủa, lo sợ có kẻ gian.
Nhưng điều khiến cậu ghi nhớ nhất chính là tình cảm của những bà con lối xóm xung quanh mình.
Căn chòi khá đơn sơ nhưng đầy đủ dụng cụ sinh hoạt. |
Trước đó, khi về quê, cậu lo ngại sẽ bị mọi người xa lánh vì về từ vùng dịch. Nhưng điều đó hoàn toàn không xảy ra. Những người hàng xóm gần nhà Huy đã gửi mẹ cậu rất nhiều thức ăn để mang lên rẫy, động viên cậu sớm hết cách ly về nhà.
Không những thế, những người dân đi thu hoạch nông sản gần rẫy nhà Huy cũng chủ động tặng cho cậu trái cây mặc dù không quen biết. Sự quan tâm từ mọi người đã khiến chàng thanh niên rất cảm động.
“Rẫy nhà mình nằm ở cuối buôn, rất vắng vẻ. Có lẽ sợ mình đói nên các cô chú rẫy bên cạnh thường xuyên mang trái cây, thức ăn đặt trước cổng cho mình.
Họ đều là người dân tộc thiểu số, rất thật thà, hiền lành. Mình rất vui, hạnh phúc khi nhận được những món quà của mọi người như thế”, Huy tâm sự.
Huy cho biết sau khi kết thúc 14 ngày cách ly, cậu sẽ ở lại rẫy thêm 7 ngày nữa. Huy muốn cách ly đủ 21 ngày để đảm bảo an toàn cho gia đình, đồng thời có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên.
Thực phẩm Huy được mẹ tiếp tế. |
Từ 1/8, UBND tỉnh Đắk Lắk đã dừng kế hoạch đón công dân từ TP.HCM về quê tránh dịch.
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có kế hoạch đón 500 người về địa phương vào ngày 2/8. Tuy nhiên, Thủ tướng đã có công điện hỏa tốc yêu cầu tất cả người dân tuyệt đối không rời khỏi tỉnh, thành phố đang cư trú nên địa phương đã dừng kế hoạch này. Khi thêm ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai.
Nguồn: News.zing.vn