Tuy đường hoàng trả đến hàng trăm đô la cho món ăn này, nhưng các thực khách vẫn phải dùng vải che và ăn một cách “thậm thụt”.
Tưởng tượng thế này, bạn ngồi cùng mọi người quanh một chiếc bàn trong phòng tối được thắp sáng chỉ bởi những ngọn nến. Không khí cổ kính và lặng yên trong căn phòng có sẽ sẽ khiến đầu óc chúng ta “nhẩn nha” đến những suy nghĩ có phần hơi đáng sợ, và nỗi sợ ấy hẳn sẽ tăng lên khi bạn thấy ai cũng được phát một chiếc khăn màu trắng và được yêu cầu phủ nó lên đầu mình. Khung cảnh đó có thể gợi cho bạn đến một số bộ phim như The Conjuring hay đại loại thế…
Khung cảnh cứ như một thước phim kinh dị trong khi thực ra đó chỉ là bữa tối của người Pháp.
Nghe thì có hơi hoảng hốt nhưng đó lại là cách để ăn một trong những món được đánh giá là ngon nhất và xem như kiệt tác nghệ thuật của ẩm thực Pháp: chim sẻ.
Nó không hề giống như những cách bình thường chúng ta dùng để thưởng thức các món ngon. Chúng ta không được thoải mái chiêm ngưỡng món ăn (vì chẳng có gì để ngắm khi mà trên đĩa chỉ có con chim sẻ nhỏ xíu nằm chèo queo), không được bình luận về món ăn, về cái cách tuyệt vời mà bếp trưởng đã xử lý nguyên liệu hay ậm ừ ngợi khen hương vị thơm ngon. Bạn không được làm những điều này. Thay vào đó, bạn im lặng. Sẽ không sai khi nói tiêu chuẩn của việc ăn món này là phải thậm thụt, lén lút và càng im lặng càng tốt. Như thể bạn chẳng phải trả đến mấy trăm đô la để có thể thưởng thức nó vậy.
Hai thực khách thưởng thức món chim sẻ Pháp trong nhà hàng hạng sang mà vẫn phải thậm thụt như thế này.
Cách ăn cụ thể diễn ra như sau: Đầu tiên, bạn đội khăn trắng lên đầu trước, chưa hẳn che phủ gương mặt và có thể lắng nghe bếp trưởng phổ biến về cách làm chim. Sau đó, bạn kéo khăn trắng phủ hết đầu mình để không ai thấy được, rồi cúi đầu thật thấp, dùng tay cầm con chim sẻ đã được chế biến lên và nhai cả con, bao gồm đầu, cánh, mỏ, xương, tất cả, theo như tờ báo Anh Telegraph miêu tả.
Trùm khăn…
Ăn…
… và nhai trong im lặng.
Nói về lý do vì sao lại như thế thì có rất nhiều giải thích, trong đó phổ biến nhất là do muốn “che giấu”. Nếu bạn đang nghĩ, ăn chim sẻ thôi mà, có gì phải che giấu? Đúng là ăn chim sẻ thì không cần phải che giấu, nhưng chính cách làm nên món ăn đó mới là điều khiến người Pháp phải trùm khăn và ăn trong lặng lẽ. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng cách làm nên món chim sẻ của người Pháp thường được đánh giá là “thiếu nhân đạo”.
Để mang được một chú chim sẻ lên đĩa phục vụ thực khách, người ta phải đi săn chim sẻ. Tuy nhiên, do yêu cầu của các nhà hàng là chim sẻ phải còn nguyên vẹn nên thợ săn không dùng súng đạn – những thứ có thể tổn thương cơ thể chim. Thay vào đó, họ dùng lưới và bẫy để bắt chim rồi giam chúng trong lồng tối, sau đó vận chuyển chúng trong tình trạng như thế đến nhà hàng để đảm bảo độ tươi sống.
Trong thời gian này, chúng bị ép ăn rất nhiều các loại hạt để có thể béo lên, tương tự với việc ngỗng bị ép ăn nhiều để nuôi ra phần gan foie gras béo ngậy (điều này cũng bị lên án không kém). Mặt khác, chim sẻ có tập tính ăn về đêm nên để chúng có thể ăn mọi lúc mọi nơi, một số người còn chọc mù mắt của chim sẻ để chúng tưởng lúc nào trời cũng tối. Chính người Pháp cũng ý thức được rằng chuyện này là một việc làm tội lỗi, song, do vẫn không cưỡng lại được độ ngon của món ăn này, người ta bèn nghĩ ra việc trùm đầu lại khi ăn để không bị đánh giá cũng như tránh ánh mắt dõi theo của Chúa Trời.
Tuy nhiên, một số đầu bếp người Pháp lại từng nói rằng việc che khăn cũng có công dụng thực tế. Vì chim sẻ sau khi chế biến kiểu Pháp có mùi thơm ngào ngạt nên việc dùng khăn trùm có thể “khoá” lại hương thơm, giúp người ăn cảm nhận hoàn toàn hương vị. Một số khác thì cho rằng khăn trùm có thể che giấu hành động nhả xương sau khi ăn chim.
Hiện tại, món chim này đã bị cấm phục vụ tại các nhà hàng Pháp do nhiều lý do như tính nhân đạo và cũng vì sự săn bắn chim sẻ dần vượt ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Song, nhiều nhà bếp người Pháp như Alain Ducasse vẫn luôn cố gắng đàm phán với chính phủ để có thể phục vụ món chim này, dù chỉ là trong ngày cuối tuần.
Source (Nguồn tham khảo): Telegraph, Guardian, CNBC
Nguồn: KENH14.VN