Thị trường khách Thái Lan tăng trưởng mạnh

0
Thị trường khách Thái Lan tăng trưởng mạnh

Bên cạnh các thị trường khách truyền thống, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực mở rộng các thị trường khách quốc tế để đa dạng hóa nguồn khách đến Đà Nẵng. Trong đó, sự tăng trưởng rõ rệt nhất thời gian qua phải kể đến thị trường khách Thái Lan, từ vị trí thứ 5 (2018) đã vươn lên vị trí thứ 3 trong 6 tháng đầu năm 2019.

Khách Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung thường thích những sản phẩm du lịch mới mẻ, tạo được điểm nhấn. Trong ảnh: Khách tham quan cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hills.

Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố cho biết, thời gian gần đây lượng khách Thái Lan đến Đà Nẵng tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, năm 2018, lượng khách của thị trường này đến Đà Nẵng khoảng 56.174 lượt, chiếm 2,1% tổng lượng khách quốc tế, tăng 2,4 lần so với năm 2017 (23.282 lượt). Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách Thái Lan đến Đà Nẵng khoảng 125.272 lượt khách, chiếm 6,68% tổng lượng khách quốc tế, tăng 4,51 lần so với cùng kỳ năm 2018 (27.767 lượt).

Theo đại diện các đơn vị khai thác thị trường, lượng khách Thái Lan đến Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch thành phố. Điều này giúp cho ngành du lịch Đà Nẵng tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, nếu có biến động sẽ ảnh hưởng không tốt.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công CP Sự kiện và Du lịch Kết nối mới (Necotour) chỉ ra rằng, một trong những thuận lợi lớn nhất của Đà Nẵng là có thêm nhiều đường bay thẳng mới từ Đà Nẵng tới Thái Lan. Đơn cử, từ tháng 3-2019, đường bay Đà Nẵng – Bangkok do Bangkok Airways khai thác với tần suất 14 chuyến/tuần (2 chuyến/1 ngày); đường bay Đà Nẵng – Bangkok do Thai Air Asia khai thác với tần suất 21 chuyến/tuần (3 chuyến/1 ngày).

Sang tháng 4-2019, đường bay Đà Nẵng – Bangkok do Vietjet Air khai thác đã tăng từ 2 lên 3 chuyến mỗi ngày (tần suất 21 chuyến/tuần); Mới đây, Thai Air Asia đã khai trương thêm đường bay Chiang Mai – Đà Nẵng (7 chuyến/1 tuần)… Khi việc đi lại thuận lợi và dễ dàng, cộng với các sản phẩm du lịch ổn định thì sẽ được khách lựa chọn.

Thực tế, nhiều năm trước đây, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung từng là điểm đến của thị trường khách Thái Lan. Tuy nhiên, trước đây, khách Thái Lan đi vào Đà Nẵng chủ yếu bằng đường bộ, chuyến đi thường kéo dài ngày và khó khăn nên được một thời gian thì thị trường này bị sụt giảm đáng kể. Những năm gần đây, khi các đường bay mở ra nhiều, giờ bay thuận lợi, giá rẻ… thì lượng khách đi du lịch nhiều hơn.

Để duy trì nguồn khách Thái Lan, ngành du lịch thành phố cần nhanh chóng có thêm các sản phẩm du lịch mới, tạo được sức hút.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist), một trong những đơn vị đón khách Thái Lan hiện nay nhìn nhận, ngoài thuận lợi về các đường bay trực tiếp, thì sản phẩm du lịch tại miền Trung khá đặc sắc và phong phú; điều kiện giao thông thuận lợi, không kẹt xe, tắc đường, bán kính giữa các điểm du lịch lân cận lại không quá xa (khoảng 120km), các cơ sở phục vụ khách du lịch rất tốt… Bên cạnh đó, công tác truyền thông trên mạng xã hội mang lại hiệu quả khá mạnh về các sản phẩm mới như: cầu Vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills, lắc thúng tại Hội An. Đà Nẵng lại nằm ngay trung tâm con đường di sản, từ đây đi tới các điểm đến của cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) rất thuận lợi đã tạo ra cú hích so với các điểm tham quan khác trong cả nước. Riêng Công ty Indochina Unique Tourist mỗi tháng đón khoảng 4.000 lượt du khách Thái Lan vào Việt Nam, trong đó điểm đến Đà Nẵng chiếm hơn 1.000 lượt.

Ông Nguyễn Sơn Thủy đánh giá, hiện tại, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách. Tuy nhiên, để duy trì được lượng khách tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo, ngành du lịch thành phố phải nhanh chóng nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, ấn tượng, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ ấn tượng hơn nữa; đồng thời nên mở rộng không gian du lịch và dịch vụ ở các vùng nông thôn, nông nghiệp…

Ông Thủy lý giải, thị trường khách Thái Lan cũng có chu kỳ phát triển ngắn trong vòng 3-4 năm, sau đó nếu điểm đến không có gì mới, một khi đã “bão hòa” thì họ sẽ tìm kiếm du lịch nước khác, hoặc điểm đến khác. Trong khi đó, Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển du lịch tại các vùng nông nghiệp, bán đảo Sơn Trà, vùng biển, sông, hồ,… Các hàng hóa thủ công mỹ nghệ, tặng phẩm cho khách du lịch, ẩm thực hải sản chưa được khai thác, chế biến và chào bán với giá trị cao.

“Việc mở rộng các thị trường khách quốc tế là định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố. Đến nay, sau 6 tháng triển khai kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách quốc tế giai đoạn 2019-2021, tổng lượng khách lưu trú tại Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm đạt 1,76 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 34 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 492 chuyến/tuần, tăng 10 đường bay so với năm 2018; trong đó có 18 đường bay thường kỳ, tăng 2 đường bay so với băn 2018 và 16 đường bay thuê chuyến, tăng 8 đường bay so với năm 2018. Các thị trường trọng điểm Đông Nam Á, Nhật Bản và thị trường châu Âu, Úc đang có sự dịch chuyển và có mức tăng đáng kể so với năm 2018, trong đó phải kể đến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường khách Thái Lan”.

Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch

Bài và ảnh: Thu Hà

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn