Chiều ngày 10/6, tại TP. Tam Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch mới Quảng Nam. Tham dự có gần 80 doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư cùng đại diện các địa phương trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: K.L
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc phát triển điểm đến và xây dựng sản phẩm tại chỗ, nhất là sự hạn chế về hạ tầng, sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực… dù Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận những đóng góp ý kiến của các công ty du lịch và khẳng định, hội nghị mới chỉ là khởi đầu, sắp tới sẽ có thêm những cuộc thảo luận chuyên sâu về phía nam, miền núi, kể cả du lịch hải đảo.
Đồng chí Lê Trí Thanh cũng cho rằng khó có thể giải quyết những vấn đề đặt ra trong một thời gian ngắn mà cần quá trình, trong đó đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, sự thấu hiểu làm du lịch là như thế nào, bởi sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng của tự nhiên và văn hóa. Đặc biệt, sản phẩm du lịch văn hóa cũng là dịch vụ nên muốn đưa ra một sản phẩm hấp dẫn du khách thì hàm lượng chất xám, hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm đó cực kỳ lớn. Vì vậy, để thuyết phục các cấp, ngành, đơn vị hiểu được ý tưởng, sản phẩm chắc chắn sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng điểm đến, rồi việc liên kết du lịch giữa các địa phương… cũng cần xem xét, nhất là phải thay đổi cách làm để thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển tốt hơn thời gian tới.
Thống kê cho thấy, Quảng Nam có rất nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, ngoài 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Quảng Nam còn có 125km bờ biển và hàng chục di tích, danh thắng đẹp. Tuy vậy, nhiều năm qua du lịch Quảng Nam chủ yếu “sôi động” khu vực phía bắc xoay quanh di sản phố cổ Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm.
Cả một vùng rộng lớn phía nam và phía tây dù được đánh giá hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để phát triển du lịch với các sản phẩm từ rừng xuống biển; từ văn hóa đến sinh thái, làng quê; từ trải nghiệm, mạo hiểm đến di tích lịch sử, cách mạng… vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Vì vậy, nên cần có sự tham gia của nhiều cấp ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư, truyền thông để thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế đó.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn