Làng lụa Hội An đã dần dần quy tụ được những gương mặt sáng giá nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới đến tham dự Festival.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-châu Á 2017 vào sáng 12/6
Sáng 12/6, tại Làng lụa Hội An (đường Nguyễn Tất Thành, TP Hội An, Quảng Nam) diễn ra Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-châu Á 2017. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017.
Theo Ban tổ chức, Festival Văn hóa Tơ lụa thổ cẩm Việt Nam-châu Á 2017 có 7 nước châu Á và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam tham gia. Đây là lần thứ ba, Làng lụa Hội An tổ chức Festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế.
Các đối tác làng nghề truyền thống có danh tiếng nhiều trăm năm cũng tham gia Festival
Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tơ lụa Quảng Nam, phó ban tổ chức Festival cho biết: Với uy tín là thành viên Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa châu Á cũng như mối quan hệ quốc tế với các đơn vị sản xuất tơ lụa trong khu vực, Làng lụa Hội An đã dần dần quy tụ được những gương mặt sáng giá nhất của ngành sản xuất tơ lụa và thời trang thế giới đến tham dự Festival.
Du khách trong nước hào hứng với các sản phẩm làm bằng lụa
Đó là các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Thái Lan, các nước láng giềng như Malaysia, Campuchia, Myanmar, Lào… đưa sản phẩm đến tham dự các triển lãm, tham gia hội thảo nhằm tạo cơ hội có con đường hợp tác và phát triển thị trường chung tại châu Á cho thời trang tơ lụa.
“Tại Việt Nam, các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc, TP.HCM, Hà Nội cũng có mặt với hàng trăm sản phẩm tơ lụa mới được xuất khẩu ra nước ngoài như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam”, ông Vũ cho biết.
Du khách quốc tế hỏi đặt mua sản phẩm từ lụa tại Festival
Đặc biệt, Festival thu hút sự tham gia nhiệt tình của những làng nghề trong cả nước, với sự có mặt của gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi cao phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khơme ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơtu của vùng núi miền Trung, nghệ nhân dân tộc Thái của vùng phía Tây tỉnh Nghệ An Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, các đối tác làng nghề truyền thống có danh tiếng nhiều trăm năm như làng lụa Nha Xá, Vạn Phúc, Nam Cao ở đồng bằng Bắc bộ. Các làng nghề Tân Châu ở An Giang, Chăm Ninh Thuận đều sẽ mang máy móc và sản phẩm về Làng lụa Hội An để trình diễn kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống cho công chúng thưởng lãm.
Festival cũng thu hút sự hợp tác của giới thiết kế hàng đầu Việt Nam. Nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh và ê kip 15 nhà thiết kế trẻ sẽ thực hiện Đêm Lụa Phương Đông, thể hiện dòng thời trang tơ lụa ứng dụng vào đời sống hàng ngày và có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo thời trang và chất liệu lụa, đũi Việt nam. Trong đó có những tên tuổi đầy triển vọng như NTK Thanh Thúy, Des Khang, hoa hậu Ngọc Hân…
Đức Hoàng
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn