“Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe” – câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn

0
“Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe” – câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn

Tại hàng bánh tráng nướng yên lặng của hai vợ chồng chị Thuý, dù không ai nói gì nhưng mọi người vẫn có thể hiểu nhau.

Chiều Chủ nhật là ngày mà người ta đi chơi, đi ăn ráo riết và tự nhủ, phải làm sao để sử dụng hết những thời khắc quý báu của cuối tuần để thư giãn, trước khi lại bị ném vào guồng quay tuần mới vào thứ Hai. Thế nên họ vội vã ra phố, ra nơi có tiếng ồn xe cộ, tiếng chuyện trò râm ran, tiếng trao đổi, rao bán không bao giờ ngơi nghỉ. Thậm chí đến cả những chỗ vắng vẻ, đôi tai con người vẫn bắt được một vài thanh âm nhỏ nhặt: là tiếng ù ù của cây quạt trần cũ kỹ, tiếng chuột lít nhít trong kệ tủ phủ bụi, tiếng mèo kêu lê thê trong con hẻm vắng, tiếng rè rè của chiếc máy phát đời cũ thuộc về một cụ ông nào đó.

Vẫn luôn như thế ở Sài Gòn. Phồn hoa, vội vã và ồn ào, đó là thành phố nơi con người tứ xứ ùa về và không lúc nào ta không nghe được những âm thanh.

Trừ một nơi.

Có một nơi trong thành phố này mà âm thanh không thể chạm đến, không cách nào chạm đến. Nằm trên con đường Vạn Kiếp với vô số hàng quán và người xe tấp nập, nằm giữa ồn ào và vội vã của phố thị, là một hàng bánh tráng im lặng nhất thế giới: Bánh tráng Minh Quân.

Bánh tráng Minh Quân – hàng bánh tráng yên lặng nhất Sài Gòn với toàn bộ người bán đều không thể nói hoặc nghe.

Khách đến đây không nói chuyện với người bán, người bán cũng không nói chuyện với khách hàng, mọi trao đổi đều diễn ra dưới hình dạng cử chỉ, biểu cảm và hành động mô tả. Bởi vì không giống như chúng ta những người sinh ra với thính lực bình thường – chị Thuý và anh Sơn, chủ nhân hàng bánh tráng nướng vỉa hè đường Vạn Kiếp quận Bình Thạnh, không thể nói và nghe.

Biết được câu chuyện của anh chị và hàng bánh tráng đã lâu, chúng tôi theo hướng dẫn từ người quen tìm đến vào khoảng 5 giờ chiều ngày Chủ nhật. Lúc này gian hàng của anh chị hãy còn vắng, không thấy anh đâu, chị cùng hai cậu em phụ việc (cũng không nói và nghe được) ngồi bên nhau im lặng, thi thoảng sắp xếp đồ dùng, chuẩn bị đón khách. Tôi cùng hai người bạn còn đang phân vân, không biết phải mở lời – à mà không, không biết phải làm như thế nào…

Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe - câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 2.

Chị Thuý cùng những người em phụ bán bánh tráng.

Từ trước đến giờ, những người sinh ra với thính lực bình thường như chúng ta đã quen có âm thanh và ta sử dụng chúng một cách tuỳ tiện để diễn đạt suy nghĩ mà đôi khi không cần cân nhắc. Mãi đến lúc đứng trước những người không thể nghe, không thể nói được, ta mới bắt đầu hoang mang. Chúng ta lần đầu phải vất vả tìm cách để có thể giao tiếp và điều đó mới thật xa lạ, thật khó khăn làm sao. Tuy nhiên, trong khi chúng tôi vẫn còn đang chần chừ thì chị Thuý chủ nhân hàng bánh tráng đã bắt gặp chúng tôi. Và chị làm một điều, một điều kỳ diệu khiến tôi chợt nghĩ: cần ngôn ngữ để làm gì?

Chị cười. 

Chị cười một nụ cười thật tươi và tôi thấy mình hiểu được một cách vô cùng bản năng mà chẳng cần giải thích: chị vui vẻ, chị mừng, chị chào đón chúng tôi. Không cần lời nói nữa.

Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe - câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 3.

Chị Thuý cười thật tươi bên con trai 6 tuổi – bé Minh Quân.

Chị tiến đến, hướng chúng tôi đến chiếc xe đẩy khiêm tốn của chị, và hai người em của chị thì hào hứng chỉ trỏ các thành phần trên xe: nào thực đơn, bánh tráng, trứng cút, vỉ nướng… Và ở đó, ngay trước thân xe đẩy, chúng tôi thấy một dòng chữ khiến ai nấy cũng xúc động:

“Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe”.

Đúng vậy, thế giới của những con người ấy sẽ mãi mãi vắng bóng các thanh âm, những thanh âm nhỏ nhặt hằng ngày mà chúng ta đôi khi cho là phiền toái. Họ không nghe được tiếng chim hót réo rắt đầu ngày, họ không nghe được những bản nhạc êm dịu, không nghe được những lời tâm tình… Tất cả đều là một khoảng lặng tịch mịch kéo dài.

Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe - câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 4.

“Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe”.

Tuy nhiên, trái với cảm xúc ngổn ngang của tôi thì chị Thuý và hai người em đều thản nhiên. Khi thấy tôi muốn nói gì đó, họ nhanh chóng đưa giấy và bút, có vẻ đã rất quen với những thực khách với quá nhiều điều muốn nói. Song tôi vẫn không hỏi được nhiều, phần vì trao đổi bằng giấy bút hiển nhiên mất thời gian hơn, và phần vì các thực khách đã bắt đầu xếp hàng quanh xe bán bánh tráng nướng.

Khoảng 6 giờ chiều Chủ Nhật là tầm mà người ta bắt đầu tụ tập, lúc này hàng bánh tráng của chị trở nên vô cùng đông. Đông đến mức tôi không dám làm phiền dù thấy rõ ràng là chị Thuý cùng hai cậu em sẽ luôn cố gắng trả lời nếu có thể.

Qua trao đổi rời rạc từ giấy tờ đến tin nhắn điện thoại (bất kì công cụ trao đổi nào mà tôi có thể nghĩ tới), tôi biết được hôm nay anh Sơn, chồng chị Thuý không đến do có việc bận, và rằng hai vợ chồng quê ở Đồng Nai, lên Sài Gòn mưu sinh đã được 11 năm. Họ thuê phòng ở đây và cùng nhau mở hàng bánh tráng để trang trải. Anh chị biết đến nhau, cưới nhau và có hai con một trai một gái. Hai bé đều có khả năng nghe nói bình thường. 

Con trai chị năm nay vừa lên lớp một và tôi có thể thấy điều đó làm chị tự hào như thế nào. Chị chỉ vào hai chữ “Minh Quân” trước xe bánh, rồi chỉ vào con trai chị, ý bảo đây là tên của bé. Cậu bé kháu khỉnh, trông lém lỉnh nhưng lại dễ ngại. Thấy chúng tôi chụp hình, chị cố gắng kéo con ra nhưng cậu nhóc chỉ bẽn lẽn rúc vào lòng mẹ.

Thấy hàng bánh tráng đông khách, chúng tôi cũng thôi không hỏi han nữa, và hoà mình cùng những người khác rồi gọi bánh tráng để nhâm nhi. Ở đây có bán bánh tráng nướng và bánh trứng cút nướng với các loại topping khác nhau. Bạn có thể lấy giấy bút và ghi order, hoặc có thể chỉ tay vào. Có lẽ do không thể nói được nên tấm thực đơn của quán cũng được chăm chút hơn hẳn với chữ giới thiệu, lưu ý dày đặc như “chúng tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món” hoặc “món này ngon lắm!”. Những dòng chữ tưởng vô tri nhưng trong tình huống này lại thấy được sự nhiệt tình và chân thành.

Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe - câu chuyện cảm động của hàng bánh tráng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 7.

Bên cạnh đó, hỏi thăm một vài vị khách ghé lại, là những bạn gái rất trẻ, các bạn đến đây nhiều lần rồi và cũng cho hay là vào ngày đi học thì sẽ đông hơn do có rất nhiều học sinh. Về hương vị món ăn, các bạn nói rằng bánh tráng ở đây có topping nhiều hơn chỗ khác, và chính tôi cũng phải thừa nhận rằng chị Thuý rất hào phóng khi cho thịt bằm, trứng cút cùng các loại nhân lên bánh. 

Khó để đánh giá một món ăn vặt có hương vị gì khác trong hằng hà sa số những hàng quán ở Sài Gòn, nhưng có thể nói là các món ở đây được làm rất “có tâm”. Thịt bằm xào vừa miệng, khi đập trứng nhỡ chẳng may rơi vỏ vào bánh, chị và hai người em sẽ cố dùng kéo để gắp ra, tránh cho khách ăn phải. Chúng tôi gọi bánh trứng nướng topping khô bò và bánh tráng nướng truyền thống. Bánh trứng có cực nhiều topping, bánh tráng nướng thì nên ăn ngay khi còn nóng, nếu không sẽ rất nhanh mềm.

Chúng tôi nhận bánh tráng còn nóng hổi, chị Thuý còn chỉ vào bánh tráng và làm một động tác thủ ngữ, mà sau này về nhà tra lại thì tôi mới biết đó là “cảm ơn”. Nhưng tôi cũng ngờ ngợ từ trước rồi nhờ vẻ mặt của chị. Người ta nói, những người câm, điếc phải dùng gấp đôi những gì họ có được để truyền tải, và điều đó bao gồm cả cơ thể, cả gương mặt. Vậy nên biểu cảm của họ lúc nào cũng sống động. Họ “nói” bằng cả cơ thể nên chúng ta không sợ không nghe được và ngược lại, họ cũng “nghe” chúng ta bằng cử chỉ, biểu cảm. Vậy nên nếu ăn bánh tráng thấy ngon, bạn đừng quên hướng chị và gửi một nụ cười tươi, hay bật ngón cái nhé.

Mặt khác, chúng tôi cảm thấy mừng thay vì hàng bánh tráng của anh chị có vẻ nhận được nhiều tình cảm và ưu ái từ mọi người xung quanh. Không một ai phiền khi anh chị không nói được. Cho dù đã quen với một thế giới đầy ắp thanh âm, nhưng chỉ riêng ở hàng bánh tráng này, họ hoà nhập cùng anh chị, tình nguyện bỏ lại giọng nói của mình mà dùng cử chỉ, dùng chữ viết để thể hiện điều họ muốn. Và rồi, trong sự lặng yên đó, người ta nghe được thanh âm đẹp đẽ nhất trên đời: tình yêu thương.

Không một ai phiền khi biết rằng những người bán không thể nói chuyện, tất cả đều vui vẻ chỉ hoặc viết order.

Nhà thơ Tố Hữu từng nói, “người yêu người sống để yêu nhau”. Yêu thương là ngôn ngữ vũ trụ, bạn biết yêu từ khi mới chào đời, chúng ta không cần học để yêu thương ai đó, cái gì đó. Chúng ta chỉ cần nhớ lại mà thôi. Và ở hàng bánh tráng lặng yên này, tôi nhớ lại điều ấy, điều quý giá đã lạc đâu đó trong cuộc sống bộn bề, vội vã chạy đua cùng thời gian. Đây có thể là hàng bánh tráng nướng yên lặng nhất Sài Gòn do không ai nói một câu gì, nhưng chắc chắn một điều là tại đây, người nào cũng có thể “nghe” và hiểu nhau theo một cách rất riêng.

Địa chỉ: 194 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh.

Giờ mở cửa: 15h – 20h.

Nguồn: KENH14.VN