Thông tin này hiện đang khiến rất nhiều tín đồ du lịch đứng ngồi không yên. Được biết đây là kết quả từ nhiều ngày tìm kiếm từ một nhóm chuyên gia đến từ Anh Quốc.
Từ năm 1990 cho đến hiện nay, Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh đã khám phá hang động ở Việt Nam và tìm ra được rất nhiều những vẻ đẹp tiềm ẩn mà bấy lâu nay không ai tiếp cận được.
Tại Quảng Bình, khu vực phát hiện nhiều hang động nhất tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã có hơn 350 hang động được khám phá và lập bản đồ. 4 hệ thống chính được khám phá tại Quảng Bình là hệ thống hang động Phong Nha (94km), hệ thống Hang Vòm (55km), hệ thống hang động Nước Moọc (23km) và hệ thống hang động Tú Làn (25km) – nằm bên ngoài khuôn viên vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Các hệ thống hang động tại Quảng Bình đều đồ sộ, ẩn chứa nhiều giá trị nghiên cứu khoa học quý giá cùng nhiều cơ hội để khám phá và thám hiểm.
Mới đây nhất, một nhóm chuyên gia lặn người Anh đã lặn xuống hồ nước trong Hang Sơn Đoòng gần hố sụt thứ nhất với sự hỗ trợ từ đơn vị lữ hành Oxalis. Chuyến khảo sát lần này đã phát hiện ra một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Với phát hiện này thì Hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối các chuyên gia hang động và các nhà khoa học. Độ sâu của Hang Sơn Đoòng tăng lên hơn 500m tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng chưa được khám phá hết.
Hành trình khám phá hang Sơn Đoòng vào tháng 3 & 4/2019 của các chuyên gia người Anh
Ngoài dòng sông ngầm bên trong Hang Sơn Đoòng thì các chuyên gia lặn hang động còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và tại độ sâu 74m các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn. Như vậy theo nhận định của các chuyên gian lặn hang động lần này thì hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha – Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng, hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 93m.
Trang thông tin của đơn vị Oxalis chia sẻ chi tiết: “Hành trình lặn trong hồ lắng đột ngột rẽ sang trái và xuống rất dốc trong một đường hầm rộng lớn. Do tầm nhìn ngắn chỉ trong khoảng 2m, nên hành trình rất khó để tiếp tục. Điểm bắt đầu của hồ được đo ở độ sâu -93m và vẫn tiếp tục sâu hơn. Các thợ lặn đã có thể xác định vị trí một mái vòm ở độ cao -60, tuy vậy mặt đáy vẫn còn ở độ sâu chưa xác định.
Dòng sông ngầm trong hang.
Các thợ lặn đều sử dụng khí nén để lặn, vì vậy, những đoạn lặn sâu hơn sẽ gây rủi ro đáng kể. Để lặn sâu hơn vào hang, họ phải cần lên kế hoạch kĩ càng, lặn xuống độ sâu tới -120m và phải sử dụng các loại khí hỗn hợp đặc biệt, có chứa không khí và heli. Lặn đến độ sâu này đã là hành trình vô cùng thách thức và sẽ yêu cầu những đoạn lặn tới 5 giờ, chủ yếu để giải nén. Ngay cả khi các thợ lặn tìm được đường và bắt đầu trở lên mặt nước, họ vẫn sẽ phải dừng lại ở một số điểm vì lý do an toàn trước khi nổi lên khám phá những đoạn hang mới.“
Lịch sử lặn của nhóm chuyên gia
– 16.03.2019: Martin Holroyd, Recce lặn từ điểm cuối của hồ lắng đến độ sâu -25m.
– 02.04.2019: Chris Jewell lặn xuống -60m nhưng không tìm được lối đi nào.
– 03.04.2019: Rick Stanton và Jason Mallinson tiếp tục khám phá, tìm kiếm lối đi để tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn hang được cho là có thể vào được và Jason đã đạt đến độ sâu -77m, là giới hạn tối đa đối với một thợ lặn khí nén.Chris Jewell tìm ra đường đi do Jason để lại và tìm ra mái vòm của đoạn hang mới ở độ sâu -61m. Do tầm nhìn kém nên họ đã không thể đo được kích thước của đoạn hang này. Phải qua sự kết hợp của mỗi lần lặn, các chuyên gia mới có thể tìm được đường đi tiếp theo.
Hình ảnh các chuyên gia trong quá trình lặn.
Kết quả khảo sát lần này đã mở ra một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 90m đồng thời mở cách cửa cho các nhà thám hiểm hang động khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất. Với những điều này, Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn sẽ là điều bí ẩn dành cho các nhà thám hiểm khám phá trong thời gian tới.
Nguồn: KENH14.VN