‘Khách du lịch đến với làng nghề truyền thống vẫn thấp’

0
160

Hà Nội cần chọn làng nghề đặc sắc nhất, đầu tư cho hạ tầng, chú trọng quản lý điểm đến, kiểm soát về an ninh, vệ sinh môi trường để hút khách du lịch.

Trong buổi tọa đàm về Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng trong thời gian qua, du lịch làng nghề đã có những bước phát triển mạnh mẽ, những thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện trong hầu hết các sách hướng dẫn du lịch trên thế giới như Bát Tràng, Vạn Phúc… Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa xứng với tiềm năng.

“Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố vẫn thấp, chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách hầu như chưa có”, ông Dũng cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch hội nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội nhận định trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình nhưng do cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, cảnh quan môi trường tại nhiều làng nghề còn ô nhiễm, khói bụi, rác thải còn xả chưa đúng nơi quy định, vấn đề nước sạch, các dịch vụ dành cho khách vẫn chưa đảm bảo nên chưa hấp dẫn được khách du lịch.

battrang2-7432-1381312047.jpg

Làng gốm Bát Tràng đã trở thành nơi hấp dẫn du khách khi đến thăm thủ đô. Ảnh: tourist

Theo ông, thực tế việc triển khai gắn điểm du lịch làng nghề trên địa bàn một số huyện mới là hình thức bởi hầu hết các làng nghề này cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu, các điểm tham quan còn rất sơ sài, nghèo nàn. Các khâu chuyên chở, đón tiếp, thuyết trình hướng dẫn, điều hành chưa tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho du khách.

“Việc thu hút khách du lịch tại các làng nghề còn mang tính tự phát manh mún không đồng bộ, các sản phẩm còn nghèo nàn về mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường”, ông Hải cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, thủ đô có nhiều làng nghề nhưng phân tán ở nhiều nơi, công nghệ sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, năng suất và chất lượng chưa cao, tính cạnh tranh sản phẩm còn thấp, phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu, mặt bằng làng nghề còn chật hẹp, bị ô nhiễm…

Để khắc phục những tình trạng trên, theo ông Ba cần ưu tiên xử lý môi trường, không để phế thải ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe, tạo ra mối liên kết giữa các loại hình du lịch với các làng nghề, giữa điểm du lịch nội thành và các tuyến huyện. Về hạ tầng ở các làng nghề phải được phong quanh sạch đẹp, có nơi tập trung để giới thiệu các sản phẩm của làng, hình thành và tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên của làng thông thạo nghề nghiệp.

Tán thành ý kiến của chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hà Nội, ông Vũ Mạnh Hải đưa ra những kiến nghị “cần quy hoạch rõ các điểm du lịch của làng nghề, từ đó có sự đầu tư đúng hướng, trọng tâm cho từng làng nghề”. Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích các nhà chuyên môn, nhà khoa học giúp bà con các làng nghề trong việc sáng tác mẫu mã sản phẩm, áp dụng khoa học, công nghệ trong xử lý nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm, nhất là tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

maytre1-1747-1381312047.jpg

Làng nghề mây tre đan Yên Trường, huyện Tam Đồng, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: nhungtrangvang

“Các cơ quan chức năng cần tăng cường quảng bá thương hiệu các làng nghề thủ đô gắn với du lịch, có chính sách đãi ngộ thích hợp cho các nghệ nhân để khuyến khích họ tham gia đào tạo, bảo tồn và phát triển làng nghề”, ông Hải cho hay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng hiện nay công tác quản lý làng nghề còn nhiều chồng chéo, bất cập, chưa có sự quan tâm sâu sát của địa phương. Các làng nghề vẫn mang tính manh mún, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu hấp dẫn và chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Chúng ta không thể đưa khách đến tất cả các làng nghề mà chúng ta có mà phải lựa chọn những làng nghề tiêu biểu đặc sắc nhất, từ đó đầu tư cho hạ tầng để kết nối du lịch, kết nối dịch vụ, chú trọng công tác quản lý điểm đến, kiểm soát về an ninh, vệ sinh môi trường”, ông Tuấn cho hay.

Lãnh đạo Tổng cục du lịch cũng hy vọng, để phát triển du lịch gắn với sự phát triển làng nghề cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để du lịch làng nghề trở thành một trong những loại hình du lịch được khách ưa thích khi ghé thăm Việt Nam.

Anh Phương

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn