Theo chuyên gia, để quản lý tình trạng loạn giá như hiện nay cần thiết có văn bản pháp lý điều chỉnh. Nếu chưa thể ban hành luật thì áp dụng kinh nghiệm như một số nước.
Trong khi nhu cầu xét nghiệm Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành đang rất lớn để chuẩn bị cho lộ trình nới lỏng bước vào trạng thái bình thường mới, việc “loạn” giá kit xét nghiệm khiến dư luận đặt nhiều nghi ngờ. Bộ Y tế đã giải thích cho tình trạng này, song các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát và siết chặt hơn trong quản lý.
Khó quản lý giá nếu không đưa vào luật
Trao đổi với Zing, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên (phụ trách lĩnh vực y tế) phân tích kit xét nghiệm là loại thiết bị y tế, giá theo cơ chế giá thị trường và được quy định trong Luật Giá. Nghĩa là Nhà nước không quản lý giá đó.
Mới đây, Bộ Y tế mới đưa ra thông tư về minh bạch giá, yêu cầu các công ty, đơn vị nhập thiết bị phải công bố giá nhập, giá bán. Song về pháp lý, Nhà nước muốn đưa giá đó xuống thấp để theo sự kiểm soát của pháp luật là rất khó.
Ông Tiên kể lại trước đây khi xây dựng Luật Dược, có ý kiến đưa một chương về quản lý trang thiết bị y tế vào luật nhưng Bộ Y tế cho rằng chưa phù hợp nên không cho vào, vì vậy giá trang thiết bị y tế (gồm kit xét nghiệm) vẫn được điều chỉnh theo Luật Giá.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên. Ảnh: Đại biểu nhân dân. |
“Như vậy, giá kit xét nghiệm không phải do Nhà nước kiểm soát, giá dao động thế nào tùy thuộc vào việc mua sắm và tuân theo các quy định đấu thầu nên việc Bộ Y tế kiểm soát giá kit xét nghiệm là khó và không đúng cơ chế”, ông Tiên phân tích. Theo ông, muốn kiểm soát phải coi kit xét nghiệm là một loại hàng hóa.
Để quản lý tình trạng loạn giá như hiện nay, ông Tiên cho rằng cần thiết có văn bản pháp lý điều chỉnh, nếu chưa thể ban hành luật thì áp dụng kinh nghiệm như một số nước, đó là Nhà nước đưa ra giá trần để các nơi mua, khống chế giá không vọt lên quá cao.
“Đã đến lúc đưa việc quản lý trang thiết bị y tế vào luật vì lượng tiền chi phí cho trang thiết bị y tế rất lớn, chiếm khoảng 30-40% cho tổng chi y tế, còn như hiện nay với thông tư về công khai minh bạch giá thiết bị cũng không quản lý triệt để được”, ông Tiên nêu quan điểm.
Là một đại biểu công tác trong ngành y tế, bà Phạm Khánh Phong Lan (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) nêu bối cảnh chống dịch hiện nay đã khác với giai đoạn trước.
“Đất nước ta còn nghèo, ngân sách còn khó khăn trong khi nhiệm vụ chống dịch là lâu dài nên có 2 vấn đề cần đặt ra. Một là có nên tiếp tục xét nghiệm tràn lan, và hai là nếu cần thiết xét nghiệm thì quản lý thế nào cho chặt chẽ”, nữ đại biểu đặt vấn đề.
Với định hướng đầu tiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc xét nghiệm để bóc tách F0 và truy vết những trường hợp liên quan chỉ phù hợp với giai đoạn đầu của dịch khi số ca mắc còn ít. Nhưng nay dịch đã lan rộng, thấm sâu cộng với chủng Delta cực kỳ dễ lây, việc xét nghiệm diện rộng không còn nhiều ý nghĩa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc xét nghiệm diện rộng không còn nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Hiếu Duy. |
“Kinh nghiệm của TP.HCM cho thấy có những trường hợp đang ‘lành lặn’ ở trong nhà thì bắt đi xét nghiệm khiến họ bị lây nhiễm ở điểm xét nghiệm. Vì thế, phải tính toán để tránh xét nghiệm tràn lan”, bà Lan dẫn chứng.
Nữ đại biểu nhấn mạnh giai đoạn hiện nay đã xác định “sống chung với dịch”, “sống chung với virus” nên việc xét nghiệm rộng không còn ý nghĩa.
Hơn nữa, nguồn lực y tế ở nhiều nơi không đáp ứng được việc này, vì thực tế nhiều người dân tự xét nghiệm bằng test nhanh ở nhà và phát hiện F0, họ gọi báo lực lượng y tế nhưng không ai đến hỗ trợ. “Xét nghiệm xong mà kết quả xét nghiệm không được sử dụng thì tại sao phải làm cho tốn kém”, đại biểu Lan đặt vấn đề.
Phải quản lý chặt chẽ về giá cả
Từ thực tế mấy tháng dịch vừa qua, bà nhận định việc xét nghiệm rộng rãi là một sự lãng phí. Chưa cần bàn chuyện giá kit xét nghiệm đúng hay sai, bà Lan cho rằng chỉ cần nhân số tiền mua kit với số lần thực hiện xét nghiệm sẽ thấy con số lớn chừng nào.
“Chúng ta là nhà nghèo, chi tiêu gì phải tính toán kỹ. Nếu số tiền mua kit xét nghiệm dành đầu tư mua vaccine, thuốc điều trị hay hoàn thiện hệ thống y tế để có cơ hội nhập máy móc, cứu chữa cho nhiều người. Còn đổ tiền vào để mua kit xét nghiệm tràn lan là đổ sông đổ biển, vung tay quá trán”, nữ đại biểu nêu quan điểm.
Với quan điểm này, bà Lan cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với việc nhiều địa phương đến nay vẫn yêu cầu người dân phải có giấy xét nghiệm âm tính mới có thể đi lại, giao thương.
Vừa qua, Hà Nội và TP.HCM cùng nhiều địa phương đã tiến hành xét nghiệm toàn dân với mong muốn bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Vấn đề thứ hai được đại biểu Phong Lan đặt ra là nếu xác định xét nghiệm quan trọng, cần thiết thì bắt buộc phải có sự quản lý, đặc biệt về giá cả để tránh loạn giá, mỗi nơi một kiểu.
Bà góp ý Bộ Y tế có thể tổng hợp tất cả nhà cung cấp, phân phối kit xét nghiệm với những thông tin giá gốc, giá chào bán ở Việt Nam, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm… để công khai lên trang của Bộ. Hoặc xác minh giá gốc của sản phẩm và công khai mức lãi cho phép khi cung cấp các sản phẩm đó để các đơn vị tự đối chiếu, điều chỉnh.
Khi trả lời về tình trạng loạn giá kit xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay giá của mặt hàng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Bộ đã yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai, cập nhật giá để người dân dễ tra cứu; đồng thời, nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ.
Các đơn vị cũng cần nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trang thiết bị y tế trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn